CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Người Việt chờ 40 năm để được làm người Việt

TTO - Coi đi coi lại 6 lá thư dấu bưu điện còn mới tinh của Sở Tư pháp TP.HCM mời lên nhận quyết định cho nhập quốc tịch VN của Chủ tịch nước, mấy mẹ con cụ Cao Thị Vân (đường Trần Quang Khải, Q. 1, TP.HCM) xem ra vẫn chưa hết vui mừng.
Bà Khưu Zou Hoa nói về việc mình đã chính thức được trở thành người Việt - Ảnh: Tự Trung





Bởi đấy là điều mà gần 40 năm nay, 8 người trong gia đình bà mong mỏi.
Cụ Cao Thị Vân (94 tuổi) là người tỉnh An Giang đã sang Campuchia sinh sống. Năm 1975 vợ chồng bà cùng 10 người con dắt díu nhau về Việt Nam. Từ bấy đến nay, một số người con của bà lấy vợ, chồng là người Việt Nam đã có hộ khẩu, còn 8 mẹ con bà cháu nhà bà đến nay vẫn chưa. Các con của cụ Vân cho biết sẽ cố gắng đưa cụ ra hội trường thành phố để nhận quyết định.   
Những cái tên mới
Tại số nhà 197 Lê Văn Sĩ, phường 13, quận 3, bà Chan Bopha, sinh ra tại Campuchia, đang bận rộn với công việc bán cháo trắng cá mặn. Ở đây mọi người gọi bà Bopha là Cao Ngọc Duyên. “Cao Ngọc Duyên là tên do cụ Cao Văn Tri đặt cho tôi đấy. Mấy mươi năm trước về đây ở gia đình tôi đã được cụ giúp đỡ rất nhiều. Lúc muốn nhập quốc tịch Việt Nam, cán bộ pháp lý nói rằng nên chọn một cái tên nào thuần Việt nên tôi lấy theo họ của cụ Tri luôn, cụ như cha tôi vậy”. Bà Chan Bopha nói như thế về cái tên bằng tiếng Việt của mình.
Bà Chan Bopha và con trai là Ngâuv Dimanche (tên Việt là Nguyễn Minh Phú) sẽ chính thức được nhập quốc tịch Việt Nam. Bà nói: “Tôi rất vui. Ở đây mọi người rất tốt, tôi vẫn được mua bảo hiểm y tế và tham gia hội phụ nữ, các đoàn hội không phân biệt đối xử gì với gia đình tôi cả, nhưng không có quốc tịch Việt và không có giấy tờ thì chẳng dám đi đâu”. Đồng thời bà khẳng định: “Bây giờ Việt Nam là quê hương của tôi rồi, bên Campuchia tôi chẳng còn ai thân thích nữa nên cũng chẳng về bên đó”.
Và những mong ước nho nhỏ
Đã 10 năm tham gia Đại hội Thể thao người khuyết tật toàn quốc, anh Nguyễn Duy Minh (32 tuổi, quận 1) cho biết chưa năm nào mình được đi máy bay dự đại hội cùng mọi người trong đoàn vì anh không có quốc tịch và không có chứng minh nhân dân. Để chuẩn bị cho kỳ Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào ngày 24-7 tới, anh Minh đang nỗ lực luyện tập hết sức mình. Anh tâm sự: “Tôi có quyết định nhập quốc tịch rồi đấy, tôi sẽ chỉ phải đi tàu hỏa năm nay nữa thôi, kỳ đại hội sau tôi sẽ được đi máy bay”.
Gia cảnh khó khăn nên Minh phải nghỉ học để mưu sinh rất sớm bằng nghề bán vé số, làm tranh cát. “Cán bộ ở phường bảo nếu tôi có quốc tịch Việt Nam rồi thì sẽ được nhận trợ cấp dành cho người khuyết tật. Hiện nay thu nhập của tôi chỉ được 2 triệu đồng/tháng nên vẫn phải sống nhờ vào hàng bán hủ tiếu buổi sáng của mẹ” - anh Minh cho biết.
Không chỉ anh Nguyễn Duy Minh, bà Nguyễn Thị Tại hi vọng người mẹ già yếu của bà là cụ Cao Thị Vân cũng sẽ được nhận một khoản trợ cấp nho nhỏ dành cho các cụ cao tuổi.
Ngày 17-4-2013 Chủ tịch nước Việt Nam đã ký quyết định số 761/QĐ-CTN về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam cho 576 người không có quốc tịch cư trú trên địa bàn TP.HCM. Người lớn tuổi nhất là cụ Đỗ Đông Chí sinh năm 1911 và người nhỏ tuổi nhất là anh Thái Phương Nam sinh năm 1988.
HOÀNG ĐIỆP


Copy từ: Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét