CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

EU thông qua Nghị quyết tố cáo VN đàn áp tự do ngôn luận



Ỷ Lan, thông tín viên RFA
000_Par7465613-305.jpg
Một phiên họp của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg miền đông nước Pháp vào tháng 2 năm 2013.
AFP PHOTO


Chiều ngày 18.4, Quốc hội Châu Âu đã họp tại trụ sở Strasbourg miền Đông bắc nước Pháp để thảo luận Nghị Quyết về Việt Nam do 6 chính đảng đề xuất. Dưới sự chủ tọa của ông Miguel Angel Martinez, một đảng viên Cộng sản, cuộc tranh luận rất sôi nổi về tình hình nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam. Vào lúc 5 giờ chiều, bản Nghị Quyết đã được thông qua với đa số các chính đảng đại diện 754 dân biểu, ngoại trừ Nhóm Cực Tả bỏ phiếu trắng.
Bản Nghị quyết phản ảnh sự quan tâm mà các tổ chức nhân quyền quốc tế nêu ra gần đây, đặc biệt bản Phúc trình về các “Bloggers và Công dân mạng tại Việt Nam”.
Nghị quyết tố cáo những hăm dọa, sách nhiễu, tấn công, bắt bớ tùy tiện các nhà bất đồng chính kiến, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền, bloggers ngoài luồng hay trực tuyến, cũng như việc giam tù 32 bloggers, đặc biệt các trường hợp của Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, hay công an sách nhiễu các bloggers Lê Công Cầu và Huỳnh Ngọc Tuấn.
Nghị quyết cũng tố cáo việc trấn áp trầm trọng đối với Giáo hội Thiên chúa giáo và những giáo hội không được thừa nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Giáo hội Tin Lành, cũng như tố cáo các điều luật mơ hồ về an ninh quốc gia,  Pháp lệnh 44 bắt giam, đưa vào trại cải huấn hay nhà thương điên mà không thông qua tòa án. Nghị quyết cũng đề nghị sửa đổi bản Dự thảo Nghị định Internet sắp được ban hành cho phù hợp với các công ước nhân quyền quốc tế.

Trả lại tiếng nói cho người dân

Để tìm hiểu tầm quan trọng của Nghị quyết này, chúng tôi phỏng vấn bà Marietje Schaake, Báo cáo viên về tự do Internet của Quốc hội Châu Âu, thuộc Liên minh Tự do và Dân chủ Châu Âu, người đồng bảo trợ cho Nghị quyết về Việt Nam, bà Marietje Schaake cho biết:
Chúng tôi thúc đẩy chính quyền VN tôn trọng nhân quyền, đặc biệt đối với các bloggers và các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.
Marietje Schaake
Marietje Schaake: Đối với chúng tôi việc này rất quan trọng, một là nhấn mạnh một cách cụ thể rằng kỹ thuật thực sự tăng cường nhân quyền cho nhân dận, giúp họ truy cập thông tin, trả lại họ tiếng nói và thiết lập diễn đàn để báo động nạn tham những hay những vấn đề khác, như chúng ta đã thấy qua trường hợp các bloggers can đảm ở Việt Nam. Nhưng mặt khác, các chính quyền cũng lo sợ nên tìm cách giữ lấy sự kiểm soát khối dân chúng đã được giải phóng khỏi sự sợ hãi. Do đó, các chính quyền này sử dụng kỹ thuật để đàn áp và bịt họng những nhà hoạt động.
Vì vậy hôm nay chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của chính quyền Việt Nam và chúng tôi thúc đẩy chính quyền này tôn trọng nhân quyền, đặc biệt đối với các bloggers và các nhà hoạt động nhân quyền tại Việt Nam.
Ỷ Lan: Với quan hệ tốt hiện nay giữa Liên Âu và Việt Nam, bà có hy vọng bản Nghị Quyết hôm nay sẽ tác động chính quyền Việt Nam thực hiện việc tôn trọng nhân quyền không thưa bà?
Marietje Schaake: Đúng là vì chúng tôi đang có quan hệ tốt, và chúng tôi đang thương thảo trên vấn đề giao thương, tôi hy vọng Việt Nam sẽ xem xét những phê phán của chúng tôi trên phương diện nhân quyền, và hồi đáp sự nhắc nhở của chúng tôi rằng họ phải có trách nhiệm bảo trọng nhân dân của họ.
000_Par7533220-250.jpg
Các thành viên của Nghị viện châu Âu biểu quyết tại phiên họp vào ngày 17 tháng 4 năm 2013 ở Strasbourg miền đông nước Pháp. AFP PHOTO / FREDERICK Florin.
Đây chính là điều mà tôi cho là quan trọng khi nhắc tới bản Hiệp ước Đối tác và hợp tác Liên Âu – Việt Nam trong lời phát biểu của tôi chiều nay, và như thế tôi đã nhấn mạnh tới sự kiện bản Dự thảo Nghị định mới về Internet nếu được thông qua y như vậy, thì không những các công ty Việt Nam cung cấp dịch vụ Internet phải tuân lệnh kiểm duyệt hoặc giúp đỡ truy lùng những công dân mạng bất đồng chính kiến, mà ngay các công ty ngoại quốc cung cấp dịch vụ Internet cũng phải tuân theo.
Đây là vấn đề chủ yếu trong bối cảnh quan hệ giao thương và kinh tế. Cho nên, mặc dù tôi tin chuyện nhân quyền là quan trọng, nhưng mặt khác phải nhắc nhở tới sự kiện kiểm duyệt, theo dõi, và đàn áp Internet có tác động tiêu cực cho công cuộc giao thương, buôn bán, gây nguy hại cho phát triển kinh tế của Việt Nam.
Cho nên, sự kết hợp thúc đẩy Việt Nam tôn trọng nhân quyền, với việc mở cửa thị trường đưa tới nhiều cơ hội đầu tư và giao thương của Việt Nam với các nước khác, hy vọng sẽ thuyết phục nhà cầm quyền Việt Nam.

Cần áp lực Việt Nam

Ỷ Lan: Thưa bà, Nghị quyết đã được thông qua. Nay Quốc hội Châu Âu có những cơ cấu gì để thực hiện một Nghị quyết như thế không?
Tôi nghĩ rằng quan trọng là việc áp lực chính quyền Việt Nam. Sự kiện Nghị Quyết được thông qua là điều tối quan trọng.
Marietje Schaake
Marietje Schaake: Nay ta phải trông chờ vào Ủy ban Hành động Đối ngoại Liên Âu, vào Hội đồng Liên Âu tiếp tục quan tâm trong những kỳ Đối thoại Nhân quyền Liên Âu – Việt Nam sắp tới. Đây là diễn đàn thúc đẩy Việt Nam phải lưu ý tới những điều Liên Âu quan tâm, đặc biệt trên lĩnh vực nhân quyền. Nhưng vấn đề cũng có thể nêu lên trong các cuộc thương thảo hiện hành, mà Liên Âu có thể thêm vào những khoản đặt điều kiện cho nhân quyền.
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là giữ Việt Nam trên nghị trình chính trị của chúng tôi, để nhấn mạnh tới hoàn cảnh trong nước và tìm cách tiến hành thông qua mối quan hệ, tuy nhiên phải áp lực Việt Nam làm tròn nghĩa vụ của họ, và tôn trọng nhân quyền cho nhân dân họ.
Ỷ Lan: Bà có khuyến khích các xã hội dân sự Việt Nam tiếp tục vận động Quốc hội Châu Âu hậu thuẫn cho nhân quyền và tiến trình dân chủ hóa?
Marietje Schaake: Tôi nghĩ rằng quan trọng là việc áp lực chính quyền Việt Nam. Sự kiện Nghị Quyết được thông qua là điều tối quan trọng, và đây là lúc nhà cầm quyền Việt Nam phải ra tay chỉ huy để lãnh lấy trách nhiệm.
Chính sách đối ngoại và chính sách nhân quyền đều quan trọng, và tại Quốc hội Châu Âu chúng tôi phục vụ tận tụy suốt mọi ngày. Nhưng cuối cùng phải nói rằng, các chính quyền tại các quốc gia phải đảm lãnh lấy trách nhiệm của họ, chúng tôi không thể đổi thay từ ngoài.
Nhưng tôi tin tưởng các xã hội dân sự Việt Nam sẽ cảm thấy phấn khởi khi biết rằng chúng tôi đã thấy ra chuyện người ta sử dụng kỹ thuật để đàn áp nhân quyền. Chúng tôi nhận rõ cuộc đấu tranh của họ và chúng tôi đề cao các trường hợp của họ.
Ỷ Lan: Xin cám ơn bà Schaake đã dành cuộc phỏng vấn này cho Đài Á châu Tự do.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg.



Copy từ: RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét