CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Chủ tịch Trương Tấn Sang kết thúc chuyến công du TQ

Gia Minh, biên tập viên RFA
2013-06-22
000_Hkg8711702-305.jpg
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19 tháng 6 năm 2013.
AFP PHOTO / Mark Ralston


Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang kết thúc chuyến công du chính thức ba ngày sang Trung Quốc từ 19 đến 21 tháng 6 năm 2013.
Chuyến đi của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam sang Trung Quốc đem lại những kết quả thế nào? Gia Minh ghi nhận ý kiến của chuyên gia về Trung Quốc, ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Trung Quốc.

Tuyên bố chung chung

Vào chiều ngày 21 tháng 6, thông tấn xã Việt Nam chính thức loan đi Tuyên bố chung hai nước Việt Nam - Trung Quốc được làm tại Bắc Kinh vào ngày cuối cùng của chuyến công du chính thức Trung Quốc của chủ tịch nước Việt Nam.
Theo ông Dương Danh Dy thì đây là chuyến thăm cấp nhà nước thường lệ của vị chủ tịch nước Việt Nam sang Trung Quốc theo lời mời của chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Dương Danh Dy nhận định truyền thông của cả hai nước khi thông tin về chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam sang Trung Quốc cũng không phải trang trọng đưa lên trang nhất mà có báo còn để tin này ở trang thứ hai.
Đối với Tuyên bố Chung đưa ra khi chuyến công du của chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đi Trung Quốc kết thúc thì ông Dương Danh Dy cho rằng có thể nói là như cũ. Đó là ngôn từ sử dụng không có gì khác mấy với những văn bản về quan hệ giữa hai nước bấy lâu nay.

Vấn đề Biển Đông

Với cách làm này, tôi cho rằng TQ có ý đồ dùng chuyện này làm loãng va chạm vấn đề Biển Đông; đồng thời họ còn có âm mưu chứ không phải chỉ muốn làm như thế.
-Ông Dương Danh Dy
Trước chuyến công du Trung Quốc, ông Trương Tấn Sang trả lời báo chí trong nước cho rằng ông sẽ thẳng thắn, chân thành về vấn đề Biển Đông.
Trong Tuyên bố Chung từ ngữ được sử dụng là vấn đề trên Biển, và cũng chỉ nhắc lại việc thực hiện Tuyên bố Cách ứng xử của các bên tại Biển Đông, DOC, mà không đề cập đến việc tiến đến hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông, COC, có tính cách ràng buộc mà hiện nay các nước khác trong Khối ASEAN cũng đang bàn đến.
Ông Dương Danh Dy nói về điều này như sau:
“Điều mà tôi muốn nói lại là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc trước khi đoàn Việt Nam sang thăm Trung Quốc, có những chuyện, đặc biệt ở Biển Đông như tàu Trung Quốc phun nước vào tàu Việt Nam, đánh chìm tàu Việt Nam… Thông cáo chung không nói gì về Biển Đông mà nói chung về  biển. Rất không, hai bên cũng tìm được cái thỏa thuận này. Theo tôi có khả năng do Trung Quốc đề ra nhiều hơn về hợp tác biển; trong đó ghi là từ Vịnh Bắc Bộ đến Cửa Vịnh Bắc Bộ đến những vùng ít nhạy cảm nhất ở biển. Giải quyết vấn đề tranh chấp không nói gì về Biển Đông.
000_Hkg8715299-250.jpg
Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh ngày 20 tháng 6 năm 2013. AFP PHOTO / Mark Ralston.
Tôi cho rằng việc Trung Quốc cho tàu phun nước và đâm tàu ở biển Trường Sa, tức là thoát ra khỏi vùng biển Hoàng Sa mà họ đã chiếm của Việt Nam gần 40 năm trước. Bước đầu vào khu vực Trường Sa là bước leo thang trong âm mưu của họ.”
Ông cũng nhận định tiếp về những mưu đồ của Trung Quốc:
“Với cách làm này, tôi cho rằng Trung Quốc có ý đồ dùng chuyện này làm loãng va chạm vấn đề Biển Đông; đồng thời họ còn có âm mưu chứ không phải chỉ muốn làm như thế đâu. Thực ra vấn đề Vịnh Bắc Bộ, ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ không phải là vấn đề lớn mà đối với Trung Quốc bây giờ là vấn đề những dải quần đảo, các bãi đá …”
Tuy nhiên theo ông Dương Danh Dy, phía Trung Quốc lần này vẫn không thể đạt được ý đồ buộc Việt Nam chỉ giới hạn đàm phán vấn đề tranh chấp Biển Đông riêng giữa hai nước mà thôi:
“Người ta đã phải chấp nhận với nhau là không thể dùng vấn đề chính trị giải quyết vấn đề Biển Đông, tránh không để vấn đề Biển Đông làm ảnh hưởng quan hệ hai nước; nhưng có một điều mà phía Trung Quốc rất muốn mà không làm được. Đó là ông Tập Cận Bình trước khi ông Trương Tấn Sang qua đã nói không muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, không đưa được vào. Cũng như phía Việt Nam không thể đưa được vấn đề phải đối xử nhân đạo với ngư dân trên biển vào (Tuyên bố chung). Theo tôi hai bên cũng kiên trì với quan điểm của mình.”
Theo ông Dương Danh Dy, trong công cuộc đấu tranh đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, công tác tuyên truyền cho người dân Trung Quốc về tính hợp pháp của chủ quyền VN tại đó là quan trọng, cần phải tiếp tục thực hiện.

Hỗ trợ kinh tế

Có một điều mà phía Trung Quốc rất muốn mà không làm được. Đó là không muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
-Ông Dương Danh Dy
Tuyên bố chung với 8 điểm và 13 mục nhỏ trong điểm 3 về hợp tác toàn diện trong các mặt. Ông Dương Danh Dy nêu ra một điểm mà theo ông này là đáng lưu tâm:
“Có một điểm đáng chú ý là đã đưa chuyện hợp tác giữa các tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc vào Tuyên bố chung. Trước đây cũng có rồi giữa Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến với mấy tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai của Việt Nam. Thế nhưng bây giờ được đưa vào tuyên bố chung.Theo tôi điều này có thể do việc triển khai hai hành lang đường vành đai như Trung Quốc mong muốn nên bây giờ người ta ‘gài’ điểm này vào để tăng cường xu thế hợp tác kinh tế đi với nhau.
Ngoài chuyện đó ra, còn có chuyện hợp tác kinh tế nêu lên rất nhiều điểm; nhưng trong khi Trung Quốc đang dư thừa ngoại tệ lên đến hằng ngàn tỷ thì chỉ cho nước láng giềng ‘4 tốt’… vay -  một là cho dự án đường sắt mà Trung Quốc giúp Việt Nam ngay từ đầu những năm 50 và thứ hai là nhà máy phân đạm Ninh Bình, chưa đầy 100 triệu đô la.”
Ông Dương Danh Dy nhắc lại trong khi chủ tịch nước Trương Tấn Sang đang công du Trung Quốc, thì một phái đoàn quân sự của Việt Nam do thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ.
Trong lúc chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Trung Quốc thì tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam lần đầu tiên đi thăm Hoa Kỳ, sắp tới đi thăm Pháp…  Ông cho rằng đó là dấu chỉ chứng minh quan điểm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Ông Dương Danh Dy cho rằng chủ trương làm bạn với tất cả các nước trên thế giới của Việt Nam đã có từ thời chủ tịch Hồ Chí Minh; tuy nhiên nay Việt Nam có cơ hội hơn để thiết lập quan hệ với mọi nước khác.


Copy từ: RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét