CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Vụ ông Vươn: Giờ thì anh đến để làm gì?


Bà Nguyễn Thị Thương (phải) và Phạm Thị Báu (trái)
Ảnh: Phụ Nữ Online
Vừa đọc thư ngỏ của nhà báo Gia Hiền gửi ông Đoàn Văn Vươn, tôi lại nghĩ tới ngay bài hát của một thời có tên Giờ thì anh hứa để làm gì * nên xin đặt lại tựa cho bức thư.
 Trong bức thư có đoạn: "Đồng nghiệp của tôi, khi đến phỏng vấn vợ ông - bà Phạm Thị Báu - đã khóc, khi nghe những lời này: "Suốt thời gian qua, gia đình chúng em đã cố gắng kêu cứu nhiều nơi, nhưng không có ai trả lời. Chúng em làm thế này (chống đối bằng vũ lực) cũng chỉ để gây chú ý, để có ai đó nghe chúng em. Nhưng không ngờ sự việc đi xa thế. Giờ các anh về đây làm gì nữa...???"




Thư ngỏ gửi ông Đoàn Văn Vươn.

Kính gửi ông Đoàn Văn Vươn và những người trong gia đình!
Tôi viết những dòng này, khi bản án dành cho ông đã được tuyên, và dù có nhiều ý kiến ngoài phòng xử cho rằng mức án quá nặng - thì ông và những người trong gia đình, đã chấp nhận nó. Tôi nghĩ, ông sẽ không kháng án. Có lẽ, các ông đã chuẩn bị tinh thần nhận một mức án còn nặng hơn thế.
Đoàn Văn Vươn - cái tên của ông giờ đã trở nên nổi tiếng, rất nổi tiếng. Và vì tính điển hình của câu chuyện gắn theo, tên ông sẽ đi vào lịch sử. Mà lịch sử, thì chỉ ghi lại những gì đã diễn ra, không bình luận thiên kiến. Vì thế, rồi con cháu chúng ta sẽ đọc những dòng thế này: "Năm 2013, tháng 4. Đoàn Văn Vươn, can phạm chính trong vụ án liên quan đến thu hồi đất đai tại Tiên Lãng, Hải Phòng, lĩnh án 5 năm tù vì tội giết người".
Giết người - Sát nhân! Cái tội danh đáng sợ. Rồi ông sẽ qua 5 năm tù, so với đời người, cũng không quá dài. Nhưng cái án giết người, sẽ đeo đẳng dài hơn nhiều cuộc đời của ông. Bây giờ, là một tù nhân, điều khát khao lớn nhất của ông và gia đình, không gì khác là được tự do. Nghĩa là các ông chỉ quan tâm đến mức án, chứ không phải là tội danh (điều đó lý giải vì sao lời cuối cùng của em ruột ông - Đoàn Văn Quý - là xin giữ nguyên mức án cho anh trai). Nhưng 5 năm nữa ra tù, ông sẽ đối mặt với tội danh "giết người" ấy! (Là một con người, tôi quan tâm đến mức án; là một người làm báo, tôi quan tâm đến tội danh của ông).
Tôi tự hỏi, bây giờ các ông còn nghĩ đến mảnh đất mà mình đã đổ mồ hôi và cả máu ra để có được hay không? (Tôi dùng từ "có được" theo nghĩa từ "không" thành "có" của vật chất, nghĩa đen. Không có công sức của các ông, nơi đó giờ này vẫn là biển. Người dân cả huyện Tiên Lãng khẳng định điều này!). Tôi không thể tự trả lời được câu hỏi này. Nhưng tôi biết, câu chuyện sẽ thế nào nếu ngày 5/1/2012 ấy, ông và gia đình đã không chống đối. Đó là lựa chọn hành xử của nhiều người, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Cho đến khi có hành vi phạm pháp, các ông cũng từng là những người có ý thức thượng tôn pháp luật. Trong nhiều năm, các ông đã nộp đơn thư nhiều nơi, cả cơ quan có chức năng giải quyết trực tiếp, lẫn các cơ quan báo chí. Các ông hẳn đã hy vọng, sẽ có ai đó phân xử, ai đó lắng nghe, ai đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. 


Nhưng...

Đồng nghiệp của tôi, khi đến phỏng vấn vợ ông - bà Phạm Thị Báu - đã khóc, khi nghe những lời này: "Suốt thời gian qua, gia đình chúng em đã cố gắng kêu cứu nhiều nơi, nhưng không có ai trả lời. Chúng em làm thế này (chống đối bằng vũ lực) cũng chỉ để gây chú ý, để có ai đó nghe chúng em. Nhưng không ngờ sự việc đi xa thế. Giờ các anh về đây làm gì nữa...???". Tôi cũng đã khóc, lúc đồng nghiệp tôi kể lại lời chua xót của bà Báu. Chúng tôi, những người làm báo, hơn lúc nào hết đã không tròn trách nhiệm của mình.
Bạo lực, đương nhiên, không bao giờ được xem là phương thức để giải quyết mâu thuẫn trong một xã hội nền tảng pháp trị. Nhưng để người dân phải dùng đến bạo lực để tự cứu mình, thì đó là khi luật pháp, và hệ thống hành pháp, phải xem lại mình.
"Bạo lực", "manh động", "chống đối"... những cái mác đó hoàn toàn không hợp để gắn cho người dân, cho những người nông dân. Những người lao động như ông, không cần gì khác ngoài thành quả lao động của mình. Thành quả lao động, chứ không phải thành quả bạo lực. Thứ thành quả gần đây nhất mà những người nông dân mang lại từ bạo lực, đã từ năm 1945 rồi!
Tôi xin không gán cho ông vai trò "người tiên phong" của bất cứ thứ gì (dù quả có vậy đi chăng nữa). Cái gì đúng, ông đã đúng, cái gì sai, ông đã sai, cái gì ông cho là cần làm, ông đã làm, và có lẽ ông cùng gia đình đã sẵn sàng trả giá. Cứu cánh của ông, chắc chắn không phải những thứ mà những người mang hy vọng khác gán cho ông. Vậy thì thật bất công, nếu vì thế mà làm những ngày tháng sắp tới của ông và người thân khó khăn hơn nữa! Và nói thẳng ra, thật man rợ nếu ai đó cổ suý cho nông dân lấy súng hoa cải, bình gas chống lại lực lượng vũ trang chính thống!
Tôi chỉ mong, thứ gì là của các ông sẽ lại thuộc về các ông, cũng như thứ gì các ông phải mất, đã mất.
Tôi không so chuyện của gia đình ông với vụ án cánh đồng Nọc Nạn năm xưa, dù có nhiều điểm tương đồng. Thời đại đã khác, chế độ đã khác, dân trí đã khác và công luận đã khác!
Nhưng, tôi chua xót thừa nhận rằng, hiện nay có nhiều trường hợp, người dân đã hành xử như ông, với nguyên nhân tương tự...
Thưa ông Vươn cùng gia đình, thay lời kết cho bức thư, tôi xin kể lại chuyện sau. Xin đừng xem đây như một hình thức xoa dịu, mà hãy xem như một dẫn chứng rằng: chúng tôi - những người làm báo - vẫn cố gắng tìm gặp, để lắng nghe. Và để lên tiếng, nếu có thể...
Một nông dân ở An Giang, sau khi mãn án tù vì chống người thi hành công vụ đã trả lời phỏng vấn tôi. (Gia đình bà ấy - vâng, cũng lại là một gia đình - đã kiên quyết không chịu di dời nhà của ông bà để lại, lấy đất cho một dự án công nghiệp. Trong một đợt cưỡng chế liên ngành, họ đã tạt nước sôi vào đội cưỡng chế. Bị xử tù giam, sau 1 năm ra trại, mảnh đất đã thuộc về khu công nghiệp, những người chủ nhà buộc phải nhận nhà tái định cư. Ngôi nhà mới, nằm trên phần đất của khu tái định cư...vượt lũ!).
- Trong tù, bạn tù hỏi tôi vì sao vào đây. Tôi đáp, ngày xưa ông bà có để cho tôi miếng đất. Vì thế mà tôi vào đây. Vì tôi có đất! - người đàn bà ấy kể.
Thưa ông Vươn và gia đình, lúc đó, nghe những lời đó, tôi đành im lặng".


GIA HIỀN**


* Một thời ở đây là của thế hệ 7x đời chót, 8x đời đâu thôi các cụ nhé. Bài hát có tựa Giờ thì anh hứ để làm gì của tác giả Nhất Trung do ca sĩ Ưng Hoàng Phúc thể hiện.
**  Nhà báo Gia Hiền là tác giả của bài thơ Thế hệ tôi, một thế hệ cúi đầu




Copy từ: Phairzios

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét