CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

Dân vận hay tiếp thị?



Đức Thành

Sau mười ngày tập trung các đỉnh cao trí tuệ, tinh hoa nhất của một đảng cầm quyền đang ở thời kỳ thoái trào nhưng lại luôn hiển hiện tính ích kỷ, bóp nghẹt nền dân chủ của đất nước để độc quyền dẫn dắt dân tộc theo những luận thuyết không có thực trên trái đất này.
Với định hướng cơ bản như thế cuối cùng “đám đông ấy” sau khi tiêu một số khá lớn tiền thuế của dân cho 10 ngày họp cũng cố phải đưa ra được cái thứ gì để gọi nghị quyết cho dù nó không khác mấy cái luận thuyết kia. Họ đưa ra hay liệt kê được mấy thứ chẳng có gì mới, chỉ là bổn cũ soạn lại cho phù hợp với tình hình mới (của ai? – Đảng hay dân tộc?) nhằm đánh lạc hướng dư luận nhân dân.
Cái “thứ nhất” họ nêu tiếp tục đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở. Thật chẳng mới tý nào vì nhiệm kỳ nào chẳng thế. Họ gắn đổi mới hệ thống chính trị phải gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế nhưng họ có dám đổi mới đâu, vì nền kinh tế nước ta đã đa thành phần từ gần 30 năm nay nhưng nền (hệ thống) chính trị vẫn chỉ có một đảng cầm quyền và các cánh tay nối dài đắc lực được đảng trả lương được nằm trong mỹ từ đẹp đẽ “hệ thống chính trị”… thì nhân dân ta có nên tin “đổi mới kinh tế phải gắn liền với đổi mới chính trị” như họ tuyên truyền?
Cái “thứ hai” họ đưa ra trong trong nghị quyết 7 là “trung ương bàn và ban hành nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác dân vận là rất cần thiết trong tình hình hiện nay”. Thực ra họ đã kéo dài tình trạng để “dân hận” trong suốt mấy chục năm vừa qua kể từ sau khi kết thúc chiến tranh. Tình trạng này khiến có không ít những cán bộ đảng viên cấp cao phải giận dữ mà nhận xét rằng đảng đang trở thành ông vua tập thể, trở thành nơi tập trung “đầu mối” của những lợi ích nhóm,của “một bộ phận suy thoái”… Khi kết quả hội nghị Trung ương 4 và phong trào học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được chứng minh bằng nghị quyết “Ban chấp hành Trung ương nhất trí không thi hành kỷ luật một đồng chí là Ủy viên bộ chính trị” với núi nợ khổng lồ của các tập đoàn kinh tế nhà nước không được giải quyết thấu đáo… thì họ lại quay về hô hào “tăng cường đổi mới công tác dân vận”. Điều này cho thấy họ chẳng hề coi dân tộc đất nước là thứ gì mặc dù trong nghị quyết này họ vẫn ra rả như cuốc kêu là nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quan hệ đảng dân là quan hệ máu thịt…
Cái “thứ ba” là sau khi họ dùng các chuyến công cán tại các địa phương và các cơ quan truyền thông nhà nước để thóa mạ vu cáo kích động thù hằn dân tộc bằng việc vu khống những công dân có trách nhiệm, có hiểu biết trên tinh thần khoa học đã đóng góp ý kiến trung thực khách quan nhất trong việc góp ý sửa đổi Hiến pháp ngay trong dịp nhà nước kêu gọi toàn dân tộc phát huy mọi trí tuệ công sức, tâm huyết vào việc góp ý sửa đổi hiến pháp nhằm xây dựng một bản hiến pháp tiến bộ, văn minh và dân chủ. Những lời lẽ thóa mạ mạt sát ấy lại phát ngôn ra từ chính những người có trọng trách cao nhất của đảng khiến rất nhiều người dân từ nông dân đến trí thức phẫn nộ lên tiếng phản bác lại. Trong nghị quyết này đảng “cám ơn đồng bào chiến sĩ cả nước và kiều bào nước ngoài đã nhiệt tình hưởng ứng, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng sửa đổi Hiến pháp 1992”.
Sự cảm ơn này là vô nghĩa và không đúng chủ thể phải nói lời cảm ơn, bởi vì đã là Hiến pháp thì nó là một đạo luật cơ bản của Quốc gia, của dân tộc chứ nó không phải là một bản điều lệ của một đảng dù đảng đó đang tự cho mình quyền lãnh đạo dân tộc. Nên câu cảm ơn này phải được phát ra từ người đứng đầu nhà nước mới đúng! Việc một tổ chức đảng ra nghị quyết cám ơn nhân dân đóng góp sửa đổi Hiến pháp của một quốc gia nó chứng minh cho điều đảng công sản Việt Nam đang tiếp tục lấy tư tưởng đảng quyền, đảng trị chứ không phải dân quyền, pháp quyền trong Hiến pháp mới. Mặt khác nó cũng chứng minh cho việc đảng tiếp thị uy tín của mình không đúng lúc đúng chỗ.
Cái “thứ tư” – về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường luôn luôn là điều cần thiết và cực kỳ quan trọng đã được các nhà khoa học cảnh báo từ rất nhiều năm qua chứ không phải bây giờ mới quan trọng như BCHTW đề cập trong hội nghị này. Tuy nhiên tăng cường quản lý là cần thiết nếu như tăng cường quản lý để giảm thiểu ô nhiễm, khai thác tài nguyên một cách hợp lý cho dân tộc Việt được nhờ chứ không phải tăng cường quản lý để mỗi một nhóm lợi ích trong đảng “kiếm chác thêm được một tý”.
Và cái “thứ năm” thì chẳng nói dân cũng đã biết rất rõ rằng BCHTW nhất trí rất cao, đã vào cuộc quyết liệt để thực hiện cho được nghị quyết TW4 được nhân dân ủng hộ rất cao, đã chỉ ra được cả một bầy sâu bự, đã lập lại một ban Nội chính TW để chuyên bắt sâu, đã tiêu tốn rất nhiều tiền thuế của dân vào việc bắt sâu nhưng chưa thấy con sâu nào bị bắt mà mới chỉ “sâu này” bới “sâu kia” khiến nhân dân không biết đâu là sự thật.
Trong bối cảnh như trên với 10 ngày làm việc “khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc” tập trung những tinh hoa nhất của một đảng mà chỉ đưa ra năm vấn đề nghe có vẻ rất quan trọng. Đặc biệt là vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của một đảng đang suy thoái đối với công tác “dân vận trong tình hình mới” nhưng lại rất chung chung dàn trải không hề gợi mở được bất cứ hướng đột phá nào để tiếp cận, nhận thức hay thực hiên được những vấn đề được đặt ra.
Một hội nghị bàn về dân vận nhưng lại thể hiện tính tiếp thị rất cao
Xin có mấy lời phân tích như trên nhằm làm rõ hơn Hội nghị TW Đảng lần này đang hướng nhân dân đến cái gì.
Đ.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho: Bauxite Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét