CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Chiến tranh trong mắt ai - Bài 3: Không ai lừa được sự thật lịch sử

 .


6Bài 3: Không ai lừa được sự thật lịch sử
Chiến tranh có thể là sự ác liệt nhưng hào hùng với đạn rơi máu đổ của những chiến binh chốn sa trường. Chiến tranh, cô đơn và mất mát ngay trong cái dáng ngồi dựa cửa của người thiếu phụ chờ chồng. Chiến tranh, cũng có thể là sự ngơ ngác của một người dân thời bình bỗng một ngày trở thành phế nhân. Và chiến tranh, chẳng có gì quá lời khi nói đó là cảm giác hào hùng và tinh thần quyết tử cho tổ quốc quyết sinh đã có sẵn trong dòng máu Lạc Việt từ cả ngàn năm nay.
Những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa
Có một nhạc sĩ, đã 35 năm qua, vẫn nhớ như in cái cảm giác hào hùng năm ấy. Ông là Phạm Tuyên, tác giả của “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”.
Năm 1979, nhạc sĩ Phạm Tuyên đang phụ trách âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Không khí biên giới hồi đó đã rất căng thẳng- ông nhớ lại- Đụng độ từ trước đó mấy năm. Trước đó, ông đã đi thực tế để viết bài hát “Chúng tôi là đồng đội của Lê Đinh Chinh”, nói về tấm gương hy sinh của người liệt sĩ đầu tiên ngã xuống trên biên giới phía Bắc.
Tối 17.2.1979, người nhạc sĩ đã ngồi lặng đi khi nghe tin quân xâm lược Trung Quốc đã tràn qua biên giới. Bản tin nói rất rõ lời lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình bảo phải dạy cho Việt Nam một bài học. Đó là sự căm phẫn. Và đó cũng là cảm giác hào hùng. Mấy ngàn năm nay, đất Việt đâu cũng có Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa.
“Tôi viết rất nhanh. Ngay trong đêm 17. Trong ngày 18, bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” với câu mở đầu “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh. Ngày 20.9.1979, tức là 4 ngày kể từ khi quân xâm lược thêm một lần nữa giày xéo mảnh đất này, bài hát được phát trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên nhớ lại cái “cảm giác phát khóc” khi những người dân, những anh cán bộ, những người lính ở Tây Nguyên, ở Khu 5 nhắn với ông rằng họ ước sao có đôi cánh để bay ngay ra biên giới phía Bắc chống quân xâm lược.
Đất nước này ngàn năm trước Sát Thát và ngàn năm sau cũng vẫn là như vậy thôi. Cảm tử cho tổ quốc là tinh thần đã chảy sẵn trong huyết quản người Việt rồi.
Bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do” ban đầu được viết dưới dạng hành khúc, hào hùng tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất với những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa có trong ca từ. Nhưng đến đoạn điệp khúc, đáng ra phải là một giai điệu mang âm hưởng hào hùng, nhưng Phạm Tuyên nói ông không thể viết được thế. “Đến đoạn điệp khúc, tôi nhớ đến đất nước Việt Nam bao đau thương vừa trải qua cuộc chiến tranh dài với hy sinh, mất mát. Bao nhiêu xương máu của cha ông, của lớp lớp các thế hệ người Việt đã đổ xuống để bảo vệ mảnh đất này. Chẳng phải là lịch sử đã trao cho Người sứ mệnh bảo vệ tổ quốc đó sao.
Còn câu kết của bài hát: Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập- Tự do. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói ông dẫn lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chăng, độc lập, tự do cũng là khát vọng ngàn đời của người dân Việt.
Phạm Tuyên sau đó đi Quảng Ninh viết “Có một đóa Hồng Chiêm” để ca ngợi người nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm đã hy sinh oanh liệt trên đỉnh Pò Hèn. Bản nhạc được đăng trên báo Tuổi trẻ số ra ngày 13.7.1979, với câu mở đầu “Có những đóa hoa dịu dàng không rực rỡ/ nhưng sắc hương thắm mãi chẳng hề phai…Đồi Pò Hèn nở đẹp một đóa hoa”.
Vào ngày 5.3, khi Chủ tịch nước ra lệnh Tổng động viên, nhạc sĩ viết bài hát nổi tiếng “Tiễn thầy giáo đi bộ đội”, từ một câu chuyện có thật khi những người thầy tạm rời bục giảng, những sinh viên gác bút nghiên nắm chắc cây súng trước hiểm họa xâm lăng.
35 năm qua, những bài hát có thể không còn được phát công khai trên những phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng trong tâm tưởng của những thế hệ người Việt, “những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa” vẫn luôn vang vọng tiếng những bản hùng ca.
Lịch sử muôn đời duyệt lại
Có một câu chuyện nhỏ liên quan đến Bài hát “Chiến đấu vì độc lập tự do”. Ấy là 2 năm trước, khi làm tuyển tập “Những khúc quân hành vượt thời gian” người ta đã đề nghị ông sửa lại vài câu trong bài hát vì “nhạy cảm quá”.
Đó là câu “Quân xâm lược bành trướng dã man đã dày xéo mảnh đất tiền phương”. “Tại sao lại nhạy cảm trước một sự thật lịch sử thì tôi không biết- người nhạc sĩ tài hoa nhưng cương trực nói- Và tôi đã trả lời là tôi không sửa. Thời kỳ đó sự thật lịch sử là thế”.
Và bài hát hào hùng của ngày nào bị buộc phải đưa ra khỏi tuyển tập.
“Thái độ của tôi rất rõ ràng thôi- ông nhẹ nhàng nói. Vì đó không chỉ là cảm xúc thật của riêng rôi, mà đó là cảm xúc của cả nhân dân đồng bào và dù gì cũng không thể không thật với cảm xúc của chính mình vì bất cứ lý do gì”.
Những vấn đề của lịch sử không bao giờ được quên lãng. Những gì thuộc về lịch sử phải trả lại cho nó. Không thể quên sự hy sinh của hàng vạn liệt sĩ, không thể không nhớ tới mất mát đau thương của hàng vạn đồng bào.
Ông bảo đối với người nhạc sĩ, có 2 vị giám khảo công mình nhất: Công chúng và thời gian. Cái quý nhất là bài hát có chỗ đứng trong ký ức của nhân dân chứ không phải là được in dù trong một tuyển tập dù vĩ đại, hoành tráng đến đâu.
Trong căn nhà nhỏ vào một chiều tháng 2 năm nay, người nhạc sĩ già đã ngồi đàn Piano chơi lại bản nhạc “Chiến đấu vì độc lập tự do”. Những âm hưởng, sau 35 năm, vẫn vang lên hào hùng. Và sau 35 năm cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, đối với người nhạc sĩ, vẫn là sự hào hùng của một thủa cả nước đứng lên không khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào.
Tôi nhìn thấy trên giữa bức tường chính trong căn hộ tập thể nhỏ, có một bức tranh gỗ về những chú voi Bản Đôn. Kế bên, mới là tấm bằng giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. “Có người hỏi tôi sao bức tranh gỗ chú voi Bản Đôn lại treo trang trọng hơn giải thưởng gọi là cao quý- Lời nhạc sĩ Phạm Tuyên- Tôi nói vì đó là phần thưởng của người dân. Đối với một nhạc sĩ như tôi, phần thưởng lớn nhất là tác phẩm còn có trong tâm tưởng của công chúng, lớn nhất là sự ghi nhận của nhân dân”.
Còn cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ư? Đơn giản là không ai được phép quên lãng lịch sử khi đó là máu xương của hàng chục vạn chiến sĩ, đồng bào. Trước khi chia tay, ông đọc tặng cho tôi hai câu thơ Lê Đạt, người bạn thân thủa nào mà ông vô cùng tâm đắc: Lịch sử muôn đời duyệt lại/ Không ai lừa được cuộc đời.
Phải rồi! Không có công minh lịch sử thì làm sao có công bằng xã hội!
Đào Tuấn


Copy từ: Đào Tuấn


..............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét