CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Trang Ba Sàm bình luận về Nghị định 72 - (2)


Xem: Phần 1 

Nghị định 72 (2) – bản tin 9/8/2013

Mục đích thật sự của Nghị định 72? (BBC). Steven Millward, techinasia.com: “Nghị định này có thể được sử dụng để truy tố các cá nhân lan truyền những thông tin mà chính quyền cho rằng không phù hợp. Nó có thể được dùng là lý do bắt giữ thêm nhiều blogger nữa”. – CÁI ĐÓ… LÀ CÁ NHÂN, ĐƯA ĐƯỢC! (Bùi Văn Bồng).

Tiếp theo bình luận sáng qua về Nghị định 72.

Điều 22. Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới. 1. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập tại Việt Nam cần tuân thủ các quy định của pháp luật của Việt Nam. 2. Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cụ thể về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Nội dung trên cho thấy có lẽ riêng loại hình này phải có hẳn một thông tư, hoặc sẽ chiếm dung lượng đáng kể trong một thông tư hướng dẫn thi hành NĐ72 (tương tự Thông tư 07 kèm NĐ97 cách đây 5 năm). Như vậy, do chưa có “quy định cụ thể”về khái niệm, đối tượng nào nằm trong diện “cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”, nên chỉ xin đưa ra những gợi ý, riêng về đối tượng là “cá nhân”, hầu giúp cho cơ quan soạn thảo văn bản sắp tới.
“… Cá nhân nước ngoài”: có vẻ như nhắm đến các chủ thể “ngoại” đang hoạt động ở VN. Nhưng như vậy chưa đủ và rõ, mà có thể sẽ phải được hiểu đó là những đối tượng đang ở nước ngoài, hoặc đang sinh sống lâu dài ở VN (bao gồm cả nhân viên ngoại giao các nước), bao gồm: + người gốc Việt và không phải gốc Việt đang mang quốc tịch không phải VN; + người gốc Việt vẫn mang quốc tịch VN nhưng được định cư lâu dài ở nước khác; + người gốc không phải VN nhưng đã được vào quốc tịch VN; + và người không có quốc tịch.

“Cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”. Đây là một khái niệm rất phức tạp và đa dạng cho loại hình “cung cấp thông tin công cộng” trên mạng Internet. Bởi vì để hội đủ điều kiện “qua biên giới”, nó có thể phải bao gồm các đối tượng: + đang ở nước ngoài nhưng có blog sử dụng mạng xã hội của VN, hoặc lập trang web thuộc nhà cung cấp trong lãnh thổ VN; + đang ở VN nhưng có blog (bao gồm cả trang trên Facebook), trang web thuộc nhà cung cấp không phải ở VN; + đang ở VN nhưng lại trong cơ quan ngoại giao nước ngoài;  + tuy nhiên, nếu thuộc ba loại vừa nêu, nhưng lại không có “người sử dụng tại VN” hoặc không có người “truy cập tại VN” thì có thuộc diện điều chỉnh của Điều 22 không, điều này cần nêu rõ trong thông tư sắp tới.

“Có người sử dụng/ truy cập tại VN”. Đây cũng lại là một khái niệm khó xác định. Việc lập blog, trang web là quyền ở người lập, nhưng việc “có người sử dụng tại VN” hay có người “truy cập tại VN” hay không thì lại không tùy thuộc người lập. Việc xác định có hay không và mức độ, số lượng người sử dụng, truy cập một blog, trang web nào đó thì được coi là “có” không phải điều là đơn giản.

Như vậy dường như một chủ thể phải hội đủ đồng thời cả 2 điều kiện vừa nêu trên thì mới thuộc phạm vi điều chỉnh của NĐ72. Cụ thể, nếu chỉ có hành vi “cung cấp thông tin công cộng qua biên giới” mà lại không xác định được là có “người sử dụng tại VN” hay “có truy cập tại VN” hay không thì cũng không thể là đối tượng của NĐ72.

- Quyền định đoạt, sở hữu phương tiện “cung cấp thông tin công cộng”. Tức là những “người nước ngoài” thuộc diện điều chỉnh của thông tư sắp tới, khi “cung cấp thông tin công cộng qua biên giới” đương nhiên phải thông qua các blog, web; thế nhưng quyền sở hữu của họ với các công cụ này đến đâu thì được chấp nhận, coi như là “của” họ? Các blog, web đó phải là do họ lập ra từ đầu, hay có thể cả những blog, web được cho, tặng, bán, nhờ trông coi, có người khác lập và điều hành hộ, v.v.. ? Bằng cách nào để xác thực những hình thức “sở hữu” đó?
- Trong khi chưa có “quy định cụ thể” thì những  trang thông tin cá nhân, trang thông tin tổng hợp đã từng hoặc lúc này đưa ra tuyên bố là mình thuộc loại “nước ngoài” và “xuyên biên giới” thì vẫn phải chờ đợi văn bản hướng dẫn để được quyết định “số phận”.

- Một chữ “cần” (chứ không phải là “phải“) đáng chú ý trong câu “Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài … cần tuân thủ các quy định của pháp luật của Việt Nam”.  Nó có thể được hiểu như một lời khuyên, không phải là một yêu cầu bắt buộc.

Chỉ sơ qua một số gợi ý nêu trên cũng đủ thấy riêng Điều 22 cũng có thể làm cho NĐ72 này chưa thể “đi vào cuộc sống” được, mà nó còn phải chờ thêm một Thông tư hướng dẫn, hoặc một thông tư riêng cho loại đối tượng “… qua biên giới”, chưa nói tới phải có “nghị định về xử phạt vi phạm trên Internet”, và thêm nữa (xin được trình bày tiếp vào sáng mai)

Copy từ: Ba Sàm



...................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét