CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Thủ tướng chỉ đạo cứu bất động sản



Nguyễn Tấn Dũng
Ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp hôm 19/12 tại Hà Nội. (Nguồn: NLĐ)
Sau cuộc làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh hôm 18/12, ngày 19/12, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo thành phố, đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp tại Hà Nội để bàn về hướng ra cho thị trường bất động sản tại địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.
Cuộc họp còn có sự góp mặt của các lãnh đạo khác trong chính phủ Việt Nam như phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ.
Nhiều quyết định cứu thị trường bất động sản được đưa ra ngay tại cuộc họp, trong đó tập trung vào tăng cầu, giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu thị trường dẫn đến những phản ứng khá tích cực từ thị trường hai miền.
VNIndex tăng 1,32% trong ngày 19/12 và tiếp tục tăng 0,27% trong ngày 20/12, chủ yếu dưới ảnh hưởng của sự tăng giá các mã chứng khoán bất động sản.
Sau cuộc họp, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết các giải pháp sẽ được đưa ra trong phiên họp chính phủ thường kỳ cuối tháng và sớm được đưa vào nghị quyết.

Cung không gặp cầu

Bất động sản
Nguồn cung nhà cao cấp tại Việt Nam quá cao, không hợp lý nhu cầu thực khiến nhiều công trình không có người mua
Thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu yếu kém khiến nhiều dự án không có đầu ra, để lại nhiều hàng tồn kho.
Thống kê đưa ra tại buổi họp cho thấy hiện tại, Hà Nội tồn kho tổng cộng 9,3 nghìn căn hộ, biệt thự và gần 170 nghìn mét vuông diện tích sàn văn phòng cho thuê.
Số liệu của Bộ Xây dựng từ 53/63 tỉnh thành phố thì cho thấy cả nước còn gần 21 nghìn căn hộ chung cư, 1,8 triệu mét vuông đất nền, 64 nghìn mét vuông đất cho thuê với số vốn 52 nghìn tỷ đồng.
Bản báo cáo cũng nói số liệu trên còn "thấp hơn nhiều so với thực tế", đồng thời nhận xét thị trường nhà ở thương mại phân khúc cấp cao, thấp tầng đã rơi vào tình trạng cung vượt quá cầu trong khi nhu cầu của các đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp vẫn còn rất cao.
Cổng thông tin chính phủ ngày 17/12 công bố kết quả khảo sát thị trường, trong đó cho thấy từ năm 2008 đến nay, tỷ lệ đầu tư bất động sản đã giảm từ 80% xuống còn 10%, trong khi cùng thời gian trên, tỷ lệ khách hàng có nhu cầu thực lại tăng mạnh từ 20% lên 90% thị trường.
Trước đó, trong phiên họp giữa Bộ tài chính với doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/12, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản thành phố cho biết hiện khối lượng hàng tồn kho bất động sản trên địa bàn đang ở mức 30 nghìn tỷ đồng, nợ xấu trên 4 nghìn tỷ đồng.
Nguyên nhân cho tình trạng này tại Hà Nội, cũng như cả nước, được báo cáo là do thị trường nhà ở đã phát triển quá nóng khiến cung vượt quá cầu, phát triển thiếu quy hoạch, chính sách và cơ cấu không hợp lý khi lượng nhà cao cấp quá cao.
Ngoài ra, giá nhà tăng chủ yếu do đầu cơ phát đi những tín hiệu sai lệch về tình hình thị trường như khả năng chi trả, nhu cầu của người mua, từ đó dẫn đến các quyết định sai lầm của chủ đầu tư.

Tăng cầu, giải quyết tồn kho

"Cần rà soát điều chỉnh lại quy hoạch theo cơ cấu hợp lý mà chú ý là quan tâm đến nhà ở xã hội"
Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng
Để giải quyết cho nguồn hàng tồn kho, nhiều giải pháp tăng cầu đã được đặt ra để triển khai vào đầu năm 2013.
Việc tái cơ cấu để cân bằng nguồn cung của thị trường, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, vốn phần lớn vẫn có thu nhập ở mức trung bình - thấp là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong cuộc thảo luận.
"Cần rà soát điều chỉnh lại quy hoạch theo cơ cấu hợp lý mà chú ý là quan tâm đến nhà ở xã hội," ông nói.
Ông Dũng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiến hành thí điểm tại một số địa phương, hạ lãi sất cho vay cho người mua nhà xuống ít nhất 5% một năm khi lạm phát xuống 5-6%.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất đưa gói tín dụng 20 - 40 nghìn tỷ đồng cho vay kích cầu. Ngoài ra thành phố Hà Nội cũng đã đề xuất cho vay 1 -2000 tỷ để mua nhà thương mại làm nhà tái định cư.
Một số nhà ở thương mại đang được đưa ra xem xét để chuyển thành nhà ở xã hội. Nhiều công trình tồn kho cũng đã được cho phép chuyển sang loại công trình dịch vụ công cộng như bệnh viện, trường học.
Các thủ tục hành chính, thủ tục kiểm tra quy định pháp luật về đất đai, nhà ở cũng nằm trong danh sách những vấn đề mà ông Dũng cho là cần đẩy mạnh.

Giải quyết nợ xấu

Thu nhập
Hàng tồn kho bất động sản nhiều trong lúc nhu cầu nhà ở của người dân thu nhập trung bình - thấp vẫn rất cao
Tình trạng nợ xấu của khu vực bất động sản không chỉ làm ảnh hưởng đến khu vực này mà còn ảnh hưởng tới cả khối ngân hàng và chứng khoán bởi tính liên thông của các thị trường này ở Việt Nam.
Theo thống kê, hiện tại 70% nợ xấu cả nước nằm ở khu vực bất động sản.
Tại buổi họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ông Nguyễn Văn Bình cam kết sẽ dưa ra khoảng 100 - 150 nghìn tỷ đồng để giải quyết nợ xấu có tài sản thế chấp bằng bất động sản. Việc mua lại nợ xấu, theo ông Bình, có thể được thực hiện qua việc thành lập doanh nghiệp mua bán nợ xấu.
Tuy nhiên hiện tại nguồn tiền để giải quyết nợ xấu và hỗ trợ việc hạ lãi suất chưa được Ngân hàng Nhà nước công bố rõ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết sẽ có kiến nghị giãn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp bất động sản, cũng như các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Các chính sách ưu đãi thuế khác như giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho các dự án đầu tư nhà xã hội và giảm thuế giá trị gia tăng cho đầu ra cho các hoạt động thuê hoặc mua bán nhà xã hội cũng được đề cập đến.



Copy từ: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét