CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Phải nêu cao tinh thần cảnh giác khi tắm tiên?

Police 
Việt Nam nên học Trung Quốc, khi này hôm qua, thay vì phát công văn “nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm rõ với những đối tượng quay phim, chụp ảnh”, họ sa thải liền lúc 8 nhân viên cảnh sát chỉ vì những nhân viên công vụ này “tắm tiên” tại một điểm du lịch.


Tháng 9-2011, Tòa án Luton Crown (Anh) đã tuyên phạt cậu thanh niên 19 tuổi Paul Thompson hai tháng tù giam chỉ vì một hành vi hết sức ngớ ngẩn: Dùng điện thoại chụp ảnh tại tòa án.

Câu chuyện xảy ra như sau: Thompson đang ngồi trong phòng xử một phiên tòa hình sự thì nhận được tin nhắn của bạn gái hỏi xem anh đang ở đâu. Do không thể gọi điện trả lời, Thompson giơ điện thoại BlackBerry chụp một tấm ảnh phòng xử án, trong đó có hình ảnh nạn nhân của vụ tấn công đang được xét xử, rồi gửi cho bạn gái mình.


Anh lập tức bị bắt. 60 phút sau, Thompson xuất hiện tại tòa, sau hành móng ngựa do cáo buộc “Không chấp hành mệnh lệnh của tòa án”. 75 phút sau khi giơ điện thoại, anh bị tuyên phạt hai tháng tù giam.
Thompson, trong một khoảnh khắc thiếu suy nghĩ, cũng mới chỉ gửi ảnh cho bạn gái, chứ chưa đăng trên facebook, và có “hoàn cảnh” là còn “một con chó 8 tuần tuổi ở nhà không ai nuôi”, đã thốt lên “Tôi đúng là một thằng ngu” trước khi vào nhà đá.


Theo điều 41 Đạo luật pháp lý hình sự năm 1925 của Anh, không ai được phép chụp bất cứ một tấm ảnh nào tại tòa án hoặc chụp ảnh chân dung của những người tại tòa án như thẩm phán, hội thẩm, nhân chứng hoặc các bên trong vụ án, bất kể đó là vụ án dân sự hay hình sự. Quy định này nhằm bảo vệ cho các cá nhân liên quan đến vụ án. Bởi khi bị chụp ảnh, người đó có thể phải đối mặt với việc bị trả thù hoặc đe dọa.
Hơn nữa, chụp một tấm ảnh, bị cáo chẳng hạn, được cho là vi phạm quyền hình ảnh, ngay cả khi bị cáo đó phạm tội và bị kết án.


Chó không ai nuôi thì kệ chó. Luật là luật.


Nhưng cũng bởi “Luật là luật”, cho nên, Thompson sẽ hoàn toàn không bị kết tội nếu anh chụp ảnh Thủ tướng Anh, trừ phi ông ngủ trên giường. Bởi khác với trường hợp các bị cáo, Thủ tướng là người thực thi nhiệm vụ công, và ông “được” người dân giám sát, bằng một tấm ảnh chụp từ điện thoại BlackBerry, hoặc quay phim bằng một chiếc iPhone chẳng hạn. Đối với một người công vụ, trong những không gian công vụ, chẳng có gì là riêng tư hết.


Giờ sang chuyện Việt Nam. Google vừa công bố số liệu khảo sát về hành vi người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) ở Việt Nam, với một con số “giật mình”: 17 triệu người Việt Nam đang dùng smartphone, loại điện thoại thông minh có thể ghi âm “chất” hơn một chiếc máy ghi âm chuyên nghiệp, quay camera với độ phân giải lên đến “tám chấm”. Và chụp ảnh “nét như Sonny”.

Người giật mình nhất, có lẽ là đại tá Trần Sơn Hà.


Từ hai hôm nay, vị đại tá đang đối mặt với cơn bão dư luận khi ông ký một văn bản cầu lực lượng CSGT “nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm rõ với những đối tượng quay phim, chụp ảnh CSGT khi chưa được phép. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.


Chuyện này khiến dư luận nhớ lại việc Hải Phòng cấm học sinh ghi âm trong giờ học sau một clip cô giáo chửi như hát hay suốt 18 phút được tung lên mạng. Và Bộ Giáo dục hôm nay cho phép, ngày mai cấm liền việc học sinh mang máy ghi âm ghi hình vào phòng thi. Còn trong chính lực lượng CSGT, cũng không ít những quy định: CSGT chỉ được mang theo 100 ngàn. CSGT không được mang theo điện thoại di động khi tuần tra…Có lẽ, việc  “nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm rõ” chỉ cho thấy những quy định cấm trước đó dường như làm tốt hơn lên hình ảnh người CSGT trong mắt dân chúng. Bởi tốt rồi thì còn cần gì phải “nêu cao tinh thần cảnh giác”.


“Tôi không ký văn bản nào thể hiện cấm báo chí chụp ảnh, quay phim”- Đại tá Hà thanh minh sau đó.
“Dân quay phim, chụp ảnh thì hai bên phải cộng tác với nhau. Cảnh sát cũng phải hỏi người quay có phải là nhà báo không? Nếu là công dân thì anh có giấy tờ gì không? Anh quay với mục đích gì?  Sợ quay xong cứ đưa lên facebook, đưa lung tung hết cả lên thì cũng mệt”. Và “Giám sát thì cũng phải mang tính chất xây dựng, chứ cứ quay lung tung là không mang tính chất xây dựng”- ông giải thích.


“Đấu tranh làm rõ”, nhưng không phải là “cấm”. “Cộng tác với nhau” nhưng phải trình giấy tờ, nói rõ mục đích ghi hình và phải mang tính xây dựng. Thật là lằng nhằng và khó hiểu.


Thực ra, chỉ cần xác định rõ cái gì cần phải cấm: Cấm dùng smartphone khi nó thông minh và tiện lợi còn hơn cả một chiếc camera. Cấm Internet, khi ngay lập tức có thể loan truyền nhanh nhất và hiệu quả nhất tới những người có trách nhiệm về tiêu cực của lực lượng công vụ? Cấm công dân thực hiện quyền giám sát, một quyền có thể gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người CSGT? Hay phải cấm triệt để tiêu cực trong lực lượng CSGT bằng cách kêu gọi người dân tích cực ghi hình tiêu cực? Câu hỏi, trong nó cũng đã chứa câu trả lời rồi.


Còn nhớ trong buổi tọa đàm Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hồi đầu tháng 7, có người đã đề xuất Bộ trưởng Công an lập Facebook nhận phản ánh CSGT tiêu cực. Còn hôm nay, khi đưa tin về quy định phải nói là rất dở của ngành CSGT, có tờ báo đã dùng ảnh minh họa là một chiến sĩ CSGT đang quét những mảnh chai rơi khắp mặt đường hay giúp dân mang hàng trong cảnh phố phường ngập nước.
Đấy. Người dân, báo chí cũng muốn “xây dựng” đấy thôi. Và chỉ rõ những “con sâu” đang làm “rầu nồi canh” về sự hy sinh, phản ánh những tiêu cực đang làm méo mó hình ảnh người CSGT thực ra cũng là một cách xây dựng.


Có lẽ chúng ta nên học Trung Quốc, khi này hôm qua, thay vì phát công văn “nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm rõ với những đối tượng quay phim, chụp ảnh CSGT khi chưa được phép”, họ sa thải liền lúc 8 nhân viên cảnh sát chỉ vì những nhân viên công vụ này “tắm tiên” tại một điểm du lịch. Bởi điều đó “làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh cảnh sát”.



Copy từ: Blog Đào Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét