CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Chưa phải lúc phá giá tiền đồng

Chưa phải lúc phá giá tiền đồng

Tấn Đức

 

 

 

 


(TBKTSG) - LTS: TBKTSG giới thiệu thêm một ý kiến về chuyện điều chỉnh tỷ giá. Phần thắng trong cuộc tranh luận giữa các chuyên gia kinh tế, về chuyện nên hay không phá giá tiền đồng, đang nghiêng về phía phản đối. Bài phân tích của TS. Phan Minh Ngọc trên TBKTSG số ra ngày 14-3, dù đã đưa ra nhiều lý lẽ ủng hộ chuyện phá giá, nhưng xem ra phân tích của ông cũng chưa đủ sức thuyết phục.
Quan điểm chính của bên ủng hộ cho rằng, tiền đồng đã mất giá nhiều do lạm phát trong những năm qua, nên cần phá giá để kích thích xuất khẩu và hỗ trợ cạnh tranh cho các doanh nghiệp ở thị trường trong nước. Hơn nữa, phá giá để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không bị áp lực phải bơm ngoại tệ ra nhằm giữ ổn định tỷ giá. Và, lạm phát đang ở mức thấp, cán cân thương mại hiện nay đang có thặng dư. Đó là cơ hội tốt để phá giá tiền đồng.
Lập luận trên đúng, nhưng mới đúng về lý thuyết. Để có thể quyết định nên phá giá hay không, còn phải nhìn vào hiện trạng của nền kinh tế.
Trước hết, câu hỏi đặt ra là mức lạm phát thấp và xuất siêu mà Việt Nam đạt được trong thời gian gần đây có thật sự bền vững, có xuất phát từ sức mạnh nội tại của nền kinh tế? Câu trả lời chắc chắn là không.
Nhiều chuyên gia đã phân tích thành quả này và đều đi đến kết luận thống nhất: lạm phát thấp và xuất siêu chưa bền vững. Sức mua của người dân kiệt quệ; doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm nên phải cắt giảm sản xuất, hạ giá bán sản phẩm và chấp nhận lỗ... Đó là yếu tố chính kéo lùi lạm phát và giảm nhu cầu nhập khẩu, góp phần tạo ra xuất siêu.
Thứ hai, NHNN có đang chịu áp lực phải bơm ngoại tệ ra để ổn định tỷ giá không? Câu trả lời cũng là không.
Năm ngoái, NHNN đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ, nhờ đó mức dự trữ ngoại tệ tăng mạnh. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dẫn số liệu từ NHNN cho thấy, dự trữ ngoại tệ hiện tương đương 14-16 tuần nhập khẩu, tăng mạnh so với mức 8-9 tuần hồi quí 1-2012. Tất nhiên, thành quả này chỉ là tạm thời. Một khi khó khăn qua đi, kinh tế phát triển trở lại, nhu cầu đầu tư và phát triển sản xuất gia tăng, nhu cầu mua ngoại tệ để thanh toán tăng, thì sức ép tỷ giá có thể sẽ xuất hiện. Nhưng đó là chuyện của tương lai.
Tiếp đến, hãy xem xét đến cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2012 (theo Tổng cục Hải quan). (Xem bảng bên).
Từ số liệu thống kê đó, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:
Sản phẩm công nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là có giá trị gia tăng thấp. Ngay những nhóm hàng công nghệ, như điện thoại, máy tính, hàng điện tử, phương tiện vận tải... phần giá trị tăng thêm cũng thấp, do phần sản xuất của Việt Nam chủ yếu là lắp ráp ở công đoạn cuối từ nguồn linh kiện nhập khẩu. Vì giá trị gia tăng thấp, nên chi phí nguyên vật liệu đầu vào (nhập khẩu) thường chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá thành sản phẩm, đến 60-70% và thậm chí trên 90% (hàng điện tử). Phần trong nước, chủ yếu là phí nhân công, chi phí điện nước và xăng dầu, cùng một số chi phí dịch vụ.
Nhóm hàng xuất khẩu mang lại nguồn thu ngoại tệ thực nhiều nhất cho Việt Nam là tài nguyên thô (dầu thô, than đá và khoáng sản khác) và hàng nông lâm thủy sản.
Sản phẩm Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Trong đó, có nhiều nhóm hàng phục vụ cho sản xuất để tiêu thụ trong nước là chính (máy tính, hàng điện tử; hóa chất, thép, nguyên liệu chất dẻo, giấy, xăng dầu, dược phẩm và nguyên liệu dược, thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, phân bón...).
Nếu phá giá tiền đồng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Trước hết giá xăng dầu sẽ lập tức tăng và giá điện cũng sẽ tăng. Đây là hai mặt hàng có tác động rất lớn đến nền kinh tế. Cũng cần phải nhắc lại, sau đợt NHNN phá giá tiền đồng 9,3% vào đầu năm 2011, tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn còn đang treo 25.000 tỉ đồng lỗ do chênh lệch tỷ giá để chờ phân bổ vào giá bán điện.
Giá các mặt hàng và dịch vụ thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, sữa, cước phí vận tải cũng sẽ tăng. Nhất là vận tải biển, vì phí dịch vụ này lâu nay vẫn được tính quy đổi theo đô la Mỹ. Vì vậy, nguy cơ lạm phát, nếu phá giá tiền đồng, không phải là rủi ro nhỏ.
Đối với ngành sản xuất công nghiệp, nếu thuần chỉ bán hàng ở thị trường nội địa, trong bối cảnh sức mua thị trường yếu như hiện nay thì áp lực sẽ rất lớn. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng và phí khấu hao máy móc thiết bị, điện nước, cước phí vận tải cũng tăng. Nếu không thể tăng giá bán thì sẽ là ác mộng với họ.
Doanh nghiệp xuất khẩu chưa hẳn đã được lợi nhiều. Như đã nói ở trên, do sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, nên phần lớn số thu về do chênh lệch tỷ giá sẽ bù trừ cho giá nguyên vật liệu nhập khẩu. Đồng thời, ngay những chi phí chủ chốt ở trong nước, như giá điện, xăng dầu, cước phí vận tải cũng tăng theo tỷ giá, nên kết quả còn lại sẽ chẳng còn được bao nhiêu. Đó là chưa nói những doanh nghiệp vừa bán hàng trong nước, vừa xuất khẩu, phần thu được từ xuất khẩu chưa chắc bù đắp nổi chi phí tăng lên cho phần bán nội địa, nếu họ không thể tăng giá bán.
Được lợi rõ nhất có lẽ ở ngành nông sản. Nhưng cũng cần làm rõ là lợi cho ai, cho nông dân hay cho doanh nghiệp xuất khẩu? Nếu nói phá giá tiền đồng có lợi cho nông dân thì chưa chắc. Hãy lấy gạo, sản phẩm ảnh hưởng đến nông dân nhiều nhất, làm ví dụ.
Để sản xuất gạo nông dân phải bỏ nhiều chi phí, trong đó chi phí lớn nhất là phân bón, thuốc trừ sâu và xăng dầu. Đây đều là những chi phí mà sự thay đổi tỷ giá có tác động trực tiếp. Nhưng không phải tất cả lúa làm ra đều để xuất khẩu, mà chỉ xuất khoảng một phần ba. Nếu giá bán lúa cho thị trường trong nước không thể tăng theo chi phí, thì liệu lợi ích thu được từ thay đổi tỷ giá của phần xuất khẩu có đủ bù đắp cho thiệt hại của phần lúa bán nội địa do chi phí tăng?
Ngoài ra, những ngành không có xuất khẩu, như chăn nuôi gia súc và gia cầm, đánh bắt hải sản (chỉ 10% hải sản đánh bắt được xuất khẩu), việc phá giá dẫn đến chi phí (giá thức ăn, giá xăng dầu) tăng thì lợi hay hại cho họ?
Như vậy, người được hưởng lợi một cách rõ ràng nhất chỉ là những doanh nghiệp khai thác tài nguyên để xuất khẩu.
Một yếu tố nữa mà bên ủng hộ đưa ra là phá giá tiền đồng để tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong nước cho doanh nghiệp nội địa. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế thì thế nào? Cần biết rằng, hầu hết sản phẩm tiêu dùng Việt Nam nhập khẩu là từ Trung Quốc. Đây là đối thủ mà doanh nghiệp Việt Nam đã xác định là không thể cạnh tranh với họ về giá. Như vậy, nếu hàng Trung quốc nhập về đắt hơn 3-4%, thậm chí 9-10%, chưa biết sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước có cải thiện hơn không, nhưng chắc chắn rằng số nợ họ đã vay để đầu tư máy móc thiết bị thì tăng ngay lập tức.
Bên ủng hộ còn lo, nếu không phá giá thì doanh nghiệp sẽ quay sang vay ngoại tệ, thay vì vay tiền đồng, làm tăng cầu ngoại tệ và gây sức ép buộc NHNN phải bơm ngoại tệ ra để ổn định tỷ giá.
Nhưng lo ngại này không đúng. Nếu doanh nghiệp vay để thanh toán cho hàng nhập khẩu, thì dù vay tiền đồng, ngoại tệ vẫn chảy ra ngoài. Ngược lại, nếu để thanh toán nội địa, dù có vay bằng ngoại tệ thì ngoại tệ đó vẫn ở lại trong nước, chẳng mất đi đâu cả.
Cũng cần nói thêm, nếu tỷ giá ổn định và doanh nghiệp vay được ngoại tệ để làm vốn kinh doanh thì tốt quá đi chứ. Ít ra họ cũng còn có cơ hội tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Biết đâu, nguồn vốn rẻ đó chẳng cứu cho nhiều doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Cuối cùng, không nên xem nhẹ yếu tố tâm lý của người dân. Các chuyên gia thuộc bên ủng hộ luôn nhấn mạnh “phá giá có kiểm soát”, nhưng NHNN có kiểm soát nổi hay không thì chưa ai dám chắc.
Tỷ giá ổn định suốt hai năm qua, ngoài nguyên nhân do nhu cầu vay ngoại tệ để nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu giảm, còn nhờ người dân chuyển đô la Mỹ thành tiền đồng (vì lãi suất tiết kiệm tiền đồng cao). Từ cuối năm ngoái đến nay, lãi suất huy động tiền đồng giảm liên tục, nhưng nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào. Đó có thể là nhờ niềm tin của người dân vào sự ổn định của tỷ giá, nhưng niềm tin này cũng rất mong manh. Nếu phá giá tiền đồng vào lúc này và trong tình huống xấu nhất là niềm tin của người dân dao động, thì liệu NHNN có kiểm soát nổi không, có thuyết phục được họ tin đó là “phá giá có kiểm soát không”? Xin các chuyên gia kinh tế hãy nhìn vào thị trường vàng!
Tỷ giá ổn định suốt hai năm qua, ngoài nguyên nhân do nhu cầu vay ngoại tệ để nhập máy móc thiết bị, nguyên vật liệu giảm, còn nhờ người dân chuyển đô la Mỹ thành tiền đồng (vì lãi suất tiết kiệm tiền đồng cao).




Copy từ: TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét