CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

“Chúng ta” cứ nhăn răng cười hoài


images9Thưa “chúng ta”, ở đây, có một câu hỏi chưa ai giả nhời: Sao “Chúng ta” không thẳng tay “tinh giản” 30% công chức “cắp ô” này đi. “Cho nước nó trong”. Hay bởi 30% đó cũng là “Chúng ta” cả?
30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”- Con số 30% vô tích sự, lần này, là lời khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”- ông nói. Với 2,8 triệu công chức đang hưởng lương, thì 30% vô tích sự sẽ cho ra một con số cực lớn những người nhăn nhở lĩnh lương trên tấm lưng còm đồng bào.
Với phát biểu của Phó Thủ tướng, căn bệnh “nhăn nhở hưởng lương”, hóa gia, ở tầm cỡ quốc gia chứ không chỉ còn là “chuyện nhỏ” ở một địa phương, như Đồng Tháp nữa. Nhắc lại, báo Tuổi trẻ có lần dẫn lời Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp nói đến con số 30% “có mặt chỉ để lãnh lương”. Chưa tính đến “30% chỉ cầm chừng” khác.
Về bản chất, câu chuyện 30% đang chứng tỏ hiện thực là những người dân đang đóng thuế để nuôi báo cô những người không làm gì cả.
Đây rõ ràng là một sự lãng phí, bất công, và nhẫn tâm. Nhẫn tâm với sự nhẫn nại đến kinh ngạc của người dân, đôi khi chỉ mong nhận một nụ cười mỗi độ bất đắc dĩ phải đến cửa quan. Lãng phí với đồng lương còm chưa bao giờ “đủ sống” mà những đồng nghiệp của họ tháng tháng vẫn phải nhận để đối phó với lạm phát mà chỉ riêng tháng này đã lên tới 1,25%. Và bất công đối với những đồng nghiệp trẻ. Những người, nói như Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Đặng Công Luận “làm việc hết sức hiệu quả, bằng nhiều lần các chuyên viên chính, nhưng chế độ của họ lại rất thấp, trong khi đó những chuyên viên chính chả làm được bao nhiêu nhưng lại vẫn hưởng chế độ cao, đã thế lại giữ khư khư cái chức (dân gian gọi là cái ghế) làm cho lớp trẻ không phát triển được”.
Nhưng con số 30% “công chức cắp ô”, nhưng sự lãng phí, còn có một hàm nghĩa khác. Nói như cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài : Tôi thấy chúng ta nghèo nhưng sử dụng nhân lực rất sang. Điển hình trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tôi nghe 70% cán bộ có trình độ sau ĐH làm công tác quản lý cũng băn khoăn. Họ đã được đào tạo chuyên môn sâu nhưng không làm nghiên cứu khoa học mà đi làm quản lý thì vài năm kiến thức rơi rụng, quá lãng phí.
Giám đốc Sở Đặng Công Luận phát biểu: Ở các nước bộ máy họ rất tinh gọn, họ quản lý nguyên cả nhà ga xe điện mà thấy có vài người. Còn riêng hầm Thủ Thiêm chúng ta có một đoạn mà tốn gần cả trăm biên chế.
Cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài: Chúng ta phê phán thái độ của công chức đối với dân vô cảm rồi đặt camera quan sát. Nhưng đó chỉ là vấn đề cảm xúc thôi. Có camera thì công chức tiếp dân sẽ cười tươi với dân nhưng cười hoài mà nhu cầu của dân không giải quyết được thì cũng vô nghĩa.
Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chế độ công chức của chúng ta hiện nay vẫn nặng tính bao cấp. Ông khẳng định nếu chúng ta không đổi mới chế độ công vụ, công chức thì sẽ thất bại trước nền kinh tế thị trường.
Tất cả đều có một điểm chung. Đó là chủ thể trách nhiệm, cũng là bắt đầu, bằng hai chữ “Chúng ta”.
Hôm qua, lại thêm một vụ lùm xùm quanh chuyện vị Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y, một quan chức thuộc về phạm trù “chúng ta”. Ông này bị tố tuyển con dâu vào cơ quan theo “ngạch phục vụ”, nhưng sau đó chị này chĩnh chện ngồi ghế “kế toán trưởng”.
Thưa “chúng ta”, ở đây, có một câu hỏi chưa ai giả nhời: Sao “Chúng ta” không thẳng tay “tinh giản” 30% công chức “cắp ô” này đi, “cho nước nó trong”.
Hình như bởi 30% đó cũng là “Chúng ta” cả.
Có mỗi một điều khẳng định không phải hình như hình nhiếc gì cả: “Chúng ta”, không phải là nhân dân, những người hàng ngày, đều như vắt chanh, đóng thuế để nuôi “chúng ta”.



Copy từ: Đào Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét