CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

VIỆT NAM ĐỨNG Ở ĐÂU? ĐI VỀ ĐÂU?

 * BÙI VĂN BỒNG
           BVB - Hôm mới rồi, kỷ niệm 57 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi xem trên Đài truyền hình, thấy nghệ sĩ Quang Thọ cùng dàn đồng ca trình diễn bài “Ta tự hào đi lên. Ôi, Việt Nam!” (nhạc Chu Minh, thơ Hoàng Trung Thông).
Vẫn giọng hát ấy, bối cảnh, phông màn, dàn nhạc ấy, năm xưa nghe bài hát này thấy hùng hồn, đầy khí thế, hào hứng, phấn chấn trong lòng. Thế mà nay nghe-nhìn biểu diễn bài hát đậm chất truyền thống, trong hệ ‘Những bài hát đi cùng năm tháng’ sao thấy lạc lỏng, thấy sự ‘đi cùng’ lúc này gượng ép quá, khiên cưỡng quá! Bỗng dưng thấy mủi lòng. Rồi buồn. Bỗng dưng muốn khóc. Có trạng thái chán chường!  
Cái chữ ‘ôi’ của tựa đề và trong lời hát trước đây nguyên nghĩa là từ cảm thán, là nièm vui phơi phới, thực sự thấy tự hào. Nhưng nay, cũng chữ ‘ôi’ mà thành nỗi ta thán, mà  kêu rên, mà thấy lạc lõng, não nề. Ôi, chẳng lẽ là, và đang, như thế!? Việt Nam ta đã từng được cả thế giới ngưỡng mộ, ngợi ca, kỳ vọng, nhìn vào như ngôi sao. Nay ngôi sao đó có nguy cơ vụt tắt, đã rõ là niềm tự hào bị đánh mất, đã nhạt phai và mất dần ánh hào quang trên thế giới…
Tuy thế, lời bài hát vẫn vang lên, lúc này như cấu xé, như da diết, như khắc khoải nỗi lòng:

Vượt lên bão táp đã trăm lần

Mang cả bốn ngàn năm vào trận thắng

Cho Việt Nam tươi sáng mãi những mùa xuân

Ta đứng đầu ngọn sóng
Giữa dòng thời đại, thác lũ, cuộc đời
Ta đứng đầu ngọn sóng
Những luồng mạch tâm tư lay động loài người
Thác lũ cuộc đời...
Thuyền ta bé nhỏ nhưng vững tay chèo
Không chòng chành nhắm thẳng hướng mà đi...
Trùng trùng những đoàn quân,
Vượt qua Trường Sơn, băng qua thác lũ,
Ta ca khúc khải hoàn
Viẹt Nam ơi, ta bước tiếp,
Ta tự hào đi lên
Ôi, Việt Nam!

Tự hào! Nay tự hào những gì? Ai đã 'xóa' đi niềm tự hào của dân tộc Việt? Niềm tự hào chẳng những không được nuôi dưỡng, không được bổ trợ mà ngày càng mờ nhạt, lặn đi đâu? Đi lên! Đi lên được không? Bằng cách nào? Có còn như khẩu hiệu “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiễn vững chắc lên CNXH” ?
Hội nghị Trung ương 4
Thế nên, câu hỏi cứ da diết lòng tôi: Nay, Việt Nam đứng ở đâu (vị thế trên trên thế giới)? Rồi Việt Nam sẽ đi về đâu? Chủ nghĩa, đường hướng, chiến lược nào? Rồi nữa, cả ‘đồng minh’, sẽ ‘chơi’ (quan hệ) được với ai?...
Xem hát, nghe lời ca, thấy buồn, bỗng dưng muốn khóc, lại thẫn thờ vào Làng Mạng, đọc thấy BBC tiếng Việt đăng bài: ‘Việt Nam, ngôi sao sắp vụt tắt' của tác giả William Pesek, người phụ trách cột báo thường xuyên Bloomberg View của hãng tin tài chính Bloomberg.
Ông viết bài này khá dài, nhưng chon lọc và sâu, gợi nhiều nỗi niềm suy tư. Ví dụ như những câu, đoạn: “Giống như các nên kinh tế có thể thành cọp, Việt Nam đang phải đối diện với những mối đe dọa mới…Đã 27 năm trôi qua kể từ khi Hà Nội bắt đầu công cuộc Đổi Mới, theo đó các công ty tư nhân được tham gia vào nền kinh tế, các lĩnh vực then chốt được mở cửa, chẳng hạn như nông nghiệp. Sự phát triển nhanh chóng sau đó đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, biến đổi vùng đất từng là vùng chiến sự trở thành một điển hình cho sự phát triển và giảm đói nghèo.
“Tuy nhiên, nay hướng đi hồi 1986 của Việt Nam nhằm có một "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" đang trở nên cũ kỹ.
Các số liệu gần đây cho thấy chiến lược từng đưa Việt Nam tiến xa - sự phụ thuộc nặng nề giống như mô hình Trung Quốc vào các doanh nghiệp quốc doanh và kế hoạch hóa tập trung - nay đang khiến đất nước bị trì trệ.
Việt Nam đang hụt hơi trong bảng cạnh tranh toàn cầu, trong lúc mức tăng trưởng đã chững lại ở mức chừng 5%, thấp nhất kể từ 1999 trở lại nay.
“Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liệu có mong muốn chính trị nhằm hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam trị giá 124 tỷ đô la hay không? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tỏ ra nghi ngờ điều này. IMF gần đây đã giảm dự đoán phát triển của Việt Nam năm 2014 nhiều hơn mức giảm đưa ra đối với bất kỳ quốc gia châu Á nào khác, xuống mức 5,2%.
“Khi tiến hành cải tổ, các lãnh đạo Hà Nội tin rằng họ đang đi theo mô hình Trung Quốc, vốn đã rất thành công. Cách tiếp cận của Việt Nam còn từ từ, thận trọng hơn cả Đặng Tiểu Bình. Nhưng những khó khăn nói chung là giống nhau, và cả hai nay bắt đầu vấp phải những vấn đề giống nhau.
…”Nạn ăn hối lộ đã tăng tỷ lệ nghịch với tình hình kinh tế.
Trong Chỉ số về tình trạng tham nhũng năm 2012 do tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra, Việt Nam tụt xuống vị trí 123 trên tổng số 176 nước, so với vị trí 112 hồi năm 2011, tệ hơn cả Sierra Leone và Belarus.m. Thế còn trong Chỉ số mức cạnh tranh toàn cầu mới nhất do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra, Việt Nam tụt 10 bậc, xuống vị trị thứ 75, sau cả Uruguay và Ukraine”…
Tôi tháy nhậ định, đánh giá của tác giả W. Pesek thật đây đủ và chính xác. Không thổi phồng, không bịa, không cố tình xen lồng động cơ cá nhân nhằm “nói xấu”, “bôi bẩn” Việt Nam, thực trạng đã đúng như thế, mà thực tế còn bi đát, kém cỏi, trì trệ và phức tạp hơn nhiều.
Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Việt Nam dựa vào hai cường quốc trong hệ thống XHXN theo lý tưởng, chủ nghĩa cộng sản là Liên Xô, Trung Quốc (được coi là trụ cột vững chắc, là thành trì) và được phần nhiều các nước trên thê giới ngợi ca, nhiệt tình ủng hộ. Dựa vào Liên Xô thời giàu sang, hùng mạnh, Việt Nam được Liên Xô viện trợ tối đa, kinh tế, tài chính và nhất là quân sự. Từ khẩu súng bộ binh đến xe tăng, tên lửa, máy bay hiện đại nhất, cần mấy đều có ngay từng ấy, còn hơn nhu cầu. Việt Nam cũng dựa vào Trung Quốc được phần nào. Nhưng nay, dựa vào ai? Lịch sử, thời cơ không lặp lại. Nay làm gì có ‘sự giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa hết lòng…”?  Nay, từ viên đạn đến máy bay, tàu ngầm đều phải mua. Được giá, người ta mới bán. Mà cũng chưa dễ gì người ta ‘dám bán’ cho Việt Nam. Việt Nam nghèo, mua được bao nhiêu? Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhất là sau Hội nghị Thành Đô năm 1990, Việt Nam nghiêng hẳn về xu hướng và đã nhiều biện pháp đi theo, tiến lên CNXH theo màu sắc Trung Quốc. Nhưng suy cho cùng, bắt chước, đi theo dược không? Nhiều cái Trung Quốc làm đưẹc, có hiệu quả, nhưng Việt Nam ‘học tập và làm theo’ được bao nhiêu?
Mua vũ khí hiện đại, muốn lắm, cần lắm! Nhưng như thế cũng đi vào vòng xoáy ‘chạy đua vũ trang’ à? Mà tiền đâu để mua? Mua rồi có bằng hoặc hơn người ta không? Thiếu tiền, dấn lên chịu nợ thì sau này ai trả, lấy gì để trả nợ?...Nhìn toàn thế giới, nay thấy Chủ nghĩa xã hội còn lèo téo mấy nước, mà lại như que kem nhiều màu. Có CNXH theo màu sắc Trung Quốc, màu sắc Cu Ba, màu sắc Triều Tiên, màu sắc Lào…Đâu còn “chung một bóng cờ”. Vậy, Việt Nam tiếp tục tiến lên con đường CNXH theo màu nào?
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không thể nói Độc lập là đứng một mình, mà pải đúng nghĩa của độc lập…Nếu như nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam không thể ‘bế quan tỏa cảng’, càng không thể lấy cái qua skhứ để “ta đây”, đứng mọt mình. Vậy câu hỏi lớn đặt ra trong lúc này: Việt Nam đang đứng ở đâu? Rồi cần xác định cho rõ, có bản lĩnh, lập trường dứt khoát: Đi về đâu?
Đọc tiếp bài viết đã nêu trên của tác giả William Pesek. Ông cũng (như đề xuất) thử mở ra đường hướng thoát khỏi thảm trạng ‘ngôi sao vụt tắt”, tác giả viết: “Hướng tới tương lai: Thách thức đối với Việt Nam dẫu sao cũng nằm trong tầm kiểm soát hơn so với Trung Quốc: các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam nhỏ hơn, đầu tư bớt dàn trải hơn. Nhưng nay không còn là lúc có thể làm từng bước được nữa. Nay là lúc đất nước phải phát triển mô hình riêng của mình, một mô hình phải xóa bỏ nạn tham nhũng, đầu tư nhiều hơn nữa vào giáo dục và các lĩnh vực phát triển then chốt như sản xuất công nghệ, và trao quyền lực cho các doanh nghiệp để bước tới bậc thang tạo giá trị gia tăng. Trong nhiều năm, các quốc gia nhỏ khác ở Đông Nam Á, như Miến Điện và Campuchia, đã nhìn vào Việt Nam để tìm ý tưởng cải tổ kinh tế. Việt Nam có thể sẽ lại trở thành điển hình mẫu. Chỉ cần Việt Nam hướng tới tương lai, thay vì hoài niệm quá khứ”.
      Đúng thế, cần mạnh bước hưởng tới tương lai, không thể chờ đợi, chần chừ mãi được. Không thể cứ ôm lỳ, giữ khư khư với giáo điều, rồi khật khừ nghiên cứu ‘biện chứng, khách quan’ câu dầm được nữa. Ví dụ mới nhất là trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), sáng 11/5, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Đặc biệt là phải tôn trọng và phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân; hết lòng, hết sức chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chú trọng đến lợi ích trực tiếp của người dân; luôn trọng dân, gần dân, hiểu dân, tin dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, những gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Nghị quyết, văn bản, sách vở từ xưa nay là thế và đúng ra (nó) phải thế, ai cãi? Nhưng thực tế khi làm thì sao? Ôi, cái lối mòn tai hại!
       Cho nên, phải mạnh bước và dứt khoát có sự chọn lựa mối quan hệ quốc tế. Phải biết chớp thời cơ. Nếu không biết nhận diện và chớp thời cơ, để thời cơ vuột khỏi tay thì không phải nhà cách mạng. Cái 'chiến lược phát triển kinh tê-xã hội' đến 2020, 2030, tầm nhìn đến năm này năm nọ cũng chỉ là viết tràng giang đại hải (hoang tưởng, xa thực tế là nhiều), viết cho dài, đọc thật kêu thôi, thực ra chẳng có tố chất 'chiến lược', không có tầm nhìn gì cả. Chỉ thêm tốn giấy mực, mòn bàn phím, mất công họp hành, thảo luận, nhìn vào thực chất mang lại được gì? Dựa vào ai thì bền vững, yên lành và lâu dài hơn? Hợp tác bắt tay với ai? Huy động nội lực trong nước kết hợp với tận dụng và biết khai thác các mối quan hệ, tiềm lực bên ngoài thế nào? Cần lấy lại ý nghĩa câu hát: “Việt Nam ơi, ta bước tiếp. Ta tự hào đi lên. Ôi, Việt Nam!”.
BVB



Copy từ: Bùi Văn Bồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét