CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Dân chủ, tôn giáo và chủ thuyết Marx




Nếu Dân Chủ có thể được những người Duy Linh, Duy Lý, Duy Vật, Duy Tâm, Xã Hội, Marxiste, những người làng nhàng Duy đủ thứ, hay chẳng Duy gì cả … công nhận là một quyền phổ quát, thì vấn đề còn lại chính là thực hiện Dân Chủ cách nào để tránh cho những người kể trên phải đập nhau bưu đầu sứt trán vì một điều mà họ cùng tôn trọng, cùng quyết tâm bảo vệ?
Chemnitz-Karl-Marx-MonumentThế kỷ 20 đã nhìn thấy sự thắng thế của khoa học duy lý trên niềm tin tôn giáo, và sự ngự trị gần như toàn diện của chủ thuyết Mác trên trường tư tưởng. Rồi, vào cuối thế kỷ, sau những dò dẫm của các thập niên 60 và 70, một khuynh hướng tâm linh mạnh mẽ lại nổi lên, khiến có nhà tư tưởng đã phải cho rằng : “thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của tôn giáo …”. Đến lượt chủ thuyết Marx phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, do ảnh hưởng của sự phá sản của các nhà nước kế thừa mô hình Staliniste. Tuy nhiên, vì những khó khăn của nền kinh tế tư bản không đưa nổi một phần lớn nhân loại ra khỏi nghèo đói, và ngay tại một số nước giàu mạnh, không giải quyết nổi nạn thất nghiệp, đã khiến cho (bên cạnh khuynh hướng Xã Hội) chủ thuyết Marx lại có những dấu hiệu phục hoạt, trong một hình thái xa lánh những sai lầm tệ hại của mô hình Staliniste và hoàn toàn gắn bó với trào lưu DÂN CHỦ.
Thật vậy, giữa những thăng trầm của thế kỷ 20, có một trào lưu đã không ngừng được củng cố và lớn mạnh, đó là trào lưu DÂN CHỦ. Ngoại trừ những kẻ chủ trương Dân Tộc Chủ Nghĩa Cực Đoan, tất cả các đảng phái, chính quyền, trong thế kỷ 20, đều nhân danh Dân Chủ, mặc dù có khi phản lại Dân Chủ. Dân Chủ có thể được coi như yếu tố thường định của tư tưởng chính trị trong thế kỷ 20.
Vấn đề đặt ra là: tương quan giữa Dân Chủ và các luồng tư tưởng lớn khác trong thế kỷ này ra sao ? Người Duy Vật, Duy Lý, người Mác Xít, “người tôn giáo”, Duy Linh, quan niệm dân chủ như thế nào trước thềm thế kỷ 21 ? Và các xã hội loài người ở thế kỷ 21, trong đó có xã hội Việt Nam, sẽ biến thái ra sao trước những quan niệm về Dân Chủ này?
Dân chủ và Dân chủ
Người ta thường đặt tư tưởng Dân Chủ trong một tiến trình khởi phát từ thời Cổ Hy Lạp, truyền đến ngày nay, sau một thời gian dài bị phong kiến và thần quyền lấn áp. Có phải vậy không ? Theo tôi, nhận định này không hoàn toàn đúng.
Nền Dân Chủ Cổ Hy Lạp và Cổ La Mã không dựa trên cùng một nền tảng như nền Dân Chủ hiện đại. Tại các đô thị cổ xưa, Dân Chủ là đặc quyền của một số người, bên cạnh những thành phần khác, điển hình là người nô lệ. Tức là : anh được hưởng quyền Dân Chủ vì anh thuộc về một thành phần nào đó, do ở thế ưu thắng của thành phần này trong xã hội, như một thứ phần thưởng tập thể. Nói đến phần thưởng là nói đến sự xứng đáng. Người ta đặt giả thuyết là anh xứng đáng được hưởng Dân Chủ. Nền Dân Chủ cổ xưa hoàn toàn không có tính phổ quát.
Ngược lại, nền Dân Chủ hiện đại gắn liền với khái niệm phổ quát về quyền Con Người. Dân Chủ là một QUYỀN, mọi Con Người đều có quyền đó. Không có vấn đề xứng đáng, không có khái niệm ưu thắng, Dân Chủ không phải là một phần thưởng, anh có quyền Dân Chủ vì anh là một Con Người, thế thôi.
Đây chính là một quan điểm hoàn toàn cách mạng trong tư tưởng Dân Chủ của thời hiện đại. Quan niệm đạo đức thông thường mà cha mẹ ông bà chúng ta thường dạy bảo là : ai xứng đáng, tốt lành, có công lao thì được tưởng thưởng, được hưởng thụ những quyền lợi tương xứng với giá trị của ngưới ấy. Trong quan niệm Dân Chủ hiện đại thì anh chẳng cần có công trạng chi với xã hội, thậm chí chẳng cần là người tốt, anh vẫn có quyền được hưởng Dân Chủ như thường. Khi người ta đổ quân vào giúp người Kossovo, không ai dặt vấn đề những người này có xứng đáng hay không, có tốt lành hay không, mà chỉ đặt vấn đề quyền làm người của họ, gắn liền với những quyền Tự Do Dân Chủ. 
Quan điểm một quyền phổ quát, không màng đến giá trị tốt xấu của cá nhân được hưởng quyền này, đặt ra một vấn đề phải giải quyết : dựa trên căn bản nào mà chúng ta quả quyết được sự hiện hữu của quyền ấy ? Vấn đề trở nên gai góc khi sự quả quyết trên bắt buộc chúng ta đem một phần đáng kể năng lực và tài nguyên ra để bảo vệ cho nó, và càng gai góc hơn nữa khi nó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh mạng sống của mình hay của con em mình để cứu vãn nó, khi nó bị đe dọa. Một suy tư thuần lý có thể đi đến được kết luận này hay không ? Có đủ để bắt anh phải lên đường đem sinh mang của mình ra mà chiến đấu cho quyền được hưởng Dân Chủ của những con người mà anh không biết là tốt hay xấu, xứng đáng hay tồi bại, không ? Hay phải cần đến một khái niệm siêu hình nào đó ?
Dân chủ và Tôn giáo
Nói đến một quan niệm siêu hình, người ta nghĩ ngay tới tôn giáo. Và quên rằng các tư tưởng gia về dân chủ, từ Hobbes, Locke đến Montesquieu và Rousseau, đều coi tôn giáo, đặc biệt là Giáo Hội Công Giáo, như trở lực chính yếu của dân chủ. Đặt sang một bên những vấn đề quyền lợi thế tục, khiến cho một số giáo quyền trước đây không muốn ủng hộ Dân Chủ, chúng ta có thể nghĩ được rằng trở ngại chính cho Dân Chủ nơi Giáo Hội Công Giáo nằm ở chỗ : trong bản chất Giáo Hội này là một tôn giáo mặc khải. Tức là có người nào đó được đón nhận Sự Thật từ chính Thiên Chúa truyền cho, và từ đó nói chuyện với mọi người khác nhân danh Thiên Chúa. Như thế tức là : một người nói, mọi người khác chỉ có quyền nghe và tuân phục. Anh làm sao cãi lại được một Chân Lý đến trực tiếp từ Thiên Chúa ? Ngoại trừ trường hợp anh là “con cái của ma quỷ” ! Chẳng cần lý luận sâu xa, cũng thấy được rằng cây dân chủ rất khó mà bén rễ được một cách chắc chắn trên nền tảng này. Với thời gian, vì lý do tương quan lực lượng ngày càng bất lợi cho Công Giáo, người ta tách rời thế quyền với thần quyền, và đẩy Giáo Hội xa dần sự quản trị xã hội. Ngày nay, từ xa, Giáo Hội Công Giáo có thể ủng hộ Dân Chủ một cách quả quyết, như chúng ta thường thấy.
Bên cạnh Công Giáo La Mã, trong hệ thống Ky Tô Giáo chủ yếu phải kể đến các Giáo Hội Tin Lành. Một điểm khác biệt quan trọng giữa hai chi phái này là Tin Lành đã biến đổi khái niệm mặc khải để cho phép mỗi người tự tìm hiểu và giải đoán Thánh Kinh theo lương tâm của riêng mình. Vì thế mới nảy ra hàng trăm Giáo Hội Tin Lành khác nhau. Có nhà thần học đã ví các Giáo Hội Tin Lành như một bầy con ngồi trong một bàn tiệc vắng bóng người cha. Tức là các anh em tụ họp lại đều ai cũng như ai, không có người “phán bảo” và những kẻ khác phải tuân phục. Tinh thần này rất thuận lợi cho sự nảy sinh của Dân Chủ. Có thể không lầm lẫn bao nhiêu khi cho rằng Dân Chủ đã nảy sinh từ tầng lớp trung lưu Tin Lành (1).
Đối với người Việt Nam chúng ta thì cũng cần khảo sát tương quan giữa Dân Chủ và Phật Giáo. Trong bản chất thì Phật Giáo là một Đạo thực nghiệm, chứ không đặt nặng sự mặc khải từ bên ngoài. Phật “nói”, qua kinh điển, nhưng anh không bắt buộc phải tin, mà chỉ được mời gọi thực nghiệm qua công phu tu tập của chính anh. Đây cũng là một nền móng tốt cho sự xây dựng Dân Chủ. Vả lại, một số sử gia đã cho rằng Đức Thích Ca sanh trong một đô thị được quyền tự trị giữa các vương quốc lớn chung quanh, và sinh hoạt theo thể chế … dân chủ ! (2)
Mặc dù Ky Tô Giáo đã có lúc là một trở lực đối với Dân Chủ, tôi vẫn nghĩ quan niệm hiện đại về Dân Chủ chịu ảnh hưởng rất hiều nơi sự giảng dạy của Đức Ky Tô và những nhà tư tưởng kế thừa Ngài. Khi cho rằng mọi người đều làm một với Ngài, và Ngài làm một với Thiên Chúa, Đức Ky Tô đã cho mọi con người một Thiên Tính. Và mọi con người đều phải được quý trọng vì Thiên Tính ấy. Quyền Con Người hiển lộ, một cách phổ quát, một cách linh thiêng, vì gắn liền với Thiên Chúa. Và vì gắn liền với Thiên Chúa, quyền ấy thoát khỏi sự phán xét của những người khác (“các anh đừng phán xét”, như lời Phúc Âm). Quyền ấy vượt khỏi sự phân biệt “tốt – xấu” (3)
Quan điểm “Phật tính trong mọi người”, hay “Phật là chúng sinh, chúng sinh là Phật” của Phật Giáo cũng rất gần với tư tưởng trên.
Như thế, với một quan niệm siêu hình về Con Người đến từ Ky Tô Giáo trên mặt lịch sử, và phù hợp hoàn toàn với tư tưởng Phật Giáo (cũng như các tôn giáo lớn khác – không bàn đến ở đây), người ta có thể quả quyết tính phổ quát của quyền Dân Chủ nơi mọi con người.
Dân chủ, thuyết duy vật và chủ thuyết Marx
Bây giờ giả sử anh là người duy lý, duy vật, thậm chí Marxiste, trong thâm tâm anh phủ nhận mọi lý luận siêu hình kể trên, thế thì anh quan niệm DÂN CHỦ ra sao ? Làm sao hình dung được tính phổ quát của nó ?
Một giải pháp đơn giản là anh không quan niệm Dân Chủ như một giá trị phổ quát. Đó là trường hợp của những người Staliniste và của trường phái triết học Althuser với triết lý Phi Nhân. Quý vị này coi bản chất con người là “sự tổng hợp của những tương quan xã hội” (4), hay nói cách khác là được tạo thành từ các điều kiện vật chất trong đó mình sinh sống. Vì những điều kiện vật chất, cũng như những tương quan xã hội khác biệt tùy theo thời đại, nơi chốn, giai cấp v.v… nên sanh ra những con người trong bản chất hoàn toàn khác nhau. Thật ra, người ta quy kết các sự khác biệt vào Lịch Sử, xóa nhòa sự khác biệt trong địa dư, với giả thuyết rằng : ở mọi nơi, Lịch Sử đều diễn tiến theo cùng một quy trình, với những giai đoạn được phác họa bởi Marx và Enghels. Tuyên Ngôn Đảng CS lại cho rằng “Lịch Sử là lịch sử đấu tranh giai cấp”, nên sự khác biệt trong bản chất giữa những con người, chủ yếu là do ở giai cấp. Như thế, con người ở giai cấp này với giai cấp khác, trong bản chất, hoàn toàn khác nhau, như những loài sinh vật khác nhau, như con kiến với con bò vậy. Người ở giai cấp này có quyền giết người ở giai cấp khác như con bò đạp con kiến, hay như anh có quyền ăn con bò (và đồng thời đạp con kiến) mà không hề mang lỗi lầm trên phương diện đạo đức. Khi “đồng chí” Pol Pot, sau khi “dzui” học ở Pháp về, đem lùa tất cả dân thành thị, không thuộc giai cấp công nông, vào những nơi giết người tập thể, để kiến tạo một “xã hội mới” chỉ đơn thuần với giai cấp công nông, thì “đồng chí” này đã áp dụng một cách triệt để thuyết Phi Nhân của Althuser, và tự đặt mình trong truyền thống Staliniste thuần khiết. Lý luận này đương nhiên là phủ nhận sự hiện hữu của “Con Người nói chung” (Phi Nhân) và những giá trị phổ quát liên quan đến khái niệm ấy, như Nhân Quyền hay Dân Chủ chẳng hạn. Quan điểm của họ về Dân Chủ trở lại rất gần với quan niệm Dân Chủ của cổ Hy Lạp, tức là gắn liền với một giai cấp xã hội.
Các nhà tư tưởng Marxiste Nhân Bản cho rằng quan điểm Phi Nhân nói trên phản lại Sử Quan Duy Vật của Marx. Đành rằng con người là sản phẩm của những yếu tố vật chất trong môi trường của mình, nhưng con người không chỉ hình thành từ một giai cấp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Con người có Sử Tính của nó. Tức là nó cũng được quy định bởi những gì đã qua, ảnh hưởng trên nó trong hiện tại qua những điều kiện vật chất. Những gì đã qua là tất cả quá trình hình thành xã hội và giai cấp trong đó nó đang sống. Ngược giòng thời gian, theo những giả thuyết của Marx và Enghels, chúng ta gặp những xã hội Tư Bản, Phong Kiến, v.v… và rốt cuộc là xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy, ở thời sơ khai của loài người, trong đó không có tư hữu, không có hàng hóa, và mọi thành viên đều “làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu”. Vậy, mọi con người đều mang trong bản chất của mình những ảnh hưởng của cái xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy ấy, di truyền qua thời gian. Xa hơn nữa, loài người, trong quá trình tiến hóa, đến từ loài khỉ, từ loài có vú bốn chân, loài bò sát, loài cá, v.v… cho đến những vi khuẩn nguyên thủy. Trong bản chất của anh có những dấu vết của quá trình tiến hóa đó, thí dụ trong y khoa thường nói đến não bộ “bò sát” (cerveau reptilien) để chỉ một vùng trong óc của mỗi người chúng ta. Rồi mỗi con người trong sự hình thành bản thân mình đều bắt buộc phải trải qua những giai đoạn tiến hóa riêng : từ một tế bào, đến một thai nhi sống trong một bọc nước, rồi một đứa bé bò bốn chân, v.v… Ý thức của anh có thể cũng được hình thành qua ảnh hưởng của tiến trình đó, tức là khi anh là một tế bào thì anh có ý thức của một con vật đơn bào, như một vi khuẩn, đến khi trở thành một thai nhi sống trong nước ý thức của anh tương tự như ý thức của một con cá, sau khi sanh, ý thức của anh tương tự như của loài bốn chân, đến khi biết sử dụng bàn tay, trở thành tương đương với ý thức của khỉ, rồi khi có tiếng nói mới phát huy ý thức thuần túy của con người. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng môi trường gia đình trong đó đứa trẻ sinh sống trước khi đi học chính là một xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy, trong đó mọi thành viên cũng “làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu”, và mọi “phương tiện sản xuất” đều của chung. Như thế, đứa bé trước khi đến trường, sống trong ý thức của những tương quan xã hội Cộng Sản Nguyên Thủy. Tất cả những ý thức, từ vi khuẩn, đến cá, đến Cộng Sản Nguyên Thủy, góp phần vào việc hình thành bản chất của mỗi người chúng ta, không phân biệt giai cấp, địa phương hay thời đại. Tóm lại mọi Con Người đều có cùng một bản chất, trước khi có những ý thức về giai cấp (hay địa phương, hay lịch sử). Không thể coi con người ở giai cấp này với giai cấp khác như thuộc về những “loài” khác nhau. Tóm lại qua một lý luận duy vật, không cần tìm đến những khái niệm linh thiêng, người ta đi đến một quan niệm rõ ràng về Con Người Nói Chung, và biện minh được cho những quyền phổ quát của Con Người, cho Nhân Quyền và Dân Chủ (5).
Dân chủ trong thức tế áp dụng

Nếu Dân Chủ có thể được những người Duy Linh, Duy Lý, Duy Vật, Duy Tâm, Xã Hội, Marxiste, những người làng nhàng Duy đủ thứ, hay chẳng Duy gì cả … công nhận là một quyền phổ quát, thì vấn đề còn lại chính là thực hiện Dân Chủ cách nào để tránh cho những người kể trên phải đập nhau bưu đầu sứt trán vì một điều mà họ cùng tôn trọng, cùng quyết tâm bảo vệ ?
Vấn đề không đơn giản. Người Marxixte cho rằng nền Dân Chủ Tư Sản luôn tạo lợi thế cho người Tư Sản tiếp tục cai trị xã hội. Tức là nền Dân Chủ Tư Sản không thực sự Dân Chủ. Nền Dân Chủ mà chủ thuyết Marx đề nghị là một nền Dân Chủ trực tiếp, đặt nền tảng trên những Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Thợ Thuyền, Nông Dân … Loại Dân Chủ này đưa đến một tình trạng tự quản trị. Người dân, thợ thuyền, nông dân, ở mỗi đơn vị, tự quản lý đời sống và công việc làm của mình. Nhà nước chỉ quản lý những lãnh vực người dân chưa quản lý được qua các Ủy Ban kia. Dần dần, vai trò của các Ủy Ban tự quản tăng lên, và vai trò của Nhà Nước biến dần đi. Xã hội Marxiste là một xã hội trong đó vai trò của Nhà Nước, ngay từ giây phút đầu tiên, luôn một ngày một giảm bớt để đến một lúc nào đó không còn cần thiết nữa (6).
Chúng ta thấy ngay là điều này mâu thuẫn trầm trọng với thực trạng tại các nước Cộng Sản theo mô hình toàn trị. Tại các nước này, vai trò của Nhà Nước không bao giờ giảm bớt, mà xen vào áp chế tất cả các lãnh vực sinh sống của người dân. Các đảng cầm quyền toàn trị cũng dứt khoát cấm tuyệt việc thành lập các Đảng phái đối lập, với chiêu bài bảo vệ nền chuyên chính của một giai cấp. Thật ra, những người cầm quyền ấy chỉ bảo vệ chính họ, ngôi vị và đặc quyền của họ. Trotsky đã khẳng định : “người ta sẽ không bao giờ thấy trong lịch sử hiện tượng một đảng độc nhất thay mặt cho một giai cấp độc nhất” (Cuộc cách mạng bị phản bội). Các nhà tư tưởng Marxiste trong hệ thống này khẳng định nhu cầu cần đa đảng, kể cả với những đảng phái tư sản, trong tất cả các giai đoạn xây dựng xã hội Xã Hội Chủ Nghĩa (7).
Để trả lời chủ trương Dân Chủ trực tiếp và tự quản lý của các nhà Marxiste chân chính, các lý thuyết gia Tư Sản cho rằng : vẫn biết Dân Chủ trực tiếp là hình thái Dân Chủ cao nhất, nhưng trên mặt kỹ thuật, nó không thể áp dụng được. Và, viện dẫn những lý do kỹ thuật, họ tuyên bố vẫn gắn bó với nền Dân Chủ gián tiếp, theo những phương thức mà chúng ta đều biết, mặc dù những khuyết điểm của mô thức này, như :
- sự hình thành một giai cấp chính trị gia chuyên nghiệp xa rời những quan tâm của người dân, và thỏa hiệp với nhau để bảo vệ đặc quyền của mình
- sự ưu thắng của các thế lực tiền bạc trong việc sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để hướng dẫn dư luận, ảnh hưởng vào các cuộc bầu cử
- các người ra ứng cử luôn là những người giàu có, hoặc được những thế lực tiền bạc đứng sau lưng yểm trợ, đểø sau đó bị ràng buộc với những quyền lợi của các thế lực này
- giữa những cuộc bầu cử, người dân bị hạn chế quyền tham dự vào việc quản trị quốc gia, dù cho có những vấn đề xã hội trọng đại 
- việc vận động hành lang thể hiện quyền lợi của những nhóm áp lực, không nhất thiết đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của đa số nhân dân
- chính quyền có thể áp dụng những thủ thuật hợp pháp để tự tạo ưu thế cho mình trong các cuộc bầu cử, như ban hành những biện pháp mỵ dân trước khi bầu cử, hay giải tán quốc hội vào những thời điểm thuận lợi (Thatcher, Chirac …), v.v…
- thành phần mỵ dân cơ hội chủ nghĩa có nhiều lợi thế để đạt đến chính quyền và thao túng sự quản trị quốc gia, đi ngược lại quyền lợi của người dân (trường hợp Eltsine, Poutine …)
- các đảng lớn thao túng các cuộc bầu cử khiến các ứng cử viên độc lập hay thuộc các tổ chức nhỏ gần như không thể được bầu, kể cả trong những cuộc bầu cử địa phương, và thao túng sinh hoạt nghị trường từ cấp quốc gia đến cấp địa phương, với kỷ luật bầu cử, như ở Pháp, bó buộc các người dân cử phải bầu theo chỉ thị của đảng.
Xã hội công dân
Những người chủ trương Dân Chủ trực tiếp, nếu không nắm được chính quyền (trên lý thuyết phải qua một cuộc cách mạng), thì tư tưởng của họ trong xã hội vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng. Đó là hạn chế những khuyết tật của mô hình Dân Chủ Nghị Trường vừa nói ở trên. Thí dụ : hoạt động Ngiệp Đoàn hạn chế những tác hại trên đời sống thợ thuyền, và phần nào giúp thợ thuyền tham gia vào sự quản trị xí nghiệp của mình, các cuộc bầu cử địa phương cấp nhỏ trong bối cảnh một chính sách tản quyền có thể hy vọng thoát khỏi sự kềm chế của các đảng phái lớn đểø thực sự lo đến các vấn đề đặc thù của địa phương, v.v… 
Tuy nhiên, quan trọng nhất có lẽ là sự hình thành một Xã Hội Công Dân, với sự bộc phát của những nhóm người tự nguyện đứng ra giải quyết một vấn đề xã hội thực tế. Xã Hội Công Dân là tổng hợp của tất cả những gì không thuộc về chính quyền. Nó đáp ứng với lý tưởng giảm thiểu vai trò của Nhà Nước, cùng với quan niệm tự quản trị. Đó chính là Dân Chủ trực tiếp trong lòng một xã hội áp dụng Dân Chủ Nghị Trường. Nó có thể làm lùi bước quyền hành, hay những thế lực tiền bạc. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Xã Hội Công Dân sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ 21.
 Tại những nước toàn trị, Xã Hội Công Dân, được hiểu như một tiền đề của cách mạng, đương nhiên là bị đàn áp khắt khe. Những sinh hoạt như hiệp hội, nghiệp đoàn, hợp tác xã tư nhân, chương trình phát triển cộng đồng, chưa thể hình thành được vì sự cấm đoán của chính quyền. Kẽ hở duy nhất, hữu hiệu nhất, trong khi chờ đợi, chính là : TÔN GIÁO. 
Chính quyền cũng biết vậy !   
N.H.V.
_________
Chú Thích: 
 (1) Vì sao trung lưu ? Vì nếu nghèo quá anh không thể có những quyết định độc lập, mà luôn bị sự thiếu thốn nó đè nén, ép buộc anh trong những sự chọn lựa. Ngược lại nếu giàu quá thì anh dễ bị cám dỗ đem tiền bạc ra thao túng xã hội … Vì thế một tầng lớp trung lưu mạnh là một trong những điều kiện để phát triển Dân Chủ, ít ra là trong một xã hội Tư Sản.
(2) Louis Frédéric – Bouddha en son temps – Ed Félin .
(3) Khi Thánh Phao Lồ nói : các anh là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, ngài không hề bảo : các anh hãy cố gắng ăn hiền ở lành, trở nên những con người tốt, để trở thành đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, mà hàm ý các anh vốn đã là đền thờ của Thánh Thần Thiên Chúa, mặc dù các anh tốt hay là xấu.
(4) Hiểu sai lạc một câu của Marx trong Luận Cương VI về Feuerbach
(5) Thật ra, giả sử Thiên Chúa tạo dựng nên con người, qua tiến trình tiến hóa (được Giáo Hội Công Giáo thừa nhận), thì trước giai đoạn đầu tiên của quá trình tiến hóa, tức giai đoạn siêu vi khuẩn hay ADN, hay chi đó, thì ý thức của anh là gì ? Có phải là chính ý thức của Thiên Chúa hay không ? Vậy phải chăng chính ý thức của Thiên Chúa là khởi điểm của sự cấu thành bản chất con người ?
(6) Lénine toàn tập – Tập 25.
(7)  Đọc Vũ Gia Minh : “Dân Chủ Xã Hội Chủ Nghĩa ….” Tủ sách Nghiên Cứu – 1999 – Liên lạc : BP 246 – 75224 Paris cedex 11

Copy từ: Tạp Chí Phía Trước



......................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét