CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

2012 - CHIỀU CUỐI NĂM NHÌN LẠI



Lâm Khang & Lê Hà
Chiều nay, chiều cuối năm. Chỉ còn vài canh giờ nữa là bước sang năm mới 2013. Hà Nội trời rét ngọt lừ. Ta ngồi đây, trong chiều không nắng để nhìn lại 2012 - một năm đau buồn của Đất - Trời - và của lòng người, một năm bất hạnh của cả một đất nước!
Hai ngàn không trăm mười hai bắt đầu bằng tiếng súng Đoàn Văn Vươn ở miền "hải tần phòng thủ". Tiếng súng ấy đã làm chấn động trời đất! Ấy thế nhưng, tiếng súng ấy không vọng đến được cái nơi phải đến, không làm suy suyển gì đến Luật Đất đai. Ngay cả việc lấy Tiên Lãng làm nơi "chỉnh đảng" thì rồi cuối cùng người ta cũng vẫn không chọn. Và đau đớn thay, sắp tròn 1 năm (5.1 -2012 - 5.1- 2013) anh em Đoàn Văn Vươn vẫn còn trong ngục tối. Và sau một năm điều tra, có cả chỉ thị của Thủ tướng hẳn hoi, mà cuối cùng Công an Hải Phòng đứng đầu là Đỗ Hữu Ca vẫn đòi khép cả nhà họ Đoàn và tội Giết người. Sau tiếng súng Đoàn Văn Vươn, những tưởng dân lành tan đàn xẻ nghé. Nhưng mà không! Bà con mất đất, mất ruộng, mất nhà, mất sản nghiệp khắp nơi kéo về Tiên Lãng sẻ chia cùng những người con dâu họ Đoàn có chồng con đang tù tội. Khi cái Tết cận kề, một nữ KTS nhân hậu và trực tính đã kêu gọi mọi người chung lo cái Tết cho gia đình họ Đoàn. Mặc dù lời đề nghị vừa đưa lên trong chiều 20 Tết - ngày mà vùng quê Xứ Đoài theo phong tục cổ đi Tảo mộ, thì chỉ mấy ngày sau, số tiền lo cho cái Tết của gia đình họ Đoàn đã được chu tất.
Những tưởng cuộc cưỡng chế Tiên Lãng - mà người đứng đầu ngành Công an Hải Phòng gọi là một trận đánh đẹp có thể viết thành sách sẽ chỉ là duy nhất và cá biệt. Nhưng mà không! Hưng Yên theo tiếng hú của Hải Phòng, cũng lại làm một cuộc cưỡng chế kinh thiên động địa. Cả hệ thống chính trị của Hưng Yên của Văn Giang vào cuộc với nguồn chi viện của trung ương khiến cho cuộc cưỡng chế Văn Giang sáng sớm 24.4.2012 có sự tham gia của khoảng 3.000 lính tráng với cả súng ống và các trang bị đầy đủ hùng hổ tiến vào cánh đồng 3 xã Xuân Quan - Cửu Cao - Phụng Công mà những người già miêu tả y hệt một trận càn thời chống Pháp.
Chỉ sau vài giờ, cuộc cưỡng chế đã thành công, trong tiếng kêu ai oán ngập đồng của trẻ em, phụ nữ và người già, trong mùi khói thuốc súng và trong sự hoảng loạn của cả hai bên. Cảnh tượng cánh đồng màu mỡ sau cưỡng chế thật là: Phong trần đến cả sơn khê/ Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
Tiếng súng Đoàn Văn Vươn còn vọng. Khói thuốc súng Văn Giang còn chưa tan thì Nam Định - Vụ Bản đã kịp có một trận cưỡng chế ngay vào 9 tháng 5. Người dân Vụ Bản phải chít khăn tang giữ đất - một chuyện chưa từng xảy ra bao giờ!
Dân không biết dựa vào ai, các nhà trí thức, luật sư đã nắm lấy tay họ. Các bản Kiến nghị, tuyên bố được đưa ra công luận - không đăng được trên báo chí chính thống thì đã có các Blog đăng tải: Kiến nghị Tiên Lãng, Tuyên bố Văn Giang, Tuyên bố Trịnh Nguyễn ....
Và những đoàn người khiếu kiện nối nhau về Hà Nội. Ngày này, ngày khác, tháng này, tháng khác....họ đi khiếu kiện trong hy vọng mong manh. Lang thang vật vờ, ngủ đường ngủ chợ...Thanh tra Chính phủ, trụ sở tiếp dân của nhà nước thực sự chỉ là cái nhà bưu điện để chuyển thư. Đơn gửi ở xã, huyện, tỉnh không trả lời thì họ ra trung ương. Trung ương lại đá về tình, tỉnh đá về huyện, huyện đá về xã. Xã đá lên huyện, lên tỉnh. Cứ thế...cứ thế...Có người đi kiện khi mái tóc còn xanh, đến nay đã phơ phơ đầu bạc. Dân oan khắp các tỉnh trong nam ngoài bắc, miền ngược miền xuôi sáng tạo ra các kiểu trang phục, các kiểu lên tiếng, đứng ngồi đỏ rực cả một góc Hồ Tây trước mặt phủ Thủ tướng. Trời HN rét quá, sáng sớm nay, ngày cuối năm, một số thanh niên trẻ đã mang đến vườn hoa "Dân Oan" những quần áo, chăn màn cũ để tặng cho bà con.
Trên các dòng sông cửa bể và các hải cảng xứ người, những còn tàu Vinashin, Vinaline vô chủ bồng bềnh trôi hoặc bị neo lại chưa biết đến bao giờ. Đói khát, buồn tủi, vô vọng hiện dần trên khuôn mặt của những người thủy thủ đoàn.
Sông Tranh ầm ầm động đất liên hồi kỳ trận, như những lời hứa, lời trấn an của các quan chức. Họ muốn làm an lòng dân chỉ bằng lời nói. Nhưng trời cao kia thì không thế, muốn nhắc dân phải cảnh giác bất cứ lúc nào.
Cả một năm trời, cứ chốc chốc thì đâu đó trên báo chí, truyền hình lại có một tuyên bố của một ông kễnh nào đó. Ông nào nói cũng hay: Nào Đinh La Thăng, nào Vương Đình Huệ, nào Nguyễn Văn Bình, ...ông nào ông nấy cứ như thằng say rượu nói càn. .....
Về văn hóa, không cần phải dò lại báo chí hay lục lại trí nhớ, sự kiện ấn tượng nhất, buồn nhất, cười ra nước mắt nhất, và than ôi có lẽ cũng điển hình nhất cho năm 2012, là cái giải Nobel hụt của nhà thơ Thần nhập. Có lẽ chưa bao giờ bộ mặt văn hóa của nước nhà lại bị một vết nhơ chí mạng đến thế. Nạn đạo văn, nạn bằng giả, học vị học hàm giả... thì cũng đã quá quen thuộc trong những năm qua, đến nỗi không còn làm ai sốc nữa. Báo chí bị "lá cải hóa", truyền hình sốt sắng rao truyền những sản phẩm văn hóa ngoại lai... những điều đó cũng quá quen rồi, nên chỉ làm cho ta thêm những tiếng ngao ngán thở dài.
Nhưng sự kiện "thần nhập" này thì phải nói là tận cùng của sự suy đồi. Những gì là thiêng liêng nhất của hồn Việt, của anh linh tiên tổ, của tinh hoa văn hóa cũng bị đem ra giỡn mặt, một cách hỗn láo không tưởng tượng nổi. Thà người ta buôn thần bán thánh chỉ vì lòng tham lợi lộc vật chất, cái đó tuy đáng trách nhưng vẫn còn hiểu được và thông cảm được. Vì dân trí thấp, vì nghèo, vì bần cùng sinh đạo tặc... Đằng này, đã trí trá dối lừa lương tâm mình và tổ tiên mình, dối cả thần lừa cả thánh, lại còn cả gan dám nghĩ đến chuyện dự thi giải Nobel, dối lừa cả thế giới. Cái đó phải chăng là dấu hiệu của một căn bệnh văn hóa đã đến mức trầm trọng: sự phản nhân tính và phản tâm linh?
Lớp trẻ là thành phần nhạy cảm nhất, dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng, khi căn bệnh văn hóa - tâm linh đã đến hồi nguy kịch. Chưa bao giờ như năm nay, dân Việt chứng kiến các cuộc tự sát bi thảm của lớp tuổi học sinh chỉ vì những cái cớ rất nhỏ: bị nghi ăn cắp tiền, bị cô giáo đối xử bất công. Đó chẳng phải là những phản kháng cực đoan của người trẻ, phản ứng lại bầu khí văn hóa phi nhân tính và phi tâm linh của chúng ta, bầu khí tồi tệ đến mức không còn chịu đựng nổi? Hãy thử nghĩ xem: khi Hiệu phó đánh học sinh lớp 4 chỉ vì nợ 6.000 đồng tiền mua sách, em học sinh ấy sẽ nghĩ gì, làm gì, phản ứng thế nào? Dường như các em đã không nghĩ đến chuyện cầu cứu người lớn. Dường như các em đã muốn chọn một hành động quyết liệt để nói lên tiếng "Không!".
Thực ý nghĩa khi người viết lá thư vạch mặt sự gian dối trong vụ "Thần nhập" đã kết bằng những lời rất... tâm linh: "Tôi viết bài này chỉ với một cái tâm trong sáng của một phật tử có pháp danh là THIỆN HÒA, hầu mong anh Thuận sẽ đọc và suy ngẫm về những điều đã làm, để trả về cho “Thi Vân Yên Tử” đúng giá trị của nó. Đó là điều tôi quan niệm rằng : đã giúp anh, vì tôi vẫn là người – bạn – của – anh !".
Ở đất nước mang danh “Văn hiến chi bang” này, những người con dâng hiến cuộc đời mình để phụng sự cho văn hóa, cho tâm linh, có lẽ là những người con thầm lặng nhất. Họ miệt mài làm việc trong âm thầm, không màng đến tiếng tăm hay quyền lợi. Ta khe khẽ dõi theo từng nỗ lực tuyệt vời của họ với lòng yêu kính, không dám quấy rầy, không dám phá vỡ sự yên tĩnh của họ. Cho nên trong giờ phút tĩnh lặng chiều cuối năm này, chỉ nhớ đến họ mà không dám gọi tên. Họ như những hạt giống quí giá đang tự hủy mình đi trong lòng đất, để mai kia những mầm mới sẽ trổ sinh, mang lại một mùa bội thu cho đất nước.

Tin buồn vừa nhận được:
TIN BUỒN CHIỀU CUỐI NĂM
Hiệp sĩ công nghệ thông tin, người đương thời, giám đốc trung tâm Nghị Lực Sống Nguyễn Công Hùng đã từ trần chiều nay. Hiện di hài của anh đang đặt ở số 79/24/1 dường Âu Cơ, phường 14, quận 11, thành phố Hồ Chí Minh. Di hài anh sẽ chuyển về quê nhà TP Vinh trong nay mai.
Xin vĩnh biệt và cầu nguyện Nguyễn Công Hùng thanh thản yên nghĩ cõi vĩnh hằng!

Khi viết đến những dòng này, thì được tin Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, GĐ Trung tâm Nghị Lực Sống Nguyễn Công Hùng vừa qua đời. "Tôi ví hành trình đời sống của tôi giống như việc đi lấy chân kinh vậy. Khả năng sống độc lập, tự tin, trung thực và yêu thương người đồng cảnh là những quyển kinh mà ai muốn có nó đều phải cần cù chăm chỉ"- Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng đã trầm ngâm chiêm nghiệm như thế.

Và Nguyễn Quang Thạch (Tủ sách dòng họ) đã viết về Nguyễn Công Hùng thật xa xót: "Hùng ơi, em ở chốn trần gian này ngắn hơn anh, nhưng em đã có một cuộc đời rất dài vì em đã làm thay đổi số phận rất nhiều người kém may mắn. Em hãy bình tâm mà đi về với Nước Chúa của mình, những gì em còn trăn trở, chắc chắn sẽ được kế tục bởi những trái tim nhân ái và trách nhiệm trên thế gian này.Vĩnh biệt một trái tim nhân ái và luôn khát vọng mang lại hạnh phúc cho đồng loại của mình!".
Có những cuộc đời ngắn ngủi mà ý nghĩa. Có những con người khuyết tật mà tâm hồn tròn đầy. Có những người đi gây dựng cho người mà quên đi bản thân mình. Nhưng lại cũng có những người chuyên đi gây nghiệp ác.
Năm qua, các cuộc trấn áp người biểu tình yêu nước chống Tàu vẫn hết sức hung bạo, cả ở HN và Sài Gòn. Đài Truyền hình Hà Nội, báo An Ninh thủ đô, báo Hà Nội Mới, báo Quân đội Nhân dân, báo Cựu Chiến Binh Việt Nam luôn tìm cách bêu riếu vô cùng ác ý đối với người lương thiện. Những phiên toà với án bỏ túi bất chấp luật pháp vẫn được vận hành, từ nam chí bắc.
Các cuộc đánh phá đối với các trang mạng xã hội vẫn diễn ra rất tàn bạo. Đáng chú ý, năm qua nhiều trang mạng xã hội chuyên về văn học nghệ thuật, đã từng đăng tải các bài về vụ Hoàng Quang Thuận bị đánh phá ác liệt, đó là các trang; Trần Nhương, Trương Duy Nhất, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Tường Thụy....
Thôi, năm mới sắp đến rồi! Miên man trong cảm xúc đau buồn. Chỉ còn vài giờ nữa là năm mới lại đến, đem theo hy vọng về một năm an lành hạnh phúc! Nào, cùng nhau nâng chén này, chén biệt ly đưa tiễn sầu nhân thế, đưa tiễn năm 2012 trong ê chề buồn thương, để cùng nhau "rót đau lòng ấy vào đau lòng này".
Xin mượn lời Kinh Hòa Bình: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…”để khép lại chiều cuối năm ở đây!
Nguồn: http://www.facebook.com/nguyenxuan.dien.1/posts/297929180310030
 
 
 

Copy từ: Phương Bích



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét