CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Cứu bất động sản: Thứ trưởng và Nguyên thứ trưởng cãi nhau

Thứ trưởng và Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng ngược chiều

(ĐVO) - Nói về việc cứu thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng không thể để bất động sản rơi tự do hay tự phát triển. Ngược lại TS Phạm Sĩ Liêm lại khẳng khái: ‘Tôi không tán thành việc cứu giúp các nhà kinh doanh BĐS, các vị ấy phải tự thân vận động. Xin các vị hãy cứ rơi tự do”.

Cứ khó là phải hỗ trợ
Theo Thứ trưởng Nam, bất động sản là hàng hóa đặc biệt, có tính liên thông với thị trường khác nhất là tài chính. Đó là chưa kể đất đai là tài nguyên quốc gia, không sinh sôi nảy nở được. Khi không có ôtô, người dân dùng phương tiện khác thay thế như taxi, xe bus, xe máy hay xe đạp nhưng nhà thì phải có dù là đi thuê.
‘Nhà ở là nhu cầu cơ bản chỉ đứng sau nhu cầu ăn uống. Khi một người dân, một doanh nghiệp hay một ngành nghề khó khăn thì Nhà nước cũng nên hỗ trợ huống chi bất động sản là một lĩnh vực quan trọng và là đầu ra của hàng loạt mặt hàng vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất…’, ông Nam nói.
Ông Nam cho rằng, khi bất động sản khó khăn nhà nước không thể bỏ mặc, càng không thể để nó rơi tự do hay tự phát triển. Bất động sản không phải tội đồ vì hiện góp tới 10% GDP, đối với một số nước tỷ lệ này lên tới 20-30%.
Ông Nam cho rằng: 'khi bất động sản khó khăn nhà nước không thể bỏ mặc, càng không thể để nó rơi tự do'.
Ông Nam cho rằng: 'khi bất động sản khó khăn nhà nước không thể bỏ mặc, càng không thể để nó rơi tự do'.
Lý giải về sự khó của bất động sản, ông Nam chỉ ra nguyên nhân chính là thị trường bất động sản thiếu quy hoạch đặc biệt là kế hoạch. Có bao nhiêu đất để làm nhà theo quy hoạch đến năm 2050 thì nay đã cấp hết thay vì từng giai đoạn để tương ứng với cầu.
Cấp nhiều nhưng doanh nghiệp lại không có tiền làm dẫn đến thực tế các dự án chỉ là đồng ruộng, bãi cỏ. Cơ cấu hàng hóa không chuẩn, nhà quy mô lớn sang trọng nhiều trong khi nhà đáp ứng đại bộ phận người dân lại ít. Đây là lỗi của Nhà nước, trong đó chủ yếu thuộc về chính quyền các cấp. Doanh nghiệp “xin” là chính quyền “cho” mà không để ý đến đầu ra. Bài học về sân golf, nhà ở bất động sản là minh chứng rõ điều này.
Tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp bất động sản còn kém. Khi có lãi hàng loạt doanh nghiệp đua nhau đầu tư bất động sản thậm chí thủy sản, điện lực, dầu khí cũng làm địa ốc trong khi lộ trình làm dự án rất phức tạp, cần nguồn lực lớn đặc biệt là tiền. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng thực tế, điều kiện pháp luật kinh doanh bất động sản quá dễ dàng, thậm chí dễ dãi. Thủ tục hành chính kéo dài mất nhiều công sức tiền bạc cũng góp phần đẩy giá thành lên cao, đặc biệt là tiền đất. Tính thiếu thông tin minh bạch cũng làm cho tình trạng đầu cơ “có đất làm ăn”.
Xin các vị hãy cứ rơi tự do
TS.Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì cho rằng với doanh nghiệp BĐS, đã là kinh doanh, khi có rủi ro phải tự chịu trách nhiệm, lỗ hay lãi hoặc phá sản - đó là việc của riêng một cá thể.

Còn thị trường BĐS, khi suy thoái không giống như thất bại của một nhà kinh doanh BĐS, nếu “chết” sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, Nhà nước không nên để thị trường BĐS rơi tự do, cần có biện pháp can thiệp nhất định vì BĐS có hệ số lôi cuốn khá lớn, lôi cuốn thị trường xây dựng, vật liệu,… tạo công ăn việc làm cho nhiều người lao động.
Tuy vậy, ông Liêm cho rằng: Dù có chi ra 30.000 tỷ đồng để cứu giúp thị trường BĐS, tác động của Nhà nước cũng chỉ làm giảm mức độ trầm trọng của sự suy thoái, chứ không thay đổi được quy luật, cũng như không giải quyết được hết những “u nhọt” đã tồn tại suốt thời gian qua của thị trường BĐS.

“Tôi nhắc lại, tôi không tán thành việc cứu giúp các nhà kinh doanh BĐS, các vị ấy phải tự thân vận động. Xin các vị hãy cứ rơi tự do” – TS.Liêm khẳng định quan điểm.

TS Liêm cũng lạc quan rằng chính nhờ sự suy thoái này BĐS mới bộc lộ những nhược điểm mà lúc thịnh vượng bị che khuất đi như việc các nhà kinh doanh BĐS không những không có vốn mà còn không có cả kiến thức. “Họ chỉ có chút tiền bôi trơn xin được đất đai rồi vẽ ra dự án, thu tiền của người mua, từ số tiền đó thực hiện các dự án giống như kiểu “tay không bắt giặc” – TS.Liêm bất bình.

Việc các doanh nghiệp BĐS phá sản cũng là một bài học để sau này chúng ta đừng bao giờ tái phạm như vậy nữa - Đó cũng là điều tốt theo ý kiến của chuyên gia Phạm Sỹ Liêm.
Hai quan điểm này vẫn theo hai luồng dư luận hiện đang hút sự quan tâm của dư luận. Vẫn là câu chuyện người bỏ tiền ra thì tìm đủ mọi cách để được vớt vát lại và tìm các chứng lý để biện minh. Ngược lại, những người ở góc độ trung gian thì nhìn sự việc xem ra ‘công minh’ hơn.
Song dù góc độ nào, người tiêu dùng cũng mong được ‘chạm’ tới cái giá thật nhất để ai đó có nhu cầu thực thì có thể nhân cơ hội này mà thực hiện.
TS.Alan Phan trả lời thẳng 15 câu hỏi cứu bất động sản
Bích Ngọc (Tổng hợp VNE, GDVN)



Copy từ: Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét