CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Tiền 'xóa đói, nghèo': Dân hưởng một, quan ăn mười


HÀ NỘI (NV) .- Từ năm 2011 đến 2013, mỗi năm, Việt Nam chi 120 ngàn tỉ đồng (5.5 tỉ USD) cho chương trình “xóa đói, giảm nghèo”, song chỉ có 4% đến 6% khoản này đến tay các gia đình nghèo.
Dạy thêu trong một dự án của chương trình “xóa đói giảm nghèo” ở Ninh Bình. Hàng trăm ngàn người được dạy nghề để thoát nghèo nhưng thống kê cho thấy 98% không thể kiếm sống bằng những nghề được dạy. (Hình: Báo Ninh Bình)
Phần còn lại, 94% đến 96% của 120 ngàn tỉ đó được dùng để nuôi bộ máy thực hiện chương trình “xóa đói, giảm nghèo”.
Kết quả phân tích do ông Lê Nguyễn Duy Hậu – một độc giả của báo điện tử VietNamNet – thực hiện khiến nhiều người choáng váng. Số liệu về tổng số gia đình nghèo tại Việt Nam có nhiều khác biệt, dao động từ 500 ngàn đến 3 triệu gia đình nghèo.
Ông Hậu lấy tổng số tiền chi cho chương trình “xóa đói, giảm nghèo” (120 ngàn tỉ đồng) để chia cho tổng số gia đình nghèo tại Việt Nam ở mức thấp nhất (500 ngàn gia đình). Theo đó, nếu tổng số tiền chi cho chương trình này chi hết cho 500 ngàn gia đình nghèo thì mỗi gia đình, mỗi năm sẽ nhận được khoảng 240 triệu đồng. Dư sức giúp họ thoát đói, hết nghèo.
Tuy nhiên, theo các số liệu do chính nhà cầm quyền CSVN cung cấp, mỗi năm, một gia đình nghèo tại Việt Nam chỉ được hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng.
Vậy thì tiền đi đâu?  Ông Hậu dẫn thông tin do một viên Thứ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, tiết lộ với tờ Đại Đoàn Kết hồi tháng 9 năm ngoái, cho biết: “Bộ máy quản lý các chương trình, dự án giảm nghèo quá đồ sộ. Tỉ lệ chi cho hành chính, sự nghiệp chiếm hơn 63% tổng số tiền giảm nghèo huy động được. Còn mức chi cho đầu tư phát triển chỉ chiếm hơn 36%”.
Theo ông Hậu, tỉ lệ này có thể lớn hơn nhưng cứ tạm tính theo tiết lộ của viên Thứ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, với tờ Đại Đoàn Kết thì chi phí để vận hành bộ máy xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện lên tới 75.6 ngàn tỷ đồng/năm (tương đương 3.5 tỉ USD) và “cứ chi cho người nghèo 1 đồng thì phải trả cho bộ máy này 10 đồng”.
Cũng theo ông Hậu, ngoài chuyện hỗ trợ trực tiếp (trao tiền), tiền của chương trình “xóa đói, giảm nghèo” đang được để thực hiện những dự án phát triển vùng, dự án nông nghiệp, dự án cơ sở hạ tầng. Điều này có vẻ hợp lý, vì sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu người nghèo bắt đầu làm ăn ở những vùng mà điện, nước, trường học, bệnh viện đều thiếu hụt.
Tuy nhiên, hàng năm, Quốc hội CSVN đã phê duyệt những khoản khác cho xây dựng, phát triển nông thôn, nông nghiệp. Vậy thì khoản ngân sách được phê duyệt hàng năm này đi đâu?
Ông Hậu dẫn ý kiến của ông Nguyễn Lâm Thành, đại biểu cho dân Lạng Sơn ở Quốc hội, ví von, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang tính cả vào đầu tư xóa đói giảm nghèo theo kiểu “bốn, năm người ăn một con gà, nên dù chỉ có một con gà nhưng được tính thành bốn, năm con gà”. Nói cách khác “có tới bốn, năm hóa đơn để moi tiền ngân sách chỉ cho một bữa ăn”. Vấn đề dẫu nghiêm trọng nhưng chưa bao giờ được quan tâm làm rõ. 
Cũng vì vậy, ông Hậu đề nghị Quốc hội của chế độ mở một cuộc điều tra toàn diện về hiệu quả và tính hợp lý của chương trình “xóa đói, giảm nghèo” tại Việt Nam. Theo ông, dẫu cho Việt Nam được Liên Hiệp Quốc đánh giá là một trong những quốc gia có tiến bộ vượt bậc trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ là “xóa đói, giảm nghèo” thì cũng không thể dùng điều này để biện minh cho sự lãng phí và thiếu hiệu quả quá lớn như hiện nay. (G.Đ)

Copy từ: Người Việt

..............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét