CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Hơn 200 tỉ đồng giải phóng mặt bằng để làm con đường 21 tỉ!


SGTT.VN - Qua hai lần điều chỉnh, dự án mở rộng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) hết “lẹm” vào nhà dân số chẵn lại “xén” vào nhà dân số lẻ khiến hàng trăm hộ gia đình ở đây bức xúc. Đoạn đường dân sinh được mở rộng tới 17m, kinh phí giải phóng mặt bằng lên tới gần 200 tỉ đồng.
Tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) 
Ông Phạm Đỗ Hoàn, trú tại số nhà 17 phố Vân Hồ 2, phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) đại diện cho các hộ dân thuộc số nhà dãy lẻ – là những hộ có nguy cơ mất nhà, đất nếu tuyến phố xây dựng – bức xúc: “Chúng tôi đã sinh sống lâu đời trên mảnh đất cha ông để lại và chính trên mảnh đất này, trước đây khi làm đường chúng tôi đã tự nguyện hiến một phần cho Nhà nước. Vậy nhưng khi quyết định mở rộng con đường này thành phố đã có những điều chỉnh bất hợp lý, không hợp lòng dân”.
Tìm hiểu của phóng viên cho thấy UBND Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng tuyến phố Nguyễn Đình Chiểu (đoạn từ phố Tô Hiến Thành đến Đại Cồ Việt) từ năm 2000. Bản vẽ của viện Quy hoạch và xây dựng Hà Nội trình UBND Hà Nội khi đó chỉ ảnh hưởng một phần nhỏ nhà đất của các hộ dân dọc tuyến. Tuy nhiên, đến năm 2011, khi UBND thành phố Hà Nội chính thức ban hành quyết định số 5628 phê duyệt dự án này và công bố bản thiết kế sơ đồ dự án giải phóng mặt bằng thì người dân mới tá hoả khi thấy hầu hết các hộ dọc tuyến đường có nguy cơ bị giải toả hết hoặc gần hết.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, trú tại số 25, ngõ 4, phố Vân Hồ, phường Lê Đại Hành – là hộ bị mất toàn bộ nhà đất đã đứng đơn đại diện cho khoảng 170 hộ gia đình bị ảnh hưởng dọc theo tuyến phố sắp xây dựng, gửi đơn tới các cơ quan chức năng khẩn thiết đề nghị xem xét về lợi ích kinh tế mà dự án đem lại để đảm bảo đời sống của hàng trăm hộ dân đang phải vật lộn với khó khăn do cuộc sống bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dự án.
Ngày 27.2.2013, UBND Hà Nội tiếp tục ban hành quyết định số 1862 phê duyệt điều chỉnh dự án. Theo đó, 370/500m của toàn tuyến được điều chỉnh. Với sự điều chỉnh này chỉ có 20/170 hộ bị mất một phần nhỏ vì tuyến đường đã được điều chỉnh sang hướng bên kia. Ngược lại, đa số những hộ dân bên số lẻ Vân Hồ 2 có nguy cơ bị giải toả hết hoặc gần hết.
“Theo phê duyệt của thành phố, việc mở đường chỉ nhằm mục đích chỉnh trang đô thị và đây là đường dân sinh, là đường bao công viên Thống Nhất, vậy có nhất thiết phải mở rộng đường, hè tới 17m hay không. Chúng tôi đồng tình với việc xây dựng tuyến phố về chủ trương nhưng cách làm rõ ràng không lắng nghe ý kiến và nỗi khổ của người dân, không xuất phát từ thực tiễn”, ông Ngô Ngọc Doanh – trú tại số 11 Vân Hồ 2, phản ảnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Hiền, tổ trưởng tổ dân phố Vân Hồ 2, nói: “Nhà mỗi hộ dân bị xén trung bình từ 7 – 7,5m. Bao năm nay người dân đã cố định nơi đây mà giờ không biết phải đi đâu khi nhà bị xén như vậy, trong khi người dân nơi đây tiếng là ở phố nhưng vẫn còn lắm khó khăn. Chúng tôi mong muốn UBND xem xét lại việc điều chỉnh vô lý này”.
Theo người dân, nếu con đường được mở về phía công viên thì chi phí bồi thường sẽ giảm đáng kể. Trong khi đó, hiện theo quyết định 1862 của UBND Hà Nội, tổng mức đầu tư dự án khoảng 257 tỉ đồng, trong đó chi phí làm đường chỉ khoảng 21 tỉ đồng nhưng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng lên tới hơn 200 tỉ đồng.
Quế Hà




Copy từ: SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét