CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Xin cứu BĐS “khôn lỏi” dễ nghe hơn “lời trái tai” Alan

Chuyện nói thẳng “để chúng chết đi” của ông Alan Phan khiến các DN đang cố gắng cứu vớt lợi ích nổi giận, bởi thời gian qua người ta dường như đã quen tai với những kiến nghị “khôn lỏi” nhằm bảo vệ lợi ích của các DN này.
Tháng 2, trong văn bản kiến nghị gửi lên Chính phủ nhằm gỡ khó cho các DN BĐS, Hiệp hội BĐS TP.HCM muốn “Cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất đối với lĩnh vực bất động sản phải được áp dụng như với lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng trong thời gian qua”.
Và “cần có một định chế riêng cho vay bất động sản; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, vốn góp của các tổ chức tài chính khác… để phát triển thị trường bất động sản bền vững”, tổ chức này thể hiện mong muốn.
Ngay Bộ Xây dựng cũng kiến nghị cần có gói hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp bằng khoảng 2/3 lãi suất huy động dành riêng cho các dự  án nhà ở xã hội và đề nghị ngân hàng coi đây là gói kích cầu cho người mua nhà vay và cho các dự án có người mua rồi nhưng thiếu tiền đầu tư tiếp để bàn giao.
Về bản chất, việc cho người mua vay tiền lãi suất thấp là: Cho vay lãi suất thấp thì ngân sách phải gánh khoản tiền này, người mua nhà không được giảm giá. Chủ đầu tư không cần giảm giá bán.
Chưa hết, với đề xuất của Bộ Xây dựng “cho các dự án có người mua rồi nhưng thiếu tiền đầu tư tiếp để bàn giao”, những ai góp vốn mua nhà đều biết, chủ đầu tư luôn nắm đằng chuôi, thu tiền bán nhà theo tiến độ, phần nhiều là thu vượt tiến độ. Nên nếu dự án đã có khách mua, mà chủ dự án không có chuyện chủ dự án lấy tiền chỗ này đi đầu tư thứ khác thì họ không khó khăn đến mức phải đi cầu cạnh ngân hàng.
Thị trường còn vắng vẻ tiêu điều, tranh cãi sẽ còn nhiều. Ảnh: Nguyễn Hiếu
Đầu năm 2013, Hiệp hội BĐS Việt Nam (Vnrea) công bố một báo cáo đầy ảm đạm về thực trạng thị trường BĐS  nhằm kiến nghị Chính phủ nhanh chóng triển khai các biện pháp “cứu” ngay thị trường trong quý 1.
Vnrea cho rằng, giá bất động sản hiện đang ở ngưỡng thấp hơn suất đầu tư, tức là rẻ hơn giá thành.
Và để cứu các DN thành viên, Vnrea kiến nghị, lãi suất cho vay cần tiếp tục giảm về 8-10%/năm, vì tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp BĐS hiện nay rất thấp.
Hiệp hội này đề xuất Chính phủ, Bộ Xây dựng sửa đổi quy định cho phép huy động vốn khi chưa xong móng đối với công trình căn hộ để bán, cho phép chủ đầu tư được huy động vốn ứng trước của khách hàng từ giai đoạn giải phóng mặt bằng.
Hiệp hội này còn kiến nghị: “cho phép mua lại các công trình dở dang của doanh nghiệp để làm trụ sở các Bộ, ngành”.
Khi đã vét sạch túi khách giàu trong nước, đầu ra bế tắc, các DN BĐS quay sang xin xỏ được hỗ trợ phá băng bằng cách xin nới chính sách để tiếp tục bán nhà đất cho người giàu ngoài nước. Tại buổi làm việc của Thủ tướng, Thống đốc NHNN với TP.HCM về tìm giải pháp cho BĐS, các DN BĐS tại đây đã đề nghị “nới chính sách để bán nhà đất dự án cho Việt kiều mua nhà”.
Yêu cầu giảm giá để bán cho người có nhu cầu thực sự mới là quy luật thị trường, nhưng các nhà đầu tư lại không muốn vậy, muốn giữ nguyên lợi nhuận và hướng đến đối tượng khách hàng khác bằng cách tiếp tục xin chính sách ưu đãi, xin cứu.
Trong hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng hiện tại ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước vẫn có ý chờ đợi xem doanh nghiệp bất động sản có giảm giá nữa hay không, doanh nghiệp thì chờ đợi Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn, trong khi người dân chờ lãi suất ưu tiên hơn nữa và doanh nghiệp giảm giá hơn nữa. “Tất cả vẫn đang chờ đợi, nhìn nhau xem ai bước trước, ai bước dài hơn”. “Không nên tính toán cho riêng mình nhiều quá, ai cũng muốn an toàn tối đa thì ai chịu rủi ro?”, ông Phạm Quang Nghị hỏi thẳng.
Câu chuyện sục sôi trên các diễn đàn sau khi TS Alan Phan thẳng miệng phán “để chúng chết đi” khiến các DN BĐS không thể ngồi yên. Dù phía sau những tranh luận, phản biện đó là gì, nhân danh ai, dù rằng cả 2 phía đều nhắc đến lợi ích của người dân có nhu cầu nhà ở, thì điều hiển hiện rõ ràng nhất là một bên “nổi giận” để bảo vệ bản thân và túi tiền đang nguy cơ rơi rụng hết, một bên lỡ động chạm đến các chủ thể nắm lợi ích khổng lồ đó.
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương, hiện tồn kho khoảng 42.230 căn nhà ở; văn phòng cho thuê tồn kho 92.800 m2sàn, trung tâm thương mại 98.407 m2sàn, đất nền nhà ở xấp xỉ 792,2 ha, đất thương mại khác hơn 195,1 ha. Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn tồn đọng trong BĐS còn lớn hơn nhiều so với số liệu trong báo cáo do nhiều DA chưa báo cáo, nhiều nhà chung cư còn đang xây dựng dở dang, nhiều DA đã giải phóng mặt bằng, hoặc các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng…
Hương Giang




Copy từ:  Góc nhìn Alan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét