CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2014

Du học sinh VN và cộng đồng người Việt hải ngoại

anh1-416x234-305.jpg 
Du học sinh Việt Nam tại Oklahoma tổ chức tiệc Tết Giáp Ngọ 2014.

 
Số lượng sinh viên Việt Nam đến Hoa Kỳ du học ngày càng đông, và ở đây họ có những giao thiệp với người Việt đã định cư tại Mỹ. Diễn đàn bạn trẻ kỳ này đến Oklahoma City nơi có nhiều du học sinh Việt Nam học tập. Tham gia diễn đàn có anh Thanh Liêm, một người có nhiều hoạt động cộng đồng cùng hai bạn Tường Vy và Linh, sinh viên Mỹ gốc Việt, đã và đang hoạt động trong các hội sinh viên tại Oklahoma City.

Văn hóa khác nhau?

Kính Hòa: Đầu tiên xin đặt câu hỏi cho anh Liêm là anh đã quan tâm đến cộng đồng du học sinh lâu chưa và anh có nhận xét như thế nào?
Thanh Liêm: Trước tiên xin cảm ơn Linh, Tường Vy đã bỏ thì giờ, và  anh Kính Hòa đã cho chúng ta cơ hội trao đổi để tìm hiểu những vấn đề của người Việt ở hải ngoại mình nó như thế nào đối với người Việt từ trong nước sang. Tôi cũng là người Việt Nam yêu đất nước của mình, muốn người Việt của mình có thể ngồi lại với nhau, không có giận hờn, không có nghĩ về quá khứ quá nhiều, nhất là đối với những người trẻ hơn tôi. Đơn giản vậy thôi.
Tiếp xúc với những người Việt Nam là giới sinh viên sang thì tôi thường hay lên trường để tham dự các buổi lễ phát thưởng dành cho học sinh giỏi. Tôi nhận thấy rằng các em học sinh từ Việt Nam sang rất là giỏi. Tôi cũng thường hay nói chuyện, ủng hộ các em, rất là mong các em tham gia vào các hoạt động của cộng đồng ở địa phương. Cũng lâu lắm rồi.
Kính Hòa: Xin hỏi hai bạn Tường Vy và Linh, các bạn là sinh viên ở đây. Các bạn có nhận xét gì về các bạn du học sinh?
Ở bên đây người VN sanh bên Mỹ chơi với người VN khác sanh bên Mỹ thì cứ nói tiếng Mỹ với nhau. Người Tàu, người Nhật, người Hàn Quốc đều nói tiếng mẹ đẻ của họ.
-Tường Vy
Linh: Dạ thưa chú hồi trước con học ở trường University Of Oklahoma thì con cũng có sinh hoạt với các bạn du học sinh. Có năm con là Chủ tịch hội sinh viên. Mình lớn lên ở Mỹ thì sinh hoạt khác với các bạn ở Việt Nam sang. Các bạn từ Việt Nam sang có học bổng để học nên học là chính chơi là phụ. Những sinh hoạt mà các bạn đó tham gia thì mang tính chất gia đình nhiều hơn như là đi ăn cùng nhau hay đến nhà nhau để nấu ăn.
Tường Vy: Con sanh bên Mỹ này thực sự con cũng biết sơ sơ vài người du học sinh. Con thấy người Việt Nam bên đây không thích chơi với du học sinh. Con thấy họ thấy mắc cỡ hay là không thích cái culture (văn hóa) của mình.
Kính Hòa: Xin lỗi cho chú cắt chỗ này. Tức là con nói rằng họ không thích chơi với người Việt bên này?
Tường Vy: Con nghĩ không phải du học sinh không thích chơi với người sinh bên Mỹ này mà là người sinh bên Mỹ này không thích chơi với du học sinh.
Kính Hòa: À, vậy lý do là vì sao?
Tường Vy: Thì giống như con nghĩ rằng người sanh bên Mỹ này không có rành tiếng Việt. Tại vì cón thấy ở bên đây người Việt Nam sanh bên Mỹ chơi với người Việt Nam khác sanh bên Mỹ thì cứ nói tiếng Mỹ với nhau. Người Tàu, người Nhật, người Hàn Quốc đều nói tiếng mẹ đẻ của họ.
Kính Hòa: Cho chú hỏi là ngược lại những người du học sinh có muốn chơi với các bạn, những người như Linh và Tường Vy không?
Linh: Con hiểu sao Tường Vy lại nói vậy. Con sang Mỹ từ nhỏ và lớn lên ở đây. Khi con sinh hoạt với các bạn sinh viên du học thì con thấy cần phải có một cầu nối cho hai giới trẻ cùng một gốc, nhưng có hai cái nền khác nhau hòa thuận với nhau. Thứ nhất là tiếng nói, các bạn ở đây nói tiếng Anh nhiều hơn, còn các bạn từ Việt Nam sang thì nói tiếng Việt nhiều hơn. Khi mà con sinh hoạt chung với các bạn sinh viên du học thì con có tổ chức những chuyện như chèo thuyền chung với các bạn lớn lên ở đây để mình biết nhau hơn.
Con nghĩ là cũng tùy theo cá nhân có muốn sinh hoạt hay không.

Nên mở tấm lòng để giúp đỡ

anh7-416x234-250.jpg
Đội múa trường đại học trung tâm Oklahoma biểu diễn trong tiệc Tết Giáp Ngọ 2014 do du học sinh tại Oklahoma tổ chức. Courtesy sinhvienusa.org
Kính Hòa: Các bạn có quan sát thấy là những bạn du học sinh có thích gần gũi với cộng đồng người Việt ở Oklahoma không? Không nói những người trẻ như Linh và Tường Vy mà mình hỏi là họ có quan tâm đến các hoạt động của cộng đồng người Việt ở Oklahoma không?
Tường Vy: Con nghĩ những người trẻ ở Oklahoma này không có cơ hội để giúp đỡ cộng đồng. Con thấy những người lớn tuổi hay giành mấy cái… đồ làm…
Thanh Liêm: Hoạt động.
Tường Vy: …những hoạt động của cộng đồng, không cho người trẻ làm.
Linh: Cái này cũng hơi khó nói, tại vì lúc trước con có đi nhảy múa cho cộng đồng, rồi đi dạy tiếng anh cho mấy bác mới ở Việt Nam qua. Thành ra cũng tùy vào chuyện mình phải nói ra với những người mới sang là mình muốn giúp họ để làm quen với cuộc sống bên này. Thành ra phải tìm tới nhau mà giúp đỡ lẫn nhau. Nếu mình không nói thì làm sao người ta biết mình muốn giúp cho người ta.
Kính Hòa: Nhưng câu hỏi của chú hơi khác một chút là những người sinh viên từ Việt Nam qua có quan tâm đến những sinh hoạt của cộng đồng tại Oklahoma hay không?
Linh: Cái này thì khó… (cười)
Tường Vy: Tại vì mình không thể nói hết mọi người được.
Kính Hòa: Tức là có người quan tâm và có người không quan tâm?
Linh: Dạ cũng đúng nhưng mà có những chuyện quá khứ như là tụi con hay có những buổi gây quĩ để làm những sự kiện lớn thì các bạn sinh viên người Bắc, đại đa số các bạn du học sinh ở Oklahoma là người Bắc thì khi vô Oklahoma City để gây quĩ thì có những cô chú nói những lời không hay với họ cho nên đương nhiên là họ bị tổn thương khi sinh hoạt với cộng đồng. Con cũng muốn mang hai hội lại với nhau nhưng khó. Khi tụi con đi cùng với mấy bạn sinh viên người Bắc đó đi xin tiền con cũng nghe những lời không hay. Có lần có người hỏi con là tại sao con lớn lên ở đây mà lại đi chơi với mấy người du học này. Cái đó con không hiểu.
Kính Hòa: Một khía cạnh khác nữa là khi các bạn du học sinh qua đây thì chắc chắn họ tiếp xúc với những hoạt động mang tính chính trị, dân chủ của xã hội Mỹ. Linh và Tường Vy thấy những hoạt động mang tính chính trị của họ như thế nào?
Mình phải đặt mình vào vị trí của các em, thông cảm với các em mà không đẩy các em vào vị thế khó, gây khó khăn cho các em khi về nước.
-Thanh Liêm
Linh: Các bạn du học thì tránh những hoạt động mà có treo lá cờ tại vì các bạn sợ nếu mà chụp hình rồi thấy đằng sau lưng có lá cờ ba sọc thì các bạn sẽ về nước không được. Cái vấn đề quan tâm chính là nước Việt Nam có cho họ về lại hay không. Còn những sinh hoạt khác như đi múa, đi kể chuyện cho những hoạt động nào đó thì họ vẫn đi.
Tường Vy: Dạ con đồng ý.
Kính Hòa: Các bạn sinh viên như Linh và Tường Vy sinh ra lớn lên ở đây thì thuộc một hội còn các bạn du học sinh là một hội khác?
Linh: Lúc trước là một hội, rồi con không hiểu tại sao lại đổi ra thành hai hội.
Kính Hòa: Các bạn cũng biết là bây giờ Việt Nam vẫn được cai trị bởi một đảng duy nhất mà thôi. Các bạn có nghĩ là các bạn sinh viên từ Việt Nam sang bị kiểm soát bởi tòa đại sứ Việt Nam tại Mỹ không?
Linh: Con nghĩ là không vì các bạn sinh hoạt rất là tự do tuy các bạn có tránh lá cờ mình treo ở nước Mỹ này. Đầu năm thì tụi con gặp nhau và đồng ý là sẽ không dính gì đến chính trị mà chỉ gặp nhau vui chơi.
Tường Vy: Con cũng đồng ý với Linh.
Thanh Liêm: Tôi cũng đồng ý với Linh và Tường Vy. Tất cả du học sinh tại Oklahoma này hay có thể là cả nước Mỹ nói chung có thể là họ bị kiểm soát bởi tòa đại sứ bằng cách nào đó mà những người bình thường như mình không thấy được, nhưng mà tôi thấy các em sinh hoạt rất là tự do. Mình phải đặt mình vào vị trí của các em, thông cảm với các em mà không đẩy các em vào vị thế khó, gây khó khăn cho các em khi về nước.
Với tư cách người lớn tuổi hơn tôi mong muốn là mình đi cạnh các em để chỉ cho các em thấy cái xã hội tự do dân chủ là như thế nào. Tại vì không phải tất cả các em sang đây đều thay đổi tư duy. Mà cũng có một số rất là cực đoan, nghĩ rằng chế độ cộng sản là chế độ duy nhất mà con người Việt Nam và xã hội Việt Nam phải có. Thì cái điều đó chúng ta nên mở tấm lòng ra để giúp các em thấy các điều hay điều tốt của bên này.
Kính Hòa: Xin đặt câu hỏi cuối cùng cho Tường Vy và Linh. Như Linh nói lúc nãy là khi các bạn sinh hoạt chung với nhau thì đồng ý với nhau là không đề cập đến chuyện chính trị. Nhưng mà có lẽ là chúng ta không thoát khỏi chính trị. Các bạn có thấy là sinh viên Việt Nam có nên tham gia vào chính trị hay không? Sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên từ Việt Nam đến Mỹ.
Linh: Theo con thì chính trị là một vấn đề rất nhạy cảm và con chọn không tham gia. Nhưng cũng có những bạn rất thích tham gia, thì cái đó tùy cá nhân từng người. Là một hội sinh viên để học hành, học hỏi nhau thì con nghĩ rằng không tham gia là tốt nhất vì các bạn có những ý kiến khác nhau, để tránh bất hòa thì mình nên…
Tường Vy: Con cũng đồng ý với lại Linh. Mỗi người có một ý khác nhau và thật sự con cũng nghĩ là người Việt Nam mình muốn nhiều tự do hơn, muốn nói ý kiến mình ra thì phải tham gia vào chính trị. Nhưng đó là quan điểm của mỗi cá nhân thôi.
Kính Hòa: Xin rất cảm ơn anh Liêm cùng hai bạn trẻ là Linh và Tường Vy đã tham gia diễn đàn bạn trẻ ngày hôm nay.

Copy từ: RFA


............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét