CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2013

KIẾN NGHỊ: Bỏ quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng & Xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng

LS Trần Vũ Hải gửi thư ngỏ đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ kiến nghị: Hủy bỏ quy định về Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng sản xuất vàng miếng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——***—–
                                                                      Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2013

KIẾN NGHỊ
(Hủy bỏ quy định về Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng sản xuất vàng miếng tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP)

Kính gửi:                   Ủy ban thường vụ Quốc hội (Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng)
Đồng kính gửi:          Chính phủ (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

Tôi – Trần Vũ Hải, công dân Việt Nam, hành nghề luật sư tại địa chỉ số 81 phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội – căn cứ Điều 53 Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước…”, xin gửi tới Quý Cơ quan kiến nghị có nội dung sau đây:
Ngày 03/04/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ ngày 25/05/2012. Điều 4 khoản 3 Nghị định này quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, và theo Nghị định này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thay mặt Nhà nước thực hiện độc quyền này. Theo Điều 16 khoản 2 của Nghị định này, vàng miếng được bổ sung vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước, tức được coi là ngoại hối theo Luật Ngân hàng.
Chúng tôi thấy rằng quy định về độc quyền này là không phù hợp Luật Ngân hàng, Pháp lệnh ngoại hối hiện hành và một số luật khác.
          Điều 4 Luật Ngân hàng (được ban hành năm 2010) về nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN có quy định: “… Quản lý nhà nước về ngoại hối, hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng”, “quản lý Dự trữ ngoại hối Nhà nước…” nhưng không quy định NHNN thay mặt Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng làm vàng miếng.
          Điều 31 Luật Ngân hàng quy định những nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN về quản lý ngoại hối và hoạt động ngoại hối, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn: “…Cấp, thu hồi giấy phép hoạt động ngoại hối cho tổ chức tín dụng, các tổ chức khác có hoạt động ngoại hối…”.
          Điều 33 Luật này quy định:“Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc mua, bán ngoại hối trên thị trường trong nước vì mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia; mua, bán ngoại hối trên thị trường quốc tế và thực hiện giao dịch ngoại hối khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.”
Như vậy, Luật Ngân hàng 2010 không cấm các tổ chức tín dụng (TCTD) và các tổ chức khác có hoạt động  ngoại hối (trong đó có hoạt động sản xuất vàng miếng, kinh doanh xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng sản xuất vàng miếng), nhưng phải được NHNN cấp phép khi có hoạt động ngoại hối. Luật Ngân hàng 2010 cho phép NHNN thực hiện việc mua bán ngoại hối (trong đó có vàng miếng) nhưng không quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng miếng.
Theo Điều 31 Pháp lệnh ngoại hối 2005: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng của tổ chức tín dụng và các tổ chức được phép kinh doanh vàng.” Như vậy, các TCTD và các tổ chức khác được phép kinh doanh vàng được quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu (kể cả vàng miếng), nhưng phải chịu sự quản lý của NHNN. Do đó, quy định độc quyền Nhà nước về xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng của Nghị định 24/2012/NĐ-CP trái với  Pháp lệnh ngoại hối 2005 (đang có hiệu lực).
Luật Các Tổ chức tín dụng (ban hành năm 2010) cho phép các TCTD hoạt động kinh doanh dịch vụ ngoại hối (trong đó có kinh doanh vàng miếng) theo quy định của NHNN, không có quy định nào cấm các TCTD kinh doanh sản xuất vàng miếng và xuất nhập khẩu nguyên liệu sản xuất vàng miếng.
Luật Thương mại không có điều khoản nào quy định Nhà nước độc quyền kinh doanh xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng để sản xuất vàng miếng.
Không có điều khoản nào của Hiến pháp, không có luật nào, Pháp lệnh nào quy định Chính phủ được quyền tuyên bố Nhà nước tước quyền kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó của các chủ thể khác để giành độc quyền kinh doanh cho mình như theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Nghị định này của Chính phủ đã tước bỏ quyền kinh doanh sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu nguyên liệu vàng để sản xuất vàng miếng của các TCTD và các tổ chức khác có hoạt động kinh doanh vàng, tuyên bố Nhà nước độc quyền kinh doanh trong những lĩnh vực này. Quy định này khiến nhiều TCTD và các tổ chức khác bị thiệt hại, nhưng không được bồi thường, gián tiếp để các cổ đông của họ bị thiệt hại do doanh nghiệp giảm sút lợi nhuận, thậm chí bị lỗ, dẫn đến giá cổ phiếu (giá trị tài sản của các cổ đông) sụt giảm.
Thực tế, khi NHNN thực hiện độc quyền sản xuất vàng miếng, chênh lệch giá vàng tại Việt Nam và thị trường quốc tế tăng cao. Lãnh đạo NHNN cho rằng chênh lệch này thuộc về ngân sách Nhà nước. Sự biện bạch này rất nguy hiểm, vì thực tế NHNN có lợi là chủ yếu khi công bố kết quả tài chính. Kết quả tài chính tốt, các cán bộ công chức nhân viên của NHNN sẽ được đảm bảo thưởng, phúc lợi ở mức cao, kinh phí khoán và kinh phí khác của NHNN được điều chỉnh tăng. Mặt khác, không thể vì lý do lợi nhuận chuyển về ngân sách Nhà nước để Nhà nước độc quyền kinh doanh trong bất cứ lĩnh vực gì.
 Rõ ràng việc Chính phủ tuyên bố độc quyền kinh doanh về sản xuất, xuất nhập khẩu vàng miếng trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường pháp lý kinh doanh tại Việt Nam. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân lo ngại, Chính phủ có thể tuyên bố độc quyền kinh doanh trong các lĩnh vực khác với lý do mang lại lợi nhuận cho ngân sách Nhà nước. Ví dụ các cơ quan Nhà nước khác noi gương NHNN đề xuất Nhà nước độc quyền kinh doanh sản xuất, xuất nhập khẩu khoáng sản, xăng dầu, lương thực, sữa, dược phẩm…, định giá theo ý muốn (cao hơn hoặc thấp hơn so với thị trường quốc tế) với lý do chênh lệch giá sẽ thuộc về ngân sách Nhà nước. Trong tình hình khó khăn về ngân sách Nhà nước, những đề xuất này có vẻ hợp lý và Chính phủ có lý do để xem xét, vì đã có tiền lệ tuyên bố Nhà nước độc quyền kinh doanh về vàng miếng như theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP.
Để đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, chúng tôi đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội căn cứ Điều  91 Hiến pháp, tạm đình chỉ hiệu lực quy định  Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP và yêu cầu Chính phủ hủy bỏ nội dung này, vì nội dung đó không phù hợp với Luật Ngân hàng 2010, Luật các Tổ chức tín dụng 2010, Luật Thương mại, Pháp lệnh ngoại hối 2005.
Trân trọng.

        
 Trần Vũ Hải


Copy từ: Anh Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét