Lê Quốc Trinh
Kỹ sư cơ khí, CanadaTôi mới đọc xong bài viết “Nhân chuyện bô-xít nghĩ về trí thức” của anh Hà Sĩ Phu đăng trên trang Boxitvn sáng nay, vội thảo vài hàng chia sẻ với anh Nguyễn Huệ Chi và các anh chị trí thức trong nước.
Hơn một năm nay tôi không còn hứng thú viết phản biện khoa học kỹ thuật (KHKT) về chủ đề bô-xít vì vài lý do như sau:
1) Đã thấy xuất hiện nhiều cây viết KHKT khá mạnh bạo, như anh Lê Trung Thành chẳng hạn, bàn sâu và rộng về những sai lầm của Nhà nước, cho nên tôi tin tưởng không cần bàn ra tán vào nữa.
2) Vả lại tôi chỉ là một kiều bào ở ngoài, không nắm nhiều chi tiết của dự án, nên tự trọng không dám “múa rìu qua mắt thợ”.
Nay, sự thật đã hiển lộ khá nhiều sau những loạt phản biện KHKT mà tôi đã chung sức góp phần với các anh chị trí thức trong và ngoài nước, ngay từ những ngày đầu tiên của trang nhà Boxitvn (tháng 04/2009). Tôi tự hào vì những gì tôi viết và dự đoán không sai chút nào, cách đây vài tháng anh Huệ Chi đã có nhã ý trích đăng lại bài viết đầu tay của tôi để làm kỷ niệm. Xin thành thật cám ơn anh Huệ Chi nhiều.
Trong thời điểm 05/2013, sau bốn năm xây dựng và vào vận hành, công trình khai thác bô-xít Tây Nguyên đã hiển lộ nhiều sai lầm hệ trọng trong thiết kế, mà chính Nhà nước cũng đã phải thổ lộ, nhưng vẫn kiên quyết bám lấy nhà máy. Do đó giới trí thức trong nước phẫn nộ muốn lên tiếng ngăn cản. Trước tình hình này, tôi xin phép góp vài ý kiến.
Trên cương vị một kỹ sư cơ khí có hơn 36 năm hành nghề trong công nghiệp nặng về khai khoáng và hoá dầu ở Canada, từ bảo trì nhà máy, thiết kế sơ đồ thiết bị, cho đến thực hiện, giám sát và hỗ trợ kỹ thuật trên công trường xây dựng, tôi nghiêng nhiều về phần thực hành hơn là lý thuyết. Do đó những gì tôi nói sẽ mang nặng tính thực hành trong kinh nghiệm thực tiễn.
Trong bài viết của mình, anh Hà Sĩ Phu đã nhắc đến “giới trí thức cận thần” trong nước:
“2/ Nhưng tôi lo rằng có một nguyên nhân khác tổng quát hơn, đó là sự kỳ thị đối với những tiếng nói phản biện xây dựng nhưng không thuộc giới “trí thức cận thần”. Chính giới trí thức chứ không ai khác, đã tự đoán biết “gu lãnh đạo” có sự kỳ thị ấy nên tự giới trí thức cũng phân biệt nhau ra để vừa lòng trên? Trước đây, trong một vài việc, giới trí thức đã nhiệt tình hợp tác với trang Bauxite rất có uy tín để vận động quần chúng, nhưng khi cần xuất hiện công khai trên báo (của Đảng) hay trước mặt “lãnh đạo” thì họ cố tình gạt đại biểu trang Bauxite ra như thể không quen biết, không liên quan gì đến anh Bauxite này (!?).
Hèn! Trách giới lãnh đạo một thì giới trí thức hãy tự trách mình mười. Sách có câu: Mình tự trọng thì người khác mới trọng mình, mình tự khinh thì người khác sẽ khinh mình! Giới trí thức không tự trọng nhau thì giới chính trị họ sẽ “khinh cả đám” đấy thưa các chư vị!
Những lần bị gạt ra ngoài như vậy anh Huệ Chi không hề phật ý mà luôn tự nhủ: kể công làm gì, cốt sao công việc chung trôi chảy là mình mừng rồi – có phải anh vẫn tâm sự với chúng tôi thế không?
Tôi vẫn không đồng ý với anh Huệ Chi về sự khiêm tốn mà anh từng thổ lộ. Đây không phải chuyện của cá nhân anh ạ. Vì lợi ích chung, giới trí thức cần nhắc nhở nhau và sửa cho nhau cái căn bệnh “tự kỷ ám thị” này: tuy ngày thường rất hiểu giá trị và nhân cách của nhau nhưng khi đối diện với thượng cấp, giới trí thức cứ phải tự sàng lọc nhau cho vừa “gu” thượng cấp. Song đáng tiếc, thực tế vừa qua cho thấy cách “nịnh khéo” ấy không hề đem lại hiệu quả tốt đẹp gì cho chính những người “lựa chiều”. Giới chính trị biết tỏng người nào vì chiều lòng họ mà tự khinh nhau thì họ khinh cho cả đám.
Vấn đề trọng tâm tất nhiên vẫn là cân nhắc nên tiếp tục hay nên dừng khai thác quặng bô-xít, nhưng nhân đây cũng là lúc thích hợp để bàn với nhau một câu chuyện liên quan của trí thức.
Mấy lời bộc trực không thể giữ mãi trong lòng, mong anh lượng thứ”.
Thế thì tiện đây, tôi xin phép thưa cùng anh Hà Sĩ Phu rằng:
Đây là một thực tế đắng cay cho giới trí thức dám cả gan sống với lương tâm trong sáng của mình, dám cả gan cất tiếng nói phản kháng lãnh đạo nhà nước trước những sai trái ảnh hưởng hệ trọng đến xã hội. Ở đâu cũng có sự đấu tranh va chạm này, ngay cả xã hội Bắc Mỹ (Hoa Kỳ) cũng không thoát khỏi. Nhưng giới lãnh đạo chính trị có lắng tai nghe hay không thì khi tai nạn trầm trọng xảy ra, người dân sẽ có tiếng nói quyết định.
Bằng chứng hiển nhiên mà cựu tổng thống G.W. Bush (con) không bao giờ quên khi cơn bão Katrina lớn nhất thế kỷ thổi qua tiểu bang Louisiana năm 2005, cuốn trôi cả thành phố nhạc Jazz nổi tiếng New Orlean. Người dân da đen không bao giờ quên hình ảnh ông Bush tươi cười ẵm con chó nhỏ lông xù bước lên phi cơ trực thăng để tham quan những nơi bị thiên tai. Đến khi này ông Bush mới thấm hiểu những lời yêu cầu bức thiết của các kỹ sư trong Hiệp hội Công chánh Mỹ từng khẩn khoản chính phủ cho ngân sách để gia cố đê điều vùng Mississipi. Trước đó, các kỹ sư còn dựng cả một kịch bản trình bày bằng computer (simulation – mô phỏng) dự đoán những thiệt hại vật chất và con người, những xáo trộn hỗn loạn trong xã hội xảy ra khi cơn bão số 5 (cao nhất) thổi đến.
Trở lại sự kiện bô-xít Tây Nguyên, bài viết phản biện đầu tiên của tôi đã nói trước về những thiệt hại kinh tế, lỗ lã không tránh khỏi vì kỹ thuật lạc hậu của nhà máy cộng với chất lượng quá thấp của sản phẩm (alumina – nhôm oxit) sẽ đưa đến phá sản hoàn toàn. Đến nay sự thật đã hiển lộ, tôi không cần nói thêm. Giờ đây nhà máy Tân Rai đầu tiên đã hoàn tất, đi vào vận hành, mà tôi vẫn không tìm được chi tiết kỹ thuật nào về dự án, nên tôi thầm đoán chắc các anh chị làm khoa học trong nước cũng bị mù mờ thông tin như tôi mà thôi, vì Nhà nước đâu dám tiết lộ! Tuy nhiên qua một số thông tin trên báo và qua quan sát những bức hình chụp quang cảnh nhà máy hoàn tất (xem hình đính kèm), với kinh nghiệm thực tiễn trong nghề, tôi đã phát giác được vài điểm sơ hở hệ trọng, xin phép được chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước:
1) Vì sao công trình Tân Rai (Đắk Nông) phải cần đến một nhà máy nhiệt điện nhỏ chạy tuốc bin hơi nước để cung cấp điện năng cho toàn khu công nghiệp? Đây là một nghi vấn lớn tôi đã tự hỏi thầm từ lâu, vì lẽ:
1a) Công trình này do Nhà nước khai thác và chi viện, thì điện năng phải do Nhà nước cung cấp hoà trong mạng lưới điện quốc gia để bảo đảm tính vận hành lâu dài (hơn 30 năm). Ở Quebec, mỗi dự án vĩ đại hao tốn năng lượng đều cần đến một thoả thuận hợp đồng với công ty Hydro Quebec trước để bảo đảm nguồn điện lâu dài. Vậy thì, hà cớ gì nhà máy Tân Rai phải xây lắp riêng một tổ tuốc bin hơi nước chạy bằng than? Phải chăng lãnh đạo nhà máy muốn được độc lập với Nhà nước, tự túc, tự cường, tự lập về năng lượng? Đây là một vấn đề phức tạp cho tổ chức nhà máy, vì khu công nghiệp này phải có thêm chức năng khác biệt nữa là bảo đảm nguồn điện để vận hành và sản xuất alumina liên tục (24 giờ/ngày). [Nguyên nhân của vấn đề này theo BVN là do nguồn điện do nhà nước cung cấp quá thiếu, xem tại đây].
1b) Ngoài ra, mức tiêu thụ nước sẽ tăng lên gấp đôi vì phải luôn luôn châm thêm nước cho tổ máy tuốc bin và than đá phải được cung cấp thường xuyên, chở từ nơi xa đến. Rồi đến vấn đề ô nhiễm môi trường: nồi súp de chạy bằng than là nguồn gốc của khí cacbon monoxit (CO) thải ra từ ống khói, hoà với những cụm hơi nước từ hai tháp ngưng hơi (cooling towers) sẽ tạo thành mưa axit, hay sương mù axit bao phủ vùng cao nguyên. Trong vòng 10-20 năm tới, cây rừng cao nguyên sẽ từ từ trụi lá khô cằn vì những cơn mưa axit này. Rừng rậm Canada đã từng gánh chịu hậu quả như thế do những cơn mưa kéo đến từ Hoa Kỳ trong thập niên 1970.
2) Quan sát hai dàn thiết bị “băng tải chuyền” (Convoyeur à courroie, belt conveyor) trên tấm ảnh, tôi ước tính độ dốc vào khoảng 25-30 độ. Thiển nghĩ đây là một thiết kế sai lầm hệ trọng, vì ở độ đốc khá cao như vậy, mọi vật liệu chuyên chở trên dàn băng này sẽ bị trượt dốc lăn xuống và dồn cục ở phía dưới, gây nghẹt đường băng, đưa đến đứt băng (courroie) và …cả khâu vận hành nhà máy sẽ bị gián đọan kéo dài nhiều ngày. Bảo trì sẽ tốn kém vô cùng, chưa nói đến thảm hoạ tai nạn cho nhân công làm việc xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Tôi đã từng xử lý những ca như thế trong nhà máy (1982 Quebec, Canada), phải áp dụng những loại băng chuyền đặc biệt để cản vật liệu trượt xuống. Với hai dàn thiết bị này thì nhà máy sẽ phải đóng cửa liên tục để dọn dẹp và sửa chữa, phí tổn bảo trì tăng lên.
Chưa nói đến kỹ thuật “vận hành ướt” (wet processing) chủ yếu sử dụng nước để chuyên chở và phân tách quặng bô-xít, rửa thiết bị, rửa nhà máy, thì tìm đâu ra nguồn nước dồi dào để xử lý mọi tình huống? Cao nguyên Đắk Nông có sông ngòi nào đủ sức cung ứng nguồn nước cho nhà máy liên tục, trong mọi tình huống?
3) Nhìn kỹ những bao tải trắng chứa sản phẩm alumina do nhà máy sản xuất, tôi tự cười thầm: có lẽ đây là một nhà máy thủ công, kiểu công nghệ bỏ túi, sản lượng không đủ lớn để cung cấp bằng xe lửa (hàng trăm ngàn tấn mỗi chuyến, sản phẩm chứa trong những bồn thép to lớn). Một vấn đề đặt ra là những bao tải lớn này sẽ được xử lý như thế nào nếu bị rách hay lủng lỗ? Tốn tiền chế tạo bao tải xong rồi còn phải tìm cách xử lý nó khi thải nó ra ngoài, vì nó không tự phân hủy (no recycled), sẽ gây ô nhiễm môi truờng. Các nước Âu Mỹ đang điên đầu vì những bao nylon không tự phân hủy, giống như những vỏ bánh xe mòn cũ kỹ, không tự phân hủy được, đốt cháy càng gây ô nhiễm nặng nề.
4) Trong hình, tôi không thấy những cụm hay những đồi quặng bô-xít chất đống (hàng chục ngàn tấn), đó là chi tiết quan trọng, điều này chứng tỏ nhà máy không dự trù sản lượng phòng hờ, nên khi thiết bị gặp sự cố, khu công nghiệp này sẽ hoạt động cầm chừng, khi chạy, khi ngừng, không khác gì Dung Quất. Có nghĩa rằng tương lai công nghiệp bô-xít VN rất bấp bênh, các công ty đại gia sản xuất Nhôm trên thế giới sẽ không bao giờ dám đặt bút ký hợp đồng mua sản phẩm của nhà máy VN vì họ sợ sản xuất của họ sẽ bị liên luỵ nặng nề, ảnh hưởng đến sinh mạng công ty, nhân công thất nghiệp, mất cạnh tranh.
5) Với tất cả những sai lầm của Nhà nước VN xuyên qua kinh nghiệm đắng cay của Vinashine, Vinalines, Dung Quất, đập thuỷ điện Sông Tranh, v.v. tôi không còn một chút tin tưởng nào với khả năng quản lý và điều hành của chính phủ VN. Tôi có cảm tưởng cán bộ lãnh đạo thiếu khả năng hoàn toàn. Phải chăng đây chính là những “trí thức cận thần” mà anh Hà Sĩ Phu nói đến? Phải chăng họ chỉ biết “bảo vâng gọi dạ” với cấp trên, “đặt đâu ngồi đấy” và ra sức tuyên truyền lừa phỉnh người dân để bám chặt chiếc ghế lãnh đạo? Tôi đã từng đặt nghi vấn như vậy khi nghe báo chí “lề phải” đưa tin cụ Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội khoá trước, dẫn phái đoàn dân biểu đi tham quan nhà máy Tân Rai, hồi tháng 11/2009, rồi cụ tuyên bố: “Dự án đi đúng hướng, bảo đảm nhà máy sẽ được xây dựng đúng theo dự định của Nhà nước”. Sau đó vài tháng cụ được thiên triều Bắc Kinh khen thưởng cho phép nâng chức lên thành “Tổng bí thư ĐCS VN”.
Kết luận
Tôi nghe phong phanh rằng giới trí thức trong nước và chính phủ sẽ lập nên những tổ kiểm tra KHKT, nhằm thanh tra công trình và đưa ra những biện pháp thích nghi để cứu vãn nhà máy.
Thiển nghĩ, đến tình thế này, biện pháp đóng cửa nhà máy chỉ làm tồi tệ thêm cho nền kinh tế bấp bênh, ngoại trừ trường hợp phải đóng cửa vì an ninh quốc phòng, không thể để nóc nhà Đông Dương bị ngoại xâm chiếm đóng và vì sự ô nhiễm nặng nề vùng Tây Nguyên. Tôi xin nêu ra đây vài giải pháp kỹ thuật khả thi:
(1) Đề nghị Nhà nước công bố những chi tiết kỹ thuật căn bản liên quan đến nhà máy, cùng với một số hồ sơ kỹ thuật hệ trọng như:
- Project Specification;
- Flow Sheets;
- Technical Data;
- Technical Drawings;
- Technical Specs (Equipments and Installation Works);
- Equipment Specs (Dimension, Performance Manual);
- Technical Inspection, Testing and Reports;
- Purchasing Documents;
- Minutes of Meetings files.
(2) Cho phép đi tham quan khu công nghiệp, tìm hiểu thiết bị vận hành nhà máy, ít nhất ba tháng, cho phép chụp ảnh, quay phim để làm báo cáo, phân tích và tổng kết vấn đề.
(3) Với hơn 36 năm kinh nghiệm trong nghề, nếu được đọc kỹ những hồ sơ kỹ thuật đó tôi tin có thể truy ra được những sai lầm hệ trọng đưa đến tình trạng nhà máy phá sản.
(4) Và sau cùng, hợp tác với các anh chị trí thức trong và ngoài nước cùng lĩnh vực KHKT, tôi tin tưởng có thể đề xuất những biện pháp khả thi nhằm cứu vãn nhà máy phần nào.
Vài hàng tâm tình, nếu có sơ xuất, mong mọi người thông cảm.
Chào thân ái,
Canada, 11/05/2013
L.Q.T.
Tác giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét