CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Ác ý nào từ “độ trễ” giảm lãi suất cho vay?

Phạm Chí Dũng 
 Những chỉ đạo của người đứng đầu Ngân hàng nhà nước đã trở nên quá nhàm chán và trơn tuột trong vòng một năm rưỡi qua, và cái được xem là “độ trễ” của giảm lãi suất cho vay càng làm cho người ta có cảm giác về một thực tồn ác ý đang được duy trì và biến diễn cho đến khi các doanh nghiệp không còn cựa quậy được nữa.

 “Độ trễ” một năm rưỡi!
Thời gian đã tròn bốn tháng từ khi nghị quyết 02 của Chính phủ về một số biện pháp tháo gỡ khó khăn ra đời, nhưng dường như vẫn chưa có gì được “tháo gỡ”. 
“Doanh nghiệp mòn mỏi chờ hỗ trợ” hay “doanh nghiệp chết như ngả rạ” là những tiêu ngữ mang tính tán thán rất cao, lại đã xuất hiện đầy rẫy trên mặt báo chí.
Tuy thế, tình thương không làm xúc động lợi nhuận.
Các ngân hàng vẫn cố tình treo cao lãi suấ cho vay một cách đầy ác ý. Cách đây hơn một tháng, khi trần lãi suất huy động được kéo giảm thêm một lần nữa, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng lại một lần đưa ra lời hứa hẹn về việc giảm lãi suất cho vay. Thế nhưng, một lần nữa hứa hẹn này lại kèm theo điều kiện “giảm lãi suất cho vay cần phải có độ trễ từ 2 đến 3 tháng”.
Cái được gọi là “độ trễ” ấy thực ra đã kéo dài từ cuối năm 2011 đến nay. Không khó gì để người ta kiểm điểm lại năm đầu tiên của suy thoái, mà vào thời điểm cuối năm 2011 số doanh nghiệp phải phá sản và giải thể đã được tiết lộ là 49.000.
Còn giờ đây, số doanh nghiệp lâm vào tình trạng “ruộng khô lúa cháy” – như một ví von đến cay đắng của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, đã lên đến 100.000 – mới chỉ theo con số công bố của Ủy ban thường vụ quốc hội vào đầu năm 2013.
“Độ trễ” của việc giảm lãi suất cho vay đã đóng góp “một bộ phận không nhỏ” vào cái chết như thế còn hơn cả cay đắng của hàng trăm ngàn doanh nghiệp, lồng trong tâm thế tiền ngồn ngộn trong ngân hàng nhưng doanh nghiệp không thể vay được.
Cho dù một số gói tín dụng với lãi suất ưu đãi đã được Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước tung ra vào giữa năm ngoái, song theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp hoạt động thực tiễn, tới giờ này tình hình tiếp cận được “nguồn vốn vay giá rẻ” vẫn không khả quan hơn bao nhiêu.
Trong khi đó, thời gian cứ trôi đi, và mỗi khoảnh khắc của thời gian đều mang lại một vết cứa lòng thấm thía cho những kẻ khát vốn.
“Thuốc độc”
Nếu vào năm 2011 và nửa đầu 2012, những kẻ khát vốn đã phải lao theo mặt bằng lãi suất cho vay đến 18-20%, thậm chí có lúc lãi suất cho vay còn được đẩy lên đến 23-25%, thì dù sao khi đó niềm hy vọng tiêu thụ hàng hóa vẫn còn được giữ ở một mức độ nào đó.
Nhưng tròn một năm trước đây, cũng vào tháng Năm, vào thời điểm mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình điều trần trước Quốc hội về tỷ lệ nợ xấu ‘bỗng dưng’ nhảy vọt lên 10% – quá cách biệt so với tỷ lệ  này chỉ 3,4% được Ngân hàng nhà nước công bố vào tháng 11/2011, thì vấn đề sức mua của thị trường cũng trở nên tiêu tán một cách nghiệt ngã.
Không thể thỏa hiệp với mặt bằng lãi suất cho vay quá cao, nhiều doanh nghiệp đã phải chấp nhận phương án “lãn công”, tạm dừng hoạt động, cho công nhân tạm nghỉ việc hoặc tệ hơn thế là thẳng tay đẩy công nhân ra đường.
Trong hai cái tết 2011 và 2012, dù không có số liệu thống kê chính thức nào được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước, song phản ánh của báo chí đều cho thấy có nhiều ngàn công nhân thậm chí không đủ tiền để mua vé tàu xe về quê ăn tết. Nhiều người trong số họ đã phải chọn cách ở lại thành phố chỉ để… ngủ.
Những tiêu cực, khi vượt qua giới hạn của nó, luôn có thể mang lại hình ảnh dã man.
Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại vẫn khá ung dung với nguồn lợi nhuận tích lũy từ những năm tháng trước, cho dù vào cuối năm 2012 họ đã bị chao đảo bởi tình trạng tồn ứ vốn mà hầu như không cho vay được.
Nửa cuối năm 2012 cũng chứng kiến vòng quay vốn xã hội chỉ còn có 0,8 lần, theo con số báo cáo. Thế nhưng con số này là quá thấp so với vòng quay 2 lần của những năm trước đó.
Vòng quay vốn lại phản ánh thực trạng sức mua xã hội. Không thể lưu thông một cách đều đặn, vốn bị tắc nghẽn không chỉ ở khâu sản xuất và kinh doanh mà còn lan sang cả khâu tiêu dùng. Tình trạng găm tiền của người dân là phổ biến, nhưng còn phổ biến hơn là nhiều gia đình không còn tiền để găm giữ. Tất cả chi tiêu sinh hoạt đều phải tính toán một cách đầy cẩn trọng, trong bối cảnh mặt bằng giá cả hàng tiêu dùng giảm một tăng hai.
Trong khung cảnh đầy u ám như thế, việc tiếp tục vay và hơn nữa là vay với lãi suất khá cao chính là “một cách để tự sát”, hoặc “doanh nghiệp uống thuốc độc” – như báo chí thường mô tả bóng bẩy và đau đớn.
Ác ý
Cho tới quý 4/2012, đã khá phổ biến tâm lý “không biết vay để làm gì” của nhiều doanh nghiệp. Đối với họ, vấn đề không còn tập trung quá nhiều vào lãi suất cho vay, bởi dù muốn hay không, mặt bằng lãi suất cho vay cũng vẫn còn treo ở mức khá cao, từ 16- 18%, chứ không phải như báo cáo của Ngân hàng nhà nước là đã giảm về 13-15%.
“Thống đốc đừng tưởng dân không biết gì” – như một lời nhắc nhở đầy mỉa mai của một đại biểu trong một kỳ họp quốc hội cách đây không quá lâu.
Những con số của Ngân hàng nhà nước cứ liên tiếp tung ra, nhảy múa và vẫn tiếp tục đánh đố xã hội khi chẳng kèm theo một tiêu chí minh bạch nào về chân đứng của chúng.
Chân đứng của Thống đốc và Ngân hàng nhà nước dù vẫn có thể vững chãi trong Chính phủ, nhưng chắc chắn đã rệu rã từ lâu trong lòng dân và đặc biệt “suy thoái nghiêm trọng” trong tâm hồn những con nợ bất đắc dĩ. 
Với các doanh nghiệp bất đắc dĩ như thế, điều đáng lo nhất vào thời điểm này không còn là chuyện lãi suất, mà là làm sao tiêu thụ được hàng tồn kho, cứu vớt được đồng nào hay đồng nấy. Tỷ lệ hàng tồn kho ở nhiều ngành nghề lại vẫn treo cao đến 20-30%, không kém thua thế năng ngất ngưởng của lãi suất cho vay.
Tới giờ này, sau một năm rưỡi kêu gào giảm lãi suất cho vay, hầu hết các doanh nghiệp khát vốn đã không còn quá mặn mà với việc vay vốn. Nhưng cũng vào chính lúc này, khối ngân hàng thương mại và những nhóm lợi ích nằm trong lòng nó mới giãy nảy khi không biết làm cách nào để đẩy vốn tồn ứ ra thị trường.
Thế nhưng điều kỳ quái là bất chấp sự đe dọa cận kề, nhiều ngân hàng thương mại vẫn nhất quyết không chịu giảm lãi suất cho vay, lồng trong bầu không khí cái được coi là tinh hoa của Ngân hàng nhà nước đang trở nên bất lực.
Thông tin mới nhất về việc Ngân hàng Vietcombank phải giảm mạnh lãi suất huy động xuống còn 6% chỉ là một hệ quả tất yếu – hệ lụy từ việc treo cao lãi suất cho vay khiến tắc nghẽn tín dụng, biến chứng thành những cú chữa cháy bất tuân quy luật.
Những chỉ đạo của người đứng đầu Ngân hàng nhà nước cũng đã trở nên quá nhàm chán và trơn tuột trong vòng một năm rưỡi qua.
Cái được xem là “độ trễ” của giảm lãi suất cho vay mà người còn giữ được chức danh thống đốc khất hẹn lại càng làm cho người ta có cảm giác về một thực tồn ác ý đang được duy trì và biến diễn cho đến khi các doanh nghiệp không còn cựa quậy được nữa.
Câu hỏi cuối cùng vẫn luôn là vì sao và vì ai mà lại tồn tại đến mức khó tin cái ác ý đó?
P.C.D.


Copy từ: Anh Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét