CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Bộ trưởng Thăng, Tiến chính là ’Công bộc Nhân dân’


(Trái hay Phải) - Có lẽ từ rất lâu rồi, người Việt đã quen với suy nghĩ 'một người làm quan cả họ được nhờ', trong gia đình có người làm lãnh đạo, chức vụ càng cao thì tiền tài, bổng lộc tha hồ hưởng.
Tuy nhiên dường như mọi người đang chỉ thấy được phần nổi của tảng băng chìm, chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà không biết đến những khó khăn rất lớn. 
 
Có một thực tế ở Việt Nam, làm lãnh đạo là một nghề vô cùng khó. Lãnh đạo là công bộc của nhân dân, không những phải suốt ngày đau đáu suy nghĩ làm sao để ban hành những chính sách, quy định phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội, cải thiện đời sống người dân mà còn cần biết kết hợp hài hòa ích nước lợi nhà. Và điều này không khác nào làm dâu trăm họ bởi để có thể vừa lòng cấp trên, yên lòng cấp dưới lại vừa tốt cho bản thân và gia đình đâu phải là chuyện dễ dàng.
 
Chính vì vậy, một ngày đẹp trời, khi người dân 'soi' vào hệ thống thi đua khen thưởng của Việt Nam, bỗng giật mình nhận thấy một thiếu sót quá lớn là không có một danh hiệu vinh danh những công bộc xuất sắc của nhân dân. Vì vậy mà danh hiệu "Công bộc Nhân dân" nên có mặt ở Việt Nam càng sớm càng tốt.
 
Vấn đề là chúng ta có thể xét những tiêu chí nào để trao danh hiệu này? Trao cho những người làm nhiều hay nói nhiều?
 
Có lẽ, mọi người sẽ nghĩ ngay rằng như việc bình chọn các danh hiệu khác, chúng ta sẽ chọn ngay tiêu chí làm nhiều, đạt hiệu quả công việc cao để có thể xét chọn những cá nhân tiêu biểu. Tuy nhiên, khác với những ngành nghề khác trong xã hội, nghề lãnh đạo có tính đặc thù riêng, bởi họ không phải là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, như người ta vẫn hay nói 'một người lo bằng kho người làm' nên sẽ rất khó khăn.
 
Hơn nữa, tiêu chí làm nhiều cũng chưa hợp lý bởi giả sử có trường hợp lãnh đạo rất chăm chỉ, thường xuyên ra chỉ đạo, ban hành các quyết sách chiến lược, vấn đề là càng ra càng rối, càng ban hành càng không phù hợp, gây khó khăn cho người dân. Như vậy thì không thể xét lãnh đạo vì dân mà chỉ có thể đưa vào danh sách 'Công bộc làm khó dân'.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xứng đáng là Công bộc nhân dân với những phẩm chất nói là làm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng xứng đáng là Công bộc nhân dân với những phẩm chất nói là làm.
 
Bởi vậy có lẽ nên chọn theo tiêu chí nói nhiều và hứa nhiều. Lãnh đạo nói nhiều thì tất nhiên là phát biểu nhiều, nói nhiều khắc được cả nước biết đến, cả nước nghe, hứa nhiều lại còn khiến cả nước yên tâm, quả thật là hình mẫu tiêu biểu cho một lãnh đạo tốt ở nước ta hiện nay.
 
Và với hai tiêu chí nổi bật ấy có lẽ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng hoàn toàn xứng đáng đoạt danh hiệu Công bộc nhân dân.
 
Người dân từ xưa đến nay vẫn quen với việc các vị quan chức "hứa thật nhiều, thất hứa thì cũng thật nhiều" và thậm chí, xem chuyện thất hứa là chuyện thường ngày ở huyện. Vì vậy sự xuất hiện của Bộ trưởng Đinh La Thăng với những phát ngôn đanh thép và hành động kiên quyết dường như đã tạo nên một cơn gió lạ trong giới lãnh đạo cũng như thu hút sự quan tâm chú ý từ phía người dân.
 
Công trình chậm tiến độ, bộ trưởng sẵn sàng trảm tướng, công trình thi công nhanh, bộ trưởng không tiếc kinh phí hứa thưởng, nhân viên buông lỏng quản lý có thể ngay lập tức đề xuất cách chức... Một lãnh đạo ngành quyết liệt với những lời phát biểu hùng hồn như" "Là tư lệnh ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được quyết định chiến đấu, tiến hay lùi" quả thật vô cùng xứng đáng với được tôn vinh là 'Công bộc nhân dân'.
 
Còn bộ trưởng Tiến xứng đáng với danh hiệu này bởi sự giàu cảm xúc và những lời hứa hẹn vì một ngành y tốt đẹp vô cùng cho người dân Việt không còn tình trạng quá tải, xếp hàng khám chữa bệnh. Và bộ trưởng Tiến cũng được đánh giá là lãnh đạo ngành bày tỏ cảm xúc nhiều nhất.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
 
Này nhé, tại phiên giải trình Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 17/4, trước tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trung ương, Bộ trưởng Tiến đã phải đau lòng mà thốt lên rằng: “Đến thăm là thấy khổ tâm, bệnh viện như trại tị nạn”.
 
Còn nhớ, trong chuyến thị sát Bệnh viện Ung bướu TP.HCM hồi tháng 11/2012, đau lòng trước cảnh quá tải, Bộ trưởng Tiến đã thúc giục lãnh đạo thành phố này đẩy nhanh đầu tư cải thiện cơ sở vật chất khám, chữa bệnh của bệnh viện.
 
“Các anh phải làm nhanh lên. Tiền có rồi, để lâu sốt ruột quá. Tôi thấy nhà hàng, trung tâm thương mại, cầu, đường cao tốc được xây dựng mới rất hiện đại mà để một bệnh viện thế này, rất tội bệnh nhân”, Bộ trưởng Tiến nói với lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM.
 
Những lãnh đạo ngành như Bộ trưởng Tiến, Bộ trưởng Thăng quả thật xứng đáng là lãnh đạo của dân, những 'Công bộc nhân dân'.
  • Trang Hoàng


Copy từ: Phụ Nữ Today

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét