CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Khát vọng hiến pháp


Nếu có điểm bất đồng giữa nhu cầu của chính trị gia và mong muốn của người dân thì khó có được một bản hiến pháp với ngôn từ mà đại đa số mong muốn.
Việt Nam đang có nhu cầu sửa đổi hiến pháp.  Trước những biến chuyển trong nước cũng như những tác động của dòng chảy toàn cầu hóa bên ngoài thì nhu cầu sửa đổi hiến pháp sau hơn hai mươi năm kể từ lần thay đổi trước là việc hết sức cần thiết.
Chính trị gia cũng có nhu cầu và người dân cũng có khát vọng.  Nhưng để có một hiến pháp thành công không hề đơn giản, và trong lịch sử loài người chưa bao giờ có cái gọi là một hiến pháp hoàn hảo.  Một cái nhìn thực tế nhất thì sự thành công của hiến pháp  là vấn đề đang tiếp diễn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Luật bao giờ cũng là công cụ; nó có thể phục vụ mục đích tốt hoặc ngược lại.  Khi khát vọng của người dân trùng hợp với nhu cầu của chính trị gia thì đó là điều thuận lợi đầu tiên về mặt ngôn từ trong hiến pháp.  Nhưng nếu có điểm bất đồng giữa nhu cầu của chính trị gia và mong muốn của người dân thì khó có được một bản hiến pháp với ngôn từ mà đại đa số mong muốn.  Như một ví dụ, nếu người dân không muốn hình thức sở hữu toàn dân về đất đai trong khi chính trị gia muốn duy trì hình thức này thì rõ ràng là có khó khăn ngay từ bước đầu tiên.
Ảnh: Vietnamplus.vn
Nhưng giả dụ như có một đồng thuận về mặt ngôn từ đi nữa thì nó không tự nhiên đồng nghĩa với việc những gì viết trong hiến pháp sẽ được triệt để thực thi.  Các vấn đề như thiếu tinh thần thượng tôn pháp luật, tham nhũng, bao che bè phái... sẽ là những rào cản trong vấn đề thực thi hiến pháp. Hơn nữa, hiến pháp cần được giải thích; mà giải thích thì không phải lúc nào cũng chỉ có một cách.  Một nhóm có thế lực trong một nước có thể gây ảnh hưởng để có những giải thích phù hợp với quyền lợi phe nhóm của mình.  Ngay cả Hoa Kỳ, một nước có hiến pháp lâu đời và được cho là tương đối thành công, thì vấn đề giải thích hiến pháp vẫn gây tranh cãi.  Nhưng Mỹ nhờ có một nền dân chủ và văn  hóa pháp lý vững chãi cho nên những giải thích hiến pháp thường thể hiện ý muốn của khối đa số đương đại.
Rõ ràng là sự thành công trong việc hình thành, thực thi, và duy trì uyển chuyển hiến pháp phụ thuộc vào những yếu tố nền tảng đòi hỏi công phu gây dựng.  Một bản hiến pháp mới có thể thiết lập những thể chế chính thức mới, nhưng để những thể chế này hoạt động như mong muốn thì chúng đòi hỏi sự hỗ trợ của những thể chế không chính thức, chẳng hạn như những chuẩn mực ứng xử trong xã hội. [1]
Nói như vậy không có nghĩa là bi quan.  Khát vọng bao giờ cũng là điểm khởi đầu tốt nhất cho bất cứ cuộc hành trình nào.  Khi khát vọng đủ lớn và đủ mạnh thì nó có sức lan tỏa và thuyết phục cao.  Hy vọng khát vọng hiến pháp  của người dân Việt là một xúc tác tích cực cho cuộc hành trình lâu dài và đầy khó khăn để xây dựng nên một Việt Nam thật sự "công bằng, dân chủ, văn minh".
-------------------------
[1] Xem thêm Trần Lê Anh, "Việt Nam cần cải cách thể chế để tiến lên."


Copy từ: Tuần Việt Nam

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét