CHƯA TỐT NGHIỆP TRƯỜNG ĐỜI.

Chủ Nhật, 10 tháng 2, 2013

THỨC THỜI VÀ THỜI THỨC




Khai bút của Nguyễn Thanh Hà.

Trong khoá đào tạo Phóng viên 1961 - 1964, chúng tôi được học tập nhiều thứ. Là "cán bộ biên chế" được đi học dài hạn, tôi và một số bạn đồng nghiệp chỉ phải trừ 5% lương. Đó là những năm có nhiều kỷ niệm khó quên.
Trong giáo trình gần 4 năm học, có giáo trình về "Lịch sử Đảng" chủ yếu là học quá trình thành lập và hoạt động của Đảng ta (Đảng Lao động trước đây và Đảng Cộng sản hiện thời). Cùng với học tương đối kỹ Lịch sử đảng ta, chúng tôi còn được học qua Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô và Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, nghe phổ biến những nét chính của Phong trào cộng sản và công nhân thế giới, xác định "hai con đường" và sự tất yếu giành thắng lợi cuối cùng của Phong trào Cộng sản thế giới.  Nhìn chung, hồi ấy chúng tôi đều còn trẻ, tôi chưa đến 30 tuổi, mới ở bộ đội chuyển ngành, các bạn học cùng có người công tác tại TTXVN, có người công tác tại Đài Tiếng Nói Việt Nam và phần đông là tuyển học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Đào tạo xong, cơ quan có ý đồ bổ sung một lực lượng trẻ cho TTX Giải Phóng miền Nam, còn lại thì tăng cường cho các bộ phận của TTXVN. Các bạn ở Đài thì về cơ quan cũ.
Về học "Lịch sử Đảng" chúng tôi, trong đó có tôi rất say mê và hứng khởi, như thấy mình được mở mang đầu óc rất nhiều. Ai cũng nhận thức được rằng cách mạng Việt Nam nếu không có Đảng Cộng sản lãnh đạo chắc chắn phải trải qua nhiều khúc quanh và con đường đi đến thắng lợi phải bằng phẳng và dễ dàng. Nhất thiết phải có Đảng tổ chức và lãnh đạo thì công cuộc cách mạng của nhân dân ta mới thành công. Mấy chục năm liền, có khi cho cả đến ngày nay, người dân Việt Nam, tuy lòng tin vào Đảng do chính cán bộ đảng viên làm lung lay, vẫn mơ mơ màng về "lòng tin ấy" mà nếu có sai lầm, kể cả "sai lầm nghiêm trọng" cũng vẫn chỉ là "hiện tượng" chứ không phải là "bản chất của Đảng".
Năm nay, Quý Tỵ, tôi bước vào năm thứ 79 cuộc đời. Còn khoẻ, những đã già. Hằng ngày sống dựa vào lương hưu ít ỏi, không có một nguồn thu nào khác. Các con cháu phương trưởng nhờ cha mẹ chúng đã nghiến răng chịu đựng vượt qua thời kỳ chiến tranh và bao cấp, nay nghĩ lại vẫn thấy rùng mình.
Cũng vì được học tương đối kỹ "Lịch sử Đảng" nên nhận rõ hơn quá trình lãnh đạo của Đảng và quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Trong 83 năm có Đảng và "được Đảng lãnh đạo", cách mạng Việt Nam, như mọi người thấy rồi, đã giành nhiều thắng lợi. Trải qua hơn 80 năm sống
dưới ách nô lệ của thực dân phong kiến (chứ không phải 1000 năm bị phong kiến Phương Bắc đô hộ), nước ta giành được Độc lập tự do, được giải phóng sau cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Theo lịch sử Đảng, hồi đó, Đảng CS mới có gần 5000 đảng viên, đất nước có 25 triệu đồng bào, nạn đói 1945 cướp đi hơn 2 triệu sinh mạng, còn 23 triệu. Tại sao, trong hoàn cảnh trứng nước, trong tay hầu như không có một phương tiện gì đáng kể, không một tấc sắt trong tay, mà 5000 đảng viên lãnh đạo 23 triệu người Việt Nam làm cuộc Tổng khởi nghĩa thành công vang dội, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng thời còn chuẩn bị tiềm năng cho cuộc kháng chiến Pháp 9 năm và sau đó là 21 năm kháng chiến chống Mỹ ở cả hai miền, giành hoà bình thống nhất nước nhà.

Sở dĩ, cách mạng tháng Tám 1945 thành công là do Đảng đã chớp được thời cơ, đồng thời rút được
kinh nghiệm xương máu qua "Xô-viết Nghệ Tĩnh" 1930-1931, qua khởi nghĩa Ba-Tơ và qua "Nam Kỳ khởi nghĩa" 1940, chính trong Lịch sử đảng đã thừa nhận các cuộc khởi nghĩa có nhiều manh động này Đảng chưa thực sự lãnh đạo và sau sự kiện xảy ra Đảng mới "xông vào" lãnh đạo uốn nắn
phong trào và tích luỹ thêm kinh nghiệm tiếp tục lãnh đạo cách mạng.
Nhưng "Lịch sử Đảng" lại chưa phân tích thật rõ ràng, "Vì sao ta lại có sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ (1953 và 1956) đã dẫn đến những thiệt hại to lớn trong Đảng, có hàng nghìn đảng viên cán bộ trung kiên của Đảng bị "oan" bị giết nhầm, đến nỗi cụ Hồ Chí Minh phải nhỏ lệ.
Đi đôi với sai lầm CCRĐ, là những sai lầm quản lý hộ khẩu, cải tạo CTN ở thành phố, và đấu tranh chống bọn "Nhân Văn Giai Phẩm"...Những cuộc đấu tranh giai cấp ấy đã để lại hậu quả vô cùng to lớn, rồi đến việc "theo chủ nghĩa giáo điều" trong chủ trương, chính sách của đảng về "chế độ bao cấp" về "xác định tính chủ đạo" của của kinh tế quốc doanh trong phát triển "kinh tế xã hội chủ nghĩa"...dẫn đến những " thất bại đau đớn, rồi xã hội không những chậm tiến, các giai tầng xã hội nghi ngờ, thủ tiêu nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến khối đại đoàn kết toàn dân. Việc giải tán 2 đảng "Mặt trận" là Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ" đã làm thủng một lỗ lớn trong việc xây dựng nền dân chủ của nước Việt Nam mới, từ đó sinh ra cái gì cũng do Đảng CS, đến nỗi trong dân lưu truyền câu "Mất mùa là tại thiên tai/Được mùa là tại thiên tài Đảng ta", tạo nên không khí và thói kiêu ngạo cho cán bộ đảng viên, từ kiêu ngạo đến không biết nghe lẽ phải, bỏ qua cái đúng, cái gì cũng cho
mình là đúng tất, xa dân, coi thường dân, quan liêu, tham nhũng lãng phí, làm thiệt hại vô cùng to lớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội nước nhà...
Kể sơ sơ như vậy cũng đã thấy, bên cạnh "thắng lơi" do Đảng ta mang lại (mà phần lớn lại do xương máu của nhân dân), là những sai lầm do Đảng ta gây ra. Như vậy, đúng là nhiều khi chúng ta "thức
thời" nhưng đến bây giờ vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, khi mà "chủ nghĩa xã hội thế giới" hầu như đã sụp đổ hoàn toàn, chủ nghĩa tư bản không hề bị "tiêu diệt", các dân tộc thế giới thêm tỉnh ngộ, họ không hoàn toàn theo chủ nghĩa tư bản mà cũng không muốn theo chủ nghĩa xã hội như mô hình đã có nhiều năm nay, mà họ cố gắng có một chế độ riêng rất khác, rất có lợi cho dân chủ cho phát triển kinh tế và xã hội trên đất nước họ.
Ví dụ như sự phát triển mạnh mẽ của Sin-ga-po, của Hàn Quốc, của Nhật Bản và của một loạt nước chấu Âu, châu Á, kể cả một số nước châu Phi. Sự ra đời và lớn mạnh của khối Đông Nam Á (ASEAN) đã chứng minh, họ không theo chủ nghĩa tư bản, cũng không theo chủ nghĩa xã hội như mô hình đã phá sản mà theo một định hướng riêng của họ và họ đã phát triển tốt, nền dân chủ của họ có nội dung và chất lượng hơn. Đó là "thời thức", thời đại phát triển nó thế, đi ngược lại sự phát triển ấy, e rằng là một sự bảo thủ rất có hại?
Tôi là một ông già 79 tuổi, đi theo Đảng từ lúc chưa đến 18 tuổi, được học chính trị và làm công tác báo chí cách mạng gần 40 năm, cuộc sống đã dạy tôi nhiều điều cơ bản. Những người lãnh đạo phát triển của dân tộc đó phải xứng đáng với vai trò lịch sử giao cho họ, phải rất công tâm, rất trí tuệ, trung thực và "công bộc" thật sự. Chứ còn cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" chưa bao giờ có trong hiện thực thì gắn vào cho vui thôi.
Dân tộc Việt Nam ưa nói thật, làm thật, ưa cái cụ thể hơn là những lời hoa mỹ, hứa hẹn suông./.
 
 

Copy từ: NV Phạm Viết Đào

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét