CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

15,558 người ký tên nhắc LHQ về Hoàng Sa


PARIS 26-1 (NV) .- Chỉ trong khoảng một tuần, lời mời gọi mọi người ký tên, nhắc Liên Hiệp Quốc rằng, “Hoàng Sa là của Việt Nam”, đã thu được 15.588 chữ ký.
Sơ đồ trận hải chiến ngày 19/1/1974 giữa Hải quân VNCH với lực lượng Hải quân Trung Cộng tại quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Gucci-vnafmamn.com)
Những người tham gia ký tên vào thư ngỏ này thuộc nhiều giới (thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, quân nhân cả hai miền Nam – Bắc, tu sĩ các tôn giáo), cư trú ở khắp nơi trên thế giới. Thư ngỏ gửi Liên Hiệp Quốc là sáng kiến của Qũy Nghiên cứu biển Đông và Nhóm biển Đông tại Pháp, nhân thời điểm tròn 40 năm Trung Quốc cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của người Việt.
Thư đã được gửi cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Pháp quyền Liên Hiệp Quốc, Ủy ban Giải trừ quân bị và An ninh Quốc tế, Tòa án Công lý Quốc tế vào ngày 24 tháng 1-2014. Thư viết, đúng 40 năm trước, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong bối cảnh căng thẳng và phức tạp ở biển Đông và ở biển Hoa Đông, đặc biệt sau khi Trung Quốc đơn phương thành lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, những người ký tên vào thư ngỏ muốn nhắc Liên Hiệp Quốc về sự kiện xảy ra tròn 40 năm trước. Họ hy vọng sự kiện lịch sử bi thương đó sẽ giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về hiện tại và từ đó dự báo về một tương lai tốt hơn, nhằm xây dựng một thế giới hòa bình và công bằng hơn.
Những người ký thỉnh nguyện thư còn muốn nhắc Liên Hiệp Quốc về tầm quan trọng của việc thượng tôn luật pháp quốc tế – nền tảng của hòa bình và phát triển thịnh vượng. Theo họ, thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc tế là sứ mệnh trọng tâm của Liên Hiệp Quốc.
Thỉnh nguyện thư dẫn các bằng chứng lịch sử từ giai đoạn trước 1884 - thời kỳ người Pháp đặt chân tới Việt Nam, người Việt đã xác lập chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa mà không có bất kỳ sự phản đối nào từ bất kỳ quốc gia nào trong suốt hai thế kỷ. Trong thời kỳ đô hộ Việt Nam, người Pháp cũng đã thực thi rõ ràng và mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Giai đoạn hậu thực dân và nội chiến ở Việt Nam, từ 1956 đến 1975, Việt Nam bị chia làm hai ở hai bên vĩ tuyến 17 theo các Hiệp định Geneve. Quần đảo Hoàng Sa, nằm ở phía Nam vĩ tuyến 17, đương nhiên thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa. Chính phủ của Việt Nam Cộng hòa luôn thể hiện rõ ràng và cụ thể các hoạt động và hành vi nhằm duy trì chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và đã đóng quân tại đó ngay sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương.
Vào ngày 15 tháng 1 năm 1974, chưa đầy một năm sau khi ký kết Hiệp định hoà bình Paris, hạn chế sự hiện diện của Quân đội Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam, Trung Quốc đã đổ quân xuống các đảo phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa (nhóm Trăng Khuyết) và trong vài ngày sau đó tăng cường triển khai lực lượng Hải quân.
Trong các ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng toàn bộ quần đảo sau một trận hải chiến ác liệt với Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Trước hành vi sử dụng vũ lực trắng trợn như thế, Quan sát viên của Việt Nam Cộng hoà tại Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu đưa vụ này ra Hội đồng Bảo an. Trong một công hàm ngoại giao gởi đến các bên ký kết Hiệp định hoà bình Paris, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã yêu cầu Hội đồng Bảo an triệu tập một phiên họp đặc biệt để xem xét vụ việc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn tất cả những nỗ lực nhằm mở một cuộc thảo luận về vụ này tại Hội đồng Bảo an.
Sau 1975, Việt Nam vẫn liên tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Bất chấp những phản đối của Việt Nam, Trung Quốc vẫn tiếp tục chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và xây dựng trên đó nhiều cơ sở hạ tầng đáng kể.
Trong thư ngỏ gửi Liên Hiệp Quốc, những người ký tên, khẳng định, hành động quân sự của Trung Quốc năm 1974, cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế.
Danh sách 15,888 người ký tên được kèm theo thư ngỏ, nhắc “Hoàng Sa là của Việt Nam” đã được gửi đến Liên Hiệp Quốc. (Hình: Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
Những người ký tên nhắc lại rằng, cộng đồng quốc tế không thiếu các biện pháp có thể đưa đến một giải pháp hoà bình cho tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, mà một trong những biện pháp hòa bình đó là đưa tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa ra giải quyết tại Tòa án Công lý Quốc tế, song Trung Quốc đã làm ngơ trước những đề xuất theo hướng này.
Những người ký tên vào thư ngỏ gửi Liên Hiệp Quốc nhắc lại, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, từ chối đàm phán hoặc phân xử bởi một cơ quan tài phán quốc tế, rõ ràng không phải là những hành vi  và cách hành xử có lợi cho một thế giới hòa bình và ổn định. Cũng vì vậy, họ kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, chấp nhận đưa tranh chấp đối với quần đảo Hoàng Sa ra phân xử tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Theo họ, trong quá khứ, thế giới đã chứng kiến ​những đau khổ khủng khiếp khi các quốc gia, vì lợi ích riêng của họ, không tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Nay, đừng để những điều đó tái diễn.
Hôm 24 tháng 1, những người khởi xướng và soạn thảo thư ngỏ, nhắc Liên Hiệp Quốc rằng, “Hoàng Sa là của Việt Nam” đã gửi thư cám ơn những người ký tên. Theo đó, thư là “sự đồng lòng của những người yêu công lý đối với vấn đề Hoàng Sa” và đó là “15,558 lời phản kháng cường quyền và bạo lực”. (G.Đ.)

Copy từ: Người Việt


...................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét