CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Những con nợ của nhau

  Tư Giang

(TBKTSG) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành là hơn 91.000 tỉ đồng trong hơn 47.000 dự án. Chính tình trạng nợ đọng này đã khiến hàng ngàn doanh nghiệp phải “chết” hoặc “chờ chết” vì không thu được nợ.
Khi Nhà nước không đủ nguồn lực để thanh toán cho những dự án đầu tư công dàn trải, thì doanh nghiệp là những nạn nhân trực tiếp.
Những nạn nhân của đầu tư dàn trải
Ở tuổi 40, Trần Văn T. đang sống những ngày buồn bực nhất. Vị doanh nhân sống ở Hà Nội đã thất nghiệp suốt từ cuối năm ngoái đến nay sau khi công ty xây dựng do anh làm giám đốc gần như lâm vào cảnh phá sản. “Máy móc để mãi đã hoen gỉ, còn công nhân thì cho về quê. Đến bản thân tôi cũng chẳng còn việc gì làm”, T. nói, khuôn mặt rầu rĩ và không muốn nêu tên vì cảm thấy xấu hổ.
Cách đây vài năm, T. lập công ty chuyên xây dựng những dự án nhỏ do một tập đoàn nhà nước đầu tư sau khi bỏ việc ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Doanh nghiệp non trẻ của anh làm ăn thuận buồm, xuôi gió cho đến cuối năm ngoái. Tập đoàn đó không có vốn để thanh toán và thi công tiếp, dẫn đến hệ lụy hiện nay mà T. chưa từng ngờ đến. “Chúng tôi hoàn thiện công trình mà chờ mãi không được thanh toán. Làm cách gì chủ đầu tư cũng không trả. Họ hết tiền”, T. nói.
Cũng giống như T., một chủ doanh nghiệp xây dựng khác có trụ sở tại Thanh Hóa tên Phan S. cũng đã thất nghiệp hơn một năm nay. Công ty của S. chuyên xây dựng các trường học, nhưng nay không còn việc để làm. Bản thân S. đã phải mở quán cà phê để kiếm tiền sinh nhai.
Trong động thái chưa từng có tiền lệ, Quốc hội đã đồng ý dùng một phần của ngân sách 2013 để trả nợ đọng xây dựng cơ bản nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Số phận của hai chủ doanh nghiệp trên có lẽ không hiếm gặp ở Việt Nam trong lúc này. Họ từng rất thành công khi biết quan hệ với các doanh nghiệp nhà nước, hay cơ quan nhà nước để tìm kiếm những hợp đồng xây dựng các công trình công, vốn bùng nổ trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, khi Nhà nước không còn đủ nguồn lực để thanh toán cho những dự án dàn trải đó, thì họ là những nạn nhân trực tiếp.
Câu chuyện tương tự cũng đã được đề cập trong một phiên họp Chính phủ gần đây. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh kể lại, ông đã báo cáo Thủ tướng chuyện tỉnh Điện Biên đã tự ý xây dựng cầu Đồng Xuyên trị giá tới 400 tỉ đồng mà không hề được bố trí vốn. Cây cầu này không nằm trong danh mục các dự án đầu tư công bằng nguồn trái phiếu được trung ương phê duyệt. Ông Vinh kể lại, Thủ tướng từng đồng ý không thanh toán cho công trình này. Đến nay, câu chuyện dang dở này không rõ kết thúc như thế nào, nhưng dù gì thì doanh nghiệp xây dựng cây cầu đó phải trả giá.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên có cái nhìn bi quan về thực trạng này. “Có bao nhiêu doanh nghiệp đã “chết” hoặc “chờ chết” vì không thu được nợ? Có lẽ phải lên đến hàng ngàn”, ông Thiên nói, tay chỉ vào một báo cáo của Bộ Tài chính. Báo cáo đó cho biết, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành là hơn 91.000 tỉ đồng trong hơn 47.000 dự án chỉ trong năm ngoái. Trong số đó, đáng kể nhất là hơn 25.000 tỉ đồng nợ các công trình đã hoàn thành, và gần 66.000 tỉ là nợ khối lượng đã thực hiện tại các dự án đang triển khai.
Nguyên nhân từ đâu?
Giải trình trước Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết nợ đọng của chính quyền đã giảm xuống còn 85.000 tỉ đồng, thay vì 91.000 tỉ theo tính toán của Bộ Tài chính. Dù là con số nào, mức nợ như trên thực sự gây choáng váng.
Nhìn lại những năm qua, theo số liệu của Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Tự, mức nợ đọng xây dựng cơ bản chỉ vào khoảng 10.000 tỉ đồng mỗi năm. Lý do chính là “hàng vạn” công trình đầu tư công quy mô nhỏ và vừa phải kéo dài đến 5-6 năm, thay vì 2-3 năm như kế hoạch.
Nợ đọng có một phần là do chính quyền không thanh toán. Chẳng hạn, trong 10 tháng đầu năm nay thành phố Hà Nội mới chỉ giải ngân 12.400 tỉ đồng, tương đương 56% kế hoạch năm; còn TPHCM mới chi hơn 9.600 tỉ, tương đương 58% kế hoạch năm. Con số giải ngân này thấp hơn so với khối lượng xây dựng thực tế, theo thừa nhận của các sở kế hoạch và đầu tư từ hai thành phố lớn nhất nước.
Chỉ hai tuần sau khi giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lại phải ký văn bản hỏa tốc gửi chính quyền các tỉnh và các bộ yêu cầu họ báo cáo tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản và danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ phải đình hoãn do không có vốn thực hiện. Câu chuyện này cho thấy quá trình phân cấp đầu tư đã làm quyền lực của địa phương vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ trung ương.
Từ năm 2006 đến nay, toàn bộ các dự án nhóm A, B, C đều đã được giao cho các địa phương thẩm định và phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Có nghĩa là các địa phương được toàn quyền trong việc quyết định dự án đầu tư, phân bổ kế hoạch đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phân cấp gần hết cho chính quyền địa phương trong việc giao vốn đầu tư phát triển. Về phần mình, chính quyền tỉnh lại phân cấp quyết định đầu tư cho cấp huyện và cấp xã. Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm lập dự toán chi tiêu công và quyết định việc phân bổ ngân sách cho đầu tư công trong phạm vi ngân sách cấp mình, song, vì nhiều lý do, họ thường thỏa hiệp với các kế hoạch của chính quyền.
Hệ quả của cơ chế phân cấp triệt để về phê duyệt dự án và giao vốn đầu tư đã làm bùng nổ các dự án công. Chỉ trong năm 2011 có tới 38.420 dự án đang được đầu tư với khối lượng xây dựng lên đến gần 438.000 tỉ đồng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều đáng nói, gần 37% dự án trong số này là mới được khởi công, tức trái với Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát. Có vẻ như nhu cầu đầu tư giống như ngựa bất kham ở mọi cấp. Hà Nội là một ví dụ. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết tổng nhu cầu của các dự án ở Thủ đô lên đến 164.000 tỉ đồng, nhưng chính quyền chỉ bố trí được 2.000 tỉ, tức chưa được 2% trong năm 2012, theo số liệu được tờ Lao động cuối tuần trước trích dẫn. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính có tới 15 tỉnh, thành, tập trung phần lớn ở phía Bắc có số nợ xây dựng cơ bản vượt 100% vốn ngân sách được giao.
“Tôi đề nghị các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương giám sát việc bố trí vốn của các ủy ban nhân dân ở địa phương mình. Tôi đề nghị các đồng chí giám sát cho việc này, kiểm tra việc này”, Bộ trưởng Vinh đã phải nói như năn nỉ với Quốc hội nhằm khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Ông cũng không quên khẳng định, trung ương làm “rất chặt” phần thẩm định các dự án mà địa phương trình lên. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đâu là cơ chế để các đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát trong cơ chế phân cấp hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên thừa biết việc này, khi dẫn trường hợp tỉnh Hà Giang nợ gấp 10 lần số thu ngân sách của địa phương. Ông Kiên nói: “Tôi nói ở đây thì chắc đoàn đại biểu Hà Giang không hài lòng: Hà Giang là một điển hình trong nợ xây dựng cơ bản vượt ngân sách!… Vấn đề bây giờ là trả thế nào được, ai là người chịu trách nhiệm trong việc chi vượt ngân sách về xây dựng cơ bản như thế…”. Ông Kiên nói chưa thấy “một dòng nào” về vấn đề ai chịu trách nhiệm về nợ xây dựng cơ bản trong báo cáo của Bộ Tài chính, trong khi ngân sách phải trả nợ tới gần 104.000 tỉ đồng trong năm tới.
Trong động thái chưa từng có tiền lệ, Quốc hội đã đồng ý dùng một phần của ngân sách 2013 để trả nợ đọng xây dựng cơ bản nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.
Trần Văn T. nói, anh có biết việc này, nhưng chẳng mấy hy vọng công ty anh sẽ sớm được thanh toán cho những hạng mục đã xây dựng. T. đang chịu sức ép lớn, khi các nhà cung cấp vật liệ



Copy từ: Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét