CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Doanh nghiệp kiệt sức

Bi quan về triển vọng kinh tế cộng với những khó khăn tồn tại kéo dài đã khiến các doanh nghiệp chán nản, có tâm lý buông xuôi, chờ ngày giải tán.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/4 đã đồng ý đề xuất của Chính phủ giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ 25% còn 20%-22% và áp dụng ngay từ ngày 1/7 nhằm góp phần hồi sức cho doanh nghiệp (DN) sau thời gian dài thoi thóp.


Doanh nghiệp kiệt sức
Công ty TNHH Thúy An ở TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau làm ăn thua lỗ, lừa đảo và bị xiết nợ, đến mức phải “dẹp tiệm”

Tốt hơn là đừng làm gì!

Theo công bố của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), DN ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Số DN và số vốn đăng ký trong quý I/2013 tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước: vốn đăng ký bình quân trong quý I chỉ đạt 5,05 tỉ đồng/DN (quý IV/2012 là 6,24 tỉ đồng/DN). Phần lớn các địa phương đều có số lượng DN đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2012. Song song đó, lượng DN ngừng hoạt động, giải thể tiếp tục gia tăng với 13.011 DN ngừng hoạt động (tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2012) và 2.272 DN đã hoàn thành các thủ tục giải thể. TPHCM dẫn đầu về số lượng DN ngừng hoạt động với 4.434 DN. Các DN gặp khó khăn phải ngừng hoạt động chủ yếu ở các TP lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và tập trung ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng…


Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương
Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) nợ ngập đầu, tìm cách gượng dậy mà chưa được

“Chán nản” là lời ta thán chung của rất nhiều DN khi được hỏi về kế hoạch sản xuất - kinh doanh trong năm nay. Ông Trương Phú Cường - Chủ tịch Hội DN Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM, Tổng Giám đốc ECI Sài Gòn - chia sẻ: DN thật sự nản lòng vì phải chống chọi với quá nhiều thách thức.

Khó khăn của DN hiện nay không chỉ là bất động sản đóng băng, các vấn đề tồn kho, lạm thu thuế, lãi suất cao và khó tiếp cận tín dụng… mà còn là niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường thấp, hy vọng của DN vào môi trường kinh doanh giảm sút. “Tiếp xúc với tôi, nhiều chủ DN lớn có thương hiệu tốt, doanh thu tốt, quản trị rất tốt cho biết không muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh gì nữa trong thời điểm hiện tại; thay vào đó, đem tiền gửi ngân hàng lấy lãi hoặc ở không cho “nhẹ đầu” vì nếu bung ra làm ăn trong tình hình này có thể lỗ cả chục tỉ đồng. Tâm lý này ngày càng lan rộng và rất nguy hiểm” - ông Trương Phú Cường nói.

Một cổ quá nhiều tròng

Tình trạng DN ngày càng thu hẹp sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề, hình thức kinh doanh do sức mua sụt giảm đã xuất hiện từ hơn cả năm nay và ngày càng trầm trọng. Chẳng hạn, tại huyện Hóc Môn - TPHCM trước đây có khoảng 100 DN hoạt động thì nay chỉ còn 60 nhưng đa số lay lất, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thủ công mỹ nghệ.

Trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng và thực phẩm, DN không chỉ chịu sức ép về vốn, lãi suất, thị trường tiêu thụ, chi phí đầu vào tăng mà còn gồng gánh các khoản phí, chiết khấu vô lý. Ông Huỳnh Văn Hải, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất Thực phẩm Công nghệ Bảo Long, cho biết công ty đang rất khổ sở vì những đòi hỏi thái quá từ một nhà bán lẻ nước ngoài.

Cụ thể, theo hợp đồng phân phối năm 2013, nhà bán lẻ này đòi tăng chiết khấu lên hơn 30% (trước nay là 30%), phí vận chuyển tăng lên 7% (trước nay 3%), yêu cầu giảm định mức doanh số thưởng doanh thu (trước siêu thị bán hàng đạt doanh thu 2-3 tỉ đồng mới được thưởng, nay đòi thưởng khi chỉ đạt doanh thu bằng 1/2 số đó) và bắt buộc DN phải tham gia khuyến mãi mỗi khi siêu thị có yêu cầu.

Ngoài ra, DN còn phải cắn răng để nhà bán lẻ chiếm dụng vốn vì thời hạn thanh toán hợp đồng bị đẩy lên 45-60 ngày thay vì 30 ngày như trước. “Một cổ quá nhiều tròng, không sức nào chịu nổi, DN nào không đài đương được thì chấp nhận mất thị trường, đồng nghĩa với thu hẹp sản xuất” - ông Huỳnh Văn Hải bức xúc.  
Tan rã

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt DN nhìn thấy trước tương lai không sáng sủa và tự lên kế hoạch thua lỗ trong năm 2013, công khai dự báo lỗ vài tỉ đến vài chục tỉ đồng do tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, thị trường và môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng.

Không còn sức chống chọi với tình trạng sụt giảm kéo dài, nhiều DN phải giảm diện tích thuê văn phòng, cùng chia sẻ mặt bằng, chuyển văn phòng ra khỏi trung tâm TP, cắt giảm nhân sự, thậm chí nợ lương nhân viên. Điển hình là một tập đoàn bất động sản tên tuổi ở TPHCM đã phải “muối mặt” nợ lương nhân viên, nợ tiền khách hàng và sống chung với cảnh khách hàng đến đòi nợ như cơm bữa.

Hay như Công ty S.V (chuyên nhập khẩu và phân phối bánh kẹo, thực phẩm từ Singapore) sau thời gian dài cạnh tranh về giá không lại hàng cùng chủng loại sản xuất trong nước, hàng nhập về bán không chạy và làm mọi cách như tổ chức bán hàng tại các chợ, thưởng Tết nhân viên bằng hàng tồn kho, cắt giảm tiền xăng của nhân viên bán hàng, nợ lương gối đầu (đến hết tháng 3 mới trả lương tháng 2)…, ban giám đốc và nhân viên công ty này đành bất lực đường ai nấy đi.

Khối FDI cũng bi quan

Dù được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, mặt bằng, thủ tục đầu tư và phát triển sản xuất - kinh doanh nhưng các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng rất bi quan về triển vọng kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy chưa bao giờ niềm tin và hiệu quả kinh doanh xuống thấp như hiện nay: Chỉ có 33% trong tổng số 1.540 DN FDI được khảo sát cho biết có dự định mở rộng hoạt động trong 2 năm tới. So với năm 2011, số DN dự định mở rộng kinh doanh đã giảm 13% và giảm đến 36% so với năm 2010. Số DN FDI báo cáo có lãi cũng giảm còn 60%, trong khi năm 2011 là 74% và năm 2010 là 70%. Số DN báo lỗ tăng lên 28% (năm 2011 là 20%). Số DN quyết định tăng vốn đầu tư cũng giảm mạnh, chỉ còn 5,1% trong khi năm 2011 là 28% và năm 2010 là 37%.

Theo Thanh Nhân
NLĐ



Copy từ: Dân Trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét