CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Hai, 22 tháng 4, 2013

Bộ luật ứng xử ở Biển Đông : Thượng đỉnh ASEAN ít hy vọng có đột phá


Các Ngoại trưởng Thái (S.Tovichakchaikul), Việt Nam (Phạm Bình Minh), Cam Bốt (Hor Namhong) và Brunei (Lim Jock Seng) trong kỳ họp tại Phnom Penh 2/4/2012 (REUTERS)
Các Ngoại trưởng Thái (S.Tovichakchaikul), Việt Nam (Phạm Bình Minh), Cam Bốt (Hor Namhong) và Brunei (Lim Jock Seng) trong kỳ họp tại Phnom Penh 2/4/2012 (REUTERS)

Đức Tâm
Vào thứ Tư tới, 24/04/2013, Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN họp Thượng đỉnh trong hai ngày, tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei, với hy vọng tái lập tình đoàn kết, thống nhất nội bộ trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, trước những đòi hỏi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Thượng đỉnh ASEAN tại Brunei lần này ít có hy vọng tạo được bước đột phá cho tiến trình xây dựng một bộ luật mang tính ràng buộc, về ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (COC)
Năm ngoái, Việt Nam và Philippines đã lên tiếng kêu gọi các nước trong ASEAN đoàn kết, có lập trường chung, để chống lại áp lực của Trung Quốc. Thế nhưng, Cam Bốt, nước làm chủ tịch luân phiên, đồng minh thân thiết của Trung Quốc, lại tìm cách cản phá những nỗ lực này.
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa nhấn mạnh, ASEAN cần phải xây dựng một mặt trận thống nhất trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Brunei đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm nay, tuyên bố, một trong những ưu tiên của nước này là đạt được sự chấp thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về bộ luật ứng xử, sau hơn một thập niên được đề xuất.
Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Raul Hernandez nói với các nhà báo là tại Thượng đỉnh ASEAN, tổng thống Benigno Aquino sẽ thúc đẩy để sớm ký được bộ luật.
Đầu tháng Tư này, ông Natalegawa thông báo, các Ngoại trưởng trong khối ASEAN và Trung Quốc sẽ có một cuộc gặp đặc biệt bàn về COC, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.
Cho dù nhiều nước Đông Nam Á tỏ quyết tâm, nhưng theo giới phân tích, hầu như không có hy vọng đạt được một thỏa thuận giữa Trung Quốc và ASEAN về COC. Có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất là quan điểm của Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn khẳng định chỉ đàm phán với từng nước liên quan và không chấp nhận thương lượng với ASEAN, trong tư cách là một khối.
Chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, tại Singapore nhận định : « Đừng ai hy vọng là có một bước đột phá nào về bộ luật ứng xử trong các cuộc gặp sắp tới. Lập trường của Trung Quốc là chưa sẵn sàng nói chuyện với ASEAN về Biển Đông… Nếu Trung Quốc không muốn tiến về phía trước, thì sẽ không có gì tiến triển liên quan đến bộ luật ».
Năm ngoái, tranh cãi về cách thức đối phó với Trung Quốc đã đè nặng lên bầu không khí các cuộc họp của các chuyên viên cao cấp ASEAN. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm trong hội nghị các Ngoại trưởng của ASEAN, tại Phnom Penh, hồi tháng 7/2012, đến mức, lần đầu tiên trong lịch sử 45 của khối này, các Ngoại trưởng không ra được thông cáo chung.
Điểm thứ hai là nguyên nhân dẫn đến những tranh cãi nội bộ ASEAN không hề thay đổi, mặc dù Ngoại trưởng Philippines Hernandez tỏ ra tin tưởng là ASEAN gạt các bất đồng sang một bên. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á, xin ẩn danh, nói với AFP : « Các vết thương hồi năm ngoái vẫn chưa lành hẳn ».
Cho đến nay, chỉ có hai nước, Việt Nam và Philippines, lên tiếng chỉ trích gay gắt Trung Quốc. ASEAN hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận chung, trong lúc Cam Bốt và Lào được coi là hai đồng minh trung thành nhất của Trung Quốc.
Hơn nữa, do phải vận động tranh cử, thủ tướng của Malaysia, một trong các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ không tham dự Thượng đỉnh vào tháng Tư ở Brunei, mà chỉ cử đại diện đi thay. Do vậy, có thể dự báo là việc xây dựng COC sẽ tiếp tục « dậm chân tại chỗ », ở Thượng đỉnh ASEAN, tại Brunei lần này.




Copy từ: RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét