CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG SAU 2015


Lê Khánh Luận
Đọc các bài tham luận trên các báo, chúng tôi thấy người ta tham gia một cách tích cực và nháo nhào lên, như:
- Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận “ Đây là một trận đánh lớn” mà “ Người giáo viên là chiến sĩ trong trận đánh này” và “Để bảo đảm thắng lợi chiến sĩ phải có kinh nghiệm trong trận mạc”.
- Ông Phạm Thanh Tâm hiệu trưởng trường THPT Hồng Đức (Q. Bình Thạnh, TP.HCM): Cần đào tạo lại 830.000 GV (từ tiểu học đến THPT).

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: vội vàng đề nghị cải cách thi TN THPT và tuyển sinh Đại học. Đưa ra nên chọn phương án thi TN THPT 4 môn, hay 5 môn.
+ Phương án 1: Thi 2 môn bắt buộc ( Toán , Văn) và 2 môn tự chọn (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa).
+ Phương án 2: Thi 3 môn bắt buộc ( Toán , Văn, Anh) và 2 môn tự chọn (Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa).
Và nêu ra khó khăn ở phương án 2 là: thí sinh GDTX và thí sinh THPT học không hết chương trình sẽ không làm bài được. Do vậy đưa môn ngoại ngữ làm môn thi khuyến khích.
Hơn nữa đưa ra đề nghị miễn thi TN THPT với tỷ lệ 20% cho những thí sinh có kết quả học tập xuất sắc.
Cả hai phương án 1 và 2 đều sợ rằng học sinh sẽ học lệch, học tủ.
- Việc phân luồng học sinh vẫn không có lối thoát.
+Tại nghị quyết hội nghị T.Ư. 2 khóa 8 (năm 1996) đã chỉ đạo việc phân luồng giáo dục, tuy nhiên sau 17 năm công tác này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
+ Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, việc phân luồng hiện vẫn đang hết sức khó khăn. Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, sau đó thi vào ĐH, CĐ. Điểu này gây áp lực rất lớn cho các trường ĐH, CĐ; ngược lại các trường TCCN,
TC nghề tuyển sinh vô cùng khó khăn.
+ Ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đề xuất phải tổ chức hướng nghiệp cho HS từ năm lớp 6 chứ không đợi đến lớp 9.
+ Sự mở rộng quá nhanh các trường THPT khiến HS sau khi tốt nghiệp THCS hầu như đều chọn con đường học tiếp vào THPT.
+ Việc nâng cấp nhiều trường TCCN thành CĐ khiến HS sau khi tốt nghiệp THCS mất cơ hội có nhiều trường TCCN để vào học.
+ Việc nhiều chỗ tuyển dụng đòi hỏi phải tốt nghiệp ĐH, có bằng thạc sĩ gây khó khăn cho việc tuyên truyền , vận động HS vào học TCCN hay TC nghề.
- Việc sách Trắng báo động đỏ về nhân lực Việt Nam.
+ Khi tập đoàn Intel kiểm tra đầu vào của 2000 SV ngành CNTT cho nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại khu công nghệ cao TP.HCM, kết quả chỉ có 40 ứng viên đủ trình độ tiếng Anh để được tuyển. Intel xác nhận đây là kết quả tệ nhất tập đoàn này gặp phải trong tất cả các nước mà họ đầu tư vào.
+ Trong 5 năm tới, các doanh nghiệp sẽ cần 411.000 lao động CNTT, nhưng mỗi năm VN chỉ đào tạo được 60.000 lao động. Và căn cứ vào tuyển chọn của Intel, mỗi năm chỉ chọn được 60.000 x 40/2000 = 1200 lao động. Như vậy theo chất lượng đào tạo cũ, sau 5 năm VN chỉ cung cấp được 6.000 lao động ( trong khi nhu cầu là 411.000).
+ Theo Giáo Sư Dennis McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ): “Các trường ĐH đào tạo giáo viên phải được cải tổ trước tiên. Nhưng cuộc cải tổ phải diễn ra ở mọi cấp độ và nếu nó thất bại hay nửa vời, nền kinh tế VN sẽ vẫn mãi mãi là nền kinh tế nhân công rẻ, lao động thủ công với nền sản xuất thấp. Lúc đó, VN khó có cơ hội cạnh tranh ngay trong khối ASEAN, chứ đừng nói là sánh vai cùng Nhật Bản hay Hàn Quốc”.
- Việc nghị định giảm thời hạn lao động trình độ cao nước ngoài từ 3 năm xuống còn 2 năm.
+ Liệu có đủ thời gian để người lao động trong nước, người sử dụng lao động học hỏi, tiếp thu và thay thế cho người lao động có trình độ chuyên môn cao hay không?
Qua những thông tin trên chúng tôi thấy rằng, để thực hiện cải cách giáo dục chúng ta đã tìm ra lối thoát chưa? Nghĩa là cần biết phải thay đổi cải tổ cụ thể những cái gì. Chứ từ ngữ thay đổi căn bản, toàn diện , hay chọn người có năng lực thay vì kiến thức ta nghe thật chung chung quá không rõ ràng.  Hơn nữa việc thay đổi cần thiết của GD-ĐT lần này là việc cải cách về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy phải được thực hiện trước hết. Chứ chưa chi đã lo cải tổ việc thi cử. Khi đã có nội dung và phương pháp tốt thì đương nhiên cách thi cử sẽ được thể hiện phù hợp.
Chúng tôi xin được trình bày những ý kiến của mình.
Trước hết ta cần phân biệt giáo dục phổ thông và đào tạo ĐH.
1. Giáo dục phổ thông là giai đoạn từ tiểu học đến hết THPT: mục đích là dạy dỗ để phát triến khả năng thể chất, đạo đức, tri thức, …, về kiến thức phổ thông nói chung; chưa nói đến nghề nghiệp.
2. Đào tạo ĐH: là sau khi tốt nghiệp THPT, tùy theo trình độ năng lưc và sở thích mà học sinh sẽ được tuyển chọn để đào tạo những ngành nghề chuyên môn, và những nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu.
Như vậy ở giai đoạn phổ thông ngành giáo dục có trách nhiệm dạy dỗ, rèn luyện, truyền đạt cho thế hệ trẻ những tri thức phổ thông, căn bản, cần thiết và cần tổ chức thi cử một cách nghiêm túc không sợ tốn kém. Học gì thi nấy, có thế mới thu hút và khuyến khích sự tích cực học tập của giới trẻ. Ở kiến thức của đề thi cũng cần một mức độ nhất định đối với Toán, Lý, Hóa, Văn và ngoại ngữ, còn các môn còn lại gộp chung trên một đề trắc nghiệm. Và trên đề thi trắc nghiệm gộp này hỏi những điều cơ bản dễ nhớ, không chi li về ngày tháng cũng như con số. Hình thức thi này sẽ được thực hiện trong 2 kỳ thi học kỳ 1 và 2. Như vậy học sinh sẽ quen và không bỡ ngỡ. Việc ta cần bàn là có nên xác định phân loại trên bằng THPT hay không để dễ phân luồng.
Theo chúng tôi nếu muốn phân luồng từ sau khi tốt nghiệp THCS, thì ta phải tổ chức thi và phân loại nghiêm túc trên văn bằng ở cấp này. Và loại ngay những trình độ yếu kém, những em có thể làm lây lan những mặt tiêu cực cho những học sinh khác. 
Qua thi cử và đánh giá nghiêm túc nhằm xác định trình độ, chất lượng mà ngành giáo dục đã đóng góp được. Và qua kết quả thi cử học sinh cũng tự đánh giá được mức độ tiếp thu và thành quả thực sự về cố gắng của mình, từ đó không ước mơ hảo huyền.
Qua việc phân loại trên bằng cấp, ta có thể bố trí phân luồng cho việc học tập tiếp theo ( dù học bất cứ trường công hay tư ) như vậy mới có một sự phân công bố trí học tập hợp lý, phù hợp với trình độ và năng lực mà sự kiểm tra đã đánh giá. Việc làm đó hẳn có một tác động tích cực đến việc đầu tư và chuyên cần học tập của học sinh.  
Nên bỏ những trường GDTX, vì đó là một kiểu đào tạo không công bằng. Cũng cần bỏ việc đào tạo ĐH TC (tại chức). Trong giáo dục chỉ có một loại bằng cấp và một loại thi cử. Đất nước sau chiến tranh đã gần 40 năm rồi, mọi thứ đào tạo nên chính quy; có như thế nguồn nhân lực mới phát triển lành mạnh.
Chúng ta đừng sợ thiếu cán bộ, chỉ sợ dây dưa một lớp cán bộ èo uột.
Rút ra bài học từ việc thiếu nguồn nhân lực cho ngành CNTT, như Giáo Sư Dennis McCornac đã cảnh báo, chúng tôi đề nghị nên đưa môn ngoại ngữ vào dạy từ lớp 1,  và đưa tin học vào môn thi bắt buộc ở THCS cũng như THPT. Có rèn luyện từ xa như thế thì chuẩn của sản phẩm cuối cùng mới đạt kết quả như mong muốn.
Và cũng cần xem lại tiêu chuẩn sản phẩm đầu ra của SV ngành CNTT. Khâu nào chưa đạt, nhà trường phải củng cố hoàn thiện.
Việc cấp bằng THCS Và THPT, ta không hạn chế số lượng và cũng đừng chạy theo chỉ tiêu mà cần đánh giá đúng mức độ chất lượng, những học sinh có kết quả yếu kém ta sẵn sàng loại.
Về chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ ta phải dựa trên nhu cầu đào tạo hằng năm. Không thả nổi chỉ tiêu và chất lượng đào tạo để đưa đến sự yếu kém về trình độ của SV tốt nghiệp và  sự thừa thải về lực lượng lao động; khi không được sử dụng trình độ SV để lâu sẽ bị mai một. Sự lãng phí này trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ĐT ĐH.
(Báo Thanh niên 20/2/2014 cho biết hiện nay 100.000 người có bằng ĐH thất nghiệp)
Hiện tại chưa chuẩn bị được, thực sự là chưa có nội dung và phương pháp đáp ứng mục tiêu cải cách GD-ĐT thì đừng nên vội đưa ra việc cải cách thi cử. Vì làm như vậy là làm ngược với lộ trình cải cách, gây rối ren thêm cho tâm lý học sinh và phụ huynh. Hơn nữa làm xáo trộn, mâu thuẫn trong quá trình thực hiện.
Nhắc lại câu nói của -Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận “ Đây là một trận đánh lớn” mà “ Người giáo viên là chiến sĩ trong trận đánh này” và “Để bảo đảm thắng lợi chiến sĩ phải có kinh nghiệm trong trận mạc”.
Người ta không nghĩ rằng, trong một trận đánh lớn mà Bộ chỉ huy không có chiến lược, chiến thuật, nghiên cứu kỹ và ra kế hoạch cho trận đánh rõ ràng thì khi vào trận chỉ có nướng quân. Còn trong giáo dục thì ấy là tiêu hao thời gian và công sức của thầy cô giáo và học sinh, sự lãng phí và tốn kém ấy mới là lớn; và người ta có nhận ra rằng sự yếu kém của những người lãnh đạo làm ảnh hưởng đến tương lai của một thế hệ, hơn nữa làm cho sự phát triển của đất nước bị dậm chấn tại chỗ hay nói rõ hơn là tụt hậu.
Nói tóm lại, như câu nói của Thạc sĩ Phạm Hồng Danh (giảng viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM) “ Ngành giáo dục còn thiếu những nhà lãnh đạo có tâm và có tầm” thật là chí lý. 
Copy từ: Ba Sàm

..............

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét