CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Ông Lê Hiếu Đằng kêu gọi bỏ đảng cộng sản, lập đảng mới



SÀI GÒN  (NV) .- Một đảng viên nổi tiếng vừa công bố qua một bức thư khá dài trình bày lý do tại sao ông kêu gọi bỏ đảng tập thể và hô hào lập một đảng chính trị đối lập với đảng CSVN.
Ông Lê Hiếu Đằng, đảng viên hơn 45 tuổi đảng, lên  tiếng kêu gọi bỏ đảng và hô hào lập đảng đối lập với đảng CSVN. (Hình: tài liệu trên báo Thể Thao – Văn Hóa)
Ông Lê Hiếu Đằng, đảng viên CSVN kỳ cựu, từng là “phó Tổng Thư Ký Ủy ban Trung ương Liên Minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và Hòa bình Việt Nam” (một tổ chức do đảng CSVN thành lập làm bình phong xâm chiếm miền Nam), phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) ở Sài Gòn (từ 1989-2009) và đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Sài Gòn khóa 4, khóa 5”.
Ông Đằng theo Cộng Sản khi còn là sinh viên Luật ở Sài Gòn và gia nhập đảng cộng sản từ năm 1966.

Sau một thời gian lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền về nhiều vấn đề cũng như tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền, ông vừa được một số trang mạng phổ biến bài viết “Suy nghĩ những ngày nằm bịnh...” mà ông gọi là “thanh toán”, “tính sổ” lại tất cả.

Toát ra trong một bài viết dài hơn 6,900 từ, ông Lê Hiếu Đằng nhận ra cái đảng và chính quyền CSVN là một “chế độ toàn trị đã phản bội và tước đoạt các quyền cơ bản (của người dân), vất bỏ tuyên ngôn nhân quyền và nhai đi nhai lại luận điệu mỗi nước có hoàn cảnh riêng, có vấn đề nhân quyền riêng”.

Ông Đằng kể lại những gì ông đã trải nghiệm từ thời trai trẻ theo cộng sản, tửng có một lý tưởng tranh đấu “cho một xã hội công bằng tự do dân chủ”, nhưng những gì đã diễn ra chỉ là “Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày trở thành kiêu binh”.

“Trong chế độ này không có chỗ cho người trung thực mà chỉ dành cho những người nói láo, tránh né đấu tranh” Ông viết. “...Hiện nay xu hướng chạy theo chủ nghĩa Mác Lê Nin Chủ nghĩa Xã Hội đã lạc điệu, không còn phù hợp nữa và đã sụp đổ tan tành ở ngay quê hương Xô Viết. Hiện nay là cuộc đấu tranh trên thế giới về dân quyền, dân sinh, dân chủ, tự do, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường”.

Ông Lê Hiếu Đằng “không tin lắm về sự tự giác của một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước sớm thấy tình hình và xu thế phát triển hiện nay để đặt lợi ích của Đất nước, Tổ quốc lên trên trên hết mà có một giải pháp hợp lý, không vì lợi ích và sự tồn tại của Đảng, của chế độ”.
Ông cổ võ “cương quyết đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ và tiến bộ, tôn trọng thực hiện những lý tưởng của biết bao thế hệ cha anh chúng ta về một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, tiến bộ xã hội, văn minh, giàu mạnh”.

Ông đả kích các chính sách điều hành kinh tế sai lầm “nhận chìm các tầng lớp nhân dân”, “đi ngược lại các quy luật tự nhiên” làm dân đói khổ cũng như các đợt “đánh tư sản mại bản” làm hàng trăm ngàn người vượt biên rồi rất nhiều người chết trên biển, bị hải tặc hãm hiếp mà ông nói “tất cả những điều đó là tội ác của Đảng và Nhà nước Việt Nam, không thể nói khác được”.
Ông Lê Hiếu Đằng cũng là một trong 72 người nhân sĩ trí thức đầu tiên ký vào bản kiến nghị đòi hỏi đảng và nhà nước CSVN bỏ điều 4 hiến pháp, chấp nhận đa nguyên đa đảng để đất nước có dân chủ, tự do thật sự. Bản kiến nghị này được hơn một chục ngàn người, trong đó rất động là đảng viên kỳ cựu của đảng CSVN hưởng ứng, gửi cho những người đứng đầu chế độ.

* Lập đảng mới

“Không thể không đa nguyên đa đảng được, và như vậy Điều 4 Hiến Pháp hiện nay là vô nghĩa”. Ông viết như vậy và tiên đoán “Trước sau gì các vị lãnh đạo của Đảng Cộng Sản phải chấp nhận thách thức này: các đảng, tổ chức đối lập sẽ đấu tranh bình đẳng với Đảng Cộng sản trong các cuộc bầu cử hợp pháp có quan sát viên Quốc tế giám sát như hiện nay Campuchia đã làm”.

Theo nhận định của ông Đằng, trong nam ngoài bắc Việt Nam, hiện đã hình thành nhiều khuynh hướng đấu tranh cho một một thể chế dân chủ qua sự lên tiếng của nhiều nhà trí thức, nhân sĩ trong nước về các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước, dù bị nhà cầm quyền cấm cản, đàn áp.
“...tôi biết nhiều đảng viên đang muốn ra khỏi Đảng, hoặc không còn sinh hoạt Đảng (giấy sinh hoạt bỏ vào ngăn kéo). Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội, những Đảng đã có trên thực tế trước đây cho đến khi bị ĐCS bức tử phải tự giải tán?”

Ông Lê Hiếu Đằng viết. “Tại sao tình hình đã chín mùi mà chúng ta không dám làm điều này vì chủ trương không đa nguyên đa đảng chỉ là chủ trương của Đảng chứ chưa có một văn bản pháp lý nào cấm điều này? Mà nguyên tắc pháp lý là điều gì luật pháp không cấm chúng ta đều có quyền làm.”


Theo ông Đằng “Đó là quyền công dân chính đáng của chúng ta. Không thể rụt rè, cân nhắc gì nữa. Đây là một yếu tố sẽ làm cho xã hội công dân, xã hội dân sự mạnh lên, không có thế lực nào ngăn cản được. Đây là cách chúng ta phá vỡ một mảng yếu nhất của một nhà nước độc tài toàn trị hiện nay. Chẳng lẽ nhà nước này bắt bỏ tù tất cả chúng ta sao?”

Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng”Giờ hành động đã đến. Không chần chừ, do dự được nữa”.
Lần đầu tiên, người ta thấy một đảng viên nhiều tiếng tăm của đảng CSVN lên tiếng công khai mạnh mẽ như vậy.

Khi chế độ Hà Nội kết án tù hai sinh viên Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên hồi Tháng 5 vừa qua với các bản án nặng nề, ông Lê Hiếu Đằng nói các bản án đó “phản ảnh khuynh hướng phát-xít đáng ngại”. Sau đó khi hay tin nhà nước bắt blogger Truong Duy Nhất, nổi tiếng với blog “Một góc nhìn khác” ông Đằng coi hành động của nhà cầm quyền Hà Nội là “Bắt ông Nhất để dọa người yếu bóng vía”.

Trong một cuộc phỏng vấn của đài RFA hồi tháng 5 vừa qua, ông Lê Hiếu Đằng cho rằng “Chúng ta không mong gì có thay đổi ở một nhà nước toàn trị cả”. Có thể từ những suy nghĩ như vậy lâu nay mà ở lúc nằm trên giường bệnh ông đã viết một bài coi như một phát súng báo hiệu cho một phong trào đấu tranh chính trị vận động dân chủ hóa đất nước hay không? Chờ xem phản ứng của dư luận và những diễn biến thời sự ở Việt Nam. (TN)


Copy từ: Người Việt


  Đọc thêm:  
 + Cần cho lập thêm các đảng đối lập với đảng Cộng sản Việt Nam
 +   Suy nghĩ trong những ngày nằm bịnh…



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét