Thực ra cái chuyện tiêm chích mấy con vi rút vào người không có gì mới lạ, thậm chí có thể ví nó xưa như cổ tích. Hồi cụ thể thì tôi chả rõ nhưng lứa chúng tôi sinh giữa thập niên 50 thế kỷ trước, lúc cởi trần tắm kênh hoặc đi đánh dậm nhìn cánh tay đứa nào cũng có vết sẹo nhỏ bằng hạt đỗ, dấu tích của chủng ngừa bệnh đậu mùa, gọi nôm na là chủng đậu. Về nhà hỏi kỹ anh chị lớn hơn, sinh vào thập niên 40, té ra ai cũng có vết chủng đậu ấy. Vậy ít nhất từ thời mồ ma thực dân Pháp dân An Nam đã được chích ngừa. Không phải là tiêm vắc xin hiện đại như bây giờ đâu, chỉ thấy cô y tá lấy miếng sắt nhọn nhọn giống cái ngòi bút lá tre, thấm con vi trùng đậu mùa, bảo mình quay mặt đi, cô ấy rạch nhéo một phát vào cánh tay. Xong, bôi tí cồn. Chỉ để lại vết sẹo. Nghe người nhớn dọa rằng họ cấy con vi trùng đậu mùa vào cơ thể chúng mày đấy, đứa nào cũng trợn tròn mắt lắc đầu lè lưỡi sợ. Về nhà lo lắng hỏi, thày mẹ trấn an giải thích rằng mấy con vi trùng đó yếu rồi, vào cơ thể không quậy phá gì được đâu, chỉ có tác dụng để con người mình tập luyện cho quen, sau này con đậu mùa nào mạnh hơn xâm nhập vào thì hệ miễn dịch đánh sẽ quen tay, đỡ bị bỡ ngỡ. Đại loại thế, giống bọn trẻ con tập đánh trận giả, lúc nhớn đi bộ đội đánh Mỹ Diệm sẽ hăng lắm.
Cuộc sống càng ngày càng hiện đại, cách chủng ngừa càng tối
tân và nhẹ nhàng hơn so với trước. Không cần phải nhắm mắt, quay mặt, còn cô y
tá vừa cười vừa dí mũi tiêm vào tay đứa bé, chớp mắt đã xong. Chả lưu vết sẹo
nào. Nhà nước gọi đó là tiêm chúng mở rộng, ngừa bằng vắc xin. Nhưng khổ nỗi,
theo đà đời sống phát triển thì bệnh cũng phát sinh nhiều hơn. Hồi xưa chỉ chủng
đậu (mùa) để khỏi bị rỗ mặt, nay thì lao, uốn ván, ho gà, bạch hầu, sởi, bại liệt,
rubella, quai bị, viêm gan, hết siêu vi A lại đến siêu vi B, C, loạn cả lên. Trẻ
con mới chào đời chưa kịp cất tiếng khóc đã bị lôi ra tiêm tiêm chích chích.
Nhà nước khuyến cáo đó là vì tương lai giống nòi. Dạo ban đầu, các cháu cứ đến
độ tuổi, đến ngày hẹn là đưa tới phường tới xã, tới phòng y tế chích vắc xin,
miễn phí hoàn toàn. Hai đứa con tôi, một đứa sinh thập niên 80, một đầu thập
niên 90 được chích đủ thứ mà chẳng mất đồng nào. Sau này tự dưng họ thu tiền,
có những mũi mấy trăm ngàn đồng, tôi chả hiểu ra làm sao.
Tiêm vắc xin, nói ngắn gọn và giản dị, để vì sức khỏe, vì sự
sống. Mạng người quý nhất, nên phải phòng ngừa cái chết, ngừa bệnh tật ngay từ
đầu. Chích để sống chứ không phải để chết. Không cho phép sai số, không cho thử
nghiệm trên tính mạng con người. Cái mục đích cao quý của chương trình tiêm chủng
xét về lý thuyết là vậy, nhưng quá trình thực hiện lại đầy bất trắc. Chỉ một mạng
trẻ em ra đi đã khiến cộng đồng “một mất mười ngờ” chứ đâu lại cả chùm cả đám
cháu nhỏ tử vong đau xót thế. Đừng nên trách tại sao nhiều bậc cha mẹ quay lưng
với việc tiêm vắc xin. Trong nỗi phân vân nghi ngờ ngày càng dữ dội, thà chọn
phương án ít xấu nhất trong những phương án xấu. Không tiêm có thể không chết,
chứ tiêm ai dám đảm bảo con họ sẽ không như 3 cháu bé sơ sinh tội nghiệp ở Quảng
Trị kia. Những nhà làm chính sách có hiểu được nỗi lòng dân chúng. Đứa con dứt
ruột đẻ ra tại sao lại chết sau khi tiêm vắc xin mà không phải lúc khác? Họ có
quyền nghi ngờ, phản đối, dù họ biết chính mình cũng phải chịu thiệt thòi. Tại
sao những người như bà bộ trưởng y tế không nghĩ rằng người dân có cái lý của họ,
không nghĩ rằng chính bộ máy của mình, con người của mình có vấn đề.
Tôi xin chỉ ra ngay, một vấn đề thôi, liên quan đến vắc xin.
Dạo tháng 5 xôn xao dư luận vụ vắc xin Quinvaxem gây chết người. Lãnh đạo bộ Y
tế điều tra tới điều tra lui, cuối cùng căn cứ vào một văn bản của tổ chức Y tế
thế giới (WHO) bảo rằng Quinvaxem vẫn an toàn, cứ tiêm. Có người thắc mắc tại
sao chính nước sản xuất Quinvaxem là Hàn Quốc lại không dùng, còn ta vẫn rước về,
ông Nguyễn Trần Hiển viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) giải
thích vì ta thiếu tiền, không kham nổi loại đắt, phải mua Quinvaxem cho nó rẻ.
Hỡi ôi. Thương thay mạng người xứ mình trong tay những người làm chính sách và
thực thi chính sách do họ ban hành. Tôi nhẩm tính ở nước ta mỗi năm có vài triệu
trẻ em chào đời, số tiền mua vắc xin, nếu chọn loại xịn nhất cũng chỉ bằng số lẻ
thất thoát của vụ Vinashin, thậm chí chưa bằng một phần giá mua con tàu Hoa Sen
60 triệu euro nay đang để mục nát từng ngày. Mỗi năm nhà nước bỏ ra không biết
bao nhiêu nghìn tỉ, vạn tỉ đồng xây nhà cửa công sở hoành tráng, mua sắm ô tô đắt
tiền, thứ này thứ nọ xa xỉ trang bị cho cán bộ rất lãng phí, nhưng vắc xin đảm
bảo mạng người lại tính chi li từng tí, lấy rẻ làm đầu. Tôi băn khoăn tự hỏi có
thật mạng người xứ mình rẻ đến thế không?
Viết đến đây, tôi nhớ lại câu nói nửa đùa nửa thật của đứa
cháu: Các ông bà ấy tham rẻ, mua của nợ chết người về, để các ông bà ấy tiêm
cho con cháu họ, còn con vàng con bạc của cháu, chẳng tiêm thì đừng.
28.7.2013
Nguyễn Thông
Copy từ: Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét