CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Chuyện bất thường ở cuộc họp báo

Không chỉ với Bộ Công thương mà cả EVN, trong một số lần điều chỉnh giá điện gần đây cũng lảng tránh việc họp báo. Do đó, người dân, doanh nghiệp càng có cơ sở để tin, các thông tin liên quan đến việc điều chỉnh giá điện luôn không minh bạch, rõ ràng.

Chiều 5/8 tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ Công thương - buổi họp diễn ra chỉ sau 4 ngày tăng giá điện, hàng chục phóng viên các báo đến dự họp chuẩn bị câu hỏi về tăng giá điện đã bất ngờ, hẫng khi lãnh đạo bộ Công thương từ chối trả lời các câu hỏi này. Đơn giản chỉ với câu nói: “Chúng tôi không giải thích thêm nữa, vì trong thời gian qua đã nói quá nhiều rồi. Buổi họp kết thúc ở đây”.
tăng giá điện, EVN, Bộ Công thương, công khai, minh bạch
Công trình thủy điện Sơn La. Ảnh: Vũ Điệp
Người nói câu ấy là Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. Dường như việc sẽ từ chối nói về giá điện đã được Bộ Công thương dự kiến từ trước do Thứ trưởng Thoa không phải là người am hiểu và cũng không phải là người phụ trách theo dõi, chỉ đạo về lĩnh vực năng lượng, trong đó có điện lực.

Đúng là trước đó, lãnh đạo bộ Công thương, cục Điều tiết điện lực và EVN đã có trả lời một vài báo. Nhưng theo đánh giá của giới phóng viên, dường như đó là những tờ báo, những nhà báo vốn có “quan hệ” nhất định với lãnh đạo các cơ quan này để những thông tin, những giải thích về chuyện tăng giá điện được thực hiện có tính định hướng, xuôi chiều…Trong khi đó, với rất nhiều cơ quan báo chí khác, chưa có cơ hội để thực hiện phỏng vấn, để thông báo cho độc giả , người xem truyền hình…về những lý do, nguyên nhân phải điều chỉnh giá điện lần này thì đã bị từ chối.

Đáng nói là trước đó vài ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có đề nghị Bộ Công thương, EVN khi điều chỉnh giá điện cần phải có kế hoạch thông tin, tuyên truyền, giải thích đầy đủ cho nhân dân về việc điều chỉnh giá điện.

Trước đây cũng vậy, với mỗi lần điều chỉnh giá những mặt hàng quan trọng: xăng, dầu…Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Văn Phòng Chính phủ…đều nêu ý kiến, các bộ, ngành, cơ quan liên quan phải tổ chức họp báo để giải thích cho người dân, doanh nghiệp hiểu, qua đó nhận được sự đồng thuận để chính sách có tính khả thi cao.

Trong các yêu cầu về xây dựng, ban hành chính sách trong những năm gần đây , Chính phủ cũng đã có quy định các cơ quan soạn thảo, ban hành chính sách phải lấy kiến đánh giá tác động đến các nhóm đối tượng có liên quan. Cụ thể tại Điều 4 của Luật ban hành văn bản QPPL quy định: “Trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia góp ý kiến về dự thảo văn bản; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản”.

Người ta đã ngạc nhiên là tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ ngày 31.7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa nói rằng, trong việc điều chỉnh giá điện lần này, EVN cần phải lấy ý kiến người dân-một việc mà như theo điều 4, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định nhưng ngay trong ngày hôm sau, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư về việc điều chỉnh giá điện và EVN đã thông báo việc điều chỉnh giá điện khiến nhiều báo đã ví von việc điều chỉnh giá lần này như một việc “đánh úp” người dân và doanh nghiệp. Không hiểu chỉ trong chưa đầy một ngày, Bộ Công thương đã có nghe ý kiến người dân và giải thích trước về điều chỉnh giá điện hay không ?

Không chỉ với Bộ Công thương mà cả EVN, trong một số lần điều chỉnh giá điện gần đây, tập đoàn này cũng lảng tránh việc họp báo. Do đó, người dân, doanh nghiệp càng có cơ sở để tin, các thông tin liên quan đến việc điều chỉnh giá điện luôn không minh bạch, rõ ràng.

Một chuyên gia trong tổ thẩm định giá của Bộ Tài chính mới đây cũng đã nói trước với hàng chục phóng viên theo dõi về ngành điện rằng, ông cũng thấy có sự không minh bạch của ngành điện. Một ví dụ dễ thấy nhất là trong các buổi họp tham vấn ý kiến về điều chỉnh giá điện, sau khi họp xong, EVN đã thu lại tất cả tài liệu của các đại biểu dự họp với lý do là: đây chưa phải bản thảo cuối. Chuyên gia này nói rằng, EVN rõ ràng không muốn tung các thông tin trong tài liệu đó ra ngoài và cá nhân ông thấy điều đó là sự không minh bạch.

Các cuộc thanh tra, kiểm toán của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính trong những năm gần đây với EVN đều phát hiện ra không ít sai phạm về tài chính, trong đó có cả những nội dung, chi phí liên quan đến giá điện. Ví dụ như Kiểm toán Nhà nước đã từng phát hiện EVN giấu những khoản chi phí lên đến hàng trăm tỉ đồng; có việc chuyển lỗ từ công ty Viễn thông điện lực (EVN Telecom-thua lỗ, đã sáp nhập vào tập đoàn Viettel) vào sản xuất, kinh doanh của tập đoàn…Tất cả cho thấy, có những khuất tất nhất định về tài chính, về giá của EVN mà người tiêu dùng, các doanh nghiệp khác phải gánh thay một phần qua việc trả tiền điện là điều không sòng phẳng.

Do đó, tất cả những vấn đề này cần phải được lãnh đạo Bộ Công thương, EVN giải thích đầy đủ, ở một cuộc họp báo công khai, đàng hoàng. Nếu như lãnh đạo Bộ Công thương, EVN cho rằng, những nguyên nhân, lý do điều chỉnh giá điện là đúng đắn, hợp lý thì tại sai phải lẩn tránh các câu hỏi trong một cuộc họp báo như vậy ? Nếu giải thích đúng, đầy đủ, với sự có mặt đông đảo, đầy đủ của cơ quan báo chí thì đó là cơ hội để tăng hiệu quả thông tin, tuyên truyền về giá điện để người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu và ủng hộ chứ sao ?

Mạnh Quân/Vietnamnet


Copy từ: Cu Làng Cát

http://culangcat.blogspot.co.uk/2013/08/chuyen-bat-thuong-o-cuoc-hop-bao.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét