CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Mỹ chỉ ra tay khi 'răn đe' TQ không thành?


Mỹ chỉ thực sự "ra tay" khi các biện pháp "răn đe" đối với Trung Quốc tỏ ra không hiệu quả. >> Ván cờ Đông Bắc Á 2014: TQ tiếp tục bổn cũ 'mềm nắn rắn buông'
Lợi ích của 3 bênCác tranh chấp tại biển Hoa Đông đều phản ánh lợi ích và các giá trị mà 3 bên Trung - Mỹ - Nhật theo đuổi. Trong chiến lược tái cân bằng (rebalancing) tại châu Á, quan hệ hai bờ Mỹ - Trung và Mỹ - Nhật là hai mối quan hệ chiến lược trọng yếu của Mỹ.
Mặc dù vẫn xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hàng đầu tại khu vực, Mỹ sẽ không loại trừ khả năng hợp tác với Trung Quốc về nhiều vấn đề như hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nhân quyền, an ninh phi truyền thống,...
Lợi ích toàn cầu và khu vực sẽ buộc Mỹ phải chấp nhận giải pháp nước đôi "vừa hợp tác, vừa cạnh tranh". Và Mỹ chỉ thực sự "ra tay" khi các biện pháp "răn đe" đối với Trung Quốc tỏ ra không hiệu quả. Khi ấy, chiến lược của Mỹ sẽ có sự điều chỉnh "nặng - nhẹ" đối với cặp quan hệ "hợp tác - cạnh tranh".
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn là đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ. Nhật Bản được xem như người phát ngôn cho Mỹ tại Đông Bắc Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh Tokyo đang tìm kiếm sự tự chủ hơn thay vì mãi lệ thuộc vào "chiếc ô hạt nhân" của Mỹ, thì Mỹ vẫn phải duy trì quan hệ "đồng minh mang tính kiềm chế".
Đông Bắc Á, Hoa Đông, Tam Quốc, ADIZ
Máy bay chiến đấu của Mỹ tham gia tập trận chung với Nhật Bản vào tháng 11/2013, ngay gần ADIZ của TQ. Ảnh: CNN
Lựa chọn chiến lược đó vừa đảm bảo sự hỗ trợ cần thiết của Mỹ cho Nhật Bản trong trường hợp vấn đề Senkaku/ Điếu Ngư hay an ninh của Nhật bị Trung Quốc đe dọa. Đồng thời, Nhật vẫn phải xem Mỹ là "quan thầy" của mình thay vì hành xử theo kiểu "cầm đèn chạy trước ô tô".
Từ thập niên thứ hai của thế kỷ 21, Nhật Bản đã chứng tỏ mình là một tay chơi có tầm hơn rất nhiều. Tokyo luôn muốn Bắc Kinh hiểu rằng mình "không khuất phục" và sẵn sàng độc lập hơn trong quan hệ Nhật - Mỹ.
Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ buộc Nhật Bản và Mỹ gắn bó với nhau nhiều hơn. Thế nhưng, Hiệp ước an ninh và quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống Nhật - Mỹ vẫn chưa đảm bảo khả năng 100% rằng Mỹ sẽ can thiệp vào vấn đề Senkaku/ Điếu Ngư khi Nhật bị đe dọa. Bởi lẽ, Mỹ không muốn Nhật làm gián đoạn chính sách Đông Á nói chung và quan hệ Mỹ - Trung nói riêng.
Dẫu vậy, Nhật vẫn có thể xem Mỹ như "lá bài hộ mệnh" đối với các vấn đề an ninh. Trung Quốc buộc phải "dè chừng" Mỹ là điều tất yếu.
Hiện Nhật Bản đang chứng tỏ vai trò ngày càng tăng trong các vấn đề khu vực. Kế hoạch sửa đổi Hiến pháp để tạo cơ sở pháp lý giúp Nhật Bản có thể trở thành "cường quốc bình thường" là một minh chứng. Tiếng nói trên trường quốc tế và hình ảnh thân thiện, có trách nhiệm gắn với chiến lược cải cách kinh tế "Abenomics" của ông Abe đang nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế. Tokyo đang trở thành một bên quan trọng hơn trong ván bài Đông Bắc Á.
"Bắc cự Nhật Bản, Đông hòa Hoa Kỳ"?
Có thể nhận thấy những hành động gây hấn của Trung Quốc nằm trong chuỗi "góp gió thành bão" để hiện thực hóa chiến lược kiểm soát các vùng biển then chốt. Động thái của Trung Quốc rõ ràng đã phản ánh lợi ích chiến lược của hai cặp quan hệ Bắc Kinh - Tokyo và Bắc Kinh - Washington. Trong hàng loạt các động thái leo thang tại Hoa Đông, Trung Quốc luôn kiên trì chiến thuật "tằm ăn rỗi" (salami-slicing) nhằm từng bước đẩy mạnh các yêu sách và buộc Nhật Bản cũng như Mỹ phải nhún nhường.
8 chữ vàng "Bắc cự Tào Tháo, Đông hòa Tôn Quyền" của Khổng Minh khi truyền đạt cho Quan Vũ để bảo vệ Kinh Châu vẫn tỏ ra có hiệu quả trong quan hệ "Mỹ - Nhật - Trung". Nhìn chung, Trung Quốc vẫn sẽ cố gắng buộc Nhật Bản phải thừa nhận có tranh chấp chủ quyền và từng bước chịu sự kiểm soát của Trung Quốc (Bắc cự Nhật Bản) trong khi vẫn duy trì quan hệ hữu hảo tốt nhất có thể với Mỹ (Đông hòa Hoa Kỳ).
Nhận định về cục diện "tam quốc hiện đại", nhà hiện thực chủ nghĩa nổi tiếng John Mearsheimer tin rằng Bắc Kinh và Tokyo rất có khả năng vướng vào một cuộc "chiến tranh nóng" (shooting war) trong vòng 5 năm tới. Mearsheimer cũng cho rằng nếu cuộc chiến diễn ra, Mỹ sẽ có hai lựa chọn: hoặc là cố gắng giữ vai trò trọng tài phân xử để ngăn cản cuộc chiến và đưa hai bên về trạng thái ban đầu (status quo ante), hoặc tham gia và ủng hộ Nhật Bản. Ông cũng tin rằng Mỹ vẫn sẽ có thể duy trì sức mạnh vượt trội của mình.
Hiện nay, Trung Quốc đang được xem như là "tay trên" trong khi vị thế của Nhật có phần yếu hơn. Thế nhưng, so với Mỹ thì Trung Quốc vẫn chưa chiếm được thế thượng phong. Do đó, sự bế tắc quan hệ Trung - Nhật không chỉ xuất phát từ sự phức tạp của các vấn đề lịch sử, kinh tế, chính trị... mà còn bởi nhân tố Mỹ.
Chính vì vậy, tranh chấp biển đảo Trung - Nhật nói riêng và quan hệ Trung - Nhật nói chung vẫn phải tính đến Mỹ. Trong khi tìm kiếm ưu thế vượt trội trước Tokyo thì Bắc Kinh vẫn phải chấp nhận quan hệ "hợp tác - cạnh tranh" do Washington cầm chịch.
Tuy nhiên, các liên minh chiến lược luôn có những mục đích cụ thể. Trong trường hợp này là kiềm chế Trung Quốc và đảm bảo vị thế của Mỹ tại bàn cờ Đông Bắc Á. Khả năng tự điều chỉnh của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn chắc chắn là điều phải lưu ý, khiến ưu thế của Trung Quốc vẫn chưa thật sự rõ rệt.
Một năm 2014 "đối đầu hay đối thoại" sẽ có khả năng quyết định tình hình Đông Bắc Á. Tuy nhiên, những tín hiệu "đối thoại" vẫn chưa mấy cụ thể.
Có thể nói, ván cờ Đông Bắc Á trong năm 2014 sẽ có nhiều biến động khi thế và lực của mỗi bên đều đang được củng cố. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn sẽ kiên trì lợi ích của mình tại khu vực. Mỹ vẫn chưa trút được nỗi lo an ninh trong mối quan hệ chân kiềng Trung - Mỹ - Nhật.
Tính phức tạp của các tranh chấp biển đảo buộc 3 nước phải gắn bó với nhau. Thế nhưng, an ninh hay mất an ninh, ổn định hay xung đột phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Liệu Trung Quốc sẽ tiếp tục ván bài "Bắc cự Nhật Bản, Đông hòa Hoa Kỳ" hay không cũng còn phụ thuộc vào động thái của Mỹ và Nhật Bản. Những tín hiệu tích cực dường như vẫn còn khá xa xôi.
Huỳnh Tâm Sáng

Copy từ:  VietNamNet


...............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét