CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Cuộc chiến Trung-Việt 79′, đám cưới con TBT Lê Duẩn cùng bài học cảnh giác và đạo lý

Với bản chất kiêu ngạo, và sẵn sàng thí quân miễn là chiến thắng, có tiếng của TBT Lê Duẩn, thì việc dù có biết trước 1,2 ngày cuộc chiến sẽ nổ ra, nhưng vẫn không hoãn đám cưới con, có lẽ cũng dễ lý giải.
Việc kỷ niệm ngày nổ ra cuộc Chiến tranh Biên giới Việt-Trung 1979, cũng như những cuộc xâm lăng khác của Trung Quốc, không phải chỉ là để tưởng nhớ những đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống, mà quan trọng không kém là để nhắc nhở mọi người và học lại những bài học cảnh giác trước một kẻ thù truyền kiếp tham tàn, nham hiểm.

Để bổ sung thêm thông tin và nhận xét về sự bị động hoàn toàn của phía Việt Nam trước cuộc tấn công của Trung Quốc vào 6 tỉnh phía Bắc năm 1979, một người am hiểu tình hình và biết nhiều thông tin “cung đình” khi đó đã dẫn chứng về đám cưới con trai TBT Lê Duẩn diễn ra đúng vào ngày 17/2/1979, tại Hội trường 37 Hùng Vương.
Quả nhiên, hôm qua thấy có bài viết kể về đám cưới này.
Người nhà TBT Lê Duẩn có lần còn kể về cuộc viếng thăm của ông sang Trung Quốc trước đó, được Bắc Kinh tiếp đón rất trọng thị. Ngoài lễ đón có tới hàng trăm ngàn người dân tham dự, còn một bữa quốc yến được tổ chức, với một món đặc sản hiếm có là 200 đôi tay gấu hầm giành cho 200 thực khách …
Có thể cuộc đón tiếp đó phần nào làm ban lãnh đạo cộng sản VN thêm chủ quan, bị động, đến nỗi cuộc vui lớn của gia đình người đứng đầu đất nước tình cờ (?) trùng ngày vào ngày Trung Quốc khởi sự cuộc chiến, cũng như trên thực địa chỉ có địa phương quân, dân quân tự vệ và người dân Việt Nam tham chiến, chủ lực quân đã tập trung hết vào biên giới phía Nam.
Thế nhưng, vài chi tiết trong bài viết này lại cho một gợi ý rất khác, đó là phải chăng ban lãnh đạo CSVN khi đó được đảm bảo từ Liên Xô, thậm chí cả Trung Quốc, rằng nếu “tập đoàn phản động Bắc Kinh” có đánh thì cũng không đánh tới Hà Nội, nên người ta vẫn ung dung, vui vẻ, có mất, có thiệt hại bao nhiêu tài sản, sinh mạng thì cũng là dân đen, bộ đội 6 tỉnh biên giới thôi?
Với bản chất kiêu ngạo, và sẵn sàng thí quân miễn là chiến thắng, có tiếng của TBT Lê Duẩn, thì việc dù có biết trước 1,2 ngày cuộc chiến sẽ nổ ra, nhưng vẫn không hoãn đám cưới con, có lẽ cũng dễ lý giải. Muốn chứng tỏ ta đây không sợ, đã biết trước tình hình (và quan trọng là “nó” sẽ không đánh đến Hà Nội), còn hơn là tạo ra không khí chiến tranh ngay từ việc hoãn đám cưới đó, để góp phần nâng cao ý thức cảnh giác, tập trung thì giờ, tâm trí cho ban lãnh đạo v.v.. để hạn chế thương vong, thiệt hại cho đồng bào chiến sĩ, nhưng lại “gây hoang mang”, “làm giảm niềm tin” vào đảng, nhà nước.
Dù sao thì vẫn còn rất nhiều bí ẩn lịch sử cần được làm rõ, phân tích. Bài viết dưới đây chỉ cho ta biết một hiện tượng (đám cưới), những gợi mở để lần tìm tư liệu đáng tin cậy mà thôi.
Bài học càng cần hơn cho một ban lãnh đạo hèn đớn và kém cỏi hơn rất nhiều so với thời đó, lại giữa một giai đoạn được “ru ngủ” bằng tình hữu nghị “bạn vàng”, “4 tốt” … Còn với toàn thể người dân VN là bài học cảnh giác, nhưng là với những kẻ cầm quyền luôn đặt sự “ổn định chính trị”, “tin tưởng vào đảng, nhà nước” lên trên hết.

Thanh niên
17/02/2014 06:00

Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai Tổng bí thư Lê Duẩn

(TNO) Hôm nay, 17.2.2014, đúng 35 năm ngày mở đầu cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới phía Bắc, cũng là kỷ niệm 35 năm ngày cưới của tôi.
Năm 1979, tôi 24 tuổi, 7 năm quân ngũ và bắt đầu làm việc tại Viện kỹ thuật không quân.
Năm 1979, đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ được bốn năm. Có thể lớp trẻ bây giờ khó mà hình dung nổi bối cảnh đất nước lúc đó nhưng tôi cũng không thể nói gì cho đủ nghĩa hơn bằng ba chữ: Rất khó khăn! Hồi đó, bộ đội như chúng tôi được phát mỗi tháng 21 kg gạo nhưng vẫn đói bởi thiếu chất. Hồi đó, mỗi năm, mỗi người dân khó có nổi một bộ quần áo mới. Hồi đó, mẹ tôi làm ở Ban tuyên giáo An Giang, thỉnh thoảng lại phải “cứu viện” chất đạm cho các con, khi thì gửi ít tôm khô, hoặc các loại mắm Nam Bộ. Những đứa con miền Bắc của bà tập quen ăn mắm từ những ngày thiếu mặc, đói ăn đó.
Đầu năm 1979, khi quyết định sẽ cưới vợ, tôi vào An Giang thăm mẹ. Bà, người phụ nữ nhiều năm xa chồng con, biền biệt chiến trường có vẻ như chưa hề được sống một ngày của thời bình. Bà cho tôi xem những bức ảnh chụp những người dân bị Pol Pot giết hại. Lần đầu tiên, trong đời, tôi nhìn thấy hình ảnh những con người bị giết một cách khủng khiếp và man rợ như thế. Hàng chục, hàng trăm người đều chết cùng một tư thế: Miệng há ra, mắt mở man dại. Mẹ tôi giải thích họ bị đâm bằng những que nhọn từ hậu môn lên đến đỉnh đầu…
Năm 1979, trước ngày 17.2, những người lính chúng tôi đã được phổ biến về những va chạm lớn trên toàn tuyến biên giới phía Bắc.
Nói như thế để nhắc lại rằng, ở thời điểm đó, đất nước chúng ta ở vào thời điểm vô cùng khó khăn. Thiếu, đói… chỉ là yếu tố rất nhỏ trong 2 chữ KHÓ KHĂN đó.
Thế nhưng, cũng sẽ chẳng ai hình dung nổi, khi còn thiếu mặc và đói ăn đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ thử nghiệm chế tạo máy bay…
Ngày 16.2, báo động cấp 1 toàn quân được chuyển xuống cấp 3.
Sáng thứ bảy,17.2.1979, Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới.
Tối hôm đó, đám cưới của tôi vẫn diễn ra. Vẫn gần đông đủ những cán bộ cao cấp: Trường Chinh, Tố Hữu, Đại tướng Văn Tiến Dũng… Gọi là đám cưới nhưng thực ra thì cũng là một bữa tiệc nhà có chút rượu, trà thuốc và kẹo. Tôi thoáng thấy sự căng thẳng trên gương mặt của những lãnh đạo đơn vị và quân chủng không quân.
Cha tôi - Tổng bí thư Lê Duẩn – và các lãnh đạo cao cấp vẫn nói chuyện bình thường, không nhắc gì về những gì đang diễn ra ở biên giới. Đặc biệt, nét mặt cha tôi rất bình thản, không hề để lộ (hoặc có thể không có) cảm giác âu lo hay căng thẳng gì. Cũng có thể nhờ thế, chỉ vài chục phút sau khi bắt đầu hôn lễ, không khí căng thẳng trong nhóm sĩ quan quân đội được giải tỏa, trở lại bình thường. Hôm sau, một người bạn binh ngũ nói với tôi: “Hôm qua thấy đám cưới vẫn diễn ra, thấy mọi việc vẫn bình thường, và đặc biệt, nhìn nét mặt của ông già mày, bọn tao tin Trung Quốc chẳng đánh đến Hà Nội được đâu…”.
Tôi không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ có một đám cưới như trong nhiều bộ phim mà mình từng xem thời niên thiếu: Sau đám cưới, chú rể trở về ngay đơn vị…
Ngay sau ngày cưới, tôi trở về đơn vị và bắt đầu cuộc sống của người lính thời chiến tranh. Thỉnh thoảng chủ nhật vợ tôi đến thăm chồng; khi ra về mắt đỏ hoe, làm tôi thấy thương cảm vô cùng!
Lúc đó, nghe nói rằng, chúng ta đã chuẩn bị cho một cuộc chiến bằng không quân để bảo vệ biên giới.
Thế nhưng, điều đặc biệt là những ngày tháng đó, Hà Nội vẫn bình thường. Bình thường trong một cuộc chiến hết sức không bình thường. Khi tiếng súng đã nổ ra ở biên giới nhưng mấy tháng sau thì kết thúc, người Hà Nội điềm tĩnh pha chút tự hào kín đáo nhìn lại: Trung Quốc đã không thể kéo dài cuộc chiến và không thể đánh đến Hà Nội…
Cha tôi còn nói: Nếu theo lẽ bình thường, Trung Quốc không nên đánh Việt Nam…
Nhưng có lẽ người Việt Nam là vậy, một khi điều bất bình thường nhất đã xảy ra, họ bình thản đón nhận.
Và tới năm 1980, chiếc máy bay đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và chế tạo mang tên TL-1 đã bay trên bầu trời Tổ quốc. Năm 1981, đứa con trai đầu lòng của tôi ra đời, tôi đặt tên là Lê Kiên Dũng.
Và cũng là bình thường khi kỷ niệm 35 năm ngày cưới, tôi không thể quên, ngày cưới của mình trùng với ngày nổ ra chiến tranh biên giới. Tất nhiên không nên ôm chặt những chuyện không vui của quá khứ nhưng hãy hiểu quá khứ để nhìn về tương lai một cách chuẩn xác hơn!
Lê Kiên Thành


Copy từ: Chép Sử Việt


..............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét