CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 27 tháng 6, 2013

Trung Quốc có hơn 1 đối trọng ở Biển Đông


 Ảnh minh họa
 (Ảnh minh họa)

Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ đóng tại Hawaii – Đô đốc Samuel J Locklear, là một trong những vị quan chức cấp cao có mặt trong phái đoàn của Ngoại trưởng John Kerry đến Ấn Độ để tham dự cuộc Đối thoại Chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ 4.

Ông Locklear đã có cuộc gặp với Tổng tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Không quân Ấn Độ - Nguyên soái N A K Browne. Trong cuộc gặp gỡ này, hai nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Mỹ và Ấn Độ đã bàn bạc về rất nhiều vấn đề, trong đó có an ninh khu vực và căng thẳng ở Biển Đông. Ngoài ra, ông Locklear và ông Browne còn xem xét, đánh giá lại mối quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng ngày càng gắn bó giữa Mỹ và Ấn Độ, thông cáo chính thức của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.

Trung Quốc đang có các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải căng thẳng và quyết liệt với một loạt nước láng giềng ở Biển Đông. Với tham vọng độc chiếm Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, Trung Quốc gần đây liên tục đưa một số lượng lớn tàu thuyền ra khu vực biển này để quấy nhiễu và gây cản trở cho hoạt động của tàu thuyền các nước khác.

Mỹ và Ấn Độ không có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông nhưng hai cường quốc này luôn khẳng định, họ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực bởi Biển Đông là một trong tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới, có vai trò sống còn đối với thương mại toàn cầu.

Bắc Kinh được cho là đang có ý định hất cẳng Mỹ ra khỏi các khu vực biển của Châu Á và Mỹ với tư cách là siêu cường số 1 của thế giới không chấp nhận điều này. Đó là lý do tại sao dù Washington khẳng định giữ lập trường trung lập trong các cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Châu Á nhưng nước này vẫn tìm cách hậu thuẫn cho các đồng minh của họ nhằm đối phó với Trung Quốc.

Trong khi đó, Ấn Độ ngoài mong muốn đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông chiến lược còn muốn bảo vệ lợi ích kinh tế của họ ở đây. Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Việt Nam hồi tháng 10 năm 2011 về việc mở rộng và tăng cường khai thác dầu mỏ ở những vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Cụ thể, công ty dầu khí nhà nước của Ấn Độ - onGC Videsh Ltd (OVL) đang khai thác dầu khí ở Lô số 127 và 128 của Việt Nam. Trung Quốc đã tìm mọi cách để ngăn chặn hoạt động này của Ấn Độ. Đáp lại, New Delhi liên tục khẳng định sẽ thực hiện thỏa thuận này và sẵn sàng hành động để bảo vệ lợi ích của họ ở Biển Đông.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng muốn thông qua hành động kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông để ngăn chặn trước khả năng “vươn vòi” sang Ấn Độ Dương của nước láng giềng.

Ấn Độ và Mỹ có mối quan hệ gắn bó, thân thiết và đây chính là một trong những mối quan hệ khiến Bắc Kinh luôn cảm thấy khó chịu và bất an. Với việc lãnh đạo quân sự của hai nước Mỹ, Ấn bàn về Biển Đông, xem ra hai cường quốc này sẽ không để Bắc Kinh thực hiện được tham vọng độc chiếm khu vực biển chiến lược.

Kiệt Linh - (tổng hợp)


Copy từ: VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét