CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

"LẤY ĐỘC TRỊ ĐỘC": BẦU NGA - TRUNG - VIỆT VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN


Blog: Hiệu Minh

Ngoại giao có nhiều tin vui. Bộ trưởng Phạm Bình Minh lên sao Phó Thủ tướng. VN ký công ước UN về chống tra tấn, trừng phại và đối xử tàn nhẫn. Mấy hôm trước, VN vào Hội đồng Nhân quyền UN. Quá vui.

Tin vui về ngoại giao

Ngày 7/11, tại UN New York (Mỹ), Đại sứ Lê Hoài Trung, đã thay mặt Chính phủ VN ký Công ước UN về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).

Gần một tuần sau, 12/11, cùng với 14 nước bao gồm Nga, Trung Quốc, và một số nước khác, Việt Nam cũng được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của UN.

Được thành lập từ năm 2006, Hội đồng Nhân quyền UN có 47 đại diện đóng đô tại Geneve, chuyên theo dõi tình trạng nhân quyền tại các quốc gia, từ việc điều tra các vụ án bị cho là lạm dung, thi hành án tử hình, đến cả máy bay không người lái Mỹ tấn công người vô tội.

Đây là những tin vui cho ngành ngoại giao Việt Nam. Chả thế mà ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, đã tự hào “Việt Nam đã hội nhập quốc tế rất sâu rộng. Khi thế giới hiểu rõ hơn, từ đó họ sẽ có nhận thức, cách nhìn về vấn đề quyền con người ở Việt Nam.”

“Trước đây khi chúng ta không là thành viên, họ nói thậm chí họ ra các nghị quyết mà chúng ta không được tham gia. Còn giờ chúng ta đã có quyền phát biểu, chứng minh bằng hành động, bằng điều kiện thực tế cụ thể để cho họ nhận thức và thấy rõ quyền con người ở Việt Nam.”

Ông Hằng cũng tuyên bố đây là “đòn đánh mạnh vào các đối tượng mà bấy lâu nay cố tình bôi nhọ, vu cáo chúng ta”.

Tin vui khác. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh, vừa được bầu làm Phó Thủ tướng với số phiếu rất cao tại Quốc hội, chứng tỏ ngành này đang được chú trọng hơn. Thời xưa, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao luôn là thành viên Bộ Chính trị. Nhưng thời của ông Phạm Bình Minh chỉ là UV TW.

Một quốc gia không coi Ngoại giao là quan trọng thì khó mà hội nhập với thế giới. Đối nội, đối ngoại phải song hành mới mong cải thiện hình ảnh đất nước.

Nhiệm vụ trước mắt

Phát biểu sau khi có kết quả bầu VN vào Hội đồng Nhân quyền, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói “Việt Nam sẽ thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc”.

Đúng thế. Từ nay, chúng ta phải tỏ rõ thái độ và chỉ cho thế giới biết, Việt Nam không có tù nhân lương tâm, không bắt bớ giam cầm vô tội vạ, không tra tấn, không đối xử vô nhân đạo, cảnh sát không đạp mặt dân, người bị bắt vào đồn công an không thể “bỗng dưng treo cổ”, “tự nhiên ngất và chết”.

Sẽ không còn chuyện bị bắt vì bao cao su đã qua sử dụng lại thành tội phạm chống nhà nước.

Sẽ không có những tòa án kiểu Kangaroo, xử vội xử vàng, kết tội lấy được, xử công khai nhưng không ai được vào phòng xử án. Loa tậm tịt phát ra ngoài nếu người bị tố cáo lên tiếng phản bác.

Sẽ không còn chuyện bắt bớ blogger bởi họ lên tiếng một cách ôn hòa về những sai trái của chính quyền.

Đất nước chuyển sang tam quyền phân lập, báo chí thành lực lượng thứ 4, blog, facebook thành lực lượng thứ 5, giám sát quyền lực.

Nếu các thế lực thù địch bôi nhọ thì đưa các thành viên Hội đồng Nhân quyền đến tận nơi để phỏng vấn và điều tra. Làm ra môn ra khoai, hết trò lấp liếm “VN không có tù nhân lương tâm” trên cái loa phường, mấy bác nông dân mù chữ cũng chả tin.

Vào Hội đồng này thì không thế nói, Việt Nam có đặc thù riêng, có cách hiểu nhân quyền riêng, khác với chuẩn mực quốc tế, nghe chối tai.

Bà Phạm Chi Lan trả lời phỏng vấn của BBC rằng, Việt Nam phải làm ngay các bước để cải thiện tình hình nhân quyền:
“Trước hết, Hiến pháp của Việt Nam phải làm rõ hơn các quyền về con người, cũng như các vấn đề về nhân quyền đã được nêu ở trong Hiến pháp.

“Sau đó, Việt Nam phải hoàn thiện hệ thống luật pháp của mình để làm rõ hơn các quyền của công dân, quyền con người được quy định trong Hiến pháp sẽ thực hiện như thế nào.”

“Và thứ ba, về cơ chế thi hành từ luật đến thực hiện như thế nào, đây cũng là việc Việt Nam cũng phải tập trung nhiều nỗ lực.”

Một số quyền của công dân Việt Nam mà lâu nay chưa có đủ các cơ sở, điều kiện pháp lý để thực hiện tốt như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do báo chí, quyền lập hội, hay quyền biểu tình v.v…, theo bà Chi Lan, phải được luật hóa tốt hơn.

Chỉ cần làm được như thế thì các thế lực thù địch hết mở loa rè, mua vũ khí ở Mỹ cũng được thay vì mua của Nga, VN mạnh rồi, không kẻ nào xâm lược nổi, vì có cộng đồng quốc tế đứng bên cạnh. Dân chúng sẽ ủng hộ đảng CS dù bây giờ đang mất hết uy tín.

“Lấy độc trị độc”

Gọi điện thoại cho anh bạn về chuyện này. Anh cười, nhớ lại thời trẻ con đi học. Lớp có một thằng to đầu, nói năng hỗn láo, chẳng coi ai ra gì. Khi thầy giáo hết chịu nổi, định đuổi học, thì cô hiệu trưởng đứng ra bảo kê, để cô ấy chủ nhiệm một thời gian.

Cô về tổ chức lại lớp, bầu lại lớp trưởng, lớp phó. Cô chọn luôn thằng cu đầu gấu làm lớp trưởng. Hình như có chức vị chút, có oai chút, nhưng nhận thấy trách nhiệm của mình, cần phải gương mẫu, thế là cu ấy ngoan dần lên, học rất giỏi.

Anh cười, kế UN “lấy độc trị độc” chưa chừng lại hiệu quả hơn là để các quốc gia mất nhân quyền nhất thế giới đứng ngoài. Nga, Trung, Việt vào ngồi bàn với nhau bảo vệ dân, chống tra tấn, chắc sẽ hay hơn vì họ có lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa Mác Lê soi sáng cho loài người.

Chả biết có được như thế không. Nhưng bây giờ cứ hy vọng nhân quyền VN sẽ tốt lên. Có xấu thì ít nhất cũng không thể xấu hơn bây giờ. Vui đi các bạn.
Copy từ: Thùy Linh’ blog


.....................

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét