CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Chiến tranh trong mắt ai? - Bài 2: Chiến tranh dường như chưa hề dừng lại

 Bài 2: Chiến tranh dường như chưa hề dừng lại5
Sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân ngày 5.3.1979, chiến tranh vẫn liên miên ở Hà Giang, kéo dài suốt đến những năm 1988. Nhưng tới giờ, “cuộc chiến” vẫn chưa dừng lại với những người lính còn có thể trở về. Và chiến tranh, như con rắn độc, vẫn lẩn quất đâu đó đối với ngay cả những người sinh ra sau cuộc chiến. Chiến tranh dường như chưa hề dừng lại.
Trở về từ Thung lũng Gọi hồn
Chúng tôi đi vòng vèo khắp Tam Nông đi tìm anh Lê Quang Thống, em cô Luyến, để rồi, đứng sững ngay trước mặt là một người đàn ông bé nhỏ, đen đúa và cáu bẩn trong bộ quần áo công nhân nhem nhuốc. Trên đầu anh, và ngay trên con mắt trái, phủ một lớp mùn cưa khi anh như chui ra từ đống bạch đàn.
“Chú chưa hết giờ làm, nhưng hẵng cứ vào đây làm hớp nước”- người đàn ông mới 48 tuổi nhưng “đã toan về già” vì lam lũ nói như càu nhàu, kéo ghế rót nước mời chúng tôi.
Anh Thống “năm 87” là lính sư 314. “Đóng ở đâu hả? Nằm chứ đóng gì. Pháo nó dập cho suốt ngày. Bảo nằm mà lại dám đứng! Nằm chốt Vị Xuyên, Thung lũng Gọi hồn. Tại sao là Thung lũng Gọi hồn á? Thì chết nhiều quá thì gọi là Thung lũng Gọi hồn chứ sao”. Anh Thống trả lời như “gẩy liên thanh AK”. Ra đó là một người đàn ông vui tính.
Năm đó, anh Thống, như biết bao thế hệ thanh niên ở đất nước này hăng hái lên đường tòng quân.
Sau mấy tháng “đủ để (bắn từ) tắc đọp sang tành tành”, những người lính trẻ được đưa tới địa danh nổi tiếng của đất Vị Xuyên, Hà Giang là Hang Dơi, để rồi sau đó, lên chốt.
3h sáng một ngày năm 1988, tổ tam tam của anh Thống đang “nằm chốt” khu vực “tuyến hào Mùa xuân”, dưới chân “đài Z” thì pháo, cối Trung Quốc nã sang suốt 30 phút. Ngớt tiếng pháo, bộ binh Trung Quốc theo kèn tiến lên chiếm chốt để lấy đường đánh lên hang 70. Tổ tam tam của Thống sau khi “cứ thong thả” nã hết cơ số đạn thì buộc phải rút. Và ngay khi đó, anh dính mảnh đạn cối.
2 người đồng đội đã khiêng anh “rúc vào một khe đá”. Anh nằm đó tới 7h tối mới được vận tải cứu ra.
Một mảnh đạn cối đã cướp của anh một con mắt. Và người lính ấy cũng để lại mảnh đất biên cương một quả thận. Chỉ may là “súng ống vẫn còn”.
Cuộc chiến tranh biên giới hoàn toàn không hề ngừng lại sau khi Trung Quốc tuyên bố rút quân vào ngày 5.3.1979.
Ở Vị Xuyên, Hà Tuyên, cuộc chiến kéo dài đến năm 1988 với sự ác liệt lên cao điểm vào giai đoạn 1984-1985. Theo một bức điện của hãng thông tấn RFA điện từ Bắc Kinh, năm 1985, trong số 1 triệu phát đạn pháo bắn trên toàn tuyến thì riêng Vị Xuyên đã hứng 800.000 phát. Có những dải đồi bị pháo Trung Quốc nã đến mức như nhuộm vôi, lở loét đến nỗi không một cành cây ngọn cỏ nào có thể sống.
Cuộc sống của những người lính 314 năm đó là nằm giữ chốt, hứng pháo, đánh nhau với “bọn sơn cước giày 3 đanh” và với cả “em Ngọc Ánh”.
Ngày nào pháo Trung Quốc cũng bắn sang. Dăng ô khắp nơi. Pháo đến mức nhàm tai. Kệ pháo, cứ nằm khểnh nhổ râu. Chỉ đánh nhau khi có tiếng pháo “dọn đường” bởi sau đó bộ binh Trung Quốc sẽ tràn lên chiếm chốt. Chỉ đến đêm, công việc của người lính mới bắt đầu với một cái xẻng, để đào hầm, và khẩu AK, chống lại lính sơn cước giày 3 đanh.
“Em Ngọc Ánh là ai?”- Tôi hỏi anh.
À đó là “Hòm thư Ngọc Ánh”, là chương trình phát thanh tâm lý của Trung Quốc. Cứ 7h tối, loa bằng cái giường từ trên đỉnh phát xuống. Nào là về với vợ con đi. Nào là “Xuân này con không về”. Lải nhải suốt đêm. Nào là “Chị đã nhìn thấy hầm em đào. Đừng có ở đó, chị bắn đấy. Xen giữa màn tra tấn tâm lý, là pháo cối và lính “giày 3 đanh” âm thầm đột nhập, chứ đâu có thể thư giãn với âm nhạc.
Một bóng đen thoáng qua vầng trán người lính. Nó bắn trúng hầm thật. Vừa nói nhìn thấy mình đào hầm tối trước, tới 7h sáng2 quả pháo giáng đúng hầm nóc hầm của C2.
Giọng nói người lính chốt năm xưa trở nên xa xăm. Đại đội anh hơn 60 đã hy sinh 14 người sau chỉ 2 trận đánh. Sự ác liệt của cuộc chiến cũng như màn tra tấn tâm lý khiến cả xã có “9 thằng” lên chốt thì 3 thằng “đứt xích”.
Còn anh, trở về như một người anh hùng khi một con mắt và một trái thận đã gửi lại nơi biên viễn
Những bàn tay chai nối những… bàn chân
Công việc của những người lính Vị Xuyên năm ấy là đào hầm tránh pháo, những căn hầm xuyên vào đá núi. Bàn tay “có thể dùng làm thớt”, chai sạn đến nỗi không thể bật máu được nữa.
Nhưng bàn tay người anh hùng trở về năm ấy vẫn chưa thôi chai sạn.
Lê Quang Thống trở về với “thước ngắm đít trâu”. 3 đứa con đi học với đồng tiền thương binh 2/4 chính xác là 2 triệu lẻ 70 ngàn khiến cuộc sống vô vàn trật vật.
Cuộc sống của anh là chuỗi dài mưu sinh. Sáng: Ra ruộng. Chiều, làm tất cả những gì có ai đó thuê mướn. Và “bảo vệ nhà trẻ” để mỗi tháng có thêm 1 triệu đồng.
Bữa tôi gặp, anh đang đi bóc vỏ cây thuê. 120 ngàn một ngày. “Có việc như thế này, vất vả tí chút, nhưng có việc là may lắm rồi, bù cho những ngày ngồi nhà nhổ râu vặt”.
Không. Những ký ức năm xưa đã ngủ quên trong lam lũ. Sư 314 sau chiến tranh đã giải thể. Những người đồng đội năm xưa cũng đang lam lũ ở đâu đó. Không gặp gỡ. Không kỷ niệm. 3 năm trước, cũng ban ngành đoàn thể kéo đến với máy quay phim và ảnh chụp xoẹt xoẹt, nói đến chuyện xây nhà đồng đội. Rồi nói thì cũng nói vậy thôi…
Cái mừng, con mắt còn lại của người lính năm xưa rực sáng, là cả 3 đứa con đều học đại học.
Tháng 2 năm nay, trên những địa danh đẫm máu năm xưa Làng Lò, Hang Dơi, Thung lũng Gọi hồn, đồi Cô Ích, Cốc Nghè, 4 hầm, điểm cao 1509…hoa đào đượm sắc trong giá lạnh.
Cách thung lũng Gọi hồn, Vị Xuyên không xa có một ngôi nhà gỗ nhỏ của Hầu Xào Chung.
Chàng trai người Mông sinh năm 1981 ở bản Hoàng Lỳ Pả chưa từng biết, chẳng từng nghe chút gì về cuộc chiến tranh từng ác liệt ngay trên dãy núi sau nhà. Cho đến cách đây 4 năm.
Hôm đó, Hầu Xào Chung đi nương trên Sì Khà Láng, dưới chân cao điểm 1030 thủa nào. “Mình đi bình thường thôi”- Lời Chung- Đang đi thì mìn phát nổ. Một quả mìn còn lại từ những năm 79-88 đã khiến bàn chân Chung nát bấy. Anh chỉ nhớ là anh đã phải bò lê trên đất, nước mắt giàn dụa trong đau đớn và lấy hết hơi tàn để thi thoảng lào khào vài tiếng kêu cứu. Chân Chung sau đó phải cắt ngang ống đồng. Giờ đây, anh quấn nó trong giẻ, nhét vào một chiếc ống bương để lọc cọc lê lết đi lại trên đá…
Chỉ riêng một thôn Hoàng Lỳ Pả đã có 6 người cụt chân do dẫm mìn. “Mìn ở đây còn nhiều lắm, dân đi chẳng dám rẽ ngang rẽ tắt- một cán bộ địa phương phàn nàn, thì đấy, hồi sư 316 lên dò mìn, ngay ở trong một cái khe đã phát hiện tới 40 quả mìn dưới tán một cái cây”.
3 hôm sau, Chung nhờ người anh lên Sì Khà Láng tìm lại bàn chân chết và nong nó lên gác bếp, để sau này, khi về với ông bà tổ tiên có thể mang bàn chân hoàn nhập cùng thân xác.
Giờ đây, hàng ngày, Chung cùng với những người anh em của mình vẫn đi rừng. Anh không nói, nhưng chúng tôi biết rằng nghề chính của anh là làm thớt nghiến. Chẳng phải sau lưng anh, ngay dưới dãy núi răng cưa, với những cao điểm lừng danh 1030, một con đường mòn như sợi chỉ vắt sang bên kia biên giới con đường thớt nghiến sang Trung Quốc.
Nhớ hôm ngồi với một “ông Hội đồng” vừa đi tiếp xúc cử tri về tay nới…cà vạt miệng oang oang: Tiếp xúc cử tri ở bản, người dân chỉ “mong muốn kiến nghị” xã cho một cái nồi 3 chảy (nồi nấu 3 bò gạo), một cái chảo gang và 2 bộ ly. Chảo thì để nấu…thịt trâu rồi. Nhưng ly để làm gì. Vị hội đồng cười: Ly để…nào, làm một ly đi anh.
Cái tâm thế người Mông vùng cao Hà Giang chỉ đơn giản là phải mạo hiểm vì miếng cơm, ly rượu. Chung không phải là người hiện sinh chủ nghĩa như Hữu Loan với “Màu tím hoa sim”, cho nên đừng ai hỏi anh về chiến tranh. Chỉ đơn giản, chiến tranh là mìn Tàu. Với Chung, với không ít những người dân ở Hoàng Lỳ Pả, ở Mã Hoàng Phìn, chiến tranh là hiện hữu nguy cơ biến người ta thành “chấm phẩy”, không còn được nguyên vẹn để về với tổ tiên.


Copy từ: Đào Tuấn


...............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét