CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Trang Ba Sàm: “Bỏ đảng”, “đa đảng” (5)


“Bỏ đảng”, “đa đảng” (5) – bản tin 22/8/2013

 Xem Phần 1 , Phần 2, Phần 3, Phần 4 




- Trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa: Đảng Dân Chủ Xã Hội cho Việt Nam (RFA). “… tìm hiểu về nội dung và chủ trương kinh tế của một đảng “Dân Chủ Xã Hội” như đã thấy tại nhiều xứ khác. “
Bàn tiếp chủ đề “bỏ đảng”, “đa đảng”, phần 5 (xem phần 1phần 2phần 3phần 4).
Xin mở đầu phần bình luận này, mà sẽ đi sâu vào những tính xấu “tự trói mình” của người Việt, bằng nhận xét trong phần 1: “Tiếc thay, luồng gió văn minh dân chủ phương Tây đã bị khựng lại ở phía Bắc, pha tạp ở phía Nam từ sau 1954.”

Ở vào cái thời đó, dù là người “cộng sản” hay “quốc gia”, trong Nam, ngoài Bắc, theo đảng phái nào, thì cũng đều xuất thân từ môi trường văn hóa tiểu nông, nặng phong kiến hủ Nho cả ngàn năm. Văn minh phương Tây chưa ngấm vào họ được bao nhiêu thì đã liên tiếp loạn ly, chia cắt, chiến tranh, trong đó lối tuyên truyền một chiều, cực đoan, dối trá của các phe phái nhằm phục vụ cho các mục đích chính trị, giành quyền bính trong cuộc chiến, … đã gây những tác động rất xấu tới khả năng gắn kết, cảm thông, chia sẻ của người Việt sau này. Người ta không những mất đi nhiều cái hay đã học được ở xứ khác, mà còn mất cả những truyền thống tốt đẹp do cha ông để lại. Những kẻ bị “đánh mất” lại không phải là dân đen, mà chủ yếu nằm trong tầng lớp trên, được coi là ưu tú, hay “công thần” của xã hội.

Lối tuyên truyền đề cập ở trên, với người cộng sản, ở miền Bắc thì khỏi phải nói, khi đã đem tới những hậu quả khủng khiếp quá rõ như ngày hôm nay, mặt trái của đỉnh cao góp phần đem tới chiến thắng 75’.

Còn, với người “quốc gia”, dù thua kém xa so với “đỉnh cao” kia của cộng sản, nhưng lại là câu chuyện rất đáng bàn trong chủ đề này.

Trong cuộc chiến tranh tàn khốc, một phần do không triệt để dùng độc tài-dối trá để chống lại độc tài-dối trá, nên người “quốc gia” đã thua. Đó là “sai lầm” lần thứ nhất. (Nhìn những gương thành công trong vùng của Bak Jeong-hi - Hàn Quốc,Tưởng Giới Thạch – Đài Loan cũng thời kỳ đó sẽ rõ thêm). Thế nhưng, họ lại còn mắc sai lầm lần thứ hai, khi bước vào thời kỳ hòa bình, hòa nhập vào xã hội văn minh nơi mình tìm đến. Thay vì hấp thụ cái văn minh để đem về mà chiến thắng dần mô hình xã hội cộng sản trại lính, thì lại tiếp tục “áp dụng” , hay nói đúng hơn là bị cuốn theo một cách bản năng, lối độc tài-dối trá nửa vời xưa cũ còn rơi rớt lại để hòng chống thứ độc tài-dối trá đỉnh cao cộng sản.

3Không khó để tìm ra nguyên nhân nói trên. Đó là: quá thất vọng trước thất bại, cho là bị “phản bội”, quá đau đớn từ những gì chế độ cộng sản mới đem lại, mối nghi ngờ quá lớn với bất cứ ai, cái gì có “mùi” cộng sản v.v.. , cộng với khả năng hòa nhập xã hội mới văn minh không dễ, trong khi ảnh hưởng của giới “công thần” của chế độ cũ vẫn còn rất mạnh, giữa một cộng đồng phân tán, pha tạp … Một nguyên nhân rất quan trọng khác, đó là nhu cầu vạch trần bản chất của CNCS là quá lớn, lấn át tất cả, dẫn tới một thái độ cực đoan khi áp dụng những chiêu thức tuyên truyền một chiều cũ kỹ, không khác mấy lối thực dụng tiểu nông của người cộng sản.

Người cộng sản đã thắng người quốc gia một phần cũng nhờ nhiều chiến thuật khôn ngoan, trong đó có “địch vận”. Thế nhưng, ngược lại, hễ có ai trong hàng ngũ cộng sản tỏ ra cấp tiến, hay muốn lên án, rời bỏ nó, thì lại rộ lên những tiếng nói chỉ trích, bới móc quá khứ, nghi kỵ vu vơ, … từ hàng ngũ những người chống cộng, không ưa cộng sản. Có người còn ngây thơ, cố chấp tới mức muốn vài vị từng theo cách mạng ở miền Nam nay lên tiếng đấu tranh kêu gọi đa đảng, trước hết phải ngỏ lời xin lỗi đồng bào miền Nam.

Điều ai cũng có thể nhận ra là mỗi người có một hoàn cảnh, khả năng khác nhau; trong bất cứ cuộc đấu tranh nào cũng có nhiều trận tuyến, nhiều vai trò cương vị khác nhau, nhiều phương cách khéo léo khôn ngoan. Thế nhưng dường như người ta dễ quên điều đó, luôn có một tâm lý đòi hỏi người khác phải biết hy sinh như mong muốn của mình, phải hành động quyết liệt, không được khi tiến khi thoái …

Thứ vũ khí mà người cộng sản rất lo sợ là “diễn biến hòa bình”, thế mà lại bị nhiều đối thủ “nội” của họ chối bỏ, còn đối thủ “ngoại” – phương Tây thì vẫn cần mẫn sử dụng suốt bao năm qua.
Trang Ba Sàm, từ sau khi mở vài tháng cách đây 6 năm đã có mục điểm báo, ban đầu chỉ những báo nước ngoài. Sau đó, bắt đầu điểm báo trong nước. Nhưng, với nhiều độc giả không dễ chấp nhận ngay, coi đó như là cách tuyên truyền không công cho báo chí cộng sản. Kể cả việc đăng lại các bài chống “diễn biến hòa bình” trên báo Quân đội nhân dân cũng bị không ít độc giả phản đối. Có lẽ họ cũng không nhận ra rằng nếu không đăng lên, làm sao những bài viết đó nhận được hàng trăm phản hồi đánh giá của độc giả, thay cho trên báo QĐND không bao giờ dám có. Tương tự, là bài diễn thuyết của Đại tá quân đội Trần Đăng Thanh đã đạt kỷ lục hơn 1.000 phản hồi giận dữ, khinh bỉ của riêng độc giả trang Ba Sàm. Đó là thứ vũ khí làm những kẻ manh tâm bán nước đó không thể ngẩng mặt lên nổi.

Thế rồi thực tế đã trả lời, rằng nhận thức đó chính là lối dùng “ngu dân” để chống lại chính sách ngu dân; tương tự, rất nhiều  trang mạng, chỉ có những bài vở tố cáo chế độ cộng sản, còn không mấy quan tâm tới những gì cần thiết cho việc mở mang dân trí trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Không dễ nhận ra việc cần thiết  khích lệ những tiếng nói tích cực trong hàng ngũ đảng, chính quyền, trong số các nhà báo, hay chí ít, cũng phải nắm được thông tin tối thiểu của đời sống, còn việc phải sàng lọc thông tin, quan điểm chính trị ra sao khi đọc những tin bài ở đó, lại là trách nhiệm của những người viết, người làm báo tự do.

Thêm nữa, điều kiện tiếp cận thông tin đa chiều của người dân trong nước nói chung vẫn còn rất hạn chế, thông tin hàng ngày đến với họ lại được “định hướng” theo quan điểm của chính quyền, nên không dễ để họ tin hay dám đọc những trang mạng bị chính quyền trong nước nhìn nhận là phản động. Họ cần những món ăn tinh thần dễ tiêu hóa hơn; họ càng cần những kiến thức mọi mặt, về kinh tế, văn hóa, giáo dục, pháp luật … ở xứ dân chủ văn minh mà những người bà con bỏ nước ra đi lại rất có điều kiện học hỏi. Một khi những kiến thức này được lồng trong nội dung các trang mạng tự do, thì cơ quan quản lý trong nước cũng không dễ ngăn chặn, chỉ trích như với những trang chỉ “sặc mùi chống cộng”.

Rất may là trong mấy năm gần đây, đã xuất hiện ngày càng nhiều các trang mạng, blog, bài viết, và cả những phản hồi công phu từ những độc giả “bình dân” xưa nay không từng viết báo, cho tới các nhà hoạt động văn hóa, báo chí, luật sư luật gia, nhà kinh tế, cựu quan chức, đảng viên cao cấp, … cung cấp thông tin đa chiều, đề cập tới nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, góp phần mở mang dân trí, bớt dần đi thói quen dùng “ngu dân” để chống chính sách ngu dân (Còn tiếp).


Copy từ: Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét