CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 25 tháng 6, 2013

Biển Đông : Bước lùi chiến thuật của Việt Nam trước áp lực Trung Quốc

  ANH BA SÀM bình luận:

” … Về phía Việt Nam, theo giáo sư Long, có hai điểm cần quan tâm thực hiện (nhưng đâu có thực hiện?) để bảo vệ Biển Đông : một là cải thiện hồ sơ nhân quyền trong nước để tranh thủ dư luận Mỹ vốn có trọng lượng nhất định trên các chính sách của Washington đối với Việt Nam, và hai là ủng hộ vụ Philippines kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc”.  Hay là không chịu cải thiện hồ sơ nhân quyền, mà thậm chí còn làm cho nó tệ hơn, cũng là “bước lùi chiến thuật”?!  Cho nên, cái khó nhất cho việc đánh giá một chính sách đối ngoại rất quan trọng này của nhà cầm quyền VN còn là ở chỗ nó luôn bị biến dạng qua đủ thứ mâu thuẫn, xung khắc, bí hiểm vì bị che đậy trong chính sách đối nội. 
Thật ngạc nhiên khi ông Ngô Vĩnh Long có vẻ tin chắc về thứ thông tin có thể nói là “tối mật” mà ông có được về “bước lùi chiến thuật” của VN. Ông cũng không chút nghi ngờ rằng mình đã được nhá ra những thông tin nào đó có lợi cho phía đưa tin, chưa nói rằng đó là một lối “đầu độc” thông tin nguy hiểm. Ngạc nhiên thêm là RFI cũng không chút nghi ngại về sự tự tin đó.
Ông Long còn suy luận đơn giản như thể cốt xoa dịu dư luận rằng nước nhỏ nói chuyện với nước lớn thì phải chịu thiệt, rằng VN “đơn độc” nên phải chịu … (ông quên Philippines?). Ông “quên” một điều hiển nhiên diễn ra hàng chục năm nay rằng đây là 2 kẻ “tàn quân” đào thoát từ cuộc sụp đổ của “Hệ thống XHCN”, đương nhiên phải dựa dẫm vào nhau mà  sống sót, nên mới có những thỏa thuận bí mật mà cả thế giới coi chừng bị “ăn quả lừa”, ví như vụ Thành Đô chẳng hạn. Kỳ lạ thêm là ông liên tục tìm cách chống chế “dùm” cho những người thương thuyết VN từ việc không nhắc tới COC, UNCLOS, cho tới Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển …
Ông Long còn “quên” rất nhiều thứ, ví như vụ  Trung Quốc in sách về Tam Sa, được loan tin ngay trong thời gian đón tiếp và đàm phán với phái đoàn ông CT nước VN, nhưng báo VN có đưa tin cũng không dám ngay từ cái tựa để “chỉ mặt” ai là kẻ in sách, làm bạn đọc dễ lầm tưởng sách do … bọn đầu nậu VN in lậu. Có báo (Petrotimes) còn âm thầm gỡ bỏ sau khi đăng tin này. (Mà sao VN lại “chọn” đúng thời điểm TQ kỷ niệm một năm ngày thành lập TP Tam Sa phi pháp để sang thăm, ông Long nhỉ? Hay cũng lại là “bước lùi chiến thuật”?) Chưa hết! Để chào mừng ông CTN VN với “4 tốt”, “16 chữ vàng” được lặp lại, Trung Quốc còn điều 2 tàu hải tuần ra Biển Đông,  tăng cường xây dựng các công trình trên phần đảo chiếm đóng trái phép nữa, lại còn đe dọa “Biển Đông hữu sự” sẽ phái J-20 ra Bãi Tư Chính, Trường Sa, … nhưng phía VN lại im thin thít như thể đang thực hiện … “bước lùi chiến thuật” theo kiểu ông Long. Nghe mấy chữ “bước lùi chiến lược” này của ông, tưởng như tên cáo già đang dụ khị đứa trẻ nít, chứ không phải là thực tế vẫn đang ngược lại. Hết biết!!!  - Để lấy lại “tinh thần” sau bài phỏng vấn ông Long, mời xem lại một bài rất khá: Gian nan chuyến đi Hoa Kỳ của tướng Đỗ Bá Tỵ (Cầu Nhật Tân).

Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20/06/2013.
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20/06/2013.
REUTERS/Mark Ralston
Trọng Nghĩa
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc (19-21/06/2013). Tranh chấp Việt – Trung tại Biển Đông dĩ nhiên đã đuợc nêu lên trong các cuộc thảo luận và ghi lại trong bản Tuyên bố chung tổng kết chuyến thăm. Điều gây lo ngại là trong văn kiện này hoàn toàn thiếu vắng hai yếu tố quan trọng tóm gọn trong hai từ tắt tiếng Anh COC và UNCLOS.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của ban Việt ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ cho rằng nội dung bản Tuyên bố chung Việt-Trung chỉ là một bước lùi chiến thuật của Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc vốn không muốn đề cập đến các vấn đề đa phương trong một văn kiện đúc kết một chuyến thăm mang tính chất song phương. Đồng thời với bước lùi chiến thuật đó, Việt Nam lại mở hướng về phía Mỹ.
Theo các thông tin mà giáo sư Long nắm được, nhân chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam, trong thực tế, hai bên đã thảo luận rất nhiều về tranh chấp Biển Đông, nhưng trong tư cách nước chủ nhà, Bắc Kinh là phía chịu trách nhiệm soạn thảo bản Tuyên bố chung, và đã tranh thủ tư thế này để « nêu bật » những yếu tố song phương và « ém đi » các vấn đề đa phương.
Trong số các yếu tố đa phương liên quan đến Biển Đông, dĩ nhiên là có các vấn đề như nhanh chóng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử (COC = Code of Conduct) tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, mang tính chất ràng buộc, hay là nhu cầu tôn trọng Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc UNCLOS
Trước việc Trung Quốc không muốn nêu lên các vấn đề này trong bản Tuyên bố chung, Việt Nam, theo giáo sư Long đã phải tạm thời ép mình, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam từ bỏ việc thúc đẩy các đòi hỏi liên quan đến COC, chắc chắn sẽ được nêu lên tại các diễn đàn của khối ASEAN sắp tới đây.
Còn về phần Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, dù không được nêu lên trong bản Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc, nhưng theo giáo sư Long, sự kiện đó hoàn toàn không có nghĩa là văn kiện quốc tế mà cả Bắc Kinh và Hà Nội đều ký kết đó không tồn tại.
Điều quan trọng mà giáo sư Long ghi nhận là cùng lúc với chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam qua Trung Quốc, thì người đứng đầu quân đội Việt Nam – Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - đến thăm Lầu Năm Góc, trong một nỗ lực mở cửa về phía Mỹ trong lãnh vực quốc phòng, với hy vọng củng cố hơn nữa quan hệ quốc phòng, đồng thời khuyên khích được Hoa Kỳ dấn thân mạnh mẽ hơn vào việc thúc đẩy một bộ quy tắc ứng xử cho vùng Biển Đông.
Về phía Việt Nam, theo giáo sư Long, có hai điểm cần quan tâm thực hiện để bảo vệ Biển Đông : một là cải thiện hồ sơ nhân quyền trong nước để tranh thủ dư luận Mỹ vốn có trọng lượng nhất định trên các chính sách của Washington đối với Việt Nam, và hai là ủng hộ vụ Philippines kiện đường lưỡi bò của Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc.
Mời quý vị nghe toàn văn bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long.


Copy từ: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét