CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Công ty VN bị tố 'phá rừng cướp đất' ở Cam pu chia và Lào

Công ty VN bị tố 'phá rừng cướp đất'


Rừng bị phá trong đồn điền cao su của Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia
Hai công ty VN bị tố cáo 'cướp đất, phá rừng' ở Lào và Campuchia
Tổ chức vận động bảo vệ môi trường Global Witness đã cáo buộc hai công ty cao su Việt Nam liên quan tới những vụ cướp đất lớn ở Campuchia và Lào trong báo cáo công bố hôm 13/5.
Điều tra của Global Witness, tổ chức đã phỏng vấn người dân địa phương, kết luận rằng hai công ty Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn công nghiệp cao su đã được phân bổ tổng cộng hơn 280.000 héc-ta đất để dựng đồn điền cao su ở Lào và Campuchia.
Global Witness nói những người sống trên các khu đất được giao lại cho các công ty Việt Nam đã bị đuổi ra khỏi nhà mà không được bồi thường thỏa đáng hoặc không được bồi thường chút nào.
Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn công nghiệp cao su cũng bị cáo buộc đã gây ra những 'hủy hoại về môi trường và xã hội', điều hai công ty này bác bỏ.
Trả lời BBC Tiếng Việt, Chủ tịch tập đoàn, ông Đoàn Nguyên Đức nói Global Witness "chưa đến gặp tôi bao giờ", và nói các cáo buộc là "cực kỳ phi lý".

Cướp đất

Vấn đề cướp đất đã được các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ ở cả Lào và Campuchia nêu ra từ vài năm nay.
Chính phủ tại hai nước Đông Dương này đang khuyến khích khai thác thương mại đất đai để phát triển kinh tế.
Còn tại chính Việt Nam quyền sở hữu tư nhân về đất đai đã không còn sau cách mạng và nhiều năm chiến tranh.
Hoàng Anh Gia Lai bác bỏ cáo buộc
Global Witness nói rằng việc tịch thu đất mà họ đã thống kê ở Lào và Campuchia phản ánh cuộc khủng hoảng toàn cầu về khai thác đất đai không được kiểm soát và là hậu quả của giá các loại hàng hóa tăng cao.
Hoàng Anh Gia Lai đã bác bỏ có liên quan tới việc cướp đất, phá rừng trái phép hay các hoạt động tham nhũng. Tập đoàn ra tuyên bố nói đầu tư của họ vào các nhà máy đường và cao su là hoàn toàn tuân thủ luật pháp địa phương.
Hoàng Anh Gia Lai vẫn được nói tới như một trường hợp kinh doanh thành công ở Việt Nam với khởi đầu từ một xưởng nội thất nhỏ ở Pleiku hồi năm 1990, cách không xa biên giới Campuchia.
Sau đó họ đã mở rộng sang khai thác gỗ và sau đó là khách sạn, bất động sản và giờ là các nhà máy cao su và đường.
Ông chủ Đoàn Nguyên Đức là một trong những người giàu nhất Việt Nam.
Trả lời BBC Tiếng Việt, ông Đức nói đầu tư vào Lào và Campuchia được chính phủ hai nước này công nhận và rằng Hoàng Anh Gia Lai làm "đúng luật đầu tư ở hai nước này, tạo việc làm cho 20 nghìn người".
Trước cáo buộc phá rừng, ông nói Hoàng Anh Gia Lai “không lấy một cây gỗ nào của hai nước này” và gỗ tại đó là tài nguyên của chính phủ nước sở tại.
Ông cũng nói tập đoàn Việt Nam không hề đưa hối lộ và cáo buộc [của Global Witness] là “vu khống”, và còn “xúc phạm hai chính phủ này”.
"Hoàng Anh Gia Lai mời họ đến hiện trường, họ không đến, và yêu cầu họ đưa bằng chứng về hối lộ, lấy đất, nhưng họ không đưa được," ông Đoàn Nguyên Đức nói với BBC.

Đất đai khan hiếm

Cả hai công ty bị nêu tên trong báo cáo đều mở rộng sản xuất cao su ở Việt Nam trong thập niên vừa qua khiến Việt Nam đứng thứ tư về xuất khẩu cao su, chỉ sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Nhưng đất đai ngày càng khan hiếm ở Việt Nam trong khi Lào và Campuchia vẫn còn những vùng đất chưa được khai thác và phù hợp để xây dựng nhà máy cao su.
Phản ứng sau báo cáo của Global Witness, Hoàng Anh Gia Lai nói họ đã tạo ra hàng chục ngàn công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Gỗ trong đồn điền cao su của Hoàng Anh Gia Lai ở Campuchia
Hoàng Anh Gia Lai và và Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam bị tố cáo cướp đất và phá rừng
Nhưng Global Witness nói họ đã phỏng vấn những người Lào và Campuchia và được biết những người này đã bị đẩy khỏi các khu đất họ đang trồng trọt để nhường chỗ cho đồn điền cao su mà hai công ty Việt Nam sở hữu một phần hoặc toàn bộ.
Tổ chức này cũng tố cáo ngân hàng Đức Deutsche Bank và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC trực thuộc Ngân hàng Thế giới đầu tư vào hai công ty này và đã không theo dõi chặt chẽ các hoạt động của hai công ty ở Campuchia và lào.
Họ nói năm tài phiệt giàu nhất ở Campuchia là những người được hưởng lợi chính từ hàng triệu héc-ta mà chính phủ giao lại.
Deutsche Bank nói họ không trực tiếp cung cấp tài chính cho hai công ty được nêu. Ngân hàng nói họ đại diện cho các nhà đầu tư giữ cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai trong một quỹ và cung cấp "dịch vụ ủy thác sự vụ cho Hoàng Anh Gia Lai như với hàng ngàn công ty niêm yết khác trên toàn cầu".
IFC ra tuyên bố nói họ không giữ cổ phần trong Tập đoàn công nghiệp cao su nhưng họ có đầu tư vào một quỹ giữ cổ phần của Hoàng Anh Gia Lai.


Copy từ: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét