CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Cán bộ ngành y chủ yếu làm... lãnh đạo!


Khoảng cách về trình độ chuyên môn của thầy thuốc giữa các tuyến ngày càng bị giãn rộng, phá vỡ kết cấu của hệ thống khám chữa bệnh phân theo tuyến đang hiện hành ở Việt Nam.
Khủng hoảng nhân lực là một trong những thách thức lớn nhất mà hệ thống y tế Việt Nam đang phải đối mặt. Bác sỹ thiếu ở tất cả các tuyến (đặc biệt là tuyến huyện, tuyến tỉnh), trình độ hạn chế, mất cân đối ở các chuyên khoa, không đảm đương được công việc một cách độc lập, khiến người dân đổ xô lên tuyến trên vì không tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh.
"Khát" nhân lực trầm trọng
Quan sát hệ thống y tế (gồm cả hệ dự phòng và hệ điều trị), ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đưa ra nhận định đầu tiên, đó là sự khủng hoảng về nhân lực.
Sự khủng hoảng này thể hiện rõ ở việc ngành y tế đang ở trong tình trạng thiếu hụt, mất cân bằng nghiêm trọng về nhân lực trong toàn hệ thống, khiến hệ thống hoạt động không hiệu quả.
Có thể lấy nhân lực y tế dự phòng làm ví dụ cụ thể.
Bộ Y tế xác định mục tiêu "dự phòng phải đi trước điều trị", tuy nhiên trên thực tế nguồn nhân lực làm công tác y tế dự phòng hiện còn rất thiếu và yếu.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy nhân lực cho y tế dự phòng mới chỉ đáp ứng được 76% nhu cầu ở tuyến trung ương, 55% tuyến tỉnh và 43% tuyến huyện (nhân lực y tế dự phòng chỉ chiếm 15% tổng nhân lực của ngành Y tế, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội).
Hiện cả nước có gần 20.000 cán bộ y tế dự phòng, trong khi nhu cầu đến năm 2020 cần tới gần 58.000 cán bộ. Phần lớn cán bộ hoạt động về y tế dự phòng chưa được đào tạo chuyên sâu, nhất là mảng dịch tễ học, nên thiếu khả năng phân tích, đánh giá được các tác nhân gây bệnh...
Chính vì thế mới xảy ra tình trạng hàng năm dịch bệnh (sốt xuất huyết, tiêu chảy, sốt phát ban) vẫn cứ "đến hẹn lại lên" bùng phát trong cộng đồng, gây ra một loạt gánh nặng cho người dân và công tác điều trị ở các bệnh viện.
Chưa hết, các chuyên khoa như Phong, Lao, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh..., cũng đang "khát" nhân lực trầm trọng. Phó GS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết ngay tại một bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Phổi mà vẫn không có nguồn nhân lực để tuyển dụng cho những chuyên khoa như giải phẫu bệnh, sinh hóa, xét nghiệm, bác sỹ nội trú chuyên khoa Lao.
Trong lĩnh vực điều trị - lĩnh vực luôn nóng bỏng hơn cả với tình trạng quá tải trầm trọng do công tác phòng bệnh kém hiệu quả, năng lực tuyến dưới không đủ trình độ - thì vấn đề nhân lực cũng rất căng thẳng. Theo thống kê của Bộ Y tế, trong khu vực khám, chữa bệnh hiện có trên 141 ngàn cán bộ. Nhu cầu cần có theo định mức biên chế là gần 190 ngàn cán bộ (thiếu gần 50 ngàn cán bộ).
Đây cũng là lý do giải thích vì sao tỷ lệ bác sỹ/vạn dân của ta chỉ ở mức gần 7 bác sỹ/vạn dân- tỷ lệ thấp so với các nước trong cùng khu vực.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: "Mỗi một giám đốc bệnh viện phải là một CEO"
"Ngồi nhầm chỗ" và suốt ngày ...họp hành Ông Trần Tuấn cho biết nguồn nhân lực y tế của ta chỉ có ở mức nhất định, vì thế mục tiêu là cần phải tổ chức nguồn lực ấy sao cho tối ưu để tạo ra hiệu quả ở mức cao nhất có thể. Tuy nhiên, trong khi vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng thì có một thực tế được chỉ ra rằng nhân lực y tế của nước ta đang bị... lãng phí một cách nghiêm trọng.
Tại tuyến cơ sở, ông Vũ Xuân Phú cho biết những điều tra, nghiên cứu cho thấy trong khi nhân lực vừa thiếu vừa yếu thì cách thức tổ chức của hệ thống y tế tuyến huyện đang phân tán, cán bộ chủ yếu làm ... lãnh đạo, không còn người làm chuyên môn.
Trong những năm gần đây, mô hình y tế tuyến huyện luôn xáo trộn, chưa hợp lý. Tình trạng cả huyện có vài bác sỹ giỏi thì lại làm giám đốc, trưởng phòng, suốt ngày họp hành, không còn thời gian cho hoạt động chuyên môn rất phổ biến. Tại tuyến xã, trung bình mỗi trạm chỉ có 4- 6 cán bộ, phải làm đủ thứ, là cả một vấn đề nan giải.
Còn tại tuyến trung ương, tình trạng cán bộ y tế "ngồi nhầm chỗ" cũng xuất hiện rất phổ biến, làm giảm hiệu quả của việc tổ chức nguồn nhân lực.
Trong một bệnh viện hay cơ sở y tế, không phải vị trí nào cũng nhất thiết phải sử dụng bác sỹ (trong khi chúng ta thiếu bác sỹ để làm chuyên môn khám chữa bệnh). Ông Vũ Xuân Phú chỉ ra một thực tế: Có những người được đào tạo ĐH bài bản từ 6- 9 năm để rồi ra trường lại làm ở vị trí mà chỉ cần một người được đào tạo ĐH bốn năm là đủ, thậm chí chỉ cần trình độ cao đẳng cũng đã đủ để đảm đương.
Chưa hết, các vị trí "chủ chốt" như lãnh đạo bệnh viện, trưởng các khoa phòng, vv ... đều do những người có trình độ chuyên môn tốt, tay nghề cao, là những GS, Phó GS đầu ngành đảm nhận.
"Đây là một sự lãng phí rất lớn về nhân lực trong ngành y tế", ông Vũ Xuân Phú nhấn mạnh.
Việc để cán bộ có chuyên môn giỏi ngồi vào những vị trí lãnh đạo, một mặt vừa hạn chế trong công tác khám chữa bệnh, mặt khác lại hạn chế trong công tác quản lý, bởi những đối tượng này không được đào tạo bài bản về quản trị bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng quan niệm: "Mỗi một giám đốc bệnh viện phải là một CEO, có đủ khả năng và trình độ để quản lý bệnh viện, không nhất thiết phải là GS hay PGS. Vì  giám đốc bệnh viện mà cứ suốt ngày lo đi làm GS, làm TS với giảng bài và nghiên cứu khoa học thì nên trở về làm thầy". Tuy nhiên, từ lời nói của người lãnh đạo đến hiện trạng của ngành, vẫn luôn có một khoảng cách khá xa...
Khủng hoảng thiếu và khủng hoảng thừa
Nói về tình trạng khủng hoảng của nhân lực y tế, ông Trần Tuấn cho rằng tại Việt Nam đang tồn tại cả khủng hoảng thừa lẫn khủng hoảng thiếu.
"Chúng ta mỗi năm có bao nhiêu sinh viên y khoa tốt nghiệp từ tất cả các trường y trong cả nước và có bao nhiêu cán bộ y tế về hưu mỗi năm? Nhìn vào con số đó có thể nói về số lượng thì chúng ta không thiếu. Nhưng chúng ta thiếu những người làm được việc, đáp ứng được yêu cầu mà công việc khám, chữa bệnh đặt ra", ông Trần Tuấn nhấn mạnh.
Tại tuyến cơ sở, ông Vũ Xuân Phú cho biết những điều tra, nghiên cứu cho thấy trong khi nhân lực vừa thiếu vừa yếu thì cách thức tổ chức của hệ thống y tế tuyến huyện đang phân tán, cán bộ chủ yếu làm ... lãnh đạo, không còn người làm chuyên môn.
Đó là chưa kể đến các chính sách vĩ mô về y tế hiện rất bất hợp lý, khiến các bác sỹ luôn có xu hướng bỏ tuyến dưới lên tuyến trên, khiến nơi đã thiếu lại càng thiếu, nơi đã thừa lại càng thừa, khiến tình trạng khủng hoảng nhân lực này thêm trầm trọng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong khi dân số thành thị chỉ chiếm khoảng 30% tổng dân số cả nước, thì số cán bộ y tế đang công tác ở khu vực thành thị chiếm đến 50% tổng số nhân lực của toàn ngành. Đây cũng là nơi tập trung hầu hết các bác sỹ tay nghề cao, trình độ chuyên môn giỏi. Còn tại khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long thì thiếu nghiêm trọng.
Thực tế này khiến khoảng cách về trình độ chuyên môn của thầy thuốc giữa các tuyến ngày càng bị giãn rộng, phá vỡ kết cấu của hệ thống khám chữa bệnh phân theo tuyến đang hiện hành ở Việt Nam. Điều này gây ra một loạt các vấn đề nóng như quá tải, y đức, dịch bệnh gia tăng không ngừng do hệ thống y tế không có người có đủ trình độ chuyên môn để đảm nhận công tác y tế dự phòng.


Copy từ: Tuần Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét