CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Công an giao thông quận 9 lạm quyền, thu giữ tài sản công dân trái phép


VRNs (11.07.2013) – Sài Gòn – Ông Phạm Đức Hiệp nói: “Việc những cảnh sát giao thông (CSGT) lập biên bản và giữ giấy phép lái xe (GPLX) trái pháp luật của tôi rõ ràng là hành vi ‘lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu…’ Lợi dụng tâm lý người lái xe ngại va chạm, hoặc e dè khi gặp CSGT để gây khó dễ, nhũng nhiễu, làm xấu đi hình ảnh và niềm tin vào CSGT”.
Sự việc được ông Phạm Đức Hiệp trình bày như sau:
“Nguyên, sáng ngày 29/6/2013, tôi lái xe Inova 7 chỗ từ Quận Tân Bình đi Biên Hòa. Sau khi điểm tâm ở quán bún bò Ngọc Dung trên đường Hoàng Hữu Nam, P. Long Bình, Q.9, khoảng 8g, tôi tiếp tục lộ trình từ quán bún bò hướng ra Xa lộ Hà Nội (Quốc lộ 1). Đi được khoảng 100 mét, tôi gặp xe 45 chỗ chạy trước mặt với tốc độ từ 25 đến 30 km/h (đo theo đồng hồ trên xe tôi). Tôi đã mở đèn hiệu xin vượt và nhận được tín hiệu từ xe 45 chỗ cho phép vượt.
Khi chạy được khoảng 300 m thì một anh cảnh sát giao thông (CSGT) ra hiệu dừng xe tôi lại. CSGT cho rằng tôi đã vượt sai qui định nơi không được phép vượt. Tôi thắc mắc đoạn đường này không có biển báo cấm vượt thì sao tôi vi phạm được? CSGT nói rằng cho dù đường này không có bảng cấm vượt thì tôi phải tự hiểu là đường hẹp và dốc thì không được vượt! Khi tôi xuất trình Giấy phép lái xe (GPLX) theo yêu cầu của CSGT, thì lập tức họ lập biên bản với lỗi “vượt sai qui định” và yêu cầu tôi ký tên vào biên bản.
Tôi không đồng ý ký tên thì một CSGT tên Nguyễn Phúc Hòa, mã số 289-250, nhũng nhiễu: “Nếu không ký tên thì không được lấy biên bản. Lát nữa đi bị CSGT hỏi GPLX, lúc đó không có cái gì làm bằng chứng là có GPLX bị tịch thu… bị giam xe ráng chịu. Suy nghĩ kỹ đi rồi ký vào”. Lời đe dọa đó làm tôi hoang mang nên, tôi đã nói với CSGT tên Hòa rằng tôi đồng ý ký biên bản, nhưng phải để tôi ghi ý kiến vào biên bản. CSGT từ chối và nói: “phải ký tên vào và ghi đồng ý nhận lỗi thì mới được lấy biên bản, còn không thì thôi.”
Tôi đã yêu cầu CSGT nếu không đưa biên bản thì phải cho tôi tờ giấy biên nhận là anh đã giữ GPLX của tôi, vì đây là tài sản của tôi. CSGT đã trả lời rằng: không có biên nhận nào hết; muốn lấy thì lên CSGT Quận 9 mà lấy! Và CSGT tên Hòa bỏ GPLX của tôi vào túi áo, lên xe môtô cùng với 2 CSGT kia đi mất.
Tôi khẳng định con đường Hoàng Hữu Nam, đoạn từ quán bún bò Ngọc Dung ra đến QL 1 hoàn toàn không có biển báo cấm vượt, biển báo đường hẹp cũng như biển báo đường dốc, nguy hiểm; giữa lòng đường kẻ vạch không liền nhau”.
Trong Thư khiếu nại, ông Phạm Đức Hiệp đã phân tích rất rõ hành vi không vi phạm pháp luật của mình:
Về chấp hành qui định vượt xe :
Tôi đã thực hiện đúng và đủ các qui định khi vượt xe; Cụ thể:
- Đoạn đường tôi vượt không có biển báo cấm vượt, cũng không có bất kỳ tín hiệu, hiệu lệnh… cấm vượt.
- Trước khi vượt, tôi đã thực hiện đầy đủ: báo hiệu xin vượt, sau khi quan sát không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã giảm tốc độ, tránh về bên phải, đồng thời còn ra hiệu cho xe tôi vượt.
- Lúc đó tôi mới cho xe vượt về bên trái xe 45 chỗ.
- Tôi cũng không vi phạm bất kỳ trường hợp “không được vượt xe” nào qui định tại khoản 4, Điều 14 Luật Giao thông Đường bộ.
Về qui định lập Biên bản và tạm giữ Giấy phép lái xe của tôi:
- Trước hết, theo qui định pháp luật: Tôi chỉ bị xử phạt khi có “hành vi vi phạm theo pháp luật qui định”. Như tôi đã trình bày trên, tôi không có hành vi vi phạm khi vượt xe, tôi không “Vượt trong các trường hợp cấm vượt; vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép; không có báo hiệu trước khi vượt;” Nghị định 34/2010 và Nghị định 71/2012 của Chính phủ không có qui định nào về xử phạt “vượt xe tại đường nhỏ” như CSGT tên Nguyễn Phúc Hòa nói. Như vậy, việc lập Biên bản tôi là vi phạm nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính.
- Việc tôi yêu cầu được ghi lời khai của mình vào Biên Bản là đúng qui định tại khoản 2 Điều 55 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi bổ sung), Điều 22 Nghị định 28/2008 của Chính phủ và khoản 2 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2013). Việc không cho tôi ghi lời khai tại Biên Bản là hạn chế quyền công dân và vi phạm các qui định pháp luật.
- Việc giữ giấy phép lái xe của tôi không lập biên bản, không niêm phong… là vi phạm nghiêm trọng qui định pháp luật tại Điều 46 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (đã sửa đổi bổ sung) và có dấu hiệu tội phạm: “lợi dụng chức vụ…”, “lạm quyền…”, vì lẽ Giấy phép lái xe là tài sản của tôi. Việc giữ GPLX không đúng qui định gây cho tôi nhiều khó khăn, thiệt hại trong khi tham gia giao thông”.
Ông Hiệp còn cho biết, công an làm việc với ông nói rằng đường không có biển báo hay thiếu biển báo là lỗi của ngành Giao thông chứ không phải lỗi của công an. VRNs cho rằng, viên công an, phó đội CSGT quận 9, đã nói để ngụy biện cho thuộc cấp của mình một cách thiếu trách nhiệm. Nếu chỗ đó buộc phải có biển, mà ngành Giao thông không gắn biển, thì chính lãnh đạo CSGT quận 9 phải làm việc với ngành Giao thông để khắc phục ngay tình trạng này, chứ không thể nói một cách không có căn cứ pháp luật như vậy được.
VRNs cho rằng nhiều vị CSGT nghĩ rằng chỉ có mình mới biết luật, nhưng thật ra, người dân, nhất là các bác tài biết luật rất rõ. Tình trạng các bác tài im lặng để công an tự tung tự tác đã gây ra hàng loạt tai nạn cho những người tham gia giao thông. Người phạm luật chỉ cần có tiền là xong, người không phạm luật mà không chịu “đưa tiền ra” thì sẽ bị gây khó.
Liệu có phải với cách làm việc ngụy biện và bao che này của công an quận 9 đã gây ra hàng loạt tai nạn giao thông, và cố tình dùng đó như là cái bẫy “kiếm cơm” cho ngành hay không?
PV. VRNs
Ảnh chỉ để minh họa


Copy từ: Truyền Thông Chúa Cứu Thế

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét