CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

‘TAM NÔNG’ SẮP ĐƯỢC SƯỚNG LÊN ?!

Có ai mua 'Dự án treo' không?
* BÙI VĂN BỒNG 
           Các quy hoạch, dự án cần có đất. Chỉ có khu vực nông thôn, nông dân, nông nghiệp mới là “nguồn” đất đai phong phú, nguồn 'quỹ đất' dồi dào. Các nhà chính quyền và đại gia muốn “ăn đất”, giàu lên từ đất, vơ tiền tỉ vàng tạ cũng phải "bám chặt tam nông" (Nông thôn, nông dân, nông nghiệp). Họ rất quyết tâm, quyết liệt ca vang bài 'Từ đất dấy lên'.

Thế nên, từ khi rầm rộ đầu tư, dự án, đất trở thành thứ hàng hóa, quý hơn vàng. Những cơn sốt đất không do người dân gây ra, mà chủ yếu do kinh doanh bất động sản đẩy lên. Những khu ruộng lầy ao sâu rau muống, những bãi bồi hoang hóa, khi đã vào dự án là giá đât tăng vọt lên cả nghìn lần, so với giá trị thực vốn có của nó. Các cuộc lừa đảo bằng các dự án ảo, các công ty ma cũng xuất hiện. Cạnh tranh mặt bằng gay gắt, cơn sốt đất tăng nhiệt vèo vèo. Khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân vốn nghèo khó nhiều đời, nay trở thành “mục tiêu” nhắm tới của chính quyền và đại gia.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, rồi đô thị hóa…trở thành một thế mạnh bị lợi dụng để vơ vét, vun quén, chiếm đất nông nghiệp. Và do đó, địa phương nào cũng đua nhau “đo thị hóa”. Bởi ai cũng thừa biết: Đô thị hóa, cùng với quy hoạch này, dự án kia thì mới có cớ để khoanh đất của dân, khoanh được mới chiếm được. Chỗ nào đất đai “vinh dự” nằm trong diện quy hoạch, dự án thì giá tăng rất cao, cao lên chót vót.
Chưa có thống kê chính xác, nhưng các nhà hoạch định và chuyên môn cũng sơ sơ nhẩm tính chỉ trong 20 năm qua, đất nông nghiệp cả nước bị vào quy hoạch, dự án lấn tới bình quân  12-16%. Một số vùng  ven các đô thị và trong các dự án vẽ vời rất đẹp mắt hầu như gần 100% nông dân bị mất đất. Nhưng rồi, những nơi mà đại ca, đại gia đã vơ những khoản lợi nhuận béo ngậy thì nay (cả chục năm) thành đất hoang hóa trong các dự án treo, dân cũng bị treo niêu! Người nông dân đã chấp nhận tin tưởng đi theo Đảng, đổ biết bao máu xương, mồ hôi, nước mắt để "Người cày có ruộng", mà nay "Người cày mất đất"! Nhiều khu đất thuần nông, đất ‘thục’ đang canh tác lúa xuất khẩu ngon lành, đời sống nông dân đang khấm khá lên, bỗng dưng bị khoanh vào quy hoạch, từ quy hoạch đẻ thêm hàng loạt dự án ‘ăn theo’ thế là nông dân mất ruộng vườn, mất cả nhà cửa. Không những đất nông nghiệp bị thu hối trắng tay, nhận bồi thường rẻ mạt, mà hậu họa là họ bị thất nghiệp, không nơi ở, rơi vào cảnh bơ vơ, nghèo đói. Có điều nghịch lý ở hai chữ “thu hồi”. Hồi là trở về, thu về (cái mình đã có), nhưng đất đai bao đời để lại đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của người dân, mới giữ được đến hôm nay. "Của dân, đâu của ông cha đứa nào mà “thu hồi” (Ý kiến một cử tri).
Sáng qua (1-7), trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hội NDVN, diễn ra tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng xa rời nông thôn, coi thường nông nghiệp, xem nhẹ vai trò người nông dân trong quá trình phát triển". TBT cùng kêu gọi chống tư tưởng rời xa nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Và rằng: Hội NDVN cần tập trung thảo luận, xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng để xác định rõ hơn phương hướng xây dựng giai cấp nông dân VN trong thời kỳ mới; cần nắm vững các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nông dân; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua "nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi", "xây dựng nông thôn mới".
Nói vậy là đúng đường lối của đảng. Mà đường lối đảng đề ra bao giờ cũng chỉ có đúng, rất “kêu”. Nhưng trong thực tế lại khác: Năm 2010, UBND TP Hà Nội đã dùng một cái quy định về việc thu hồi đất, để thực hiện dự án đầu tư và thu hồi đất, giao đất làm nhà ở nông thôn tại địa điểm dân cư nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội, áp dụng vào việc thu hồi đất chung cư ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Từ đó, quy hoạch thỏa sức vẽ với, dự án tràn lan, các đại gia bất động sản kéo đến ùn ùn, chính quyền vui đỏ rực mặt mày…Nhưng, qua diễn biến của các mánh lới, các thủ đoạn “xâm lược nông thôn”, nay mới biết: Hóa ra, hơn 90 tòa nhà chung cư 5 tầng cũ của phường Thành Công, thuộc quận Ba Đình là địa điểm cư dân nông thôn đấy. Dân có thắc mắc thì chả biết thắc mắc với ai, vì chính quyền chưa bao giờ ra mặt đối thoại với dân.
            “Chống tư tưởng rời xa nông thôn, nông nghiệp và nông dân…” – Quả là TBT kêu gọi rất hay, rất ngân vàng. Nhưng rồi, không riềng Hà Nội mà cả 64 tỉnh, thành phó hiện nay nông dân mất đất ngày càng nhiều thì túi tiền của nhà chức trách và của đại gia càng phình to. Đô thị hóa đã thành “làn sóng” rầm rộ phong trào đua nhau để được công nhận các thị xã là thành phố thuộc tỉnh (nhỏ tý, còn bệ rạc cũng mặc, cứ phải thành phố mới …đất có giá, mở rộng ra thoải mái). Nay lại phát sinh làn sóng mới: Có những tỉnh đang đệ trình  Trung ương xem xét để mở ra tới 4-5 thị xã…
         Từ đó, một nguy cơ đặt ra: Nước nông nghiệp đứng hàng nhất-nhì xuất khẩu gạo trên thế giới không khéo với đà này, sau này đến mức phải đi nhập khẩu lương thực cứu đói cho dân.
          Ôi, nào là nông nghiệp hàng đầu, ưu tiên nông dân, nông thôn, chiến lược sản xuất lương thực....và nay lại được nghe “không được rời xa ‘tam nông’. Nghe vậy, cũng thấy khấp khởi! Thế thì, ‘tam nông’ sắp được sướng lên rồi!
BVB

Copy từ: Bùi Văn Bồng



  Trần Hùng:  Có bác nào là nông dân xin dơ tay lên cho em nhờ? 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét