CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2013

NẾU ĐẢNG ĐƯA ĐƯỢC VIỆT NAM LÊN THÀNH “CON RỒNG” CHÂU Á THÌ CHẲNG AI LẠI ĐÒI HỦY ĐIỀU 4 HIẾN PHÁP !

Hoàng Đạo Sử.

Ngay sau khi Quốc hội ra Nghị quyết về vận động toàn dân tham gia góp ý vào bản Hiến pháp 1992 sửa đổi, để xây dựng bản Hiến pháp mới 2013 phù hợp với thời kỳ lịch sử hiện nay của đất nước ta hơn, ông trưởng Ban biên tập Hoàng Trung Lý đã tuyên bố "không có vùng cẩm" tròng việc góp ý; như vậy là người góp ý kiến được tự do trình bầy quan điểm, lý luận, chính kiến của mình về tất cả các vấn đề nêu trong bản Dự thảo hiến pháp, đã được công bố…
Theo tôi, dân Việt Nam là một dân tộc "nhạy cảm chính trị", nhạy cảm trước những vấn đề thiết thân đến cuộc sống của mỗi người, có ảnh hưởng tốt xấu đến sự tồn vong của Tổ quốc. Vì vậy, trên các báo chính thống do các cơ quan Đảng, Nhà nước quản lý, cũng như trên các Trang mạng xã hội, nhiều cựu lãnh đạo trong trung ương Đảng, trong Chính phủ qua các thời kỳ; các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ cử nhân, đa phần được đào tạo dưới chế độ ta, trong đó có nhiều vị là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam đã dự hội thảo, làm Kiến nghị, tham gia soạn thảo "Hiến pháp" dự thảo ngoài luồng, với những ý tưởng, quan điểm rõ ràng, minh bạch, không hề dối trá, không lập lờ đánh lận con đen. Những ý kiến ấy, và cả bản Dự thảo của 72 vị trí thức lớn đều là tâm huyết, trung thực, khoa học, phù hợp với yêu cầu tiến triển của đất nước. Đó chính là tinh thần trách nhiệm cao của tầng lớp trí thức nước ta. Trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam, tầng lớp trí thức vẫn là "nguyên khí" quốc gia, mặc dù có thể cho đến nay, trong một số Nghị quyết và hành động thực tế của Đảng, Nhà nước ta chưa thật sự tôn trọng và quan tâm đầy đủ đến đội ngũ trí thức.

Mặc dù là bản Dự thảo, nhưng Hiến pháp lần này đưa ra lấy ý kiến công chúng vẫn còn nhiều điều mà đáng lẽ phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thật sự dân chủ, rồi giao cho một Ban soạn thảo độc lập soạn thảo trước khi công bố lấy ý kiến đóng góp của toàn dân. Làm được như vậy thì có trình tự, phù hợp nhận thức và tạo điều kiện về thời gian để các tầng lớp nhân dân đọc kỹ, nghĩ kỹ, có ý kiến xác đáng đóng góp.Muốn dân nhiệt tình đóng góp thì phải hết sức tôn trọng ý kiến của dân. Đằng này, tôi cảm thấy cái gì cũng gấp, cũng vội. Đất nước có hoà bình, lực lượng quân đội của ta còn hùng mạnh, ta sợ gì mà phải làm vội ? Dân đóng góp nhiều ý kiến hay, nhiều vấn đề có tính chất giường cột, cốt lõi quốc gia, dân tộc, nhưng vì "gấp và vội" nên tôi cảm thấy nó cứ sường sượng thế nào, và thú thật, tôi đang nghi là có một thế lực nào đó đang góp phần "chỉ đạo" ta làm nhanh việc xây dựng Hiến pháp?

Hiến pháp là Bộ luật cơ bản, Bộ luật của các bộ luật. Hiến pháp đúng sẽ là ngọn đuốc soi đường để toàn dân tiến lên, vì nó là kết tinh trí tuệ của toàn dân tộc. Ngay cả tên nước, quốc kỳ, quốc ca...và những phạm trù kinh tế, xã hội, chính trị, quân sự. an ninh, văn hoá xã hội, dân sinh v.v...đều phải được thảo luận, mổ xẻ, cân nhắc từng câu từng chữ, có kế thừa truyền thống ông cha, truyền thống lịch sử, trong đó kế thừa lời dạy của Cụ Hồ, của Đảng (nếu còn phù hơp), chứ không thể tuỳ tiện, muốn ghi thế nào thì ghi, vì không thể mối lúc mà ta có thể sửa đổi Hiến pháp được. Việc đã rồi, thì vẫn phải làm thôi. Bây giờ dừng lại để có thời gian chín muồi, trưng cầu dân ý, rồi mới lấy ý kiến nhân dân, có trình tự cần thiết đấy nhưng chót phát động rồi thì vẫn phải tiến hành, tốt nhất là không nên "kết thúc" vào cuối tháng Ba này, mà nên kéo dài hết năm nay, hoặc sang nửa năm sau cũng được.
Ta còn nặng tư tưởng "nhiệm kỳ" lắm, cho nên cái gì cung vội, mà hễ vội là chất lượng không cao, việc nhỏ đến việc lớn đều thế. Ông Trung Lý có thể coi là người đại diện cho ban soạn thảo Hiến pháp tuyên bố "không có vùng cấm"; trong khi góp với bản Hiến pháp mới, mới một ít ngày ý kiến chưa đâu vào đâu, mới bắt đầu sôi nổi, thì đã bị "hai ông lớn" nhất của Đảng và Nhà nước "giội gáo nước lạnh" rồi. Thế thì có cho ăn kẹo, người dân cũng không dám góp ý nữa; Chưa chi đã bị Cụ Tổng Bí thư "chụp cho cái mũ" là suy thoái rồi ?
Thực ra, hiện nay, đánh giá của chính Trung ương Đảng (qua Nghị quyết Trung ương 4) là Đảng ta, đúng ra là Đảng Cộng sản Việt Nam hiện có "một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, kể cả đảng viên nắm chức quyền cấp cao !" Và trong thực tế, chỉ khoảng hai thập niên gần đây thôi, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta "thụt lùi" chứ không thấy những bước tiến của "Con Rồng Châu Á". Xin kính mời các “Cụ” ở Bộ Chính trị, ở trung ương, ở quốc hội, ở chính phủ dành thời gian vi hành về cơ sở, gặp cán bộ hưu trí, cựu chiến binh và dân thường hỏi han họ xem hai chục năm qua, họ được đảng "ban" cho những gì?
Một số thông tin chính thống cho hay, hơn 100.000 doanh nghiệp phá sản, hầu hết các tập đoàn kinh tế "anh cả đỏ" của Nhà nước làm ăn thua lỗ, nhưng lương thưởng thì vẫn ngất ngưởng? Theo con số mà người ta có thể thông báo được thì khu vực này đã làm thất thoát 1 triệu 330.000 nghìn tỷ đồng? Ngoại trừ "tam nông" còn có thể có điều tin cậy được, chứ tất cả các ngành kinh tế đều suy thoái, đều làm ăn chưa đâu vào đâu. Dân trông chờ vào đảng lãnh đạo và Chính phủ điều hành thì thế đấy. Bây giờ, hoảng quá, lại chủ trương "tái cơ cấu" lại tất cả. Nhưng "tái cơ cấu" trên cơ sở cái đã thất thoát đổ nát, thì làm sao mà "tái cơ cấu được". Nhân đây, chúng tôi khần thiết mời Ông Ngô Văn Dụ, Ông Tô Huy Rứa, cả ông Đinh Thế Huynh bớt chút thời gian về thăm địa phương chúng tôi, quê hương của Vụ Văn Giang mới đây, đi sâu tìm hiểu xem, từ ngày được "tái lập tỉnh" chúng tôi được và mất những gì. Một số cán bộ cũ của tỉnh thì nói không úp mở rằng : "Ông X đã phá nát tỉnh mình", "Anh Y đã phá nát huyện mình" và Cậu Z cũng đã phá nát xã mình rồi !" Các khu công nghiệp thì rệu rã, các đoàn thể thì bị hành chính hoá, công tác tổ chức cán bộ thì đều đưa con ông cháu cha, phần lớn là học hành không tử tế (vì ý lại bố mẹ làm to nên lười học) nhưng bây giờ lại được ngồi vào những cái ghế thơm tho lãnh đạo huyện, ngành, đoàn thể, cơ quan.
Trong đó có vị nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ đã 'sắp xếp" cho ba con trai, một con rể vào làm việc, giữ những vị trí quan trọng của huyện rồi mai kia là lên tỉnh. Trong khi rất nhiều em đỗ đạt, kể cả đỗ thủ khoa, nhưng vì không phải con em các vị lãnh đạo nên gõ cửa các cơ quan mỏi cả tay mà chưa có ai nhận. Nguyên khí quốc gia bị bỏ lãng phí, chất xám bị bỏ rơi, thử hỏi có ai là người duy trì kỷ cương, cách mạng được không?
Chúng tôi thừa nhận trong 83 năm Đảng lãnh đạo và cùng làm cách mạng, cùng nhân dân đổ xương đổ máu, xây dựng cơ đồ, như Việt Nam ngày nay. Tuy nhiên, tổ chức có nhiều người suy thoái nhất lại chính là Đảng Cộng sản (chính Bộ Chính trị và Trung ương thừa nhận như thế và thực tế còn tệ hơn nhận định vào văn bản). Dân chúng thì luôn là sức mạnh nhưng vẫn là người bị lãnh đạo; ngày xưa là Vua, nay là Chủ tịch nước, ngày xưa là tập đoàn phong kiến này, phong kiến kia, rồi thực dân, rồi
phat-xít, ngoại bang, nay là có Đảng. Giá như Đảng luôn trong sạch, luôn một lòng một dạ phục vụ nhân dân, đưa nước nhà tiến lên thành con Rồng châu Á, thì nhân dân không phải "giáo dục" vẫn thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng không chỉ trong Hiến pháp mà còn trong mọi văn bản có liên quan khác. Bây giờ "một bộ phận không nhỏ suy thoái" đó chính là số đảng viên có chức có quyền (tức là lãnh đạo nhân dân) đều tham nhũng, lãng phí, ích kỷ, làm giầu bất chính, xa dân...thì cứ bắt dân phải "tin tưởng tuyệt đối" phải tung hô thừa nhận vai trò lãnh đạo thì là một điều cực kỳ vô lý. Đơn giản nhưng không thể giải quyết được một khi bản thân Đảng không muồn giải quyết, không chịu "nhường ngôi" hoặc không chịu tu luyện mình để lấy lại lòng tin của dân.
Đến như một việc không lớn lắm, có chứng cớ lịch sử, là Cụ Hồ bảo "quân đội trung với nước" mà ít lâu nay người ta lại bảo "quân đội trung với Đảng" thế thì có lạ không, riêng khía cạnh này chúng ta chẳng mảy may làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chứ chưa nói đến nhiều vấn đề khác nữa.
Chúng tôi là dân, ai lãnh đạo cũng được nhưng phải là người thông minh, trí tuệ, hết lòng vì dân trong thực tế chứ không phải chỉ trong khẩu hiệu hoặc nói một đằng làm một nẻo. Lòng tin của dân quá dễ, nhưng cũng quá khó. Phải không, thưa đảng ?




Copy từ:NV Phạm Viết Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét