Lê Dủ Chân (Danlambao)
- Nếu nói đến dân chủ hoặc dân quyền mà không nói đến QUYỀN LẬT ĐỔ
CHÍNH QUYỀN của dân thì đó là một thiếu sót sai lầm nghiêm trọng, bởi vì
quyền lật đổ chính quyền là quyền lực chính trị cao nhất của người
dân, được thực thi để thay đổi nhà cầm quyền với mục đích bảo vệ những
quyền lợi tự nhiên cơ bản của mình khi những quyền này bị nhà cầm quyền
xâm phạm hay tước đoạt.
1. Nguồn gốc
Ba yếu tố ắt có và đủ để thành lập một quốc gia là: DÂN, LÃNH THỔ VÀ
CHÍNH QUYỀN, trong đó "DÂN" là yếu tố quyết định. Thật vậy nếu không có
dân sẽ không có lãnh thổ, không cần chính quyền. Ngược lại nếu có dân,
dân sẽ chiếm hữu lãnh thổ để sinh tồn và lập nên chính quyền để phục vụ
cho mình.
Quá trình lập quốc của các quốc gia trên thế giới, điển hình là sự ra
đời quốc gia Israel của người Do Thái vào thế kỷ 20 sau hơn 2000 năm có
dân nhưng không có lãnh thổ và chính quyền, đã chứng minh được luận điểm
trên là đúng đắn.
Từ đó có thể xác định được rằng quyền lật đổ chính quyền của người
dân có ngay từ ngày đầu khi một quốc gia được thành lập và quyền này
không những phải được công nhận như một quyền tự nhiên của người dân mà
còn được xem như là một phương pháp tối ưu để xây dựng quốc gia mỗi ngày một giàu mạnh người dân mỗi ngày một hạnh phúc.
Hiểu một cách đơn giản và thực tế thì chính quyền là một tổ chức do
người dân của một nước lập nên, tổ chức này gồm một nhóm người, họ cũng
là dân nhưng được đa số người dân khác tín nhiệm chọn ra để lãnh trách
nhiệm điều hành xã hội phục vụ cộng đồng.
Do vậy bản chất của chính quyền là phi giai cấp và phi thời gian,
không lệ thuộc, không phục vụ cho một giai cấp đặc thù nào trong xã hội
và chỉ tồn tại khi nó đáp ứng được nguyện vọng của những người tạo ra nó
tức là dân.
Một chính quyền không phục vụ cho người dân, ngược lại chỉ phục vụ cho
chính bản thân những người cầm quyền, hoặc vì bất cứ lý do gì đã mất đi
khả năng lãnh đạo làm cho đất nước suy vong, xã hội suy trầm, nhân dân
đói khổ thì người dân phải hủy bỏ để lập nên một chính quyền khác.
Quy luật này không những là quyền mà còn là trách nhiệm
và bổn phận của người dân trong một nước, hoàn toàn không bị ràng buộc
bởi hiến pháp và luật pháp hiện hành do nhà cầm quyền đương nhiệm đặt
ra.
Nhìn vào lịch sử Đông - Tây chúng ta thấy được rằng sự sụp đổ một triều
đại, một chính phủ hay một chế độ đều phát xuất từ dân, quyền lực đó
chính là quyền lật đổ chính quyền của dân.
Tuy nhiên trong thời đại phong kiến cũng như trong cuộc cách mạng vô sản
của người cộng sản, do trình độ chính trị của người dân chưa được khai
phá, nhận thức về tự do, quyền làm chủ của dân còn bị hạn chế nên quyền
này đã bị tư tưởng phong kiến và tà thuyết cộng sản lèo lái, sử dụng như
một phương tiện phục vụ cho tham vọng riêng tư của bọn họ. Thế cho nên
sau khi đạt được mục đích cướp chính quyền, thâu tóm quyền lực, hai tập
đoàn này đã dùng hệ thống tư tưởng thần quyền hoang tưởng, lý thuyết
giai cấp thống trị phản động kết hợp với bạo lực để vô hiệu hóa quyền
lật đổ chính quyền của dân với mục đích kéo dài vĩnh viễn thời gian cai
trị cho chế độ.
Riêng tại các quốc gia có nền văn minh tiên tiến theo chế độ dân chủ,
quyền lật đổ chính quyền của người dân đã được dân và nhà cầm quyền thể
chế hóa và luật hóa ngay từ những ngày đầu thành lập chế độ qua các văn
bản gốc như:
- Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ (The Unanimous Declaration of the Thirteen United States of America) ra đời ngày 4 tháng 7 năm 1776;
- Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Pháp (Déclaration des droits de l'Homme et du citoyen) ngày 26 tháng 8 năm 1789;
- Và sau khi thế chiến lần thứ hai kết thúc, đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận qua bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (The Universal Declaration of Human Rights) tuyên bố ngày 10 tháng 12 năm 1948 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
2. Hình thức
Tùy theo chế độ và mức độ ngoan cố của nhà cầm quyền, người dân các quốc
gia trên thế giới lật đổ chính quyền, thay đổi chế độ bằng những hình
thức sau:
- Bầu cử:
Tại các quốc gia dân chủ người dân thực thi quyền lật đổ chính quyền của
mình một cách hòa bình và công khai, quyền này được cụ thể hóa minh
bạch bằng luật ứng cử và bầu cử đúng theo hiến pháp của mỗi nước quy
định.
Ngược lại để lật đổ một chính phủ trong chế độ độc tài, thông thường
người dân phải dùng các hình thức sau mới mong đặt được mục đích của
mình:
- Bất tuân dân sự:
Henry David Thoreau (1817-1862) cho rằng người dân có bổn phận dân sự
hành động theo lương tâm của chính mình để từ chối tuân theo luật pháp
và chỉ thị của một chính quyền bất chính, bất công và sai lạc. Và nếu
không khai trừ, giải thể được chế độ này thì ít ra cũng không a tòng,
tương trợ hay gần gũi kẻ phạm pháp.
Vào thế kỷ trước, bằng phương pháp biểu tình ôn hòa bất tuân dân sự, từ
chối tuân thủ những luật lệ, chính sách, chủ trương, đường lối của chính
phủ Anh mang tính bất công chống lại người dân và làm suy yếu đất nước,
tẩy chay các sản phẩm, các cơ quan giáo dục và pháp tòa Anh cũng như từ
chức không làm cho chính quyền, từ chối không đóng thuế và hủy bỏ những
danh hiệu, huy chương của đế quốc Anh. Với con đường này Mohandas
Karamchand Gandhi thường được gọi là Thánh Gandhi (1869-1948) đã dẫn dắt
người dân Ấn Độ đến độc lập tự chủ.
Cách Mạng Nhung Tiệp Khắc diễn ra từ ngày 16 tháng 11 năm 1989 đến ngày
29 tháng 12, 1989dẫn đến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa tại nước
này. Hai ngày sau khi cảnh sát đã đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa của sinh
viên tại thủ đô Praha, ngày 19 tháng 11 năm 1989, hàng loạt những cuộc
biểu tình của người dân Tiệp Khắc đã diễn ra trên khắp đất nước, số
lượng người tham gia biểu tình tại Praha có ngày lên đến nửa triệu, tiếp
đó ngày 27 tháng 11, một cuộc đình công phản đối đồng loạt trên toàn
quốc đã diễn ra trong hai giờ đồng hồ. Trước sức ép ngày càng càng lớn,
vào ngày 28 tháng 11 đảng cộng sản Tiệp Khắc đã tuyên bố từ bỏ quyền lực
và giải tán chế độ độc tài độc đảng đương quyền. Đến tháng 6 năm 1990,
một cuộc bầu cử tự do, dân chủ, đa đảng đầu tiên kể từ năm 1946 đã được
tổ chức để thành lập chính phủ mới mở ra kỷ nguyên tự do dân chủ cho
người dân Tiệp Khắc.
Từ năm 1987 cho tới 1991 tại Cộng Hòa Sô Viết Estonia nhân dân Estonia
biểu tình tụ tập mỗi lúc cả ba trăm ngàn người tại công trường Tallinn,
tung hô khẩu hiệu tranh đấu đòi quyền tự quyết, hát những bài quốc ca,
dân ca từng bị Liên-Sô cấm đoán. Khi quân đội Liên-Sô đem xe tăng đến uy
hiếp, dân chúng biểu tình lấy thân làm hàng rào chống đỡ, nhờ đó chính
quyền Estonia kịp trở tay giải tán quốc hội và tuyên bố độc lập.
Tại Nam Phi, với chủ trương bất tuân dân sự qua những cuộc biểu tình vĩ đại "Trong Mưa Tím" (Purple Rain Protest) và Diễn Bước Hòa Bình (Cape
Town Peace March) Nelson Mandela và Tổng giám mục Desmond Tutu đã dẫn
dắt nhân dân Nam Phi chấm dứt chế độ kỳ thị Apartheid năm 1994.
Cuối năm 2004 tại Công Trường Độc Lập, thủ đô Kiev nước Ukraine gần
triệu người biểu tình mặc toàn áo màu da cam, phản đối chính quyền bằng
các hình thức biểu tình ngồi, đình công, bãi thị, đòi tự do dân chủ, xóa
bỏ gian lận bầu cử v.v... Họ đã thành công trong công cuộc cải tổ sinh
hoạt chính trị, xây dựng một xã hội dân sự, tự do, dân chủ cho đất nước
này.
- Đối đầu bất bạo động:
Đây là hình thức đấu tranh đặt nền tảng trên quyền lực, ý chí và sự hy
sinh của dân, không dùng vũ khí nhưng dùng số đông quần chúng làm sức
mạnh nhằm đạt đến mục tiêu là lật đổ những chính quyền đi ngược lại
nguyện vọng của mình. Bất bạo động không phải là không hành động mà
chính là hành động nhưng không dùng bạo lực. Nó đòi hỏi sự kiên trì,
quyết tâm cao độ và chính nghĩa để có được sự ủng hộ bền bỉ của đại đa
số quần chúng.
Từ việc đối đầu bất bạo động, quyền lực của nhà cầm quyền bị đặt vào vị
trí thử thách, làm yếu đi sức mạnh của bạo lực đồng thời tăng sức mạnh
cho dân cho đến khi bạo lực của nhà cầm quyền bị triệt tiêu chính quyền
sẽ phải sụp đổ.
Đối đầu bất bạo động gồm hàng loạt chuỗi đấu tranh bằng hình thức vận
động nhân dân đồng loạt xuống đường biểu tình, đình công, bãi thị, bãi
khóa... thể hiện ý chí phản đối, không tuân lệnh, không cộng tác, bất
chấp các định chế của chế độ đương quyền.
Công Đoàn Đoàn Kết là tổ chức then chốt trong việc lật đổ chế độ
xã hội chủ nghĩa tại Ba Lan, được thành lập vào tháng 9 năm 1980 với chủ
trương đình công, biểu tình đòi tăng lương, phản đối chính sách kinh
tế, chính trị, xã hội của nhà nước trên khắp lãnh thổ Ba Lan. Phải mất
đến 10 năm với cả ngàn cuộc đình công, biểu tình, 10.131 người bị bắt,
3.616 bị án tù, 9 chín công nhân bị bắn chết và nhiều người bị thương,
người dân Ba Lan mới đạt được mục đích của mình là lật đổ chính quyền
đương nhiệm thành lập chính quyền mới, tiến hành chuyển đổi từ nền kinh
tế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường tự do, đưa Ba
Lan vượt qua những khó khăn bước đầu và dần dần trở thành một quốc gia
có nền kinh tế thị trường phát triển cao.
Cuối năm 2004, tại Công Trường Độc Lập, thủ đô Kiev nước Ukraine gần
triệu người biểu tình mặc toàn áo màu da cam, phản đối chính quyền bằng
các hình thức biểu tình ngồi, đình công, bãi thị, đòi tự do dân chủ, xóa
bỏ gian lận bầu cử v.v... Họ đã thành công trong công cuộc cải tổ sinh
hoạt chính trị, xây dựng một xã hội dân sự, tự do, dân chủ cho đất nước
này.
Vào đầu thế kỷ 21 người dân tại các nước Trung Đông và Bắc Phi đã kiên
trì áp dụng hình thức đấu tranh bất bạo đông để lật đổ các chế độ độc
tài lâu đời tại Tunisia, Egypt, Yemen, Sudan...
Gần đây nhất nhân dân Miến Điện sau hơn 50 năm (1962 - 2012) bị cai trị
dưới chế độ độc tài quân phiệt đã thành công trong nỗ lực chuyển hóa từ
một chế độ độc tài quân phiệt sang chế độ tự do dân chủ. Từ cuộc nổi dậy
ôn hòa 8888 chống lại chế độ nhà nước độc đảng được khởi đầu bởi sinh
viên tại thành phố Ngưỡng Quảng vào ngày 8 tháng 8 năm 1988, mặc dầu bị
đàn áp dã man nhưng từ đó về sau tinh thần này đã lây lan trên khắp đất
nước với hàng trăm ngàn người biểu tình đòi cải tổ chính trị, kinh tế và
xã hội.... Sau gần 25 năm kiên trì đấu tranh bất bạo động với hàng ngàn
người thiệt mạng do sự đàn áp của quân đội, hàng chục ngàn người chịu
cảnh tù đày mất mát, người dân Miễn Điện đã thức tỉnh được lương tri của
tập đoàn lãnh đạo, làm cho họ chấp nhận thay đổi chế độ để xây dựng tự
do dân chủ và kiến thiết đất nước.
- Đối đầu bạo động:
Đối với những chính quyền ù lỳ ngoan cố quyết tâm bám trụ quyền lực
chống lại nguyện vọng chính đáng của người dân bằng hành động khủng bố
và đàn áp đẫm máu, đưa đến một tình thế một mất một còn giữa hai phe,
với tình huống này người dân bắt buộc phải khởi động một cuộc nổi dậy,
hoặc tổng nổi dậy để lật đổ nhà cầm quyền dù phải dùng đến biện pháp đối
đầu có vũ trang.
Năm 1789 Nhân dân Pháp đã dùng những cuộc biểu tình bạo loạn trên toàn
lãnh nước Pháp, phá ngục Bastille, giết vua Louis XVI và hoàng hậu Marie
Antoinette để chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế lâu đời tại nước
Pháp.
Vào đầu thế kỷ 21 người dân Libya đã phải dùng hình thức vũ trang nổi
dậy để lật đổ chế độ độc tài sắt máu của Muammar Al Gaddafi.
Giữa tháng 2 năm 2011, các cuộc biểu tình ôn hòa bắt đầu nổ ra. Làn sóng
biểu tình nhanh chóng lan đến thủ đô Tripoli. Chính quyền phản ứng bằng
cách ra lệnh cho quân đội và cảnh sát bắn thẳng vào những người biểu
tình. Hổn loạn và bạo động diễn ra khắp nước bắt buộc người dân phải xử
dụng vũ khí và tổ chức thành đội ngũ để chống lại sự đàn áp tàn bạo của
quân đội. Gaddafi thuê chiến binh ngoại quốc tàn sát người biểu tình và
ra lệnh cho quân đội sử dụng xe tăng, đại bác, hỏa tiễn, máy bay tấn
công quân nổi dậy, xử tử những người biểu tình đang nằm điều trị trong
bệnh viện, các sĩ quan quân đội bắn bỏ những quân nhân nào từ chối bắn
vào người biểu tình. Càng đàn áp sức kháng cự của nhân dân càng mãnh
liệt và cuối cùng với sự hổ trợ của thế giới nhân dân Libya đã chiếm
được thủ đô Tripoli, Gaddafi bị lật đổ và bị giết vào ngày 20 tháng 10
năm 2011, sau 42 năm cầm quyền.
Syria là một quốc gia theo chế độ toàn trị do Đảng Baath nắm giữ quyền
hành, Hiến pháp 1973 ban cho Tổng thống Assad quyền lực gần như tuyệt
đối. Thủ tướng và nội các do Tổng Thống chỉ định mà không cần bất kỳ sự
phê chuẩn nào. Bất kỳ ai muốn thành đạt trên con đường hoạn lộ đều phải
thông qua Đảng và phải thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng và
Assad. Những công việc béo bở trong chính quyến thường được trao cho
thành viên trong gia đình Tổng thống hoặc cho người trong nhóm thiểu số
Alawite hay đồng hương với Tổng thống Assad. Chính quyền Assad giam giữ
độc đoán, tra tấn dã man, thủ tiêu những người bất đồng chính kiến, kiểm
duyệt các websites, cản trở các bloggers, áp đặt các lệnh cấm di
chuyển, kiểm soát cư trú và hạn chế đi lại, thành lập Tòa án An ninh Nhà
nước Tối cao (SSSC), là một tòa án đặc biệt tồn tại bên ngoài hệ thống
pháp lý thông thường để xét xử những người bị cho là gây nguy hiểm tới
chế độ.
Ngày 26 tháng 01 năm 2011, hưởng ứng cuộc nổi dậy của các quốc gia trong
vùng, dân chúng Syria xuống đường biểu tình đòi chính phủ cải cách
chính trị, tôn trọng quyền công dân và bãi bỏ Luật Khẩn Cấp. Chính quyền
thẳng tay đàn áp, hàng ngàn người bị bắt và một số người bị bắn chết
ngay trong ngày đầu tiên. Để chống lại sự đàn áp của nhà cầm quyền, nhân
dân Syria đã liên kết với binh lính đào ngũ thành lập những tổ chức
phản kháng bằng vũ trang bởi vì họ biết rằng với chế độ độc tài Assad
không thể lật đổ mà không có bạo lực và đổ máu. Do sự ngoan cố của chính
quyền Assad, đến nay đã có ít nhất 70.000 người chết. Trong những ngày
tới có thể dân Syria sẽ phải hy sinh nhiều hơn nữa nhưng có một đều
chúng ta có thể khẳng định được là không sớm thì muộn chế độ độc tài
Assad sẽ sụp đổ, Assad và đồng bọn phải đền tội và nhân dân Syria sẽ
thành công trong sứ mạng lật đổ chính quyền phản động này.
3. Kết luận cho Việt Nam
Chế độ cộng sản tại Việt Nam như một phiên bản hoàn hảo của các chế độ
độc tài trên thế giới gom lại. Con đẻ của nó, nhà nước Cọng Hòa Xã Hội
Chủ Nghĩa Việt Nam hậu thân của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa, là
một nhà nước độc tài toàn trị tồn tại lâu đời nhất nhì trên thế giới,
tính đến nay đã hơn nữa thế kỷ (68 năm).
Sự ra đời cũng như bản chất của nhà nước này là một nghịch lý đối với
văn minh tiến bộ của loài người, nó không bắt nguồn từ dân mà do đảng
cộng sản Việt Nam dựng lên, không phục vụ cho dân trung thành với tổ
quốc mà phục vụ cho đảng trung thành với tư tường Marx-Lê-Mao, không tồn
tại bằng thực lực và sự tín nhiệm của dân mà tồn tại bằng bạo lực và
giả dối.
Điều 4 trong bản hiến pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và
các đều 88, 79 trong bộ luật hình sự của chế độ là những quy định phi
nhân, phi pháp chống lại quyền Lật Đổ Chính Quyền là quyền lực chính
đáng và cũng là trách nhiệm cao cả của người dân đối với quốc gia và dân
tộc.
Ngày nào nhà cầm quyền độc tài, độc đảng này còn tồn tại thì độc lập,
tự do, ấm no, hạnh phúc và toàn vẹn lãnh thổ chỉ là những từ sáo rỗng.
Để đạt được những ước mơ đó người dân Việt Nam không còn có lựa chọn nào
khác ngoài việc thực thi quyền LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN của mình như các dân
tộc trên thế giới đã làm.
Copy từ: Dân Làm Báo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét