CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

Đảng, đoàn, hội quốc doanh – vào, ra, hay ở lại?


Đôi lời: Trong không khí tưng bừng mừng phong trào … bỏ đảng, xin được “bàn ngang” một chút, điều không dễ, nhưng rất cần.
Liên quan với bình luận này, là 4 bài viết: 1. Thư gửi Ban chấp hành TW Hội Cựu chiến binh; 2. Tuyên bố về việc ra khỏi Hội Cựu chiến binh – của Blogger Nhà văn Nguyễn Tường Thụy; 3. “Tôi đang muốn vào Đảng cộng sản” của cựu tù chính trị cộng sản Lê Thăng Long;  4. Đơn xin ra đảng của TS Phạm Chí Dũng, và 3 tuyên bố ra khỏi đảng, đoàn của 1. Nhà văn Phạm Đình Trọng, 2. Blogger Nguyễn Chí Đức, 3. Phương Uyên.
Trước hết, cần nhìn nhận rằng những nhân vật này và nhiều người đã bỏ đảng hay đang suy tính để đi tới quyết định đó, họ đang đấu tranh chính trị thông qua ngòi bút – bàn phím của mình. Mà đấu tranh chính trị thì rất cần những toan tính, thủ thuật khôn khéo, thứ mà CSVN có thừa, từ học hỏi rất nhiều bài bản ở các đàn anh Liên Xô, Trung Quốc, cho đến kinh nghiệm hơn 80 năm qua.
Trước một “đối thủ” hùng mạnh như vậy, những người tranh đấu không thể quá “thật thà”, hành động đơn lẻ và chỉ theo tình cảm tự nhiên của mình, rồi “đánh trống bỏ dùi”.
Như mấy năm trước, Nhà văn Phạm Đình Trọng đã bỏ đảng, thế nhưng ông khá đơn độc, có lẽ không “gặp thời”, quá thật, nên đã bị đảng giở chiêu “khai trừ” sau đó hòng hạ thấp hiệu quả tuyên truyền từ hành động bỏ đảng của ông. Blogger Chí Đức bài bản hơn, đưa ra cả lời kêu gọi thành lập CLB Huynh đệ Lầm đường Lạc lối, nhưng ông vẫn chỉ dừng lại ở lá Đơn xin ra khỏi đảng của mình sau khi chưa được đảng hồi âm, mà không tính tới việc phải tiếp tục “truy kích”, đòi đảng phải trả lời nghiêm túc.
Ngoài “luật rừng”, mà “các thế lực thù địch” vẫn tố đảng đã áp dụng tràn lan trên đất nước này, thì đảng cũng có thứ luật riêng của mình, là Điều lệ và những thứ Chỉ thị, Nghị quyết, … Những người bỏ/ muốn bỏ đảng đã nghiên cứu kỹ các văn bản đó để tính toán cho các đường đi nước bước của mình trước khi hành động hay không? Hay họ chỉ cần hiệu quả tức thì, nhất thời, rồi rơi vào im lặng qua cú “tự sát chính trị”, tựa như hành động tự thiêu của các tu sĩ Tây Tạng, mà thôi?
Tiếp theo Nguyễn Chí Đức, trường hợp TS Phạm Chí Dũng cũng đang chờ hồi âm – “hướng dẫn thủ tục” từ đảng sau 1 tuần gửi đơn. Đảng sẽ tiếp tục giở chiêu cùn im lặng? Nếu vậy thì bước đi tiếp của “nguyên đơn” sẽ là gì, cũng lại … chờ hay sẽ tấn công tiếp bằng nhiều cách (điều này xin được đưa ra trong một bài bình luận khác)? Còn nếu đảng chơi trò kỷ luật, khai trừ như với Nhà văn Phạm Đình Trọng thì phải đối phó ra sao (có không ít cách xử trí)? Với Phương Uyên, không làm đơn “xin ra”, hỏi “thủ tục” mà tuyên bố bỏ đoàn; rồi sẽ có quyết định khai trừ đoàn (?), cũng là một kinh nghiệm mới mẻ cần suy ngẫm. 
(Bổ sung, 11h, 12/12/2013: sau khi đọc bài này, Blogger Chí Đức đã gửi bổ sung 2 văn bản, Quyết định cho ra khỏi đảng và biên bản bàn giao thẻ đảng. Chúng tôi đã cập nhật vào “hồ sơ bỏ đảng” của ông).
Cho đến hôm nay, sau hơn 1 tuần từ khi Luật gia Lê Hiếu Đằng nổ phát pháo đầu tiên tuyên bố bỏ đảng, kế đến là TS Phạm Chí Dũng, BS Nguyễn Đắc Diên, bộ máy tuyên truyền của đảng vẫn im lặng. Có lẽ theo họ, tuyên bố lập đảng trước đó của ông Lê Hiếu Đằng thì cần công khai chỉ trích, đe dọa, còn vụ “bỏ đảng” này thì … nguy hiểm hơn nhiều, là bôi mặt đảng, là khơi lên phong trào khó dùng bạo lực trấn áp được, thôi thì “xấu chàng hổ ai”, cứ tạm nín lặng đã?
Quay sang khía cạnh khác, đó là nếu như chưa bỏ đảng, bỏ hội … thì những “đảng viên nhưng mà tốt” có thể tiếp tục tranh đấu khôn khéo ngay trong lòng tổ chức được không? Công luận có cần khích lệ, vinh danh họ, hay cứ kêu gọi tất thẩy họ hãy bỏ đảng, ai chưa ra là hèn, vụ lợi và đang chống lại nhân dân? Gợi ý cho những câu hỏi này là những trường hợp như Võ Văn Kiệt – nếu như có thể, thì bỏ đảng khi đương chức liệu có ích nước lợi dân hơn không, hay Trần Độ – sớm tuyên bố công khai bỏ đảng có hơn là để cho đảng chủ động khai trừ?
Blogger Nguyễn Tường Thụy dường như đã đi được bước ban đầu, đó là đấu tranh ngay trong lòng tổ chức cuội của đảng, thế nhưng ông đã vội ngưng để tham gia vào “trận” mới  của phong trào bỏ đảng. Còn cựu tù chính trị Lê Thăng Long thì ngược lại, muốn “chui sâu leo cao” vào tim đảng để tranh đấu, có điều ông làm như chưa hiểu chút gì về những cơ cấu, nguyên tắc, thiết chế trong đảng, nên đặt ra mục tiêu quá lớn, tới mức hoang đường.
BT

Đọc thêm: Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự


.................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét