CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Hai động tác của Obama

Đó là hai động tác trong cuộc gặp ở Nhà Trắng mà nếu là Chủ tịch Trương Tấn Sang, tôi sẽ thấy ít nhiều bị xúc phạm.


 


Ở phút thứ 12:15, trong khi ông Chủ tịch Việt Nam đang phát biểu thì ông Tổng thống Hoa Kì điềm nhiên thò tay vào túi áo vét, lấy một mảnh giấy ra nghiên cứu. Trong 20 giây đồng hồ tiếp theo, Obama bỏ mặc vị khách của mình để “tranh thủ làm việc riêng”, ngay cả khi ông Trương Tấn Sang đã dứt lời và người phiên dịch đã bắt đầu phần mình. Chỉ thiếu điều ngài Tổng thống rút điện thoại ra tranh thủ nhắn tin cho vợ.

 


Ở phút thứ 15:43, ngài Tổng thống duỗi mạnh tay trái để cổ tay áo vét co lên, mặt đồng hồ ở cổ tay áo sơ-mi hiện ra, và kín đáo một cách lộ liễu liếc đồng hồ, nếu không muốn nói là trong một phần mười giây ông đã giơ đồng hồ vào mặt Chủ tịch Sang. Obama là người hoàn hảo trong các thủ tục về trang phục. Ông thừa biết rằng để cổ tay áo sơ mi thò ra ngoài cổ tay áo vét quá 2 phân là hỏng. Song ở đây ông cho nó thò hẳn ra cả mươi phân, bất cần lịch lãm, để làm nhiệm vụ rung chuông báo hết giờ. Trong thời gian biểu ngày 25-7 của Obama, phần dành cho vị nguyên thủ quốc gia từ Việt Nam quả thật rất khiêm tốn.

Ngoại giao, theo nhà văn Ý Giovanni Guareschi, là nghệ thuật nói những điều mình không nghĩ. Tôi thường thán phục những nhà bình luận chính trị, họ chẻ nhỏ, săm soi và lắp ghép từng lời đầu môi chót lưỡi của giới chính khách dưới kính hiển vi để dự báo những điều không thể dự báo. Tất nhiên tôi rất mừng vì quan hệ Việt-Mỹ đã được đẩy lên một tầm cao mới. Song sự trọng vọng của phía Mỹ với đối tác Việt ở tầm cao mới như thế nào, hai động tác nêu trên của Obama đã gửi đi một thông điệp không che giấu. Còn đâu là những động tác giả, đâu là những động tác thật, đó lại là công việc không đáng ghen tị của các nhà bình luận mà tôi thán phục.
Nhưng người đáng thán phục nhất là ông Trương Tấn Sang. Hoặc ông không để ý đến hai động tác này. Hoặc có để ý, nhưng không bận tâm. Hoặc có bận tâm nhưng không tỏ thái độ. Rút cuộc thì chuyến công du của ông không được phép sứt mẻ chỉ vì một sự nhạy cảm thái quá.
© 2013 pro&contra



Copy từ: Phạm Thị Hoài


  Comment phản biện của Hà Lê tại trang Ba Sàm:

Ha Le says:
Những nhận xét của chị Phạm Thị Hoài trong bài Hai động tác của Obama, thú thiệt, tôi thấy là… quá đáng.

Ngay từ ngày hôm trước cuộc gặp, BBC đã để ý đến lịch làm việc của TT Obama và đã đăng lên cho mọi người rõ: toàn bộ cuộc gặp CT T.T.Sang và cuộc họp báo tiếp theo sau chỉ vỏn vẹn trong 1 tiếng rưỡi. Cuộc gặp bắt đầu từ 10g sáng, và đúng 11g30 ông Obama sẽ phải xong mọi thứ để sẵn sàng bay ngay đến bang khác vì công vụ (bang Florida nếu tôi nhớ không nhầm. Tôi tiếc chưa có giờ tìm lại link BBC này).

Xem đoạn clip dài gần 20 phút mà chị Hoài dẫn lại trong bài của chị, tôi thấy thời gian đã chia đều cho hai vị nguyên thủ: ông Obama phát biểu 9 phút (kể cả phần thông dịch) ông T.T.Sang cũng có thời gian tương đương, cũng 9 phút. Những người từng tham dự các hội nghị quốc tế cỡ như hai bác nguyên thủ này (và kể cả các thông dịch viên của hai bác) thì chắc chắn hiểu rằng khoảng thời gian mà ban tổ chức dành cho mỗi một phát biểu là đã tính sát nút rồi, không dư không thiếu một giây, phần của mình là tận dụng đúng khoảng thời gian đó để trình bày súc tích những gì mình muốn trình bày. 

Trong một hội nghị quốc tế, nếu một diễn giả cao hứng tràng giang đại hải quá thời gian được sắp đặt cho mình thì tôi tin là Ban tổ chức họ sẽ cúp thẳng mặt, không nể nang gì sất, chẳng cần phải kín đáo giơ chiếc đồng hồ ra làm hiệu. Người Mỹ thì họ càng thẳng thừng hơn nữa trong những vụ như thế này vì đối với họ việc tôn trọng giờ giấc của nhau (nhất là của một số đông người) là “luật chơi”, là phép lịch sự và văn minh tối thiểu rồi, làm trật đi là họ phản ứng thẳng liền. 

Xét những điều trên, tôi nghĩ không hề có chuyện ông Obama cố tình vén đồng hồ lên như một cách ngầm tỏ cho thấy ông coi thường những gì ông T.T.Sang nói hoặc coi thường chính bản thân ông T.T.Sang. Theo tôi, cái lối suy diễn như vậy chỉ có… dân Á Đông mình mới nghĩ ra, và tôi ngạc nhiên sao một người hiểu biết như chị Hoài lại có thể suy diễn như thế. 

Buổi họp báo thực chất là buổi “báo cáo” của từng người trong hai ông với công luận, chứ không phải là buổi hai ông nói chuyện với nhau. Trong lúc ông Obama chủ nhà báo cáo trước thì ông Sang có quyền “nghe nửa tai” thôi và có quyền ngó quanh quan sát phòng hội, cười cười chút với ống kính phóng viên, sửa lại thế ngồi, kéo lại tà áo vét… vân vân. Chả ai trách được ông Sang là khiếm nhã và bất lịch sự vì có phải ông Obama đang nói với ông đâu? 

Rồi ngược lại cũng thế, đến phiên ông Sang báo cáo với truyền thông thì chả ai bắt ông Obama phải chăm chú ngồi nghe từng lời cả, vì chẳng phải việc của ông, và vì chưa cần nghe thì ông cũng đoán được ông Sang báo cáo ra sao rồi. Trong trường hợp này, ông Obama ráng làm điệu bộ ngồi nghiêm chỉnh nghe ông Sang chăm chú, nghe không chớp mắt… thì mới là… khùng! Obama có quyền lấy tờ giấy con trong túi áo vét ra, check lại chút những ghi chú quan trọng cho ngày làm việc của mình. Ông có quyền coi đồng hồ và nhẩm xem ông còn bao nhiêu phút trước khi lên máy bay cho chuyến công vụ khác đang chờ ông trước mặt. Ai trách ông được nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét