CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

10 năm cải cách hành chính coi như thất bại!

(ĐVO) – Hà Nội bị tụt 15 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh và để soạn một bức thư cảm ơn, công chức Hà Nội phải mất tới 29 ngày… Tất cả điều này đang ‘tố’ chất lượng công chức Hà Nội yếu và thiếu chuyên nghiệp.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia: ‘Chúng ta đang nỗ lực cải cách hành chính nhưng kết quả của 10 năm qua coi như thất bại và công cuộc đào tạo, cải cách chất lượng công chức đang bị lệch mục tiêu’.

Mất 29 ngày để soạn 1 công văn cảm ơn?
Tại hội nghị giao ban giữa lãnh đạo Hà Nội với các sở ngành, quận huyện tuần qua về công tác cải cách hành chính và mổ xẻ chuyện Hà Nội tụt 15 bậc về chỉ số năng lực cạnh tranh câu chuyện mà chính ông Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị kể lại đã chứng minh một thực tế đau lòng: chất lượng đội ngũ công chức đang đi xuống thê thảm hay họ đang vô trách nhiệm quá mức?!.
Ông Phạm Quang Nghị kể câu chuyện điển hình của sự ì ạch, thiếu trách nhiệm với công việc, đó là để thảo một lá thư cảm ơn nước bạn Lào nhưng hai cơ quan là Văn phòng UBND TP và Sở Ngoại vụ phải làm suốt... 29 ngày mới xong!
Ông Nghị kể: Kỷ niệm Quốc khánh và là năm chẵn về mối quan hệ với nước bạn Lào, thủ đô Vientiane gửi cho tôi một bức thư. Mình cũng phải gửi thư lại cảm ơn, nhưng việc chuẩn bị thư cảm ơn đến tay tôi chỉ kém một ngày nữa là tròn một tháng. Việc tham mưu không chủ động cảm ơn người ta trước đã là lỗi, mà chỉ mỗi lá thư thôi nhưng Sở Ngoại vụ làm chậm 8 ngày, sang Văn phòng UBND TP làm chậm thêm 22 ngày, thế thì còn cảm ơn gì nữa?!
Công cuộc cải cách hành chính 10 năm qua được xem là: thất bại!
Công cuộc cải cách hành chính 10 năm qua được xem là: thất bại!
Câu chuyện mà ông Nghị kể chỉ là một trong số vô vàn ví dụ chưa được nêu ra ở đây để chứng minh cho cái gọi là ‘thiếu chuyên nghiệp’ và ‘vô trách nhiệm’.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, nếu chỉ để soạn một bức thư cảm ơn mà mất tới 29 ngày thì cần phải xem lại ở tất cả các khâu. Tuy nhiên điều này một mặt cũng thể hiện vấn đề năng lực kỹ năng giải quyết quá yếu. Nếu không nâng cao chất lượng sẽ không đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính.

Từng là trưởng ban chấm thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri cho biết: hiểu quá rõ về chất lượng đội ngũ công chức hiện nay. ‘Khi chấm thi, hỏi vấn đáp tôi thấy rất rõ chất lượng đội ngũ cán bộ công chức như thế nào và kiến thức họ ra sao’, TS Nguyễn Hữu Tri nói.
TS Tri còn nêu một thực tế, tình trạng bộ máy của chúng ta cứ thấp dần đều. Lý do là vì tâm lý một ông trưởng phòng sẽ không bao giờ chọn một ông phó giỏi hơn mình. Tương tự, ông phó phòng lại chọn người dưới quyền kém hơn mình nữa. Như vậy nếu lên sơ đồ thì sẽ thấy chất lượng cứ giảm dần. ‘Cứ tình trạng này thì chỉ số năng lực cạnh tranh tụt còn là nhẹ’, TS Tri thẳng thắn.

Cải cách hành chính: Chất lượng... xấu dần đều?
Trong suốt 10 năm qua, mọi nỗ lực được tập trung để cái cách hành chính, cải cách bộ máy nhằm tạo ra một môi trường làm việc tốt song giới chuyên môn cho rằng:10 năm cải cách vừa rồi coi như là thất bại. Nếu không rút kinh nghiệm với cách tư duy khác sẽ ngày càng tốn kém lãng phí.
GS Tri cho rằng, phải đi vào chuyên môn hóa mới đào tạo được đội ngũ công chức. Muốn hài lòng về đội ngũ công chức phải chuyên môn hóa nghề nghiệp của họ, các thao tác phải rất chuẩn, nhanh, không mất thì giờ. Để làm được như vậy phải đào tạo đội ngũ công chức theo cách khác chứ không phải đào tạo chính trị trong tỷ lệ lương ngạch như hiện nay.
‘Đạo tạo công chức hiện nay đang bị lệch mục tiêu vì chạy theo giáo dục cử nhân cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Đây là đào tạo của giáo dục quốc dân chứ không phải của công chức. Nếu đúng đào tạo công chức phải đạo tạo theo vị trí bố trí việc làm của họ. Không nên để tình trạng vào công chức rồi lấy tiền thuế của dân đi học thạc sĩ, tiến sĩ để rồi ngay chính nghiệp vụ chuyên môn lại không hoàn thành’, ông Tri nói.
Trên thực tế những cán bộ được tuyển vào công chức nhà nước tức là phải qua các trường đại học rồi. ‘Đã là cử nhân thì không có lý gì lại lấy tiền của nhà nước đi học. Thế nhưng hiện điều này đang trở thành phong trào, lãng phí, tốn kém mà không đáp ứng được công tác cải cách hành chính’ TS Tri bày tỏ.
Giới chuyên môn đều thừa nhận, câu chuyện mà ông Phạm Quang Nghị bức xúc nêu ra chỉ như ‘giọt nước’ tràn ly mà ông trót nói ra. Vấn đề cải cách hành chính nếu thực sự muốn làm sẽ là cải cách cả bộ máy và cần sự quyết tâm, nhập cuộc thực sự chứ không thể làm theo kiểu ‘đánh trống, bỏ dùi’. Cuối cùng tiền vẫn mất mà bệnh ‘ì’ sẽ ngày càng nặng hơn.
Bích Ngọc


Copy từ: Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét