CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

ĐẢNG và HIẾN PHÁP


                                                                                                       NGUYỄN HUY CANH
                                                                                                          ( Hải Phòng)
  
         Công việc sửa đổi Hiến pháp1992 (HP) đặt ra rất nhiều nội dung phải giải quyết từ tổ chức bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền  sở hữu đất đai đến quyền phúc quyết HP của người dân…Và đặc biệt, nó được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của nhân dân.
         Tôi cho rằng các nhà chính trị, các luật gia sẽ là khó khăn trong việc giải quyết các nội dung này, nếu như ngay từ đầu, không có một quan niệm đúng đắn và đầy đủ về HP.
         HP đã được chúng ta quan niệm như thế nào? Đó là bộ luật gốc, luật mẹ, luật cơ bản và có hiệu lực pháp lí cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác không được trái với nó. Đó là một hệ thống những qui định về bản chất nhà nước, chế độ chính trị-kinh tế-xã hội; những qui định về quyền và nghĩa vụ công dân…Đó là những quan điểm đúng về HP, nhưng tôi cho rằng chưa đầy đủ, chưa đi vào thực chất cốt lõi của nó. Nếu không có một lí thuyết về HP dẫn đường, soi sáng những vấn đề, những nhu cầu của xã hội, cái logic vn động của đời sống hiện thực thì tôi e rằng lần sửa đổi HP này vẫn chưa thể đáp ứng được tâm nguyện và ước vọng sâu xa của nhân dân.
         Một lí thuyết mới về HP dẫn đường không thể không đặt ra vấn đề quyền lực và mối quan hệ của quyền lực chính trị của Đảng với bản thân nó. Khi nói về vấn đề này, GS Nguyễn Đăng Dung đã có một ý kiến đúng rằng, cốt lõi của HP là ở sự giới hạn quyền lực. Tôi xin được nói thêm rằng bản chất của HP của chế độ dân chủ là  quyền lực nhà nước chính là quyền lực chính trị của nhân dân trao cho, ủy thác cho . Nếu nội dung này không được khẳng định, không được làm rõ ngay từ đầu thì cũng không có vấn đề được đặt ra về sự giới hạn quyền lực nhà nước.
          Quyền lực chính trị của nhân dân trao cho nhà nước bằng HP và thông qua HP là gì? Chúng ta phải nói đến đó là quyền được quyết định  những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước về đối nội, đối ngoại; về an ninh, quốc phòng; về kinh tế, văn hóa-xã hội; về dự toán ngân sách; về cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, về quản lí và bổ nhiệm cán bộ; về cơ chế kiểm soát, hạn chế quyền lực…
         Nhưng có một điều làm chúng ta phải suy nghĩ, phải đặt ra bởi những khó khăn của HP khi nó va chạm, gặp phải những vấn đề gọi là nhạy cảm.               Đó là quyền được quyết định những vấn đề lớn của đất nước, của xã hội đã thuộc về Đảng  như một tất yếu lịch sử khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, và xây dựng chính quyền nhà nước trong suốt những năm kháng chiến, chiến tranh chống giặc ngoại xâm.
            Một tất yếu lịch sử đã không được soi sáng bởi một trí tuệ, một tư duy chính trị sâu sắc và dũng cảm khi chiến tranh đã đi qua, đất nước đã được độc lập, được tự do. Kết quả ấy, thành quả ấy đương nhiên thuộc về sự hi sinh, sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng thực tiễn và triết lí lịch sử cũng đã hiểu ra rằng thành quả ấy đầu tiên và cuối cùng cũng là của nhân dân, thuộc về nhân dân, của sự hi sinh xương máu của nhân dân. Sự hi sinh ấy đã đem lại cho nhân dân cái khả năng, cái tư thế của người làm chủ đất nước, của người có khả năng đưa ra được những quyết định về  các vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước và của cuộc đời mình dưới sự lãnh đạo của các chính đảng, của một chính đảng.
             Cái khả năng ấy, trong tính thực tại, tính hiện thực chính là quyền lực chính trị. Nó phải là của nhân dân, thuộc về nhân dân ngay từ đầu.Nhưng tiếc rằng, như một sự trớ trêu của lịch sử, cho đến tận ngày hôm nay nhân dân chúng ta vẫn chưa có được cái điều tưởng như là logic, là hiển nhiên đó.
              Điều lệ Đảng, chương 3, điều 16, Đảng đã tự qui định nội dung quyền lực chính trị này thuộc về BCHTW, BCT....Cái cấu trúc này nó được tổ chức, được thiết kế hoàn toàn khép kín với người dân. Người dân đã như một kẻ đứng ngoài, xa lạ đối với quá trình chính trị diễn ra gắn liền với đời sống xã hội, với sinh mệnh của đất nước và của chính mình. Như vậy có thể nói quyền lực chính trị của  đất nước đã không thuộc về nhân dân ngay từ đầu, đã bị đảng “tước mất” dù điều 74 HP dự thảo có khẳng định: QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất...và, có quyền quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước . Thực tế nhà nước chỉ là công cụ hiện thực hóa, thực thi hóa, thể chế hóa đường lối, chính sách, nghị quyết của đảng . Điều ấy có nghĩa là : quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, HP là văn bản xác nhận quyền lực của nhân dân , và nhân dân trao quyền lực ấy cho nhà nước chỉ còn là một thứ giả, là vật trang trí của xã hội hiện đại .
                Như vậy, nói theo ngôn ngữ HP, quyền lực chính trị của Đảng là vi hiến (mặc dù đã có qui định của điều 4). Nhưng tiếc rằng thể chế chính trị này đã không có được cơ quan tư pháp (hiểu theo đúng chức năng và nhiệm vụ của nó), và cũng chẳng có được một chính trị gia, một lí luận gia nào cắt nghĩa cho được một cách minh bạch và thẳng thắn  cái điều phi logic này ngoài việc cổ vũ cho Đảng phải luật hóa điều 4, hoặc tiêu cực hơn là đòi xóa bỏ nó. Đó là điều không thể làm được vì  những hệ lụy của nó đối với sự lãnh đạo của Đảng cũng như với đời sống thực tiễn chính trị  nước nhà trong giai đoạn này.
                Theo logic của lịch sử, của nhà nước pháp quyền hiện đại,quyền lực chính trị thực sự thuộc về nhân dân thì nhân dân phải có được 2 hành động liên tiếp sau:
                  Bước 1/ nhân dân trao, ủy thác quyền lực chính trị của mình cho nhà nước bằng HP, thông qua HP do chính mình viết ra bởi một Hội đồng lập hiến, và với sự tham gia của toàn dân (theo 2 công đoạn đóng góp ý kiến vào dự thảo và, trưng cầu ý dân)
                  Bước 2/ nhân dân tiếp tục trao các cơ quan nhà nước cho các chủ thể chính trị bằng lá phiếu của mình. Bởi vì, các cơ quan nhà nước phải do những con người bằng xương, bằng thịt thuộc các chính đảng nắm giữ, điều hành.
                 Trong trường hợp người viết bài này, đó là một tiên đề chính trị đã được mặc định (giống như tiên đề 5 Ơclit vậy), đó là việc nhân dân ta trao các cơ quan nhà nước, và cùng với điều đó là quyền lực nhà nước cho ĐCS thông qua cuộc bầu cử QH, và đảng điều hành nhà nước phải theo và chỉ theo những quy định của Hiến pháp và pháp luật.
                  Vì không thấy được cách thức tổ chức mô hình chính trị của mình lạc hậu, không dân chủ và vi hiến, Đảng đã vô tình tạo ra những cơ chế chính trị cho sự sản sinh và nuôi dưỡng đạo chuyên quyền, đức tham nhũng và sự giả dối, thờ ơ ở nhiều cấp, nhiều ngành.
                 Một bộ phận  không nhỏ trong Đảng đã tìm thấy cơ sở lí luận cho hành động biến quyền lực của Đảng thành lợi ích, thành tiền bạc cho bản thân, cho vợ con, anh em của mình, cho những đ/c của mình. Điều này càng trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn bởi lịch sử nước nhà đang bị chi phối mạnh mẽ bởi qui luật đa nguyên  (ít ra chúng ta cũng đã nhìn thấy qui luật đó trong lĩnh vực của các quan hệ kinh tế, của các lợi ích kinh tế trong nền kinh tế thị trường, đa thành phần).
                 Cơ sở lí luận cho lực lượng bảo thủ, giáo điều, tha hóa  ấy chính là cơ chế quyền lực của đảng không bị kiểm soát, không có giới hạn bởi  nó đã đứng ở bên ngoài và bên trên nhà nước, trên HP và pháp luật.
                 Bộ phận quan chức này đang hàng ngày hàng giờ làm cho Đảng tự diễn biến, chuyển hóa theo hướng suy yếu, xa dân, đối lập và mất uy tín trầm trọng với nhân dân.
                            Từ những phân tích ở trên, tôi đề nghị:
              1/ Công cuộc sửa đổi HP chỉ có thể có được thành quả như một bước ngoặt lịch sử, khi ĐCS nhất định hiểu ra được rằng: Đảng không phải là một tổ chức có quyền lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội mà chỉ là  một tổ chức chính trị (thuần túy) xét trong mối quan hệ tồn tại với xã hội. Chỉ trở thành một tổ chức có quyền lực, có quyền được ra quyết định về tất cả những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước từ đối nội đến đối ngoại, từ kinh tế đến an ninh, quốc phòng  khi đảng trở thành đảng cầm quyền thông qua bầu cử tự do, qua lá phiếu bầu của nhân dân.
                2/ Điều đó đòi hỏi Đảng phải dũng cảm, mạnh mẽ  trả lại quyền lực chính trị cho nhân dân bằng cách thay đổi nhiều nội dung của Điều lệ trong đó có việc phải bỏ điều 16 chương 3, thay đổi cách thức tổ chức của mình bằng việc bỏ đi các tổ chức BCHTW, BCT, BBT... và các cấp ủy ở địa phương.
                 3/Do đó Hiến pháp phải có ít nhất một điều qui định riêng về đảng (thay cho điều 4 hiện nay).
                      -ĐCS Việt Nam là một tổ chức chính trị-xã hội đóng vai trò thiết yếu trong chế độ.
                      -Trở thành đảng cầm quyền, đảng thực hiện vai trò lãnh đạo xã hội của mình theo qui định của Hiến pháp, pháp luật.              
                 Những thay đổi trên đây, mặc dù là rất khó khăn, nhưng tôi tin rằng với điều đó  Đảng sẽ “trường tồn”, đi lên cùng dân tộc và, đó cũng chính là cơ sở lí thuyết và thực tiễn cho công cuộc đổi mới mạnh mẽ  HP92 nhằm làm cho nó trở thành Tuyên ngôn chính trị của chế độ chúng ta.
                                                                                 
                                                                   Ngày 5/1/013
                                                                  NHC (tác giả trực tiếp gởi bài đến blog nầy)
 
 

Copy từ: Huỳnh Ngọc Chênh



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét